11:41 17/08/2023
Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú, là niềm tự hào của dân tộc và quê hương An Giang. Trải qua 92 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
ThS. Lê Hữu lợi
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị đều là những người nông dân hiền lành, cần cù, chịu khó, chất phác. Đồng chí Tôn Đức Thắng là con trai đầu lòng, có một em trai và hai em gái. Truyền thống gia đình, quê hương và thời cuộc tác động mạnh và ảnh hưởng nhiều đến chí hướng, tình cảm và nhân cách anh thanh niên Tôn Đức Thắng.
Thời thơ ấu, Tôn Đức Thắng được gia đình cho học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Truyền thống quê hương và những tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp của nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đốc Binh Kiều… đã in sâu trong tâm hồn Tôn Đức Thắng, thắp lên trong lòng cậu học trò những dự định lớn lao.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên (năm 1906), năm 1907 Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn với ý định học việc và thực hiện hoài bão của cuộc đời. Đây là thời điểm thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phong trào công nhân cũng bắt đầu nổi lên từ giai đoạn này. Nhận ra những bất công mà giai cấp công nhân phải chịu đựng, càng giúp Tôn Đức Thắng thêm quyết tâm thực hiện lý tưởng, khát vọng làm những việc hữu ích cho đất nước, cho dân tộc và giai cấp công nhân. Tôn Đức Thắng đã lựa chọn thi vào Trường Bách Nghệ để làm thợ. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên trong cuộc đời Tôn Đức Thắng – từ đây, ông đã hòa mình vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại chính quyền thực dân đang áp đặt ách thống trị tàn bạo đối với công nhân, nhân dân lao động Việt Nam và ông cũng chính là người tổ chức các cuộc bãi công của công nhân Ba Son năm 1912.
Năm 1915, Tôn Đức Thắng vào học trường Cơ khí Châu Á ở Sài Gòn. Năm 1916, Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm Phơ-răng-xơ (France). Tại đây, Tôn Đức Thắng đã tham gia cuộc binh biến, phản đối hành động can thiệp chống nước Nga và tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phơ-răng-xơ ở Biển Đen vào ngày 20/4/1919. Với sự kiện này, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng tháng mười Nga, ủng hộ chính quyền Xô Viết với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Người nói: “Tôi mơ ước cùng lá cờ đỏ này tuần dương hạm sẽ cập bến Nga, tôi sẽ lên bờ và được dịp tham gia cuộc cách mạng và học tập các bạn Nga, để trở về tổ quốc giúp đỡ dân tộc tôi, vứt bỏ ách nô lệ...”. Sau này, nhân dịp kỷ niệm 40 năm cách mạng Tháng Mười Nga, trong bài “Tôi đã tham gia cuộc khởi nghĩa trên Biển Đen”, đồng chí Tôn Đức Thắng đã viết: “Tôi tin rằng, bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân được tham gia vào giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi, bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu cách mạng tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại cách mạng tháng Mười”.
Năm 1920, trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và phong trào của giai cấp công nhân, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn - hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân nước ta từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức. Tháng 8/1925, Tôn Đức Thắng cùng Công hội đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son giành được thắng lợi.
Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ Bộ Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, tham gia vào quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 7/1929, Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam ở khám lớn Sài Gòn, sau đó, bị kết án 20 năm khổ sai, và đến đêm ngày 2 rạng ngày 3/7/1930, bị đày ra Côn Đảo. Bị đọa đày trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo, Người vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, kiên trung bất khuất, son sắt giữ trọn niềm tin vào cách mạng. Phẩm chất và ý chí cách mạng kiên cường, tấm gương đạo đức trong sáng đã nâng uy tín và tầm ảnh hưởng của Tôn Đức Thắng đối với giai cấp công nhân trong nước và cả thế giới. Những câu chuyện về nghệ thuật tổ chức và tài cảm hóa của “người cặp rằng Hầm xay lúa” mà các bạn tù của Bác Tôn kể lại còn lưu truyền đến ngày nay và mai sau đã minh chứng cho sự kiên cường, óc sáng tạo và “chất người Tôn Đức Thắng”. Suy nghĩ và hành động của Tôn Đức Thắng làm kẻ thù phải e dè, kính nể, bạn tù kính phục. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu: “Trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khổ thì biểu tượng cho tình người, tình đoàn kết chiến đấu thật khó kiếm nhiều người hơn Tôn Đức Thắng”.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, từ Côn Đảo trở về, Chủ tịch Tôn Đức Thắng bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới của đồng bào Nam bộ và nhân dân cả nước chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Ngày 22/9/1969, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá III, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng, Nhà nước lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhằm ghi nhận công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, lúc sinh thời, trong bài “chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng thọ 70 tuổi” đăng Báo Nhân dân số 1621 ngày 20/08/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định : “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng, 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, chín năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, bốn năm phấn đấu để giữ gìn hoà bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, tr.519 -520). Trên 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, được Đảng, Nhà nước ta trao tặng Huân chương Đại đoàn kết; được Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ trao tặng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Mông Cổ, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu Ba trao tặng Huân chương Hữu nghị Cu Ba, Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin - Huân chương cao nhất của Liên Xô, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
An Giang tự hào là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hơn 93 năm qua, Đảng bộ và nhân dân An Giang luôn kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta. Đặc biệt, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ và ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ và Nhân dân An Giang đã không ngừng vận dụng và cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương và đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một tỉnh thiếu lương thực trong những năm đầu sau giải phóng, đến nay An Giang trở thành một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng, góp phần đảm bảo an ninh lương lực quốc gia và xuất khẩu; là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang quyết tâm trở thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp, nguyên liệu thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 22/4/2022 của Bộ Chính trị. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng. An ninh quốc phòng được bảo đảm, biên giới ổn định, hữu nghị, thân thiện. Khối đoàn kết toàn dân được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên. Quyền làm chủ của Nhân dân được tôn trọng và phát huy. Những thành tựu nổi bật nói trên có ý nghĩa rất quan trọng, là sự kết tinh công sức, trí tuệ của Đảng bộ và Nhân dân An Giang.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2023), là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương An Giang, được làm việc tại mái trường mang tên Bác Tôn kính yêu – trường chính trị Tôn Đức Thắng. Bản thân tôi cũng như mọi người con quê hương An Giang luôn kính trọng và biết ơn Bác Tôn, cảm phục về tinh thần đấu tranh bất khuất và đức tính cao cả của Người. Học tập và noi gương Bác, tuyệt đối trung thành với mục tiêu và lý tưởng của Đảng, nâng cao tinh thần yêu nước, luôn đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thời, luôn tự trau dồi, giữ vững phẩm chất đạo đức, có lối sống giản dị, khiêm tốn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng trường chính trị Tôn Đức Thắng ngày càng phát triển, quê hương An Giang ngày càng giàu mạnh./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy An Giang, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2023).
2. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Ban Tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy An Giang (2018), Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Việt Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 115-129.
3. Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh – UBTWMTTQVN–Tổng LĐLĐVN - Tỉnh ủy An Giang (2008), Chủ tịch Tôn Đức với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị - hành chính, Hà Nội.
4. Phạm Hùng (chủ biên) (2011), Con người và sự kiện lịch sử (tập 1 – nhân vật lịch sử), Nxb. Đồng Nai, tr. 208 – 210.
5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.519-520.