Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Hưởng - người phụ nữ ưu tú của quê hương An Giang

04:03 19/10/2022

Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, để ghi nhớ công ơn to lớn của phụ nữ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Chi đoàn cơ sở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng xin trân trọng giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của người đoàn viên ưu tú Huỳnh Thị Hưởng - người chiến sĩ cách mạng kiên cường, suốt đời trung thành với lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Chi đoàn cơ sở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

Đồng chí Huỳnh Thị Hưởng, sinh năm 1945, trong một gia đình trung nông tại ấp An Ninh, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sinh ra và lớn lên trong vùng căn cứ cách mạng, đồng chí Huỳnh Thị Hưởng với bí danh Sáu Hồng đã sớm tiếp thu lý tưởng cách mạng, đồng chí đã tham gia cách mạng từ khi 15 tuổi. Do sớm được tiếp cận với ánh sáng chân lý của Đảng và được răn dạy về trọng ân đối với tổ tiên, cha mẹ, đất nước, đồng bào từ gia đình nên đồng chí Huỳnh Thị Hưởng đã sớm bộc lộ ý chí kiên định, tinh thần yêu nước của mình.

Khi mới tham gia cách mạng, đồng chí Huỳnh Thị Hưởng làm công tác giao liên, mang thư của Chi bộ về văn phòng Huyện ủy Chợ Mới ở xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Năm 16 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và hai năm sau đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi tròn 18 tuổi. Con đường tham gia cách mạng của đồng chí trải qua nhiều sự bi thương từ sự ngăn cản của gia đình cho đến sự tra tấn dã man của kẻ thù, kể cả đến lúc hi sinh đồng chí vẫn luôn thể hiện được sự gan dạ, kiên trung của người chiến sĩ cộng sản.

Khi gia đình ngăn cản và buộc đồng chí phải ra chợ Cái Tàu Thượng học thêu thùa, may vá nhưng với ý chí kiên cường, hàng đêm Huỳnh Thị Hưởng vẫn đều đặn tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên. Sau một thời gian hoạt động, lo sợ ảnh hưởng đến gia đình, đồng chí Huỳnh Thị Hưởng đã thoát ly gia đình theo cách mạng. Nhưng gia đình lại tìm kiếm, khuyên răn đồng chí về với gia đình. Trong hoàn cảnh ấy, đồng chí vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình, tận tình thuyết phục cha mẹ, sau cùng với lòng quyết tâm vì lý tưởng thanh niên trước cảnh nước mất nhà tan của Huỳnh Thị Hưởng nên gia đình cũng đành chấp thuận. Từ ngày thuận theo chí hướng của Huỳnh Thị Hưởng, gia đình của đồng chí luôn ủng hộ cách mạng về cả vật lực và nhân lực (cả 5 người con đều tham gia du kích mật ở Hội An).

Với ngoại hình nhỏ nhắn nhưng đồng chí rất say mê hoạt động cách mạng, đặc biệt là hoạt động vũ trang, diệt ác, phá kiềm. Huỳnh Thị Hưởng có biệt tài bắn súng và gài trái rất nhanh được đồng đội rất kính nể, xem đồng chí chẳng khác nào chỉ huy. Sáng kiến đục lỗ trong thân cây để gài lựu đạn vào rồi dán truyền đơn lại đã gieo nỗi khiếp sợ cho lính nguỵ lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, cách nói năng lễ phép, tinh thần hết lòng vì cách mạng, tận tụy với công việc, tận tình với đồng chí, đồng đội đã tạo nên một Huỳnh Thị Hưởng làm công tác vận động, gây dựng cơ sở rất giỏi giang, hiệu quả. Thật vậy, có những gia đình vì bị địch tác động nên lo sợ không dám dính líu đến cách mạng nhưng rồi được đồng chí thuyết phục vài lần đã sẵn lòng tham gia cách mạng, nuôi chứa cán bộ chiến sĩ. Những năm địch tăng cường lập ấp chiến lược, cô lập cách mạng, Huỳnh Thị Hưởng lại tích cực vận động thanh niên phá vỡ âm mưu của địch, ngày ở hầm, đêm đến lại cùng đồng đội phá hàng rào, sang bờ chướng ấp chiến lược.

