Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đảng bộ An Giang ra đời và phát triển góp phần chứng minh sự sáng tạo tuyệt vời của Bác Hồ về con đường cứu nước đúng đắn và Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam

02:33 15/06/2021

ThS. Nguyễn Thành Nhân -

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

1- Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, tìm ra con đ­ường cứu n­ước đúng đắn

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước; được kế thừa truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, khi còn là một thiếu niên 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã sớm biết nỗi đau mất nước, xót xa trước nỗi thống khổ của đồng bào, có chí đánh đuổi thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào.

Ở tuổi 20, nhưng sự lựa chọn đầu tiên đã vô cùng sáng suốt: Ngược với làn sóng Đông du, Người đi sang phương Tây, nơi sớm nổ ra các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nơi các trào lưu tư tưởng tự do dân chủ và khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ; xem xét họ làm ăn thế nào để trở về giúp đồng bào.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, với tên Văn Ba, làm phụ bếp trên tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng của Thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp, đi trong tư cách một người lao động, với đôi bàn tay trắng, một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, tiến hành cuộc trường chinh 30 năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Vừa lao động kiếm sống, vừa tiến hành khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở Pháp, Anh, Mỹ… Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng: Cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Nó xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Từ đó, Người đi đến kết luận, chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này.

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp, tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu không được chấp nhận, nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc thống trị, đồng thời cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một kết luận: Các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình.

Từ những hoạt động thực tiễn trên và đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanité tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc…

Người tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi tham gia Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở Đại học phương Đông, sống trong phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920 là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người- từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản. Từ đó, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bắt đầu hình thành.

Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho cách mạng Việt Nam: Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển lực lượng cách mạng…

Mùa Xuân năm 1930, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người dự thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất, thể hiện tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam- con đường cứu nước đúng đắn.

2- Bác Hồ sáng tạo bổ sung cho chủ nghĩa Mác- Lênin, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh có những đóng góp quan trọng vào lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin. Người khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở các nước chính quốc, nhân dân các dân tộc ở các nước thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước.

Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là quá trình vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin vào thực tiễn xã hội Việt Nam.

Người đã vận dụng sáng tạo quy luật ra đời Đảng cộng sản của chủ nghĩa Mác- Lênin và chỉ ra quy luật ra đời đặc thù của Đảng Cộng sản Việt Nam. V.I.Lênin kế thừa và phát triển sáng tạo di sản tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, sáng tạo học thuyết về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã bước vào giai đoạn phát triển của chủ nghĩa đế quốc, nêu quy luật ra đời của Đảng Cộng sản là sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Xuất phát từ tình hình Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thấy việc ra đời của Đảng Cộng sản nếu chỉ kết hợp chủ nghĩa Mác -Lênin với phong trào công nhân thì chưa đủ, vì giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, số lượng ít, chủ yếu là công nhân khai thác mỏ, đồn điền mà chưa phải là công nhân đại công nghiệp như ở phương Tây. Tuy vậy, giai cấp công nhân Việt Nam cũng là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, có tinh thần cách mạng triệt để nhất, có mối liên hệ mật thiết với nông dân, là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Phong trào công nhân diễn ra nhưng còn non yếu. Bên cạnh đó, phong trào yêu nước Việt Nam diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút được đông đảo các giai cấp, tầng lớp tham gia. Do đó, phải kết hợp phong trào công nhân với phong trào yêu nước rộng lớn của các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Đảng cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Hồ Chí Minh còn đi đến kết luận: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Đây là những luận điểm mới của Hồ Chí Minh, bổ sung vào học thuyết về Đảng Cộng sản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Các Mác, Ph.Ăngghen xác định, quần chúng làm cách mạng là giai cấp công nhân, nông dân. Lênin, trong cách mạng vô sản Nga, xác định quần chúng cách mạng là công nhân, nông dân và binh lính. Đối với Hồ Chí Minh, lực lượng cách mạng là “cả quần chúng”, bao gồm: giai cấp công nhân- giai cấp lãnh đạo cách mạng, giai cấp nông dân- cùng với công nông là gốc của cách mạng, tiểu tư sản, trí thức, phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản dân tộc, các cá nhân yêu nước, “bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới”.

