Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

“Hiểu đúng vấn đề dân chủ trong tác phẩm “nhà nước và cách mạng” đề góp phần đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc”

07:42 21/04/2020

Mác - Ăng-ghen dự báo: Cách mạng vô sản là một quá trình lâu dài, gian khổ. Trong đó, “bước thứ nhất” cực kỳ quan trọng: “… là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ” . Phải: “tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền” .

 

Kế thừa quan điểm nói trên, Lê-nin khẳng định: “Giai cấp vô sản cần có chính quyền nhà nước, cần có tổ chức sức mạnh tập trung, cần có tổ chức bạo lực để trấn áp sự phản kháng của bọn bóc lột và lãnh đạo quảng đại quần chúng nhân dân - nông dân, tiểu tư sản, nửa vô sản - trong công cuộc “tổ chức” nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Ông còn nhấn mạnh rằng Mác có một định nghĩa tuyệt hay về nhà nước. Mác viết: “Nhà nước, tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị”. Lê-nin so sánh: “Các giai cấp bóc lột cần đến quyền thống trị chính trị để duy trì sự bóc lột, nghĩa là để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của một thiểu số rất nhỏ bé, chống lại tuyệt đại đa số nhân dân. Các giai cấp bị bóc lột cần đến quyền thống trị chính trị để thủ tiêu hoàn toàn mọi sự bóc lột, nghĩa là để bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân chống lại thiểu số rất nhỏ những chủ nô hiện đại, tức là bọn địa chủ và bọn tư bản”.

Khi viết tác phẩm “Nhà nước và cách mạng”, Lênin khẳng định: Vấn đề Nhà nước bao giờ cũng là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Nhưng khi nghiên cứu về nhà nước, nhất là vấn đề nhà nước “tiêu vong”, chúng ta phải hết sức chú ý về tính phức tạp của nó - phức tạp đến mức mà theo Lê-nin 10.000 người nghe hay đọc về nó thì có đến 9.990 người không nhớ, không biết. Và trong số 10 người còn lại thì chắc chắn có đến 9 người không hiểu.

Trong cách mạng vô sản, từ thân phận bị áp bức, bóc lột, giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải đấu tranh “giành lấy dân chủ” để mọi người được giải phóng và có được quyền bình đẳng - có địa vị ngang nhau. Dân chủ đã thuộc về đa số. Nhưng “… ở đây, về nguyên tắc, cái quyền ngang nhau cũng vẫn là cái quyền tư sản”. Nó vẫn chưa ra khỏi giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản (là pháp quyền xác nhận bất bình đẳng trong thực tế). Nó vẫn: “… dùng cùng một thước đo như nhau; song những cá nhân không ngang nhau”.

Trong tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gô-ta”, Mác đã phê phán Lát-xan về quan niệm coi nhà nước tư sản là “nhà nước siêu giai cấp” có thể biến thành “nhà nước nhân dân tự do” cùng với cái gọi là “phân phối công bằng”… Mác đã chứng minh tính chất “bình đẳng” nhưng “không ngang nhau”, “không công bằng” trong vấn đề tưởng như rất bình đẳng và công bằng, đó là vấn đề “phân phối theo lao động”. Thoạt nhìn đó là nguyên tắc phân phối công bằng. Nhưng thực chất lại không công bằng. Sở dĩ như thế là do nó thực hiện bình đẳng trên tiền đề rất không bình đẳng, không công bằng: Mỗi người lao động có thể lực và trí lực không như nhau, hoàn cảnh gia đình (số lượng con cái…) không như nhau. Kết quả là: Thụ hưởng không ngang nhau. “Quyền ngang nhau ấy là một quyền không ngang nhau đối với một lao động không ngang nhau”. Ăng-ghen nhận định: “… một sự bất bình đẳng mà người ta có thể rút xuống mức tối thiểu, chứ không thể làm mất hẳn được… Quan niệm về xã hội chủ nghĩa như giang sơn của bình đẳng, là một quan niệm phiến diện…”. Quan trọng hơn, Mác còn chỉ ra nguyên nhân của hạn chế đó. Người viết: “… đó là những thiếu sót không thể tránh khỏi trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, lúc nó vừa mới lọt lòng từ xã hội tư bản chủ nghĩa ra, sau những cơn đau đẻ dài. Quyền không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”; Lê-nin đã bổ sung: “giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản chưa thể thực hiện được công bằng và bình đẳng: về mặt của cải, thì vẫn còn chênh lệch, mà những chênh lệch ấy là bất công”.

