07:52 24/03/2023
Cách đây 103 năm, trong căn phòng nhỏ hẹp tại Thủ đô Pari, giữa đêm khuya thanh vắng, có một sự kiện chính trị định hướng tư tưởng cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm trường nô lệ: Nguyễn Ái Quốc tiếp cận ánh sáng cách mạng từ trong Sơ thảo Luận cương của Lênin. "Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin" (Chế Lan Viên) - đó là thời khắc lịch sử thiêng liêng nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhất là 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Bác Hồ kính yêu. Thời gian đã lùi xa và thế giới hiện đã có nhiều đổi thay to lớn, song tư tưởng của Lênin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới.
Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lênin không chỉ mở ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn soi sáng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Suốt 25 năm, đồng chí Lênin là người tổ chức và lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, đội tiên phong đã đưa giai cấp vô sản Nga đến cách mạng thắng lợi, đồng thời cũng là người lãnh đạo giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới. Đồng chí Lênin là người đã phát triển và đã thực hiện chủ nghĩa Mác và Ăngghen, là người đã dạy bảo chúng ta đường lối cách mạng chắc chắn thắng lợi".
Dưới sự lãnh đạo của Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới nổ ra và giành thắng lợi làm rung chuyển thế giới, để lại những phương pháp cũng như những bài học kinh nghiệm vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển nhân loại, đánh dấu một xu thế phát triển tất yếu, một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới.
Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười. Tháng 7/1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc sớm nắm bắt được cái cốt lõi trong tư tưởng của Lênin là: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Luận cương đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang kỳ công tìm kiếm. Người viết: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một tất yếu lịch sử, là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những tư tưởng của Lênin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga là cái "cẩm nang thần kỳ" nhưng không sao chép, mà Người tiếp thu cái tinh thần và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng nước ta. Triết lý chính trị được Nguyễn Ái Quốc coi như linh hồn tư tưởng Lênin là "Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng", "Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo". Vì vậy, việc trước tiên đối với Nguyễn Ái Quốc là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nhịp sống tranh đấu của giai cấp công nhân, của nông dân, trí thức. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu trong những năm 1925 - 1927 đã khai sáng cho những người yêu nước tiêu biểu Việt Nam hiểu được cách mạng là gì, muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải làm như thế nào. Học được tư tưởng cách mạng đúng đắn, những học viên đầu tiên trong các lớp huấn luyện lý luận ở Quảng Châu đã hăng hái trở về, thâm nhập vào nhà máy, hầm mỏ, đem tư tưởng cách mạng truyền bá, vận động, định hướng phong trào cách mạng, tạo nên làn sóng "vô sản hóa" sâu rộng trong cả nước.
Ánh sáng của lý luận cách mạng do Nguyễn Ái Quốc phát hiện và tỏa sáng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam đã tất yếu đưa đến sự thành lập chính đảng vô sản. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lĩnh hội chủ nghĩa Mác - Lênin, trực tiếp truyền bá chủ nghĩa chân chính ấy vào cách mạng Việt Nam, đồng thời khi thời cơ chín muồi thì chính Người đã đứng ra kết nối các tổ chức Cộng sản, thuyết phục họ thống nhất thành lập một chính đảng duy nhất, tránh được nguy cơ phân rã lực lượng lãnh đạo, nhờ vậy phong trào cách mạng Việt Nam có được bệ phóng tối ưu nhất. Các văn kiện Đảng được Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng thể hiện tầm nhìn chiến lược, đã khai sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Đến nay, con tàu cách mạng Việt Nam vẫn đang vận hành đúng quỹ đạo mà Nguyễn Ái Quốc định hình cách đây hơn 100 năm.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thành quả của Đảng ta trong vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược và sách lược cách mạng; vận động, giác ngộ, tập hợp lực lượng quần chúng đi theo cách mạng; biết phân hóa kẻ thù, biết đoán định và nhanh chóng nắm bắt thời cơ cách mạng. Nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng ta trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nghệ thuật chính trị độc nhất vô nhị "tay không mà dựng cơ đồ". Cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ năm đầu sau Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thực sự là bước trưởng thành vượt bậc của một chính Đảng vô sản biết vận dụng nhuần nhuyễn lý luận về bạo lực cách mạng, thấm sâu lời dạy của Lênin "Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn". Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết phân hóa kẻ thù, "lùi để tiến", nhún nhường để tránh gây xung đột cùng lúc nhiều kẻ thù, lựa chọn từng đối tượng để đấu tranh "bẻ gãy từng chiếc đũa", khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường dân tộc để cùng lúc đánh ba thứ giặc "giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm"; tận dụng cơ hội thương thuyết để có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, Đảng, Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; dựa vào nội lực là chính, đồng thời khôn khéo kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của các chính đảng, lực lượng yêu chuộng hòa bình và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Khi Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông âu sụp đổ, giữa vòng xoáy thời cuộc, hầu hết các chính đảng vô sản gần như mất phương hướng, phong trào cộng sản quốc tế thoái trào ở mức chưa từng có kể từ sau Tuyên ngôn Đảng cộng sản ra đời. Trong điều kiện ấy, Đảng ta đã cho thấy bản lĩnh vững vàng và nhạy bén chính trị, quyết đoán chiến lược, tiến hành đổi mới toàn diện đất nước trên nền tảng kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ đó, đất nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ngày càng phát triển và chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Tuy nhiên, do nhận thức chủ quan hay cố tình xuyên tạc, hiện nay có một số ý kiến nhận định không đúng về con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân Việt Nam đã chọn. Có một số ý kiến cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn sai, và theo họ hệ lụy của việc đó khiến cho đất nước Việt Nam lâm vào nhiều cuộc chiến tàn khốc không cần thiết; rằng, vì mục tiêu và con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn không đúng, cho nên đất nước Việt Nam mới tiến chậm trong khi tiềm lực, tiềm năng của đất nước rất lớn, nếu chọn đúng mục tiêu và con đường thì dân tộc Việt Nam sẽ sớm sánh vai với các cường quốc năm châu…
Thực tế là ngay từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã kiểm nghiệm tất cả các mục tiêu và con đường phát triển. Các phong trào đó thất bại nhanh chóng, thất bại không phải chỉ vì Việt Nam chỉ có vũ khí thô sơ, phương pháp tác chiến thua kém so với sức mạnh xâm lược Pháp, mà chủ yếu thất bại là do các phong trào yêu nước đó không đi đúng đường.
Chính vì vậy, sự phủ nhận mục tiêu và con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn chính là sự phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, muốn "hạ bệ" Chủ tịch Hồ Chí Minh vì mục tiêu không trong sáng. Đây là những ý đồ đen tối cần đề cao cảnh giác, phê phán và đấu tranh mạnh mẽ.
Ngày nay, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen; Đảng và nhân dân ta luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn khắc sâu vào trái tim và khối óc của mình lời huấn thị quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin".
An Bình