06:17 28/08/2024
CN. Trần Vũ Minh
Giảng viên Khoa Xây Dựng Đảng
Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội An Giang luôn có sự phát triển mạnh mẽ không ngừng, hàng hóa xuất khẩu của Tỉnh đã có mặt trên thị trường trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút được nhiều dự án đầu tư, công tác xúc tiến thương mại và đầu tư đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, với những lợi thế sẵn có, An Giang vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, môi trường đầu tư chưa thật sự thuận lợi, chỉ số năng lực cạnh tranh của Tỉnh sụt giảm. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới là cần thiết.
An Giang là tỉnh nông nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích tự nhiên trên 3.536 km2; có khoảng 100 km đường biên giới giáp 02 tỉnh Kandal và Tàkeo - Vương quốc Campuchia với 02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu phụ. Dân số An Giang hiện có gần 2,2 triệu người, đứng thứ 08 cả nước và đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long (Tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh An Giang). An Giang được xem là trung tâm kinh tế - thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Phnom Penh (Campuchia). Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, lực lượng lao động dồi dào; An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại biên giới.
Những năm qua nhất là năm 2022, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư đạt được những kết quả tích cực, đem lại cho địa phương nhiều thành tựu đáng kể như:
1. Kết quả đạt được
1.1. Hoạt động xúc tiến thương mại
Với lợi thế là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN. Năm 2022, Sở Công thương An Giang đã trình Bộ Công thương 02 Đề án: “Tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - An Giang năm 2023, Hội nghị kết nối giao thương tại An Giang giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu” và “Tổ chức xúc tiến thương mại đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào An Giang năm 2023”; trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt Chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại phục vụ Đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Cùng với đó An Giang đã tiến hành tổ chức các lễ hội để xúc tiến thương mại, dịch vụ như:
Tổ chức Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 tại thành phố Châu Đốc. Với quy mô 180 gian hàng của các doanh nghiệp thuộc 20 tỉnh, thành trong cả nước. Số lượng khách tham quan mua sắm đạt khoảng 125.000 lượt, tổng doanh số bán hàng đạt khoảng 24 tỷ đồng và có hơn 10 hợp đồng đại lý, biên bản được ký kết.
Tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2022, với quy mô hơn 300 gian hàng của 120 doanh nghiệp gồm Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Số lượng khách tham quan mua sắm đạt trên 260.000 lượt người, trong đó khách đến từ Vương quốc Campuchia khoảng 20.000 lượt, tổng doanh số bán hàng đạt 15 tỷ đồng.
Tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, hình ảnh du lịch, hình ảnh xúc tiến đầu tư tại: Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại tỉnh An Giang; Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh An Giang với Công ty Cổ phần NovaGroup tại thành phố Hồ Chí Minh.
Phối hợp với Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành tỉnh An Giang tổ chức Tuần lễ bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang.
Tham gia gian hàng triển lãm của tỉnh và hỗ trợ 20 doanh nghiệp cùng tham gia tại gần 10 sự kiện: Diễn đàn Sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL; Triển lãm Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam; Hội chợ Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam khu vực ĐBSCL; Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng; Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022; Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng; Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam Foodexpo 2022; Hội chợ Đặc sản vùng miền tại Hà Nội; Hội chợ Công Thương khu vực ĐBSCL - Long An năm 2022… Kết quả thu hút 7.000 lượt khách các tỉnh, thành đến tham quan, mua sắm; đã kết nối mở thêm đại lý cho 06 doanh nghiệp của Tỉnh.
Tham gia chuỗi các sự kiện tại Ngày hội tam nông năm 2022 như: Dự lễ Khai mạc, tổ chức Hội nghị “Nhà nông đua tài” vòng thi bán kết, chung kết toàn quốc và Ngày hội tam nông.
Thực hiện các công tác khác như: Hỗ trợ 06 cơ sở, doanh nghiệp tham gia Phiên chợ cuối tuần tại Siêu thị Tứ Sơn; Phối hợp với Công ty TNHH Shopee hỗ trợ 50 doanh nghiệp thương mại mở gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee (đã có 19 doanh nghiệp tạo xong tài khoản đăng nhập đủ điều kiện tham gia chương trình khuyến mại của Shopee) và tổ chức các lớp đào tạo tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee; Thông báo xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam kỳ thứ 8 năm 2022 đến các doanh nghiệp; Kết nối các sản phẩm OCOP đưa vào Cửa hàng OCOP của Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang và hỗ trợ quảng bá, truyền thông cho cửa hàng này trên fanpage của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư; (5) Thông tin cho hơn 2.500 lượt doanh nghiệp tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ trong và ngoài nước do các các tỉnh, thành tổ chức.
1.2. Hoạt động xúc tiến đầu tư
Tổ chức Đoàn công tác tham gia “Khu gian hàng đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam” và dự các chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Vietnam Expo 2022 tại Hà Nội do Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức. Khu gian hàng của Tỉnh đã thu hút doanh nghiệp trong nước và cơ quan xúc tiến đầu tư (Kotra), cơ quan xúc tiến kinh tế tỉnh Chungcheongnam-do, Công ty CIG,... tham quan tìm hiểu môi trường đầu tư, hạ tầng các khu công nghiệp môi trường, năng lượng.
Tiếp, làm việc với Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc và tổ chức khảo sát Khu Công nghiệp Xuân Tô, Khu thương mại miễn thuế Tịnh Biên, Chợ biên giới Tịnh Biên, Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên. Đồng thời, hai bên trao đổi về vị trí khảo sát để đầu tư Trung tâm phân phối hàng hóa và nông sản tại An Giang và trình UBND tỉnh đề xuất thực hiện dự án đầu tư.