Đây là những kết luận vô cùng khoa học, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Thực tế, tất cả các nước XHCN đều phạm sai lầm trong vấn đề này. Tất cả đều đã thiết kế các chủ trương, chính sách “ở một mức cao hơn” chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội do chế độ kinh tế cho phép. Do muốn nhanh chóng có công bằng, muốn ai cũng có việc làm bằng cách bố trí nhiều người cho công việc chỉ cần số người ít hơn! Kết quả: Ai cũng có việc làm, nhưng thường không ai làm việc đàng hoàng! Ai cũng có tiền lương, nhưng lương lại không đủ sống! Tiền lương không đủ sống nhưng mọi người lại tranh nhau vào khu vực “không đủ sống” v.v…”. Công bằng” biến thành “cào bằng”…

Như vậy: Cần hiểu đúng vấn đề dân chủ mà trước nhất là nền dân chủ tư sản. Lê-nin viết: “Chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước. Cho nên, cũng như mọi nhà nước, chế độ dân chủ là việc thi hành có tổ chức, có hệ thống sự cưỡng bức đối với người ta. Một mặt thì như thế. Nhưng mặt khác chế độ dân chủ có nghĩa là chính thức thừa nhận quyền bình đẳng giữa những công dân, thừa nhận cho mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước. Do đó, đến một trình độ phát triển nào đó, chế độ dân chủ trước hết đoàn kết được giai cấp vô sản, giai cấp cách mạng chống chủ nghĩa tư bản, và khiến cho giai cấp vô sản có thể phá tan, đập vụn, quét sạch khỏi mặt đất bộ máy nhà nước tư sản”. Lê-nin tổng kết: “Tất cả lý luận của Mác là một sự áp dụng học thuyết về sự phát triển, dưới hình thức triệt để nhất, đầy đủ nhất, chín chắn nhất và có nội dung phong phú nhất, vào chủ nghĩa tư bản hiện đại”. Người còn nói: “… tư tưởng cơ bản như sợi chỉ đỏ xuyên qua tất cả các tác phẩm của Mác, tư tưởng đó là: chế độ cộng hoà dân chủ là con đường ngắn nhất đi đến chuyên chính vô sản”.

Chính vì thế, Lê-nin đã đánh giá: “Chế độ dân chủ (ý nói dân chủ tư sản - TT) có một ý nghĩa lớn lao trong cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân chống bọn tư bản. Nhưng chế độ dân chủ hoàn toàn không phải là một giới hạn không thể vượt được, nó chỉ là một giai đoạn trên con đường từ chế độ phong kiến đến chủ nghĩa tư bản và từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa cộng sản”.

Không được hạ thấp tính ưu việt của nền dân chủ tư sản. Phải nhận thức đầy đủ “vai trò hết sức cách mạng của giai cấp tư sản”. Nhưng nói đến dân chủ tư sản cũng cần hiểu rõ nó là: “Dân chủ cho một thiểu số rất nhỏ”; “một thứ dân chủ cắt xén, khốn khổ, giả dối”; nó “gạt bỏ người nghèo ra ngoài chính trị, không cho họ tham gia tích cực vào chế độ dân chủ”… Nhưng đây là sự “gạt bỏ” rất tinh vi. Mác nói một cách châm biếm: “… người ta cho phép những người bị áp bức, cứ mấy năm một lần, lại được quyết định xem trong số đại biểu của giai cấp áp bức, người nào sẽ thay mặt họ và sẽ chà đạp lên họ ở nghị viện”.

Mặt khác, cùng với đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều “coi thường những giá trị của CNTB”. Hiện nay, càng phải đề phòng và kiên quyết chống thứ “giáo điều mới”. Bởi nó luôn thổi phồng các giá trị của phương Tây đến mức “sùng bái”... Cần ghi nhớ nhận xét sau đây của Lê-nin: “Xã hội tư bản chủ nghĩa, xét trong những điều kiện phát triển thuận lợi nhất của nó, đem lại cho ta một chế độ dân chủ ít nhiều đầy đủ trong chế độ cộng hoà dân chủ. Nhưng chế độ dân chủ ấy bao giờ cũng bị bó trong khuôn khổ chật hẹp của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa và do đó, thực ra, nó luôn luôn là một chế độ dân chủ đối với một thiểu số, vẫn chỉ là một chế độ dân chủ đối với riêng những giai cấp có của, đối với riêng bọn giàu có mà thôi. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, tự do luôn luôn vẫn gần giống như tự do trong các nước cộng hoà Hy - lạp thời cổ: một thứ tự do cho chủ nô. Những người nô lệ làm thuê ngày nay, do sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, nên bị cảnh thiếu thốn đói khổ đè nặng đến nỗi “không thiết gì đến dân chủ”, “không thiết gì đến chính trị”, và đến nỗi… đa số nhân dân đều bị gạt ra ngoài sinh hoạt chính trị - xã hội.

