Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

V.I.Lênin bàn về chuyên chính vô sản và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay

02:39 30/12/2019

Chuyên chính vô sản là nội dung quan trọng trong di sản lý luận và thực tiễn cách mạng của V.I. Lênin sau Cách mạng Tháng Mười. Đây là vấn đề cơ bản cần giải quyết trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đặc biệt ở những nước không qua giai đoạn phát triển TBCN như Việt Nam. Tuy nhiên, trước đây do chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này nên vận dụng còn cực đoan, máy móc. Trong tình hình mới hiện nay, cần tiếp tục nhận thức và vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về chuyên chính vô sản nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ XHCN; thực hiện tốt liên minh công nông trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội; phát triển lực lượng sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý nhằm tăng năng suất lao động.

1. Quan niệm của V.I. Lênin về chuyên chính vô sản

V.I. Lênin là học trò xuất sắc của C.Mác và Ph.Ăngghen, là lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Công lao to lớn của V.I. Lênin là tiếp thu và phát triển sáng tạo những di sản lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện mới, đồng thời biến những di sản lý luận đó thành hiện thực cách mạng XHCN ở nước Nga. Trong hệ thống lý luận đó, vấn đề chuyên chính vô sản là một trong những lý luận quan trọng nhất, nó được V.I. Lênin kế thừa, vận dụng và bổ sung trong quá trình tổng kết thực tiễn cách mạng nước Nga. Nghiên cứu tư tưởng của V.I. Lênin về chuyên chính vô sản, có thể khái quát ở một số nội dung cơ bản sau:

Một là, về tính tất yếu của chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ. Sau Cách mạng Tháng Mười, trên cơ sở phân tích đặc trưng kinh tế, chính trị của thời kỳ quá độ ở nước Nga, V.I. Lênin đã nêu rõ quan điểm về tính tất yếu của chuyên chính vô sản.

Theo V.I. Lênin, cơ cấu kinh tế thời kỳ quá độ ở nước Nga Xô viết gồm 5 thành phần kinh tế, trong đó còn: chủ nghĩa tư bản tư nhân và chủ nghĩa tư bản nhà nước, tức là còn đối kháng giai cấp và đấu tranh giai cấp. Trong thời kỳ ấy, giai cấp vô sản đã trở thành giai cấp thống trị, nắm chính quyền nhà nước, chi phối tư liệu sản xuất chủ yếu, lãnh đạo các phần tử trung gian và giai cấp trung gian đang bấp bênh chao đảo, trấn áp sự chống đối ngày càng quyết liệt của bọn bóc lột. Còn giai cấp bóc lột trong thời kỳ quá độ là giai cấp, về chính trị đã bị lật đổ, về kinh tế đã bị tước đoạt tư liệu sản xuất chủ yếu. Chúng tuy “đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt... Chính vì chúng đã thất bại, nên sức phản kháng của chúng càng tăng lên, gấp trăm, gấp nghìn lần. “Nghệ thuật” quản lý nhà nước, quân đội, kinh tế tạo cho chúng một ưu thế rất và rất lớn, khiến cho tác dụng của chúng vô cùng to lớn hơn là số lượng của chúng trong toàn thể dân số”(1). Còn nông dân và những người tiểu tư sản khác là người lao động lại là người tư hữu, địa vị kinh tế đó tất nhiên khiến cho họ chao đảo giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Trên cơ sở phân tích như vậy, V.I. Lênin đã chứng minh tính tất yếu của chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ: “... chuyên chính của một giai cấp là tất yếu không những cho mọi xã hội có giai cấp nói chung, không những cho giai cấp vô sản sau khi đã lật đổ giai cấp tư sản, mà còn cho thời kỳ lịch sử từ chế độ tư bản chủ nghĩa đến “xã hội không có giai cấp”, đến chế độ cộng sản chủ nghĩa”(2). Trong lời tựa tác phẩm: Người ta bịp nhân dân bằng những khẩu hiệu tự do và bình đẳng, V.I. Lênin nói rõ thêm, chuyên chính là tất yếu trong xã hội còn tồn tại giai cấp. Chuyên chính vô sản là cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản đã giành được thắng lợi, đã giành được chính quyền chống lại giai cấp tư sản đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.