Với những sáng tạo bổ sung cho chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, xây dựng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

3- Lịch sử Đảng bộ An Giang góp phần làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn con đường cứu n­ước đúng đắn và quy luật thành lập Đảng ở Việt Nam

Từ sau chiến tranh thế giới 1914– 1918, thực dân Pháp tiến hành khai thác Đông Dương lần thứ hai một cách toàn diện, triệt để với quy mô lớn hơn trước để bóc lột sức người, sức của bù đắp cho những thiệt hại của chúng trong chiến tranh. Long Xuyên, Châu Đốc được thực dân Pháp xem là một trong những trọng điểm vơ vét lúa gạo, bóc lột nhân công quan trọng ở Nam kỳ.

Dưới tác động của chủ nghĩa thực dân, đến cuối những năm 20 thế kỷ XX, các tầng lớp nhân dân ở Long Xuyên, Châu Đốc đã có sự phân hóa tương đối rõ nét.

Tầng lớp địa chủ hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Một số xuất thân là quan lại phong kiến. Trong số này cũng có sự phân hóa nhất định. Một số tiếp tục làm tay sai cho Pháp, một số bị chèn ép trở thành trung, phú nông có mối quan hệ với nông dân, bám ruộng vườn sinh sống. Có một số ít địa chủ xuất thân là tay sai được thực dân Pháp cấp ruộng đất hoặc bao chiếm của dân trở thành một bộ phận đặc quyền đặc lợi. Một số địa chủ là tư sản thương nghiệp, cho vay, bỏ tiền ra mua hoặc tịch ký ruộng đất của nông dân.

Tầng lớp tư sản chưa hình thành độc lập, họ chỉ làm một số ngành phụ  thuộc như thương mại, xay xát, dệt, mộc, gạch ngói, nước mắm... nhưng bị tư sản Pháp và Hoa kiều chèn ép, nên họ chưa có địa vị xứng đáng trong xã hội đương thời.

Tầng lớp tiểu tư sản trí thức đa số có mối quan hệ gắn bó với người lao động. Họ nhạy bén với thời cuộc, tiếp thu nhanh những tư tưởng tiến bộ và có khả năng  truyền bá những tư tưởng đó vào nhân dân. Họ đã có những đóng góp tích cực trong quá trình vận động cách mạng.

Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo và bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất ở nông thôn. Thực dân thì bóc lột bằng thuế má, lao dịch. Chủ điền bóc lột bằng tô, tức, cống vật, lao động không công, cho vay cắt cổ... nên tá điền luôn bị cái đói đe dọa. Sưu, thuế, tô, tức, đói nghèo, dịch bịnh, dốt nát... luôn luôn ám ảnh, giày vò kiếp sống của người nông dân. Là người bị bóc lột nặng nề nhất ở nông thôn, với lòng căm thù giặc cướp nước, cướp đất, từ thế kỷ XVIII đến đầu những năm 20 thế kỷ XX, nông dân Long Xuyên, Châu Đốc không ngừng đứng lên chống Pháp bằng mọi hình thức theo ý thức hệ phong kiến, nhưng vẫn không thoát được kiếp trâu cày, ngựa cỡi đành ngậm đắng nuốt cay.

Do chính sách khai thác, bóc lột kiểu phong kiến của thực dân Pháp, giai cấp công nhân ở đây hầu như không có. Trái lại, do sự phát triển tất yếu của nền  kinh tế tự cung, tự  cấp đã hình thành tầng lớp thợ thủ công tương đối tập trung ở vùng Tân Châu, Chợ Mới với các ngành ươm tơ, dệt, mộc... Đa số thợ không có tư liệu sản xuất phải vào các xưởng, trại làm công nhật. Khi thiếu nguyên liệu hoặc hàng ế ẩm thì chủ cho nghỉ việc. Do xuất thân từ nông dân chưa gắn chặt cuộc đời với xưởng trại và cũng là người bị áp bức, bóc lột nặng trong xã hội, nên có mối quan hệ mật thiết với nông dân, có cùng tâm tư, tình cảm. Do điều kiện lao động tương đối tập  trung và lao động có kỹ thuật nên họ được xác định là lực  lượng cách mạng tích cực và tiến bộ ở nông thôn lúc bấy giờ.

