Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số nhận thức Lý luận về “Nhà nước kiến tạo phát triển”

07:58 13/06/2019

Một số nhận thức Lý luận về “Nhà nước kiến tạo phát triển”

             Nhà nước kiến tạo phát triển là gì? Đây là một mô hình, một chủ thuyết hay chỉ là một phương châm, một khẩu hiệu về phương diện hoạt động của Nhà nước (chính phủ)? Trong nội dung bài viết này tôi xin trao đổi một số nội dung có tính nhận thức lý luận mà bản thân nghiên cứu trên cơ sở những phát ngôn chính thức của chính phủ, hội thảo khoa học, các tài liệu trong và ngoài nước nhằm góp phần làm rõ chức năng, hoạt động của Nhà nước (chính phủ) trong quá trình đổi mới, phát triển bền vững đất nước.

1. Nguồn gốc ra đời khái niệm “Nhà nước kiến tạo phát triển

Từ những năm 1980, khái niệm nhà nước phát triển (developmental state) đã được giới nghiên cứu sử dụng khá phổ biến để mô tả vai trò trung tâm của nhà nước trong mô hình tăng trưởng kinh tế thần kỳ của các quốc gia Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapor).

Vào năm 1982, trong công trình nghiên cứu về sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, học giả người Mỹ Chalmers Johnson đã gọi nhà nước Nhật Bản là nhà nước kiến tạo phát triển - Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong định hướng, dẫn dắt hiện đại hóa nền công nghiệp quốc gia. Giới khoa học xem Chalmers Johnson như là người đầu tiên đề ra khái niệm “Nhà nước kiến tạo phát triển”.

Theo các học giả (Chalmers Johnson, và Adrian Leftwith): Nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình nhà nước nằm giữa mô hình nhà nước điều tiết (theo chủ nghĩa tân tự do) và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xô-viết). Trong mô hình này, nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường mà chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển công nghiệp và tăng cường sức mạnh cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế (phát triển và tăng trưởng kinh tế là mục tiêu tối thượng). Đây là mô hình nhà nước tận dụng được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước nêu trên.

2. Đặc trưng của Nhà nước kiến tạo phát triển

Học giả Chalmers Johnson cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển sẽ thành công nếu hội đủ các điều kiện sau đây:

- Các quy tắc ổn định và vững chắc tương đối độc lập trước các sức ép chính trị có thể gây tổn hại tới tăng trưởng kinh tế.

- Có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư (nhà nước và doanh nghiệp). Sự hợp tác được thể chế hóa này do một cơ quan kế hoạch hóa mang tính chiến lược giám sát (ví dụ: Bộ ngoại thương và công nghiệp ở Nhật Bản).

- Có sự đầu tư mạnh mẽ và liên tục cho giáo dục, kết hợp với một số chính sách nhằm bảo đảm phân chia công bằng của cải.

- Có một chính phủ nắm rõ và tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường. Chính phủ phải có năng lực, đủ mạnh.

3. Phát ngôn của Chính phủ và Hội thảo về Chính phủ kiến tạo

Liên quan đến nội hàm “Chính phủ kiến tạo”, tại kỳ họp ngày 18/11/2017 đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chính phủ kiến tạo" là tuyên ngôn của Chính phủ hay là một mô hình? Nội hàm của nó ra sao và nội dung nào cần nhấn mạnh?

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, qua tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017, ông rút ra 4 nội dung chính của Chính phủ kiến tạo là:

Thứ nhất, đó phải là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.

Thứ hai, là Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư.

Thứ ba, theo Thủ tướng, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD. 

Thứ tư là Chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Tại buổi Hội thảo “Kinh tế 2017 và sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo”, diễn ra tại Thời báo Kinh tế Việt Nam vào ngày 12/01/2017, TS. Võ Trí Thành đã khái quát 4 chiều cạnh quan trọng nhất của Chính phủ kiến tạo là:

Một là, Chính phủ kiến tạo thì bản thân phải đủ năng lực, đủ minh bạch, đủ khả năng giải trình.

Hai là Chính phủ phải có tầm nhìn tốt và chính sách tốt. Chính sách tốt gồm từ tư duy, tầm nhìn, thiết kế thực thi, và như vậy phải rất chuyên nghiệp.

Thứ ba, một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ tương tác thân thiện với xã hội, người dân, với thị tường và doanh nghiêp với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Thứ tư, Chính phủ kiến tạo là biết tạo ra và chia sẻ phát triển.