Năm 1963, đồng chí Huỳnh Thị Hưởng được Đảng phân công, phụ trách Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hội An. Sau đó, đồng chí được giao nhiệm vụ là chi ủy viên chi bộ Hội và nhiệm vụ đầu tiên mà Chi uỷ giao cho đồng chí là tiêu diệt tên xã trưởng Hoanh nổi tiếng ác ôn. Qua quá trình xem xét, Huỳnh Thị Hưởng đã lên kế hoạch bắt xã trưởng Hoanh ngay tại lễ cúng đình vào ngày ngày 16 tháng 6 năm 1965. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành và đồng chí bị địch bắt. Sau khi bị địch bắt, bọn chúng dùng mọi thủ đoạn dù mềm mỏng hay cứng rắn đều không thể khuất phục được ý chí của người Đảng viên ấy. Cuối cùng, chúng đã dùng nhục hình tra tấn đồng chí liên tục trong ba ngày, nhằm moi thông tin mật, từ đánh đập cho đến đóng đinh sắt vào ngón tay,... Tuy nhiên, tất cả đều vô dụng với người con gái 20 tuổi “mình đồng da sắt” ấy. Bọn man rợ lôi chị ra chợ Cái Tàu, trong hình hài đẫm máu vì đòn roi tra tấn, Huỳnh Thị Hưởng điềm tĩnh trấn an người dân: “Bà con an tâm, tôi không khai báo gì, tôi có chết còn nhiều người khác làm cách mạng. Cách mạng nhất định sẽ thắng lợi”. Vừa dứt lời, lính Mỹ hậm hực đạp đồng chí té lăn rồi kéo đồng chí về đồn để tiếp tục tra tấn. Huỳnh Thị Hưởng đã gượng dậy, ngước cổ trả lời tên cố vấn Mỹ: “Tôi chống xâm lược chứ không chống nước Mỹ”. Tại sao một Huỳnh Thị Hưởng nhỏ nhắn lại dũng cảm và cương nghị một cách phi thường đến vậy?. Chắc chắn rằng, đó không gì ngoài lòng yêu nước của người Việt Nam!

Chính lòng yêu nước đã tạo nên chân dung một nữ anh hùng kiên trung, buất khuất đã làm cho kẻ thù bất lực trong việc khai thác thông tin nên khuya ngày 16 tháng 7 năm 1965, bọn chúng đã lén lúc xử tử đồng chí một cách man rợ nhất. Đồng chí Huỳnh Thị Hưởng hi sinh với một thân thể không còn nguyên vẹn nằm chơi vơi bên bờ kinh Cái Tàu. Có thể thấy rằng, sự hi sinh của đồng chí là sự hi sinh trong đau đớn tột cùng về mặt thể xác nhưng lại là sự hi đầy oai hùng về ý chí, bản lĩnh chính trị của người chiến sĩ cách mạng. Tinh thần bất khuất, lời tuyên bố đanh thép, hành động dứt khoát, bản lĩnh kiên cường của “Sáu Hồng” khiến mọi kẻ thù đều phải “bất lực”. Người chiến sĩ “mãi mãi tuổi 20” năm đó đã hy sinh tính mạng để quyết tâm bảo vệ đồng chí, bảo vệ các cơ quan của Đảng. Huỳnh Thị Hưởng không còn nhưng tên tuổi của đồng chí đã gắn liền, trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử phát triển của quê hương Chợ Mới như để nhắn nhủ cho thế hệ trẻ chúng ta về khí tiết phi thường của người con An Giang. Để ghi nhận sự đóng góp to lớn của đồng chí Huỳnh Thị Hưởng đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà, ngày 29-3-1985, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho đồng chí. Cuộc đời của đồng chí chỉ có vỏn vẹn 20 năm nhưng đong đầy sự nhiệt huyết, sự cống hiến quên mình của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước.

Ngày nay, tiếp nối tấm gương cao đẹp của đồng chí Huỳnh Thị Hưởng, một người con ưu tú của vùng đất giàu truyền thống cách mạng huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cùng với nhiệm vụ trong thời đại mới là đưa đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, hơn bao giờ hết, mỗi thanh niên cần phải kiên quyết giữ vững lập trường, bản lĩnh cách mạng; ngăn chặn, đấu tranh với những hành động chống phá của thế lực thù địch. Trên tinh thần đó, phụ nữ Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nói chung và các bạn nữ đoàn viên thanh niên của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nói riêng, luôn phải quyết tâm, nỗ lực học tập, tu dưỡng bản thân, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ được giao, mãi xứng đáng với 8 chữ vàng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo huyện ủy Chợ Mới, Lịch sử Đảng bộ huyện Chợ Mới.

2. Đảng uỷ xã Hội An (2005), Xã Hội An 75 năm đấu tranh và xây dựng.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang (2013), Địa chí An Giang.

4. Xem tại: http://tuyengiaoangiang.vn/index.php/lich-su-dang/nhan-vat-su-kien/2762-nu-anh-hung-huynh-thi-huong

5. Xem tại: http://tuyengiaoangiang.vn/lich-su-dang/4083-ton-vinh-tam-guong-anh-hung-liet-si-huynh-thi-huong.html

 

các tin khác