Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Nâng cao chất lượng vận động chức sắc tôn giáo ở An Giang trong giai đoạn hiện nay

08:43 25/05/2018

     Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh hiện thực khách quan, theo quan niệm hoang đường, ảo tưởng phù hợp với tâm lí, hành vi của con người. Với vị trí là một bộ phận của ý thức xã hội, nên sự tồn tại của tôn giáo là một tất yếu khách quan. Xuất phát từ quan điểm trên, hiện nay ở nước ta tôn giáo được xem là một nhu cầu tâm lý tâm linh của một bộ phân Nhân dân. Sự tồn tại và phát triển của tôn giáo bởi nhiều yếu tố tác động, trong đó phải kể đến vai trò của tín đồ tôn giáo mà đặc biệt là vai trò chức sắc tôn giáo.
 

     Chức sắc tôn giáo là tín đồ tôn giáo có chức vụ, phẩm hàm, có vị trí, vai trò lớn trong các hoạt động lãnh đạo, quản đạo và truyền đạo, được cộng đồng, tổ chức tôn giáo suy tôn và thừa nhận. Chức sắc, chức việc tôn giáo của mỗi giáo hội là người trực tiếp chăm lo đời sống tôn giáo của tín đồ, là người đại diện, tập hợp và điều hướng mọi hoạt động tín ngưỡng của tín đồ. Đây là lực lượng này có ảnh hưởng lớn đến các tín đồ tôn giáo. Do đó, chức sắc tôn giáo chính là đối tượng đặc biệt quan trọng mà công tác tôn giáo, cần phải được quan tâm thường xuyên. 
 

     Công tác vận động chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo thời gian qua đã và đang từng bước đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự phối hợp điều hành của chính quyền, cùng với sự đổi mới trong phương thức hoạt động, các tôn giáo nói chung, chức sắc tôn giáo nói riêng ngày càng thể hiện đường hướng hoạt động tiến bộ và tuân thủ pháp luật. 
 

     Là một địa phương có nhiều tôn giáo, những năm qua An Giang đã tập trung thực hiện chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước gắn với chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo. 
 

     Có thể nói rằng đa số tín đồ, chức sắc, chức việc trong tỉnh tin tưởng vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tôn giáo; hoạt động đúng hướng, gắn bó với dân tộc. Đa số tín đồ tôn giáo có ý thức tốt trong tham gia các phong trào giữ gìn an ninh trật tự, ủng hộ các chủ trương, chính sách địa phương; có ý thức xây dựng khối đại đoàn kết, làm tốt nghĩa vụ công dân. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội… Những năm gần đây đã có nhiều cá nhân và tổ chức tôn giáo, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhiều chức sắc, chức việc là những cá nhân tiêu biểu, gương mẫu ở địa phương trong thực hiên các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
 

     Một điểm nổi bậc là các tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành thời gian qua ngoài hoạt động hành đạo của mình còn thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân, sống hòa nhập với cộng đồng dân tộc; tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, như: Làm cầu, đường nông thôn, chỉnh trang đô thị, thành lập và vận hành các đội xe chuyển bệnh miễn phí do Nhân dân, đóng góp hàng năm từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng cho công tác từ thiện. 
 

     Nhiều nơi trong tỉnh đã gắn cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo với các loại hình du lịch tâm linh, tham quan, du lịch như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, các cơ sở thờ tự trên núi Cấm; kiến trúc cổ của Nhà thờ Năng Gù, cù lao Giêng, dòng Chúa quan phòng… thu hút hàng triệu du khách đến An Giang tham quan và thực hành các nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của các tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm, cụ thể như trong có 22 chùa văn hóa, 1 chùa được công nhận kiến trúc nghệ thuật cấp Trung ương, 1 chùa di tích khảo cổ, 6 chùa di tích văn hóa.
 

     Ngoài ra với chính sách dân tộc, tôn giáo, An Giang luôn tạo điều kiện cho các chức sắc, chức việc chùa Khmer sinh hoạt tôn giáo, trang bị kinh sách và mở lớp tập huấn cho 16 tăng sinh khắc chữ Pali trên lá buông nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, trùng tu, xây mới cơ sở thờ tự; triển khai thực hiện dự án xây dựng và đưa vào sử dụng 20/22 lò hỏa táng ở các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng; hỗ trợ mở 1 lớp dạy đàn Chà Pây và 12 lớp sơ cấp Pali cho khoảng 195 học viên, với tổng kinh phí trên 70 triệu đồng.
Có thể nói nhu cầu hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn được giải quyết kịp thời, thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật. Đời sống của đồng bào các tôn giáo ngày càng được nâng cao; mối quan hệ giữa các tôn giáo nói chung, chức sắc, chức việc nói riêng với cấp ủy, chính quyền địa phương được cải thiện và phát triển tốt. Các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới, sống “tốt đời, đẹp đạo” do Mặt trận Tổ quốc phát động được chức sắc, chức việc,nhà tu hành và tín đồ tôn giáo hưởng ứng tích cực… Qua đó, tạo sự gắn bó hòa hợp, giữa chính quyền các cấp với chức sắc các tôn giáo ngày càng thân thiện, cởi mở. Chính quyền các cấp đã chủ động, lắng nghe để hiểu tâm tư, nguyện vọng nguyện vọng các chức sắc, chức việc tôn giáo, đáp ứng những nhu cầu chính đáng, hợp pháp của cá nhân, tổ chức tôn giáo. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các chức sắc tôn giáo, gia đình chính sách người theo tôn giáo nhân các ngày lễ trọng như: Lễ Phật đản, Lễ Vu lan, Lễ Noel, Lễ Phục sinh, Tết Nguyên đán… Tổ chức các hội nghị công tác chuyên đề về tôn giáo để biểu dương các tín đồ tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt “việc đạo, việc đời”.
 