Bằng thiên tài của mình, Lê-nin đã kế thừa xuất sắc những luận điểm chủ yếu của Mác để đi đến một tổng kết vô cùng độc đáo: “Vậy là, trong một thời gian nhất định, dưới chế độ cộng sản, không những vẫn còn pháp quyền tư sản, mà vẫn còn cả nhà nước kiểu tư sản nhưng không có giai cấp tư sản!”. Điều đáng quan tâm là vì sao phải có nhà nước kiểu tư sản? Lê-nin giải thích: “… nếu không có một bộ máy đủ sức cưỡng bức người ta tuân theo những tiêu chuẩn của pháp quyền thì pháp quyền có cũng như không”.

Sai lầm phổ biến của các nước XHCN trước đây là mắc vào bệnh quan liêu, mất dân chủ. Nó là nguyên nhân góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu. Chúng ta không tìm thấy ở đó một kiểu nhà nước tư sản nào cả; không có dù chỉ là bóng dáng của pháp quyền tư sản! Ngay những năm đầu của chính quyền Xô viết Lê-nin đã chỉ ra: “Toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết về quan liêu... Nếu cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”. Quan liêu sẽ dẫn đến tham nhũng, mà theo Lê-nin: “Nếu còn hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được. Trong trường hợp này, thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị được, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành”.

Hiện nay, sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách thù địch, chống phá không đạt hiệu quả, các thế lực thù địch đang thay đổi phương thức hoạt động. Mục tiêu nhất quán không thay đổi của chúng là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN, xóa bỏ chế độ nhà nước XHCN. Không thể không nhớ: Khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố “Mỹ quan hệ với Việt Nam là vì quyền lợi của Mỹ và để chuyển hóa chế độ chính sách ở Việt Nam theo kiểu Đông Âu và Liên Xô cũ”. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Kissinger cho rằng “Những người cộng sản Việt Nam đã thắng trong chiến tranh, nhưng họ sẽ thua trong hòa bình, trước đây cộng sản dùng súng để đuổi người Mỹ ra khỏi Sài Gòn, ngày nay người Mỹ sẽ dùng dollar để đuổi cộng sản ra khỏi Sài Gòn”. Họ ra sức thực hiện cái gọi là “ngoại giao thân thiện” nhằm: Chi phối đầu tư, khoét sâu nội bộ, viện trợ kinh tế, cấp học bổng cho học sinh, nghiên cứu sinh và nhận học sinh, nghiên cứu sinh sang Mỹ và các nước tư bản khác để tiếp cận, từng bước thực hiện âm mưu lũng đoạn nội bộ ta. Họ ráo riết chống phá bằng mọi thủ đoạn. Nhiều nội dung của tư tưởng đa nguyên, xóa bỏ độc quyền lãnh đạo đã được ráo riết tuyên truyền dưới nhiều hình thức.

Tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa đảng. Chúng còn tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Chúng vu cáo Đảng chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, “độc đoán, đảng trị”, thực hiện sự chuyên chính của một đảng, sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu, chúng đối lập Đảng với Nhà nước, đối lập Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Với hàng trăm bài viết xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta, cái tên Nguyễn Đình Cống đã không còn xa lạ với cộng đồng mạng xã hội. Mới đây, Hắn có bài viết “Phải chăng đảng là công cụ?” trên trang mạng baotiengdan, tiếp tục vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam “là sản phẩm ngoại lai, được nhập vào lòng dân tộc”; “là công cụ… của một người hoặc một nhóm các chính trị gia”; “việc đề ra đường lối của việc lãnh đạo là của một người hoặc một nhóm người ở trên cao”. Cùng với đó Phạm Đình Trọng viết bài “Đừng hòng đánh tráo lịch sử” thể hiện sự loạn ngôn và sự trâng tráo, hắn nói Đảng ta: “không đủ lòng yêu nước, không đủ tư thế hiên ngang của một nền độc lập”; vu cáo chế độ ta là: “phong kiến trung cổ, cướp quyền dân, dìm người dân trong tăm tối ngu dân, là phát xít hiện đại, tàn bạo, đàn áp dân”. Vẫn với chiêu trò đó, Phạm Văn tiếp tục thể hiện mình là một tên “lưu manh, giả danh tri thức”. Mượn cớ “luận bàn” về cái gọi là điều phi lý và hết sức ngược đời, Hắn công khai chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam là chế độ “quân chủ gia trưởng”…

