Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng âm thanh vượt quá quy chuẩn kỹ thuật trên địa bàn tỉnh An Giang – Thực trạng và giải pháp

08:30 27/09/2018

     Những năm qua, các hình thức giải trí qua hệ thống âm thanh công suất lớn và hình thức sử dụng các thiết bị âm thanh khác cơ động, gọn nhẹ, tiện sử dụng đã tạo ra hiệu ứng phong trào ca hát trong việc cưới, việc tang, lễ hội, liên hoan, đám tiệc...Có thể thấy, ca hát là nhu cầu giải trí lành mạnh, chính đáng và cần thiết trong đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, việc sử dụng âm thanh vượt quá quy chuẩn kỹ thuật theo qui định gây bức xúc trong nhân dân. Đây là một thực trạng cần phải có sự can thiệp của các cơ quan chức năng và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm bởi nó là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự và ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.
      Hiện nay, theo số liệu báo cáo của 11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh có 730 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh và dàn karaoke lưu động; ngoài ra chưa kể đến các dàn âm thanh của những người bán kẹo kéo, bán bánh lưu động, quảng cáo tại các siêu thị, cửa hàng, quảng cáo bằng loa di động... Trước tình hình trên, nhiều địa phương đã yêu cầu các chủ cơ sở cho thuê âm thanh thực hiện cam kết về công suất và thời gian hoạt động, tuy nhiên một số cơ sở cho biết do chủ hộ yêu cầu nên họ phải hoạt động quá giờ và hát lớn thậm chí họ còn yêu cầu phải trang bị những bộ loa cực khủng, công suất và độ khuyếch đại âm thanh cực lớn khi tổ chức đám tiệc. Việc sử dụng âm thanh quá lớn, kéo dài nhiều giờ đã có tác động xấu đối với sức khỏe của con người và hạ thấp chất lượng cuộc sống của xã hội như làm che lấp tiếng nói trong trao đổi thông tin, quấy rối sự yên tĩnh và giấc ngủ của con người, giảm năng suất lao động, học tập….
     Như vậy có thể thấy việc sử dụng âm thanh vượt quá quy chuẩn kỹ thuật trong đời sống cộng đồng dân cư hiện nay thật sự là một “vấn nạn” ở nhiều địa phương, nhưng hầu như chưa có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể :
     Một là, do nhu cầu của các hộ gia đình và nhất là sự cạnh tranh trong kinh doanh cho thuê âm thanh đám tiệc nên các chủ cơ sở cho thuê âm thanh đám tiệc ngày càng đầu tư các dàn âm thanh hiện đại hơn, công suất lớn hơn;  
     Hai là, do mâu thuẫn giữa các gia đình lân cận. Chẳng hạn hôm qua, nhà này có đám tiệc hát nhạc ầm ĩ, hôm sau nhà kế bên thuê dàn âm thanh lớn hơn, hát lớn hơn cho hả giận;
     Ba là, do chưa có văn bản quy định cụ thể. Năm 2016, UBND tỉnh An Giang ban hành Chỉ thị số 2648/CT-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2016 về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hóa gây tiếng ồn, làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh An Giang. Năm 2017 thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang ban hành Công văn số 814/SVHTTDL-QLVH ngày 28 tháng 4 năm 2017 về việc hướng dẫn tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa gây tiếng ồn vượt quá mức quy định và Công văn số 874/SVHTTDL-QLVH ngày 08/5/2017 về việc áp dụng Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong hướng dẫn có nêu tùy vào trường hợp vi phạm cụ thể, các hình thức xử lý vi phạm áp dụng theo Nghị định số  155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang nêu các mức xử phạt để tham khảo căn cứ vào mức độ vi phạm chứ chưa có văn bản nào quy định cụ thể về xử lý các hoạt động văn hóa gây tiếng ồn vượt quá mức quy định. Từ đó Ủy ban nhân dân các huyện thị ban hành quyết định phê duyệt bổ sung nội dung vào Quy ước ấp trên địa bàn. Chẳng hạn như theo Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 28/4/2017 của Ủy ban nhân dân huyện An Phú ban hành về việc phê duyệt bổ sung nội dung vào Quy ước ấp trên địa bàn huyện An Phú, trong đó có bổ sung nội dung như : Hộ gia đình không che rạp lấn, chiếm lòng, lề đường khi tổ chức đám tiệc tại gia đình. Khi sử dụng dàn âm thanh tổ chức sinh hoạt văn nghệ trong khu dân cư và trong các đám tiệc cần đảm bảo về âm thanh, tiếng ồn không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;  Các tổ chức, cá nhân không hoạt động các dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, làm mất an ninh trật tự như: xe bán hàng có kèm hát karaoke, hoạt động quảng cáo, rao bán hàng bằng loa có công suất lớn, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Tuy nhiên, trong Quy ước không có nêu trường hợp vi phạm các nội dung trên thì sẽ xử lý như thế nào vì vậy dẫn đến việc xử lý các trường hợp vi phạm là không có cơ sở.