Thực tiễn lịch sử xã hội loài người cũng đã chứng minh, mọi xã hội còn sự phân chia giai cấp là còn tồn tại chuyên chính. Ở các nước TBCN hiện nay, mặc dù tiềm lực kinh tế, chính trị của họ rất lớn, nhưng họ vẫn luôn thực hiện và thường xuyên tăng cường chuyên chính của mình. Chẳng hạn, cùng với những thể chế dân chủ vốn có, những thích nghi của nhà nước tư sản đã tạo cho nó một bộ mặt dân chủ hơn, đỡ tàn bạo và hà khắc hơn so với mấy thập kỷ trước. Nếu vào những năm 1950 - 1960 và những năm đầu của thập kỷ 70, các nhà nước tư sản sẵn sàng đối phó bằng bạo lực đối với phong trào giải phóng dân tộc (Công-gô 1963), phong trào dân chủ và XHCN (Chilê 1973) thì ngày nay, nhà nước tư sản cố tránh tình trạng sử dụng bạo lực trực tiếp như vậy. Bên cạnh đó, các chương trình viện trợ phát triển, viện trợ nhân đạo đã mang lại không ít những nét tiến bộ cho nhà nước tư sản, kể cả dưới góc độ chính trị, kinh tế lẫn góc độ tâm lý, xã hội. Nhà nước tư sản cũng đã thay đổi nhiều do áp lực của các phong trào dân chủ và độc lập dân tộc. Tuy nhiên, nhà nước tư sản bao giờ cũng là công cụ để duy trì sự thống trị và bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, chống lại giai cấp vô sản và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Như V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Những hình thức của nhà nước tư sản thì hết sức khác nhau nhưng thực chất chỉ là một. Chung quy lại thì tất cả những nhà nước ấy, vô luận thế nào cũng tất nhiên phải là nền chuyên chính tư sản”(3). Thực tế những năm gần đây chứng minh điều này, khi chính phủ các nước tư bản đua nhau tăng chi phí cho quân đội, cho nền chuyên chính tư sản. Chẳng hạn, chính quyền của Tổng thống Mỹ G.W.Busơ liên tục tăng ngân sách quốc phòng (năm 2008, chi phí quân sự của Mỹ khoảng 716,5 tỷ USD, chiếm 1/2 chi phí quân sự của toàn thế giới). Các nước Pháp, Đức, Nhật Bản... cũng nằm trong nhóm nước có chi phí cho quân đội lớn nhất từ trước đến nay. Việc tăng chi phí cho quân đội với mục đích gì? nếu không phải là tập trung cho chuyên chính tư sản? Điều đó cho thấy, tồn tại chuyên chính trong nhà nước là tất yếu và việc tồn tại chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ lên CNXH là một tất yếu khách quan.

Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, V.I. Lênin đã khẳng định: Xô viết là hình thức tốt nhất của chuyên chính vô sản ở nước Nga. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở rằng, mỗi một dân tộc khi trải qua chế độ XHCN sẽ sáng tạo ra những hình thức tổ chức nhà nước chuyên chính vô sản thích hợp với đặc điểm của dân tộc mình, “Vì nước ta là một nước tiểu tư sản và rất lạc hậu, cho nên nền chuyên chính vô sản ở Nga tất nhiên phải có một số đặc điểm khác với các nước tiên tiến”(4). Do đó, việc tồn tại các hình thức chuyên chính vô sản của mỗi dân tộc không thể hoàn toàn giống nhau. Những người cộng sản các nước phương Đông không nên sao chép một cách máy móc kinh nghiệm của nước Nga mà phải nắm vững đặc điểm của dân tộc mình để xác định hình thức cụ thể của cách mạng và chính quyền nước mình.

Hai là, về thực chất và nhiệm vụ của chuyên chính vô sản

Trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, V.I. Lênin lại có những định nghĩa khác nhau về chuyên chính vô sản. Do vậy, muốn nắm chính xác thực chất tư tưởng của V.I. Lênin về chuyên chính vô sản, không thể thoát ly hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nếu không sẽ hiểu về chuyên chính vô sản phiến diện, thậm chí có thể làm cho tư tưởng chuyên chính vô sản của V.I. Lênin tự mâu thuẫn nhau, trái ngược nhau.