     Nhiều chức sắc, chức việc tôn giáo được bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, nhờ đó có sự hiểu biết sâu sắc về giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo và nhất là nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, qua đó có phương pháp tập hợp tín đồ phù hợp, đúng giáo luật, luật pháp góp phần vào sự ổn định và phát triển của địa phương.
 

     Trước những thành tựu trên, sắp tới để công tác vận động tôn giáo nói chung và vận động chức sắc tôn giáo nói riêng đạt hiệu quả cao góp phần thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước hiện nay; công tác vân động chức sắc tôn giáo cần quan tâm một số giải pháp sau: 
 

     Một là, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương mà đặc biệt  là Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa IX) về công tác tôn giáo. Bảo đảm cơ chế phối hợp giữa Mặt trận, đoàn thể dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, kết hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo với công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Các địa phương tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của đơn vị mình trong công tác tôn giáo. Cần đa dạng về phương pháp, hình thức tuyên truyền giúp nhân dân và tín đồ các tôn giáo nhận thức đầy đủ hơn quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách tôn giáo...
 

     Hai là, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp mà đặc biệt là cấp cơ sở. Trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như cơ sở vật chất để các cán bộ tôn giáo hoạt động có hiệu quả. Giải quyết kịp thời những đề nghị chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tín đồ các tôn giáo, không để xảy ra các sự việc phức tạp liên quan đến tôn giáo kéo dài. Tạo dựng được niềm tin cho các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đối với công tác tôn giáo của ta, tạo tiền đề cho công tác vận động tôn giáo ngày một tốt hơn.
 

     Ba là, tuyên truyền và vận động các tín đồ, chức sắc, chức việc tôn giáo nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giúp đồng bào có đạo nhận thức rõ chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, phân biệt được giữa hoạt động tôn giáo thuần túy với hoạt động lợi dụng tôn giáo, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các phần tử xấu, âm mưu lợi dụng tôn giáo phá hoại chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Vận động các tín đồ thực hiện tốt các đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy những nét đẹp truyền thống, những yếu tố tích cực, những điểm tương đồng trong các tôn giáo.  Thực hiện tốt công tác chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn đối với các tà đạo, “đạo lạ” ở địa phương; đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp ở địa phương. 
 

     Bốn là, các cấp ủy Đảng, chính quyền dành nhiều thời gian tiếp xúc, thăm hỏi, chúc mừng, giao lưu nhân ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc tới các chức sắc, chức việc tôn giáo. Tổ chức các hội nghị, các buổi gặp mặt, giao lưu với các chức sắc tôn giáo; nhất là các vị mới được luân chuyển, bổ nhiệm về địa phương để trao đổi, nghe các vị chức sắc bày tỏ tâm tư nguyện vọng, tạo không khí cởi mở, hòa nhập. 
 

     Năm là, lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao trình độ dân trí và đảm bảo sức khoẻ cho Nhân dân. Đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách giảm nghèo, chính sách tôn giáo, dân tộc... nhằm phát huy trách nhiệm công dân của đồng bào có đạo đối với cộng đồng, chăm lo ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu vùng xa là cơ sở quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng.
 

     Sáu là, xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt chính trị trong các đoàn thể, các giáo hội tăng cường công tác vận động, tranh thủ người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành để nắm thông tin kịp thời giải quyết các vấn đề về tôn giáo bảo đảm thành công công tác vận động tôn giáo hiện nay.
 

     Vận động các chức sắc, chức việc các tôn giáo là một nhiệm vụ rất quan trọng có yếu tố quyết định đến sự thành công của công tác tôn giáo hiện nay. Đối với chức sắc, chức việc tôn giáo cần phải kiên trì, khéo léo, chân tình, cởi mở trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Công tác vận động phải tiến hành thường xuyên, có sự phối hợp và thống nhất hành động trong cả hệ thống chính trị. Nhất là nội dung vận động các chức sắc, chức việc phải phù hợp với đặc thù của từng tôn giáo. Chú trọng việc thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ trong công tác vận động các chức sắc và tín đồ tôn giáo làm cho hoạt động tôn giáo trên địa bàn ổn định theo hướng tuân thủ pháp luật; đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, và không tín ngưỡng của công dân ./.
 

* Tài liệu tham khảo:
1. Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018. 
2. Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa IX) về công tác tôn giáo.
3. Báo cáo tổng kết hoạt động đạo sự từ thiện xã hội năm 2017 của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo 
4. Báo cáo tổng kết công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo năm 2017 và nhiệm vụ công tác năm 2018 của Ban Tôn giáo - An Giang.

Trần Vũ Minh - Khoa Dân Vận

Responsive image
 

 

các tin khác