     Bốn là, theo Thông tư số 39/2010-BTNMT Quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường ngày 16/12/2010, trong đó có QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn thì khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn (theo mức âm tương đương) từ 6 giờ đến 21 giờ là 70 dBA, từ 21 giờ đến 6 giờ là 55 dBA và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chuẩn này. Vậy máy đo độ ồn là cần thiết trong việc xác định âm thanh có vượt quy chuẩn hay không và cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường mới có trách nhiệm thực hiện việc đo độ ồn. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các huyện chỉ có 01 máy đo độ ồn thuộc quản lý của Phòng Tài nguyên và Môi trường và cán bộ muốn đi đo được độ ồn phải được cấp chứng chỉ đào tạo, cơ quan công nhận kết quả đo tiếng ồn thì cơ quan đó phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điện kiện hành nghề trong lĩnh vực quan trắc tài nguyên và môi trường, nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì chưa được cấp giấy chứng nhận này. Từ đó cho thấy công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc xử lý vi phạm hành chính tiếng ồn là chưa tốt. Chỉ có cán bộ, công chức đang thi hành kiểm tra mới có thẩm quyền lập biên bản. Tuy nhiên, đối với các trường hợp hát nhạc trong các đám cưới quá 10 giờ tối, nếu không có Đoàn kiểm tra theo Quyết định của UBND huyện (hoặc ở xã, thị trấn thì Quyết định của UBND xã, thị trấn) thì để lập biên bản họ là khó khăn bởi không có cơ sở pháp lý và không có thẩm quyền, lúc đó chỉ có thể nhắc nhở và đề nghị họ ngưng sử dụng.
     Năm là, do nhu cầu của người dân và ý thức của họ đối với môi trường sống xung quanh còn thấp và đặc biệt các cơ sở cho thuê âm thanh đám tiệc cũng biết được là huyện, xã không ai có thể đo độ ồn hoặc chưa được trang bị thiết bị đo độ ồn nên cứ vô tư hát mà không sợ bị xử lý và các hộ gia đình cũng không có gì phải lo ngại.
     Sáu là, do phong tục, tập quán, ảnh hưởng tâm lý người phương Đông khi gia đình có hiếu, hỉ… chính quyền địa phương cũng thông cảm, chủ yếu nhắc nhở là chính chứ không đành lòng đến lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng âm thanh, tiếng ồn vượt quá quy chuẩn qui định nên từ đó cũng không tạo được sức răn đe đối với cộng đồng dân cư.
     Từ những nguyên nhân nêu trên, bản thân thiết nghĩ trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng âm thanh vượt quá quy chuẩn kỹ thuật theo qui định cần phải thực hiện các giải pháp sau đây: 
     - Cần phải có sự kiên quyết của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động quản lý nhà nước đối với hành vi sử dụng âm thanh, tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật theo qui định.
     - Kiến nghị, đề xuất với Trung ương bổ sung các quy định trong các văn bản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn trong quy định về quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính về đảm bảo sự yên tĩnh chung (Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP) theo hướng, nếu trường độ, tần suất và cường độ âm thanh phát ra từ nguồn vi phạm càng cao, càng lớn thì mức xử phạt cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận như quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
     - Tổ chức, triển khai các văn bản pháp luật, các quy định có liên quan cho các dịch vụ, cơ sở cho thuê âm thanh, karaoke ngoài trời… trên địa bàn tỉnh nắm rõ và thực hiện đúng theo qui định. 
     - Trang bị máy đo độ ồn cho các cơ quan chức năng các cấp nhằm tăng cường công tác kiểm tra xử phạt các hành vi vi phạm. Đây là phương tiện cần thiết để kiểm tra độ ồn, từ đo mới có cơ sở xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Mời đơn vị có chức năng tập huấn cán bộ sử dụng thiết bị đo tiếng ồn cho lực lượng kiểm tra văn hóa và cấp giấy chứng nhận theo quy định, bảo đảm giá trị pháp lý để thực thi nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả công tác.