Thực hiện công tác hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư. Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023; Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023. Tổng hợp số liệu, dữ liệu để in ấn tài liệu xúc tiến đầu tư. Đồng thời, liên hệ và phối hợp đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu gói thầu in ấn tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2023. Tập hợp số liệu về sản xuất nông sản; trái cây để giới thiệu mời gọi đầu tư nhà máy chế biến.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, thì hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế sau:
Một là, các sản phẩm sản xuất tại địa phương được sản xuất theo hướng hộ gia đình và các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã còn đơn giản và ít được chú trọng đầu tư. Các hộ kinh doanh và doanh nghiệp còn thụ động trong công tác tìm kiếm thị trường, mở rộng hệ thống phân phối, trong khi mức chi đầu tư cho phát triển kênh phân phối còn rất thấp. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, bán lẻ của Tỉnh tập trung ở các đô thị lớn, thị xã, thị trấn, chưa đi sâu vào các khu vực tập trung dân lao động đông như các khu cụm công nghiệp và khu vực nông thôn.
Hai là, các doanh nghiệp ở An Giang phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đầu tư phát triển thị trường có nhưng còn hạn chế do chi phí phát triển thị trường nhất là thị trường ở nước ngoài
Ba là, cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến ở nước ngoài còn hạn chế. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tham gia mạnh vào các chương trình.
Bốn là, chưa chuẩn bị hoặc hình thành được nền tảng và điều kiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội một cách vững chắc để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi khi thu hút và triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn, nhất là điều kiện hạ tầng về giao thông, vùng nguyên liệu, lực lượng lao động (cả lao động phổ thông, lao động có tay nghề và lao động chuyên môn sâu, chất lượng cao).
Năm là, xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được nguồn lực, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ Trung ương, do đó, ngoài việc xây dựng và áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi chung theo quy định của Trung ương, tỉnh An Giang chưa xây dựng được chính sách hỗ trợ đầu tư riêng để bù đắp những bất lợi về vị trí địa lý và điều kiện hạ tầng.
Sáu là, nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến thương mại còn thiếu so với nhu cầu và hạn chế về năng lực. Trong đó, năng lực của cán bộ, viên chức làm công tác xúc tiến thương mại còn yếu, đặc biệt là ngoại ngữ
3. Đề xuất giải pháp cơ bản
Để hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang đạt hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ, trong thời gian tới cần thiết thực hiện các giải pháp sau:
3.1. Hoạt động xúc tiến thương mại
Tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ chuyên ngành quốc tế gồm các mặt hàng chủ lực là lúa gạo, nếp, thủy sản, trái cây, rau màu tại các nước như: Trung Quốc, Hong Kong, Thái Lan…
Thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu định vị thị trường xuất khẩu và xây dựng kế hoạch phát triển thị trường gạo xuất khẩu của An Giang. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo tham gia hội chợ triển lãm định hướng xuất khẩu tại Việt Nam và các hội chợ ngoài nước theo Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hoặc của các nước có quan hệ hợp tác với Việt Nam để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác và củng cố hệ thống phân phối.
Nghiên cứu phát triển thêm các kênh thương mại mới, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thương mại điện tử để tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến.
Tổ chức các phiên chợ, chuyến bán hàng Việt lưu động tại huyện, thị xã, thành phố theo hướng đổi mới nội dung và hình thức nhằm nâng cao hiệu quả, thu hút nhiều người dân đến tham quan, mua sắm.
Tham gia và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong và ngoài Tỉnh để quảng bá và kết nối giao thương tại các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Miền Trung - Tây Nguyên...
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của hợp tác xã để có sức cạnh tranh trên thị trường; Hỗ trợ đẩy mạnh sự liên kết trong khu vực hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp; Quan tâm, tạo điều kiện để các hợp tác xã xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu học tập kinh nghiệm.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2023. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại gạo thương hiệu An Giang.
Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, đặc biệt là các chủ thể OCOP xây dựng trang web thương mại điện tử và đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá thương hiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chủ lực của Tỉnh, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử, báo, đài, các trang mạng xã hội,…
3.2. Hoạt động xúc tiến đầu tư
Tuyên truyền và đăng thông tin quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của An Giang trên các kênh truyền thông, báo, đài địa phương, website của đơn vị, quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh với các tạp chí của VCCI và báo, đài Trung ương.
Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Phía Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, Trung tâm xúc tiến của các tỉnh, thành trong khu vực tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư để giới thiệu, quảng bá tiềm năng thế mạnh kinh tế của Tỉnh, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn về đầu tư tại An Giang.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hội nghị xúc tiến đầu tư chuyên đề về nông nghiệp công nghệ cao, thương mại – dịch vụ, du lịch.
Xây dựng mới ấn phẩm, tài liệu, từng bước số hóa dữ liệu; Xây dựng cơ sở dữ liệu các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư mô hình 3D; Thực hiện in ấn tài liệu rút gọn, thông tin cơ bản của hội nghị, hội thảo. Tài liệu dịch và phát hành bằng nhiều ngôn ngữ để cung cấp cho đối tác, phục vụ tại các sự kiện đầu tư.
Qua những nhận định trên có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở An Giang đã có những bước tiến đáng kể, thể hiện qua những kết quả đạt được nhưng đã phân tích. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mang lại, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang còn những hạn chế cần tháo gỡ để hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển chung của Tỉnh./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang. (2020). Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2. Cục Thống kê tỉnh An Giang. (2019). Tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh An Giang.
3. Sở Công thương An Giang. (2020). Báo cáo tổng kết Chương trình Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 và Chương trình Xúc tiến Đầu tư - Thương mại giai đoạn 2016 - 2020.
4. Sở công thương An Giang. (2023). Báo cáo tổng kết hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch năm 2022.