Những năm đầu Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lênin đặc biệt nhấn mạnh tính chất và chức năng trấn áp bằng bạo lực của chuyên chính vô sản: “Chuyên chính là một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực và không bị một luật pháp nào hạn chế cả”(5). V.I. Lênin khẳng định: “Chuyên chính vô sản là một thuật ngữ khoa học quy định giai cấp nào là giai cấp có tác dụng quyết định về mặt này, cũng như quy định hình thức đặc thù của chính quyền nhà nước được gọi là chuyên chính, tức là: một chính quyền không dựa vào luật pháp, không dựa vào các cuộc bầu cử, mà trực tiếp dựa vào lực lượng vũ trang của bộ phận này hay bộ phận khác trong dân chúng. Ý nghĩa và tác dụng của chuyên chính vô sản là ở chỗ nào? Chính là ở chỗ đập tan sự phản kháng của bọn tư bản!”(6). Cần nhấn mạnh chức năng bạo lực trong giai đoạn này vì giai cấp bóc lột tuy đã bị lật đổ nhưng luôn nuôi hy vọng trở lại cầm quyền và muốn biến hy vọng đó thành hoạt động lật đổ. Hơn nữa, khi một xã hội mới hình thành, bên cạnh những nhân tố mới, tiến bộ, thì những tàn dư lạc hậu của xã hội cũ, những phần tử hủ bại... vẫn chưa mất đi hẳn, chúng ẩn dật, chờ thời cơ để thực hiện những hoạt động chống phá chính quyền cách mạng. Do đó, để bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ thì cần thực hiện chuyên chính vô sản, thậm chí nếu cần thiết thì phải có bàn tay sắt. 

Sau này, trước sự công kích của bọn Cauxky và giai cấp tư sản coi chuyên chính vô sản và Chính quyền Xô viết chỉ thuần túy là bạo lực, V.I. Lênin đã chỉ rõ, thực chất của “Chuyên chính không phải chỉ có nghĩa là bạo lực”(7) mà “chuyên chính của giai cấp vô sản nhất thiết phải đưa đến chỗ không những thay đổi hình thức và những thiết chế dân chủ nói chung, mà chính là phải thay đổi chúng thế nào để mở rộng nền dân chủ đến một mức độ chưa từng có trên thế giới cho những giai cấp lao động bị chủ nghĩa tư bản áp bức”(8). Khẳng định điều này, V.I. Lênin đã cho chúng ta thấy, trong cách mạng vô sản và sau Cách mạng Tháng Muời, do đất nước còn nhiều các thế lực chống đối, phản động thì tất yếu phải sử dụng bạo lực. Nhưng sau khi cách mạng đã thành công và đất nước dần đi vào ổn định thì thực hiện chuyên chính vô sản không chỉ là dùng bạo lực, không chỉ là sử dụng công cụ quân đội, cảnh sát để trấn áp các thế lực phản động, mà quan trọng hơn là xây dựng chính quyền, mở rộng dân chủ cho nhân dân lao động. Nói cách khác, chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ là xây dựng chính quyền nhà nước dân chủ kiểu mới, dân chủ thực chất hơn, tiến bộ hơn chính quyền chuyên chính tư sản, như V.I. Lênin viết: “... nhà nước trong thời kỳ đó tất nhiên phải là một nhà nước dân chủ kiểu mới (dân chủ đối với những người vô sản và nói chung những người không có của), và chuyên chính kiểu mới (chống giai cấp tư sản)”(9).

Trong khi phê phán Cauxky tán dương dân chủ tư sản, V.I. Lênin cho rằng, dân chủ tư sản tuy là một bước tiến bộ lớn trong lịch sử so với chế độ phong kiến thời trung cổ, nhưng dưới chế độ TBCN, nó luôn luôn là một thứ dân chủ hẹp hòi, giả dối, lừa bịp; nó là thiên đường đối với người giàu, nhưng là cạm bẫy và sự bịp bợm đối với người nghèo. Còn chính quyền Xô viết là một hình thức của dân chủ vô sản, “Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản nào, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần; Chính quyền Xô viết so với nước cộng hòa tư sản dân chủ nhất thì cũng dân chủ hơn gấp triệu lần”(10).

Mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp trong nước dần dần đi đến hòa dịu, chính quyền Xô viết quyết định chuyển trọng tâm trấn áp, bạo lực của chuyên chính vô sản sang cải tạo xã hội và xây dựng kinh tế. Vì vậy, nội dung của chuyên chính vô sản cũng dần thay đổi. Thực chất của chuyên chính vô sản trong giai đoạn này là xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng chế độ công hữu XHCN nhằm tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của nhân dân, ổn định xã hội. Nhiệm vụ căn bản mà chuyên chính vô sản phải hoàn thành, là cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới  XHCN: “Chuyên chính vô sản... không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột, và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Cơ sở kinh tế của bạo lực đó, cái bảo đảm sức sống và thắng lợi của nó chính là việc giai cấp vô sản đưa ra và thực hiện được kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Đấy là thực chất của vấn đề. Đấy là nguồn sức mạnh, là điều bảo đảm cho thắng lợi hoàn toàn và tất nhiên của chủ nghĩa cộng sản”(11).

Theo V.I. Lênin, CNXH được xây dựng trên cơ sở nền sản xuất lớn xã hội hóa và lại phải phát triển sức sản xuất xã hội lên mức độ cao nhất. Điều này quyết định chuyên chính vô sản không thể không coi việc tạo ra một năng suất lao động cao, có tính tổ chức và tính kỷ luật cao. Đặc biệt ở nước Nga, một nước TBCN chưa phát triển, lực lượng sản xuất tương đối lạc hậu, sức mạnh của thói quen sản xuất nhỏ có ảnh hưởng rất lớn lại càng cần phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và xây dựng quan hệ sản xuất XHCN phù hợp. Vì thế, sau khi Chính quyền Xô viết được củng cố thì việc phát triển sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, xây dựng và tăng cường tính tổ chức, tính kỷ luật trở thành nhiệm vụ bức thiết. V.I. Lênin chỉ rõ: “chuyên chính vô sản hoàn toàn không phải chỉ là lật đổ giai cấp tư sản hay địa chủ, - công việc ấy đã được thực hiện trong tất cả các cuộc cách mạng, - nền chuyên chính vô sản của chúng ta là ở chỗ bảo đảm trật tự, kỷ luật, năng suất lao động, sự kiểm kê và kiểm soát, bảo đảm Chính quyền xô-viết vô sản, một chính quyền vững chắc hơn, cứng rắn hơn chính quyền trước kia”(12). Theo V.I. Lênin, nhiệm vụ trấn áp sự phản kháng của địa chủ và giai cấp tư sản tương đối dễ, bởi đối với giai cấp vô sản và nhân dân lao động thì chống lại kẻ thù truyền kiếp đã bóc lột áp bức họ là điều dễ hiểu. Điều này đã được thực tiễn sau Cách mạng Tháng Mười thực hiện rồi. Nhưng việc hoàn thành nhiệm vụ tổ chức kinh tế, xây dựng quan hệ kinh tế XHCN thì khó khăn hơn nhiều cả về thời gian và công sức. Trong hai nhiệm vụ đó, nhiệm vụ thứ nhất tương đối nổi bật trong thời kỳ mới giành được chính quyền, còn khi chính quyền của giai cấp vô sản được củng cố thì nhiệm vụ thứ hai sẽ trở thành nhiệm vụ chủ yếu trong thời kỳ quá độ.

