Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 và bài học lịch sử

03:50 09/03/2018

     Cách đây tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta với lòng quả cảm, sáng tạo và bản lĩnh đã anh dũng chiến đấu giành lấy thắng lợi to lớn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tạo ra bước ngoặt chiến lược có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, để lại bài học lịch sử quý giá cho đến ngày nay.
 

     Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được tiến hành đồng loạt trên phạm vi rộng, mục tiêu tiến công là các trung tâm đầu não chỉ huy trọng yếu của Mỹ và chính quyền ở Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế,… Bắt đầu từ chiến dịch nghi binh đường 9 - Khe Sanh, trước Xuân Mậu Thân,sau đó  Bộ Tổng tham mưu đã kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng điều chỉnh lực lượng, xây dựng thế trận tác chiến, chính xác, khoa học, kịp thời cho toàn bộ cục. Tại chiến trường Sài Gòn - Gia Định chúng ta nổ súng đánh chiếm một phần Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, tòa đại sứ Mỹ, Tổng Nha cảnh sát,… Ở chiến trường Huế, chúng ta đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng của địch và giải phóng thành phố Huế. Ở chiến trường Đà Nẵng, quân ta đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, chốt chặn và cắt đứt giao thông trên đường số 14, 19, 21, cô lập địch, các đơn vị đặc công Quân khu 5 luôn tiến sâu tiêu diệt địch ở Phước Tường, nam Đà Nẵng, thị xã Hội An. Đến tháng 3 - 1968, chúng ta lui quân kết thúc cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, đồng thời đề ra chủ trương hoạt động tác chiến phù hợp cho thời gian tiếp theo.
 

     Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã thể hiện được nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo vừa kế thừa, tiếp nối truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta, vừa thể hiện nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta bằng một cách đánh mới vừa bí mật, vừa bất ngờ làm cho kẻ thù không thể phán đoán và đối phó. Chúng ta không chỉ bao vây đánh địch từ bên ngoài vào trong mà còn kết hợp từ trong đánh ra, đánh địch bằng nhiều hình thức (quân sự, chính trị, binh vận); đánh địch bằng nhiều lực lượng (chủ lực, đặc công, biệt động, lực lượng tại chỗ); kết hợp giữa tiến công và nổi dậy đồng loạt rộng khắp trên toàn chiến trường… làm cho quân địch phải sững sờ, choáng váng. Các đòn tiến công của ta đã trúng vào các mục tiêu yết hầu, huyết mạch của địch, trúng vào các mục tiêu nhạy cảm như: kho tàng, sân bay, bến cảng và đặc biệt là Tòa đại sứ Mỹ, đưa chiến tranh vào trong lòng nước Mỹ, vạch trần bộ mặt dã dối, lừa gạt của viễn chinhh Mỹ trước nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình. Chiến thắng Mậu Thân 1968 là chiến thắng của lòng quả cảm dám đánh, quyết đánh và chiến thắng kẻ thù lớn mạnh của dân tộc Việt Nam.
 

     50 năm đã qua, ý nghĩa lịch sử của bản hùng ca Mậu Thân vẫn còn thể hiện sáng ngời khí phách Việt Nam. Để viết tiếp bản hùng ca đó, các thế hệ Việt Nam hôm nay cần tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và thấm thuần một số bài học sau:
 

     - Phải luôn chủ động và quyết đoán trong chỉ đạo thực hiện đường lối, chiến lược, sách lược bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
 

     - Thể hiện sáng ngời ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần hy sinh cao cả, khát vọng hòa bình thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
 

     - Cần rút ra bài học lý luận và thực tiễn sâu sắc , từ đó vận dụng tốt vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 

     Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi là một sự kiện lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi không chỉ giáng cho địch một đòn chí tử, làm chấn động nước Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược trên chiến trường, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Pari… mà thắng lợi ấy vẫn là bài học lớn cho chúng ta hôm nay.                

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, tập V: Tổng tiến công và nổi dậy 1968, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2001.
2. Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 1994.
3. Gabriel KolKo: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, H.1989,T1.

TS. Nguyễn Hoàng Sa
Trưởng Phòng NCKH-TT-TL

Responsive image
 

 

các tin khác