09:38 13/06/2019
Năm 2019 đánh dấu 50 năm Đảng ta công bố bản Di chúc bất hủ của Bác. Nghiên cứu Di chúc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Bản Di chúc tuy rất ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Thật vậy, đọc lại Di chúc càng thấy được biết bao tình cảm mà Bác muốn trao lại cho hậu thế, nhưng bao trùm lên toàn bộ nội dung Di chúc của Bác là hai chữ “Đảng” và “Dân”. Và có lẽ đây cũng là mối quan tâm sâu sắc nhất của Người trong những ngày tháng Bác biết mình sắp phải đi xa.
Thực tiễn hơn 70 năm qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân, cùng nhân dân làm nên kỳ tích: thực hiện thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc và đang lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Một trong những nguyên nhân quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do xác lập được mối quan hệ giữa Đảng và dân. Nhân dân phấn đấu vì lợi ích của mình lại cần phải có sự lãnh đạo của Đảng, thông qua trực tiếp là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên ấy phải là những phần tử trung kiên, bám rễ bền chặt trong nhân dân, là đại biểu và kiên quyết đấu tranh vì lợi ích chính đáng của nhân dân. Chỉ có như vậy họ mới giành được lòng tin của nhân dân. Nếu không được quần chúng nhân dân tin cậy, khi nhân dân đã mất niềm tin ở những lực lượng cốt cán của Đảng thì mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân sẽ có nguy cơ lung lay, ảnh hưởng đến sự cầm quyền của Đảng. Trong điều kiện phức tạp hiện nay, sự chống phá của các thế lực phản động trong và ngoài nước, đặc biệt là tình trạng phai mờ về lý tưởng cách mạng, suy thoái về đạo đức chính trị, sự tha hóa về nhân cách, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong xã hội đã trở thành vấn đề hết sức gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết. Nhiều tệ nạn diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng mà chúng ta không thể coi thường như tham ô, lãng phí, quan liêu, cơ hội, chạy chức, chạy quyền… đang là vấn đề bức xúc trong xã hội. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến bản chất của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, tổn thương mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, hạ thấp sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chính vì vậy, trong Di chúc, mối bận tâm đầu tiên của Bác là “Trước hết nói về Đảng”. Người căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân”. Tháng 5/1968, khi bổ sung vào bản Di chúc đã khởi thảo từ năm 1965, Người viết “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” vì Đảng là nhân tố quyết định thành công của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng lại đất nước sau này.
Đọc lại những lời căn dặn của Bác trong Di chúc mới thấy hết ý nghĩa sâu xa Hồ Chí Minh đã gửi gắm về mối quan hệ giữa “Đảng với Dân”, “Dân với Đảng”. Xuất phát từ những bài học kinh nghiệm xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, học tập và làm theo Di chúc của Bác, để xây dựng lòng tin của dân đối với Đảng cần thực hiện hai nội dung sau:
Một là, bản thân Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức
Vấn đề quan hệ giữa Đảng và nhân dân trước hết là vấn đề chính trị, là vấn đề đường lối chính trị của Đảng, sau đó mới là vấn đề tư tưởng, tổ chức. Quyết định mức độ niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng nằm ở chỗ Đảng đề ra và thực hiện đường lối chính sách có phù hợp với ý nguyện và lợi ích chính đáng của nhân dân hay không. Nếu có đường lối đúng, quán triệt, chấp hành và thực hiện đường lối tốt thì quan hệ giữa Đảng và nhân dân được bảo đảm bền vững.
Mặc khác, để đạt mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: phải dựa vào lý luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi huấn luyện cho cán bộ cách mạng năm 1925-1927, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” và Người khẳng định "chủ nghĩa" ấy là chủ nghĩa Mác-Lênin.
Hai là, Đảng phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác chỉnh đốn Đảng không phải là biện pháp nhất thời, giải pháp tình thế, mà là nhiệm vụ tất yếu, mang tính chiến lược, là công việc thường xuyên của Đảng để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, là sự vận động của Đảng trong tiến trình phát triển của cách mạng. Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong Di chúc, Hồ Chí Minh căn dặn trước hết phải đoàn kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Sự đoàn kết trong Đảng được thực hiện trên cơ sở đường lối, chính sách và theo những nguyên tắc tổ chức của Đảng. Di chúc nhấn mạnh những vấn đề rất cơ bản để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Đó là phải phát huy truyền thống đoàn kết cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta; “phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “phải thực hành dân chủ rộng rãi”, phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; phải giữ gìn Đảng ta thực sự trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phải quan tâm đến đội ngũ đảng viên. Bằng những việc làm cụ thể của đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt hay không tốt trước quần chúng nhân dân sẽ quyết định lòng tin của dân đối với Đảng. Với nhãn quan chính trị nhạy bén, Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn đối với cán bộ, đảng viên “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến”, muốn được dân tin, dân yêu mến thì “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”; giữa cán bộ, đảng viên thì “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong Đảng, phải đẩy mạnh việc đấu tranh để khắc phục, loại trừ ra khỏi hàng ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước ta sự tha hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhằm đẩy lùi nguy cơ lớn đang đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ.
Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng hơn 30 năm qua đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Bộ mặt đất nước đã khởi sắc rõ rệt. Một trong những nguyên nhân làm nên thành quả đó là Đảng tin dân, dân tin Đảng. Có nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều cơ sở Đảng đã phát huy và thực hiện tốt đường lối quần chúng của Đảng, được nhân dân ủng hộ. Thế nhưng, do mặt trái của cơ chế thị trường và sự thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức của một số cán bộ, đảng viên “đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân”, “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”. Tình trạng bất bình trong nhân dân nếu không kịp thời khắc phục thì hậu quả khôn lường. Thực tiễn ở Liên Xô và các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã chỉ ra, khi nhân dân thờ ơ và quay lưng lại với Đảng và Nhà nước, khi một bộ phận cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất thì sự sụp đổ của một chế độ xã hội là khó tránh khỏi.
Để thực hiện những điều căn dặn của Người về xây dựng Đảng như trong Di chúc, từ đó tạo lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng ta xác định xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đã được đặt ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng, từ Nghị quyết của các Đại hội đại biểu toàn quốc đến Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, trên cơ sở đó, bước đầu đã đạt được những thành tựu:
Thứ nhất, Đảng đã ban hành các Nghị quyết, quy định về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thứ hai, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh. Kết quả đó đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao đồng tình ủng hộ. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức Đảng và 15 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó, có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay đã có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật.
Thứ ba, Đảng ta đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và hiện nay là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Bằng những việc làm cụ thể trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước là hành động quyết tâm của toàn Đảng nhằm làm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao hơn nữa niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng góp phần đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong xã hội và cũng hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác một cách có ý nghĩa nhất trong giai đoạn hiện nay./.
* Tài liệu tham khảo
1. 35 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2004.
2. Ban Dân vận Trung ương (2014), Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân trong thời kỳ mới, Nxb. CTQG, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 2.
6. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 6.
7. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 15.
8. Sở văn hóa, thể thao và du lịch Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Khoa học Huế (2010), Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lý luận và thực tiễn, Nxb. CTQG, Hà Nội.
9. TS. Nguyễn Văn Sáu, PGS, TS. Trần Xuân Sầm, PGS, TS. Lê Doãn Tá (2002), Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân trong thời kỳ đổi mới đất nước vấn đề và kinh nghiệm, Nxb. CTQG, Hà Nội.