Ba là, về liên minh công nông trong nhà nước chuyên chính vô sản

Ở Nga, giai cấp vô sản chỉ là thiểu số, nông dân chiếm đại đa số trong dân cư. Trước tình hình đó, xây dựng và duy trì khối liên minh công nông là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của chuyên chính vô sản. Theo V.I. Lênin, liên minh công nông có vững chắc hay không sẽ quyết định sự sống còn của nhà nước chuyên chính vô sản. Người chỉ rõ: “chừng nào cách mạng chưa nổ ra ở các nước khác, thì chỉ có thỏa thuận với nông dân mới có thể cứu vãn được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga”(13). Liên minh công nông là lực lượng chính, là trụ cột của Chính quyền Xô viết. Liên minh này sẽ đảm bảo cho Chính quyền Xô viết hoàn thành nhiệm vụ cải tạo XHCN. Do đó, trong hoàn cảnh nước Nga, “Chuyên chính vô sản là một hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiền phong của những người lao động, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản (tiểu tư sản, tiểu chủ, nông dân, trí thức, .v.v.), hoặc với phần lớn những tầng lớp đó, liên minh nhằm chống lại tư bản...”(14). Điều đó cho thấy, nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản là giữ vững liên minh với giai cấp nông dân, giúp cho cho giai cấp vô sản có thể giữ vững quyền lãnh đạo và chính quyền nhà nước.

Qua tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của liên minh công nông, V.I. Lênin cho rằng, cơ sở để thực hiện liên minh trong thời kỳ quá độ là kinh tế. Trong thời kỳ nội chiến, sự hình thành bước đầu của liên minh công nông là liên minh quân sự để bảo vệ Chính quyền Xô viết. Nhưng như thế chưa đủ, liên minh quân sự không thể không kèm theo liên minh kinh tế. Không có cơ sở kinh tế, thì không thể tiếp tục duy trì liên minh giữa giai cấp vô sản với nông dân cũng như các tầng lớp khác trong xã hội. V.I. Lênin khẳng định: “trong thời kỳ quá độ này, trong một nước mà nông dân chiếm đa số, chúng ta phải biết chuyển sang những biện pháp nhằm đảm bảo những yêu cầu của nông dân về mặt kinh tế, biết tiến hành đến mức tối đa những biện pháp để cải thiện tình cảnh kinh tế của nông dân”(15). Bởi, chỉ trên cơ sở lợi ích kinh tế và tập quán của nông dân, mới nhận được sự ủng hộ từ nông dân và bảo đảm được sự lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với nông dân, dẫn dắt nông dân đi theo con đường XHCN. Qua nhiều lần tìm tòi, khảo nghiệm, V.I. Lênin đã chọn được con đường đúng đắn để xây dựng liên minh công nông, đó chính là thực hiện Chính sách kinh tế mới. Tất cả những điều đó cho thấy, cơ sở của liên minh chính là lợi ích kinh tế, đây là mối liên hệ biện chứng, thống nhất với nhau, xét đến cùng kinh tế luôn quyết định chính trị. Không thể dùng bạo lực, sức mạnh hành chính mệnh lệnh để giải quyết vấn đề liên minh giai cấp.

Bốn là, về Đảng Cộng sản trong chuyên chính vô sản

Theo V.I. Lênin, Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo chuyên chính vô sản. Vì: “chỉ có một giai cấp nhất định - chính là công nhân thành thị và, nói chung, công nhân nhà máy, công nhân công nghiệp - mới có khả năng lãnh đạo được toàn thể quần chúng lao động và những người bị bóc lột trong cuộc đấu tranh để lật đổ ách tư bản”(16). Hơn nữa, quần chúng lao động không phải vô sản có tính chất hai mặt, vừa là người lao động, lại vừa là người tư hữu. Mặc dù họ bị CNTB bóc lột còn nặng nề hơn cả giai cấp vô sản, nhưng họ không thể tự tiến hành đấu tranh để giải phóng mình. Địa vị kinh tế của họ và sự trói buộc của truyền thống tư hữu làm cho họ dễ nghiêng ngả, không thể thoát khỏi sự chi phối của tư tưởng tư sản. Nếu không có sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, họ sẽ lùi bước, ngả theo giai cấp tư sản. Vì vậy, V.I. Lênin nhấn mạnh chuyên chính vô sản là chính quyền của một giai cấp, là chính quyền độc quyền của giai cấp vô sản, phải do giai cấp vô sản lãnh đạo.