Đảng bộ An Giang ra đời là sự kết hợp chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào yêu nước.

Với việc nắm chắc những đặc điểm tình hình như trên, việc hình thành các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng bộ tỉnh An Giang được thực hiện từ rất sớm, theo đúng quy luật chung.

Tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (Hội Thanh niên) được thành lập ở Quảng Châu. Cuối năm 1927, chi bộ Thanh niên đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc ra đời tại Long Điền (Chợ Mới) gồm có: Châu Văn Liêm, Bùi Trung Phẩm và Lâm Văn Cẩn, do đồng chí Châu Văn Liêm phụ trách. Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc. Sau hơn 60 năm chống đế quốc và tay sai, giờ đây mới có một tổ chức cách mạng có đường lối cứu nước và phương pháp đấu tranh phù hợp với yêu cầu lịch sử lúc bấy giờ.

Là một vùng đất thuộc địa bị thực dân Pháp khai thác và bóc lột kiểu phong kiến, cho đến cuối năm 1930 giai cấp công nhân hầu như không có. Vì  vậy, việc đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân hiện đại, thâm nhập vào đây không phải là điều dễ dàng. Nó đòi  hỏi những người hội viên Thanh niên đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc phải biết phát huy tính tích cực, chủ động của mình trong suốt quá trình vận động thành lập Đảng, quá trình chuẩn bị đầy đủ về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức để đưa phong trào cách mạng phát triển đúng quỹ đạo của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá đúng đắn đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội và xác định được mâu thuẫn  đối kháng ở Long Xuyên, Châu Đốc, Hội Thanh niên sớm thấy được vị trí đặc biệt của thợ thủ công, tầng lớp có mối quan hệ giai cấp với nông dân và công nhân hiện đại. Thợ thủ công cũng có những điểm gần giống như công  nhân như: tự  do bán sức lao động cho chủ xưởng, không có tư liệu sản xuất, lao động tập trung có kỹ thuật và bị đế quốc, chủ xưởng, địa chủ bóc lột nặng nề.  Họ lại có mối quan hệ kinh tế, tình cảm gắn bó với nông dân. Họ có thể đi vào nhà máy, hầm mỏ để trở thành công nhân và cũng có thể quay lại kiếp tá điền một khi thất nghiệp kéo dài. Với những đặc điểm đó, thợ thủ công ở Long Xuyên, Châu Đốc được Hội Thanh niên đánh giá là một  lực lượng cách mạng quan trọng mà qua đó, chủ nghĩa Mác- Lênin từ những người trí thức cách mạng dễ dàng thâm nhập vào nông dân và nhân dân lao động. Nông dân và thợ thủ công trở thành lực lượng cách mạng chủ yếu ở Long Xuyên, Châu Đốc trong thời điểm lịch sử đó.

Để tuyên truyền, giác ngộ và tập hợp lực lượng cách mạng cho phù hợp với trình độ nhận thức của các tầng lớp nhân dân, bên cạnh các tổ chức công khai, Hội Thanh niên còn bí mật xây dựng Nông hội, Công hội làm nòng cốt cho phong trào. Công hội là hình thức sáng tạo để tập hợp lực lượng thợ thủ công, nhân dân lao động, lấy tinh thần triệt để cách mạng của giai cấp công nhân làm chuyển biến tư tưởng họ từ đấu tranh tự phát lên tự giác và các tổ chức này hoạt động thật sự gắn bó với nhân dân nên được quần chúng ủng hộ.

Mùa Xuân năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam thành lập. Đặc ủy An Nam cộng sản Đảng vùng Hậu Giang chuyển thành Đặc ủy Đảng cộng sản Việt Nam, cử cán bộ về các tỉnh xây dựng tổ chức Đảng.

