Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Những điểm mới về đảm bảo Quốc phòng, an ninh trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

09:49 18/01/2022

Quốc phòng, an ninh là lĩnh vực vô cùng quan trọng và là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nên luôn được thể hiện sâu sắc và rõ nét trong văn kiện các Đại hội Đảng. Quan điểm về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là bộ phận quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng, là “kim chỉ nam” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình lãnh đạo, nhận thức, tư duy của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc không ngừng được phát triển, đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

CN. Trần Kim Hoàng

Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Sau 5 năm thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang… Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước”(1).

Điểm mới của Đại hội XIII là đề cập đến một số khía cạnh nổi bậc, cũng là yếu tố sáng tạo nên bức tranh tổng thể tươi sáng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh:

Tư duy về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển và ngày càng hoàn thiện, sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa và đối ngoại ngày càng hiệu quả;

Đã ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng;

Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ về đối tác, đối tượng có bước chuyển biến quan trọng;

Chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm và ứng phó kịp thời các mối đe dọa an ninh phi truyền thống;

Xây dựng quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có mặt tiến nhanh lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ những hạn chế. Đó là quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có lúc, có nơi chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao; công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa chủ động; tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; an ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thực sự vững chắc, nhất là an ninh mang, an ninh đầu tư nước ngoài; xử lý khiếu kiện đông người về đất đai và một số tình huống phức tạp nảy sinh ở một số địa bàn, cơ sở, có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; công tác quản lý, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều hạn chế… Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo, đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII xác định: tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. So với Đại hội XII, việc xác định phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Đại hội XIII có mặt đậm nét hơn và có những điểm mới như sau:

Thứ nhất, bổ sung nội dung trọng yếu của quốc phòng, an ninh.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng thống nhất về cơ bản với nội dung văn kiện Đại hội XII, nhưng có bổ sung thêm quan điểm mới để nhấn mạnh những nhiệm vụ mới nổi lên cần giải quyết, đó là: “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỹ cương, an toàn, an lành để phat triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(2). Đồng thời lần này, Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”(3)

Thứ hai, nội dung xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh rõ nét hơn, toàn diện hơn.

Văn kiện Đại hội XII đã khái quát: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc…”(4). Đại hội XIII của Đảng, đã thể hiện vấn đề này một cách đầy đủ hơn, sâu sắc hơn: “ tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân…”(5), Đại hội đã cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, xác định rõ hơn nhiệm vụ xây dựng lực lượng.

Trên cơ sở xác định những nội dung về xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân giống như Đại hội XII, Đại hội XIII lần này nhấn mạnh thêm: “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(6). Văn kiện đã bổ sung mới nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Đặc biệt, quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở. Văn kiện  còn nhấn mạnh: tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ tư, xác định rõ hơn nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh.

Trước diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực, cũng như sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí công nghệ cao, báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo để không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng. Chú trong giáo dục thống nhất, nâng cao nhận thức về đối tác và đối tượng; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(7)

Thứ năm, xác định rõ hơn nhiệm vụ triển khai thực hiện các chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Đại hội XII của Đảng xác định: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh. Đến nay các chiến lược về quốc phòng, an ninh đã được hoàn thiện, tuy nhiên điều kiện tình mới đang đặt ra, lần này Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia…”. Tuy nhiên để thực hiện tốt các chiến lược trên, Đại hội cũng nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối về mọi măt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh.

Như vậy, những nhận thức và tư duy mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là những chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược; là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; kế thừa, phát triển truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc, giữ nước của dân tộc. Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước./.

Tài liệu tham khảo

1. (1)(3)(5)(6)(7). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.

2. (4). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

3. Hội đồng lý luận trung ương, Những điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2021.

các tin khác