Trong Diễn văn Kỷ niệm 90 năm sinh nhật Đảng, đồng chí Tổng Bí Thư khẳng định: “Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm”.

Điều cần nhắc lại là: Từ một xã hội quân chủ chuyên chế sang xã hội thuộc địa nửa phong kiến, Nhân dân ta chỉ biết đến và được hưởng quyền dân chủ thật sự sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Tư tưởng dân chủ, tinh thần dân chủ là một trong những tinh hoa văn hóa mà Hồ Chí Minh đã tiếp thu trong quá trình tìm đường cứu nước. Người tổng kết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam…. Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. Đây còn là một di sản văn hóa - chính trị đặc biệt quan trọng; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn mà chúng ta có trách nhiệm giữ gìn và phát huy trong sự nghiệp đổi mới. Đúng như Người nói: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”. Người luôn coi dân chủ là phương pháp lãnh đạo và quản lý quan trọng hàng đầu cùng với sự gương mẫu của người lãnh đạo. Đây là một nét đặc sắc và vô cùng độc đáo. Người nói: “... thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Người phê phán hiện tượng một số cán bộ “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng”. Theo Bác quan liêu “... là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác”. Quan liêu là do: “Xa nhân dân; khinh nhân dân; sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân”. Quan liêu là “kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”…

Thực tế những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội… Tuy nhiên, nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của Nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Trong tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen”, Mác cho rằng: “Dư­ới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người”. Đại hội XII đã khẳng định phải: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta hướng tới xây dựng và hoàn thiện là nền dân chủ rộng rãi, mang tính toàn diện, được thực hiện thông qua hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, trước hết là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Nhà nước đó sẽ bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội.

Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân.

Xin kết thúc bài viết này bằng một kết luận của một học giả nổi tiếng người Mỹ gốc Việt: “Ngày nay, dân chủ và nhân quyền là những món hàng mà Mỹ cũng như Âu Châu quảng cáo nhiều nhất và muốn xuất cảng trên khắp thế giới. Lẽ dĩ nhiên, đó là dân chủ và nhân quyền theo quan niệm của Tây phương… Và để đạt mục tiêu này, Tây phương, sau bình phong dân chủ và nhân quyền, đã không ngần ngại dùng những biện pháp phi dân chủ và phi nhân quyền… miệng thì nói ngọt về dân chủ và nhân quyền, nhưng trên thực tế lại vi phạm nguyên tắc dân chủ và nhân quyền hơn ai hết.

Một số người Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước hồ hởi năng nổ tranh đấu dập theo khuôn của Tây phương, nấp sau chiêu bài dân chủ, nhân quyền, trong khi những hành động chống Cộng của họ ở ngoại quốc và những hình thức tranh đấu ở trong nước chứng tỏ họ không có một ý niệm rõ ràng về tự do, dân chủ và nhân quyền… Họ muốn cho Việt Nam phải đi đến dân chủ và tôn trọng nhân quyền theo quan niệm của Tây phương… Họ không đủ khả năng để nhận thức được rằng, không làm gì có một nền dân chủ và quan niệm về nhân quyền đồng nhất chung cho mọi quốc gia trên thế giới”

“… Những chiêu bài mà Mỹ thường muốn xuất cảng trên khắp thế giới, đã đưa đến cho tôi một kết luận: “Đừng nghe những gì Mỹ nói mà hãy nhìn kỹ vào những gì Mỹ làm”./.

 

Tài liệu tham khảo

1. C.Mác-Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, tập 1, tập 4, tập 19, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 1995.

2. dangcongsan.vn

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

4. V.I.Lê-nin: Toàn tập, tập 33, tập 44, tập 54, Nxb Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1978.

5. Sachhiem.net

Lê Chí Thành - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

 

các tin khác