Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tính tất yếu của bảo đảm quyền con người trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

03:50 05/08/2024

ThS. Phan Thị Hoàng Mai

Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đọc vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn lời mở đầu của Tuyên ngôn độc lập của Mỹ để khẳng định trước toàn thế giới về quyền con người trên đất nước Việt Nam: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Trải qua những cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ để giành độc lập và những giai đoạn thăng trầm của lịch sử cách mạng Việt Nam, hơn ai hết Nhân dân Việt Nam hiểu rõ và ý thức được sự thiêng liêng và cao quý của quyền con người cũng như giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc. Thông qua Hiến pháp hiện hành, Nhà nước ta không chỉ công nhận, tôn trọng, bảo đảm quyền con người và quyền công dân mà còn khẳng định rõ Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tạo điều kiện và đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Ngày nay, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do đó quyền con người tất yếu phải được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn. Có thể nói, quyền con người luôn là mục tiêu phấn đấu không ngừng trong đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quan điểm về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đã được Đảng ta đề ra tại các đại hội trước, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục xác định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội[1]. Đây là cách tiếp cận mới của Đảng ta trong bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước[2] là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 -2030. Từ sau Đại hội XIII, khái niệm về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xác định: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thực hiện nguyên tắc pháp quyền, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân[3]. Cho thấy bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một trong những đặc trưng tất yếu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cụ thể hoá quan điểm của Đại hội XIII, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW).  Đây cũng chính là một trong những đặc trưng được Đảng ta lần đầu tiên xác định chính thức, thống nhất, rõ ràng, đầy đủ trong một Nghị quyết của Trung ương dựa trên tinh thần của tất cả các Cương lĩnh, Hiến pháp và văn kiện Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ trước đây.

Theo đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã chỉ rõ 08 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

Thứ nhất, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Thứ hai, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thứ ba, quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật.

Thứ tư, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

Thứ năm, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thứ sáu, hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán.

Thứ bảy, độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Thứ tám, tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Mỗi đặc trưng kể trên của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tuy phản ánh một phương diện nhất định của Nhà nước nhưng chúng đều có mối quan hệ biện chứng với nhau, tạo thành một thể thống nhất trong Nhà nước. Bỏ đi đặc trưng nào cũng là cắt đi mắt xích của mối liên hệ của chỉnh thể, từ đó có thể dẫn đến việc nhận thức khiếm khuyết cũng như sự phiến diện, thiếu sót trong việc xác định phương hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Trong đó đặc trưng thứ ba “quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật” là một điểm nổi bật liên quan đến quyền con người trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng thể hiện mối quan hệ tất yếu và đặc thù giữa quyền con người và Nhà nước pháp quyền.

Đây là đặc trưng mang tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền. Nguyên tắc pháp quyền có nghĩa là bảo đảm công lý và quyền con người. Không thể có pháp quyền nếu quyền con người không được tôn trọng, công nhận, bảo đảm và bảo vệ. Quyền con người dù có tính phổ quát, nhưng việc thực hiện và cách tiếp cận về quyền con người lại không giống nhau, bởi nó gắn liền với nhân sinh quan, hệ giá trị của quốc gia, dân tộc, tôn giáo hay chủng tộc người ở khu vực nhất định. Trong nền văn hóa phương Tây, con người thường được gắn với cá nhân và quyền con người cũng gắn với cá thể người, trong khi ở phương Đông, đặc biệt là trong văn hóa Á Đông, con người nằm trong tổng hòa quan hệ với cộng đồng, gia đình, xã hội. Vì vậy, tuyệt đối hóa quyền cá nhân sẽ dẫn đến xung đột với hệ giá trị và truyền thống, văn hóa phương Đông.

Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.[4] Quyền con người là đặc quyền tự nhiên nhưng để hiện thực hóa thì phải được pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia ghi nhận và bảo đảm thực thi. Con người sinh ra là “bẩm sinh”, “tự nhiên” đã có quyền, Nhà nước không thể không ghi nhận. Sự ghi nhận, bảo đảm thực thi quyền ở mỗi quốc gia có thể khác nhau ở từng giai đoạn. Việc pháp luật ghi nhận quyền không phủ nhận bản chất đặc quyền tự nhiên của quyền con người mà nó còn phụ thuộc vào đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia. Ở mỗi quốc gia, do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện khác nhau, nên hệ thống các quyền không hoàn toàn giống nhau, nhưng những quyền cơ bản nhất thì có sự tương đồng. Đối với hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta đã ghi nhận các quyền con người cơ bản trong các đạo luật của Việt Nam, mà trong đó cao nhất là Hiến pháp.

Kể từ Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã công nhận các quyền con người như là các giá trị phổ quát và tách biệt quyền con người với quyền công dân, đồng thời cam kết công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân. Bởi lẽ, sự tiến bộ của con người và vì lợi ích của con người cũng là mục tiêu tồn tại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam cũng đang hoàn thiện các cơ chế chính trị, pháp lý để thực hiện các cam kết này.

Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có những công ước cơ bản như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước quốc tế về các kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT); Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW); Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của Người khuyết tật…. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, chúng ta đều cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Điều này là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đó là: coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết.

Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Hiến pháp năm 2013 được đánh giá là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người, khi dành cả chương II để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân (36 điều trong tổng số 120 điều); cùng với hơn 100 luật, bộ luật khác được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Điều này không chỉ xác lập cơ sở pháp lý về các quyền của chủ thể hưởng quyền (cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong xã hội), mà còn đặt nghĩa vụ, trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và các tổ chức phi nhà nước phải nâng cao tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người đã được Hiến pháp quy định là Nhà nước có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân[5]. Đây là một trong những đặc điểm cơ bản, đồng thời cũng là mục tiêu, cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới.

Để tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo gắn với mục tiêu bảo đảm quyền con người như Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra, cần tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm như:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả, làm cơ sở vững chắc cho việc bảo vệ và tổ chức thực hiện quyền con người, quyền công dân. Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 là: Hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cho nên phải thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Ðảng: lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực, chủ động vào công việc Nhà nước, công việc xã hội, trong đó có việc nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước, của cán bộ, công chức. Tổ chức thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân; có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của Nhân dân tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Trung ương và hệ thống chính quyền trong giai đoạn hiện nay đã thể hiện kết quả rõ rệt, do đó cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chế tài xử lý và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế về các lĩnh vực tư pháp, bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp được thực thi công bằng, chính xác và minh bạch. Trọng tâm là “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”[6]. Để thực hiện được mục tiêu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, cần xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Thư tư, tiếp tục nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là những điều kiện cơ bản để bảo đảm quyền con người trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 Tóm lại, quyền con người, quyền công dân gắn liền với bản chất quyền lực của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Do đó, trách nhiệm của Nhà nước là phải bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong mọi hoàn cảnh phù hợp với mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và xu hướng toàn cầu hóa hội nhập quốc tế toàn diện với cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân của các quốc gia./.

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

3. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

4. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp Lý luận chính trị: Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. LLCT, HN 2021.

5. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp Lý luận chính trị: Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. LLCT, HN 2019.

6. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp LLCT, Nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. LLCT, Hà Nội – 2021

7. Nguyễn Văn Mạnh, Dương Thị Tươi (Đồng chủ biên): Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước và pháp luật thời kỳ đổi mới, Nxb.Lý luận chính trị, H.2020.

8. Tường Duy Kiên: Thành tựu về bảo đảm quyền con người tại Việt Nam trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Xây dựng Đảng [Truy cập tại https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/thanh-tuu-ve-bao-dam-quyen-con-nguoi-tai-viet-nam-trong-tien-trinh-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-18098].

* Chú thích:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 71.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. CTQGST, H.2021, tr.332.

[3] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị: Nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. LLCT, HN 2021.

[4] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp Lý luận chính trị: Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. LLCT, HN 2019.

[5] Xem Điều 3 và khoản 1, Điều 14, Hiến pháp năm 2013.

[6] Xem Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

 

các tin khác