V.I. Lênin còn chỉ rõ, sự chuyên chính của giai cấp vô sản không thể do toàn bộ giai cấp đó thực hiện, chỉ có Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp có khả năng tập hợp lực lượng cách mạng mới có thể thực hiện được sự chuyên chính đó. Bởi “Chỉ có đội tiên phong ấy mới có thể chống lại nổi những dao động tiểu tư sản không thể tránh khỏi những quần chúng đó, chống lại nổi những truyền thống và những sự tái phạm không thể tránh khỏi những bệnh hẹp hòi phường hội hoặc của những thiên kiến phường hội trong giai cấp vô sản và lãnh đạo tất cả những hành động liên hợp của toàn bộ giai cấp vô sản, tức là lãnh đạo giai cấp đó về mặt chính trị, và thông qua giai cấp đó mà lãnh đạo tất cả quần chúng lao động. Nếu không thế, thì không thể thực hiện chuyên chính vô sản được”(17). Do đó, Đảng là lực lượng lãnh đạo cao nhất của chuyên chính vô sản, lãnh đạo toàn bộ công tác chính trị, kinh tế của đất nước. Sau này, trước tình trạng không phân biệt Đảng với chính quyền, Đảng làm thay chính quyền, V.I. Lênin đã chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng, là “lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt, như hiện nay”(18). Luận chứng của V.I. Lênin về lực lượng lãnh đạo và phương thức lãnh đạo của chuyên chính vô sản là một đóng góp mới cho lý luận chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác.

2. Bài học kinh nghiệm thực hiện chuyên chính vô sản ở nước ta

Nhìn lại lịch sử trong hệ thống các nước XHCN nói chung và Việt Nam nói riêng trước đây, đã có những nhận thức sai lầm, máy móc, giáo điều khi vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chuyên chính vô sản. Đặc biệt, trong thời kỳ cải cách ruộng đất của Việt Nam, chúng ta đã cực đoan khi giải quyết vấn đề đấu tranh giai cấp, tập trung đánh địa chủ, tư sản mà không dựa trên quan điểm lịch sử - cụ thể. Trong hệ thống chuyên chính vô sản thời kỳ trước đổi mới (1986), mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ở từng đơn vị chưa được xác định thật rõ; mỗi bộ phận, mỗi tổ chức trong hệ thống chuyên chính vô sản chưa làm tốt chức năng của mình. Chế độ trách nhiệm không nghiêm, pháp chế XHCN còn nhiều thiếu sót. Bộ máy nhà nước thiếu dân chủ, cồng kềnh và kém hiệu quả; cơ quan dân cử các cấp được lựa chọn, bầu cử và hoạt động một cách hình thức chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Đảng chưa ngang tầm những nhiệm vụ của giai đoạn mới, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết nhiều vần đề kinh tế -xã hội cơ bản và cấp bách. Vì vậy, trong Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI (3-1989), lần đầu tiên Đảng ta sử dụng khái niệm “hệ thống chính trị” thay cho khái niệm “chuyên chính vô sản”. Mặc dù không trực tiếp sử dụng khái niệm chuyên chính vô sản trong các văn kiện Đảng từ Đại hội VII đến nay, nhưng trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần tiếp tục giải quyết một số nhiệm vụ sau:

Một là, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới hình thức dân chủ. Đây là hình thức bắt buộc đối với nhà nước XHCN, nếu không muốn làm tha hóa bản chất quyền lực của mình. Như Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Nếu có một điều gì chắc chắn thì đó là đảng ta và giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến nắm quyền thống trị dưới một hình thức chính trị, như nền cộng hòa dân chủ. Nền cộng hòa này cũng chính là hình thức đặc thù của chuyên chính vô sản, như Đại cách mạng Pháp đã chứng minh”(19). Xây dựng nhà nước XHCN, chế độ dân chủ XHCN ở nước ta là một quá trình lâu dài. Trong điều kiện nước ta hiện nay mà áp đặt một chế độ dân chủ XHCN đầy đủ là chưa phù hợp. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là hiện nay chúng ta chưa nên phát huy dân chủ, mở rộng dân chủ. Ngược lại, như V.I. Lênin đã chỉ ra: “Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn”(20). Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay, “Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm...”(21). Vì vậy, chủ trương đổi mới Nhà nước theo mô hình nhà nước pháp quyền XHCN, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát huy tính dân chủ XHCN. 