Từ các nội dung nêu trên, có thể hiểu:

Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển dùng để chỉ cách thức phát triển ở những quốc gia có mong muốn, ý chí khát khao liên tục trong quản lý một cách có chiến lược nền công nghiệp nhằm mục đích phát triển và nhà nước, bằng khả năng của mình sẽ tìm kiếm những phương tiện để đạt được các mục tiêu đó.

Những điểm cơ bản phân biệt nhà nước kiến tạo phát triển với các nhà nước khác gồm các phương diện: tư tưởng về phát triển, thể chế và chính sách công. Trong đó, chủ thuyết phát triển được xây dựng dựa trên sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào thị trường để động viên các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trước hết, đó là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chiến lược nhằm nâng cao địa vị quốc gia trên thị trường quốc tế.

Mục tiêu của nhà nước theo mô hình kiến tạo phát triển là nhằm tăng cường sức mạnh của nền kinh tế, trong đó quan trọng nhất là xây dựng nền công nghiệp quốc gia đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều rào cản đối với việc tiếp cận các ngành công nghiệp then chốt, xuất phát từ sức mạnh và sự thống trị ngày càng lớn của các tập đoàn đa quốc gia là một thách thức lớn nhất của mô hình này.

4. Những quan điểm khác nhau về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển trong giai đoạn hiện nay

Hiện nay, có hai nhóm quan điểm đối lập nhau về giá trị của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển:

- Nhóm thứ nhất cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình phát triển kinh tế của các nước công nghiệp hóa muộn (Đông Á) trong những năm 1960-1970, sự biến đổi về cơ cấu kinh thế giới hiện nay khiến cho mô hình nhà nước kiến tạo phát triển trở nên lỗi thời, không còn nhiều giá trị hữu dụng trước bối cảnh toàn cầu hóa và sự chi phối ngày càng lớn mạnh của các tập đoàn đa quốc gia.

- Nhóm thứ hai có quan điểm ngược lại, cho rằng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là một mô hình mềm dẻo, luôn có những bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia và mỗi thời kỳ.

5. Kết luận

Nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước đóng vai trò trung tâm trong định hướng, dựa trên sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào thị trường để động viên các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trước hết, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chiến lược nhằm nâng cao địa vị quốc gia trên thị trường quốc tế.

Mô hình này đã được kiểm nghiệm trên thực tế, qua thành công của các nước Đông Á và một số quốc gia khác trong quá khứ. Đây có thể là bài học cho Việt Nam trong tiến trình phát triển. 

Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng trong thời trong thời đại ngày này, mô hình phát triển này đã lỗi thời vì gặp những khó khăn, thách thức trước những vận động, thay đổi của thế giới như: toàn cầu hóa, quốc tế hóa sản xuất, xu hướng dân chủ hóa và sự lớn mạnh của xã hội dân sự ở cấp độ quốc tế… khiến nhà nước không thể can thiệp một cách tự do vào nền kinh tế nói chung và trong hoạch định, can thiệp vào chính sách phát triển công nghiệp nói riêng.

Việt Nam có thể thực hiện “Chính phủ kiến tạo phát triển” hay không, cần làm rõ 3 phương diện: tư tưởng về phát triển, thể chế và chính sách công.

Do vậy, trước tiên cần thiết phải có sự đồng thuận rất cao của những người quyết định chính sách trong việc xác định những mục đích ưu tiên, tăng tính cạnh tranh về công nghệ trong phát triển công nghiệp, về vai trò tích cực của nhà nước trong tiến trình đó để xây dựng một chính sách phát triển mang tầm chiến lược./.

* Tài liệu tham khảo

1. Hồng Trà – “Chính phủ kiến tạo” tại Việt Nam qua định nghĩa của Thủ tướng.

2. TS. Đinh Ngọc Thắng - Khoa Luật - Trường Đại học Vinh - Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và những thách thức trong bối cảnh hiện nay.

3. Nguyễn Thị Tố Nga - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)

4. Nguyên Vũ - Chính phủ kiến tạo, khi “Nhà nước như một doanh nghiệp”

5. Chalmers Jonhson - Thể chế chính trị và hiệu quả kinh tế: Mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, trong sự phát triển kinh tế châu Á - Hiện tại và tương lai, 1985.

6. Adrian Leftwich - Đưa chính trị trở lại: Hướng tới một mô hình của nhà nước phát triển, Tạp chí Nghiên cứu Phát triển, 31 - 2017.

Một số từ tiếng Anh:

- Neoliberalism:  Chủ nghĩa mới

- The state of tectonic development; Nhà nước kiến tạo phát triển

- Organization for Economic Cooperation and Development: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

 
 

Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

 

 

 

 

 

 
 

các tin khác