Cuối tháng 3/1930, các đồng chí lãnh đạo Hội Thanh niên ở Long Xuyên, Châu Đốc như Nguyễn Văn Cưng, nữ đồng chí Bảy Xuyến... được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, cùng đồng chí Lưu Kim Phong (cán bộ Đặc ủy) hình thành “Ban chấp ủy lâm thời” tỉnh Long Xuyên. Đồng chí Nguyễn Văn Cưng trở thành Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên lúc mới hai mươi mốt tuổi. Sau đó, Tỉnh ủy chủ trương tiến hành xây dựng các chi bộ Đảng, lấy Chợ Mới làm trung tâm phát triển tổ chức.

Đầu tháng 4/1930 chi bộ Đảng đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc được thành lập ở Long Điền (Chợ Mới). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đặc ủy Hậu Giang, cho đến cuối tháng 4/1930 các chi bộ Kiến An, Bình Thành, An Phong... (Chợ  Mới); Tân Huề, Long Thuận, Long Sơn... (Tân Châu - Hồng Ngự); Long Xuyên, Lấp Vò... lần lượt ra đời, đánh dấu sự phát triển tất yếu của phong trào cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc.

Đảng bộ Long Xuyên, Châu Đốc ra đời sớm ở miền Tây Nam kỳ là sự kết hợp chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào yêu nước, góp phần chứng minh một cách cụ thể quy luật xây dựng thành công một Đảng cộng sản ngay trên đất nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu.

Đảng bộ An Giang- hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống xâm lược, giải phóng quê hương.

Tỉnh An Giang với đặc thù đa dân tộc, đa tôn giáo, có đường biên giới với Campuchia, là cầu nối của Khu 8 và Khu 9, đồng thời là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ trong mối quan hệ với chiến trường Campuchia, là con đường nhận sự chi viện người và của từ Trung ương cho chiến trường miền Tây Nam bộ, do đó bị thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược kềm kẹp rất gắt gao, chúng lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chia rẽ Đảng với dân, gây nhiều thiệt hại cho lực lượng cách mạng.

Quán triệt quan điểm Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Lực lượng cách mạng là “cả quần chúng”, Đảng bộ đã luôn đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, đoàn kết các dân tộc (Kinh, Hoa, Chăm, Khmer), đoàn kết lương giáo (nhất là quan tâm công tác tôn giáo vận, Hòa Hảo vận) để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng, đánh đuổi ngoại xâm, lật đỗ tay sai, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cách mạng của tỉnh có rất nhiều người dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, người theo các tôn giáo, nhất là Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài...

Trong từng phong trào, giai đoạn, thời kỳ cách mạng, tổ chức Đảng và đảng viên bám chặt địa bàn dân cư, chủ động đề ra biện pháp, chủ trương linh hoạt phù hợp với tình hình, với yêu cầu cách mạng và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, khẩu hiệu đấu tranh hướng đến quyền lợi của các giai cấp, tầng lớp như: giảm thuế thân, bớt lúa tô, tăng tiền công thợ, tố cáo tội ác của giặc; đòi thi hành Hiệp định Genève; chống càn quét, đàn áp, chống bắt lính, đôn quân; nổi dậy, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… huy động được lực lượng đông đảo quần chúng tham gia, góp phần làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương.

Tóm lại, ở vùng đất miền Tây Nam bộ xa xôi, trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản nhanh chóng nảy mầm, bám rễ, Đảng bộ An Giang là một trong những Đảng bộ ra đời sớm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long[1], đã tạo ra một bước ngoặt cho phong trào cách mạng An Giang tiến lên một bước mới vô cùng quan trọng, hòa nhịp và có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng cả nước, cùng cả nước đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược, đã góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn đối với quy luật thành lập Đảng ở Việt Nam và con đường cứu n­ước đúng đắn mà Bác Hồ đã tìm ra./.


[1] Cuối năm 1927, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Hội Thanh niên) đầu tiên của tỉnh Long Xuyên thành lập tại Long Điền, Chợ Mới. Tháng 2-1928, thành lập Tỉnh bộ Hội Thanh niên tỉnh Long Xuyên. Cuối tháng 3-1930, Ban Chấp ủy lâm thời Đảng bộ tỉnh Long Xuyên ra đời và Chi bộ Long Điền (Chợ Mới)- Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của An Giang ra đời đầu tháng 4-1930.

các tin khác