Hai là, phát triển lực lượng sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý nhằm tăng năng suất lao động. Để xây dựng CNXH ở thế kỷ XXI cần phải phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, trên cơ sở đó xây dựng đội ngũ công nhân tiên tiến, cách mạng, nắm vững sứ mệnh lịch sử của mình và từng bước xây dựng chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu như phác họa của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Cũng như các nhà nước khác, nhà nước XHCN có cả chức năng bạo lực trấn áp, cả chức năng tổ chức xây dựng. Nhưng điểm khác nhau cơ bản so với các nhà nước bóc lột là đối với nhà nước XHCN, chức năng tổ chức xây dựng là chủ yếu. V.I.Lênin đã nhiều lần chỉ ra rằng, thực chất của chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Điều chủ yếu trong nền chuyên chính của giai cấp công nhân là những nhiệm vụ và chức năng có tính chất sáng tạo, là “đưa ra được và thực hiện được kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Đấy là thực chất của vấn đề. Đấy là nguồn sức mạnh, là điều đảm bảo cho thắng lợi hoàn toàn và tất nhiên của chủ nghĩa cộng sản”(22). Bởi lẽ, “Xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới”(23). Việc đưa ra được và thực hiện được kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn, một phương thức sản xuất có năng suất lao động cao hơn không phải vì lợi ích ích kỷ của một giai cấp, mà vì lợi ích của sự tiến bộ xã hội, vì lợi ích của quảng đại quần chúng lao động.

Ba là, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thực hiện tốt liên minh công nông trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, là nước nông nghiệp có đông nông dân trong cơ cấu dân cư thì vấn đề liên minh công - nông - trí là vấn đề có tính nguyên tắc. Đây là sự tiếp tục liên minh giữa các giai cấp và tầng lớp trong điều kiện mới, mang nội dung và hình thức mới. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, liên minh công - nông - trí nhằm tập hợp lực lượng cách mạng trong một liên minh chính trị thống nhất do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm cải tạo xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới.

Hiện nay, mặc dù giai cấp công nhân đã thiết lập được vị trí thống trị trong xã hội nhưng do kết cấu kinh tế còn phức tạp, còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế dựa trên các hình thức sở hữu khác nhau, còn sự khác biệt giai cấp (theo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, xã hội Việt Nam hiện nay gồm: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, đồng bào các dân tộc, các tín đồ tôn giáo, đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài). Do đó, giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng phải xây dựng khối liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động để cùng xây dựng chế độ xã hội mới, thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình.

Đặc biệt, liên minh giai cấp bền vững phải dựa trên việc tôn trọng nhu cầu, lợi ích của chính bản thân các chủ thể tham gia liên minh. Vì vậy, vấn đề cơ bản và xuyên suốt, vừa là nội dung, vừa là nguyên tắc mang tính quy luật trong việc xây dựng khối liên minh công - nông - trí thức là phải xác định đúng các nhu cầu, phát hiện kịp thời các nhu cầu mới nảy sinh của công nhân, nông dân, trí thức trong từng giai đoạn cụ thể, từ đó có giải pháp để thỏa mãn các nhu cầu chính đáng; xử lý đúng đắn, kịp thời những mâu thuẫn nảy sinh giữa các giai cấp. Làm tốt điều này, sẽ củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển xã hội, hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

* Tài liệu tham khảo

(1), (4), (11), (16), (22), (23) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.319, 310, 15-16, 17, 16, 25.

(2), (3), (9), (20) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.43-44, 44, 43, 97.

(5), (8), (10) V.I Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.296, 608, 312-313.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.32, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1981, tr.398.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.38, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.420.

(12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.319.

(13), (15) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.70, 34.

(14) V.I.Lênin: Toàn tập, t.38, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.452.

(17) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.112-113.

(18) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.75.

(19) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.346.

(21) ĐCSCN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.61.

PGS. TS. Lê Thị Thanh Hà  - Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

các tin khác