     - Thường xuyên đưa cán bộ, công chức đi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi pháp luật nhằm nắm rõ các quy trình, nguyên tắc xác lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các văn bản pháp luật để xử phạt… đảm bảo đúng qui định pháp luật không để có trường hợp bị khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
     - Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, cơ quan có thẩm quyền trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:
     + Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan có kế hoạch thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành. 
     + Công an tỉnh phối hợp các ngành có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo thẩm quyền.
     - Ủy  ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp cần phải tổ chức, quán triệt trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tổ chức hoặc tham gia đám cưới, đặc biệt lãnh đạo cơ quan, đảng viên, công chức, viên chức phải thực hiện gương mẫu, nghiêm chỉnh trong việc tổ chức đám, tiệc tại gia đình, không sử dụng các dàn âm thanh gây tiếng ồn vượt mức quy định theo quy ước của cộng đồng. Nếu phát hiện vi phạm cần đề xuất các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo đúng qui định pháp luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chú trọng nội dung thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sử dụng âm thanh công suất lớn trong sinh hoạt văn nghệ trong công tác phúc tra, đề xuất công nhận các đơn vị đạt danh hiệu khóm, ấp văn hóa, không công nhận đối với các đơn vị để xảy ra các hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.
      + UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên quan tâm công tác chỉ đạo các phòng chuyên môn, đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, tham mưu xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
     - Làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thông qua hệ thống Cổng thông tin điện tử, Đài truyền thanh, các buổi họp dân ở địa bàn dân cư của các Hội, Đoàn thể, tuyên truyền nội dung sử dụng âm thanh vào Quy ước cộng đồng dân cư, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cụ thể:
     + Đài Truyền thanh huyện, thị, thành phố cần tăng cường viết tin, bài, phỏng vấn và tăng thời lượng tuyên truyền nội dung quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn, về các hoạt động văn hóa lành mạnh trong ngày trên hệ thống truyền thanh để cho đông đảo nhân dân biết đồng thời nêu gương, nhân rộng các hộ gia đình tổ chức tiệc cưới văn minh, không kéo dài thời gian và sử dụng âm thanh hát nhạc lớn.
     + Các ngành chức năng lồng ghép nội dung xây dựng mẫu quy ước đồng thuận về việc sử dụng dàn âm thanh tổ chức sinh hoạt văn nghệ trong khu dân cư và trong các đám tiệc, hướng dẫn cho các địa phương chấp hành tốt các quy chuẩn về tiếng ồn trong việc cưới, tang, lễ hội, sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt cần phải cụ thể hóa trong các quy ước cụ thể trên từng địa bàn dân cư (phải phù hợp với tập quán, giờ giấc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc). Ngoài ra, quy ước quy định cụ thể về trách nhiệm của hộ gia đình khi tổ chức sinh hoạt văn nghệ, phải thông báo nội dung, chương trình với chính quyền địa phương nếu tổ chức sinh hoạt văn nghệ có tiếng ồn vượt quá mức quy định hiện hành. Từ đó sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đồng thời gắn kết hơn nữa tình làng nghĩa xóm trong quá trình xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị.
      Tóm lại, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh An Giang, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bằng các hình thức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Ngoài ra, nhiều loại hình vui chơi giải trí phục vụ quần chúng nhân dân trong các lễ hội đã đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên hiện nay có một số loại hình vui chơi giải trí gây ảnh hưởng không tốt trong đời sống xã hội chẳng hạn như hoạt động kinh doanh cho thuê âm thanh ca hát tại các đám tiệc, karaoke lưu động, hoạt động mua bán quảng cáo bằng loa phóng thanh có công suất lớn gây tiếng ồn làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe, đời sống và gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, thuyết phục đồng thời tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là vấn đề cấp thiết nhằm đảm bảo anh ninh, trật tự, đảm bảo môi trường sống tốt đẹp cho nhân dân đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng./.
---------------------------------------------------
* Tài liệu tham khảo:
- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
- Nghị định số  155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; 
- Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo;
- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;
- Chỉ thị số 2648/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2016 về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hóa gây tiếng ồn, làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh An Giang;
- Công văn số 814/SVHTTDL-QLVH của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang ban hành ngày 28 tháng 4 năm 2017 về việc hướng dẫn tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa gây tiếng ồn vượt quá mức quy định;
-

Phan Thị Tuyết Minh - Khoa Nhà nước và Pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác