04:49 17/04/2023
Dân chủ là một phạm trù lịch sử, phát triển từ thấp đến cao: Từ chuyên chế phong kiến đến dân chủ tư sản rồi tiến tới dân chủ xã hội chủ nghĩa… Lênin viết: "Chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước. Cho nên, cũng như mọi nhà nước, chế độ dân chủ là việc thi hành có tổ chức, có hệ thống sự cưỡng bức đối với người ta. Một mặt thì như thế. Nhưng mặt khác chế độ dân chủ có nghĩa là chính thức thừa nhận quyền bình đẳng giữa những công dân, thừa nhận cho mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước". Người tổng kết: "… tư tưởng cơ bản như sợi chỉ đỏ xuyên qua tất cả các tác phẩm của Mác, tư tưởng đó là: Chế độ cộng hoà dân chủ là con đường ngắn nhất đi đến chuyên chính vô sản". Người còn nhấn mạnh: "Giai cấp vô sản không thể giành được thắng lợi bằng cách nào tốt hơn là thông qua chế độ dân chủ, nghĩa là bằng cách thực hiện chế độ dân chủ triệt để và đem những yêu sách dân chủ được đề ra một cách kiên quyết nhất mà gắn liền với từng giai đoạn đấu tranh của họ".
Chính vì thế, Lênin đã đánh giá: "Chế độ dân chủ (ý nói dân chủ tư sản) có một ý nghĩa lớn lao trong cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân chống bọn tư bản. Nhưng chế độ dân chủ hoàn toàn không phải là một giới hạn không thể vượt được, nó chỉ là một giai đoạn trên con đường từ chế độ phong kiến đến chủ nghĩa tư bản và từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa cộng sản".
Không được hạ thấp tính ưu việt của nền dân chủ tư sản. Phải nhận thức đầy đủ "vai trò hết sức cách mạng của giai cấp tư sản". Nhưng nói đến dân chủ tư sản cũng cần hiểu rõ nó là: "Dân chủ cho một thiểu số rất nhỏ"; "một thứ dân chủ cắt xén, khốn khổ, giả dối"; nó "gạt bỏ người nghèo ra ngoài chính trị, không cho họ tham gia tích cực vào chế độ dân chủ"… Nhưng đây là sự "gạt bỏ" rất tinh vi. Mác từng châm biếm: "… người ta cho phép những người bị áp bức, cứ mấy năm một lần, lại được quyết định xem trong số đại biểu của giai cấp áp bức, người nào sẽ thay mặt họ và sẽ chà đạp lên họ ở nghị viện".
Hiện nay cùng với đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều "coi thường những giá trị của chủ nghĩa tư bản". Chúng ta cần phải đề phòng và kiên quyết chống thứ "giáo điều mới". Bởi nó luôn thổi phồng các giá trị của phương Tây đến mức "sùng bái"... Cần ghi nhớ nhận xét sau đây của Lênin: "Xã hội tư bản chủ nghĩa, xét trong những điều kiện phát triển thuận lợi nhất của nó, đem lại cho ta một chế độ dân chủ ít nhiều đầy đủ trong chế độ cộng hoà dân chủ. Nhưng chế độ dân chủ ấy bao giờ cũng bị bó trong khuôn khổ chật hẹp của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa và do đó, thực ra, nó luôn luôn là một chế độ dân chủ đối với một thiểu số, vẫn chỉ là một chế độ dân chủ đối với riêng những giai cấp có của, đối với riêng bọn giàu có mà thôi. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, tự do luôn luôn vẫn gần giống như tự do trong các nước cộng hòa Hy Lạp thời cổ: Một thứ tự do cho chủ nô. Những người nô lệ làm thuê ngày nay, do sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, nên bị cảnh thiếu thốn đói khổ đè nặng đến nỗi "không thiết gì đến dân chủ", "không thiết gì đến chính trị" và đến nỗi đa số nhân dân đều bị gạt ra ngoài sinh hoạt chính trị - xã hội.
Khi bàn về nền dân chủ kiểu mới gắn với chính quyền Xô-viết, Lênin chỉ rõ: "Dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số; còn có gì cao hơn tự do, bình đẳng, quyết định của đa số nữa". "Dân chủ nói một cách cụ thể, là: (1) Bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; (2) Tự do chính trị cho mọi công dân; (3) Quyết định theo đa số của mọi công dân; (4) Quyết định bằng cách biểu quyết, đó là thực chất của dân chủ hòa bình hoặc dân chủ thuần túy v.v"...
Dân chủ mà Lênin đề cập là dân chủ trước hết cho đa số quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân có vai trò cực kỳ quan trọng cả trong sự nghiệp cách mạng giành chính quyền cũng như trong việc xây dựng bảo vệ chính quyền của nhân dân. Sự nghiệp cách mạng có thành công hay không, có giành và giữ được chính quyền nhà nước hay không phụ thuộc vào khả năng tập hợp, thuyết phục quần chúng nhân dân tiến hành các hành động cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng. Lênin khẳng định: "Chỉ có những người nào tin tưởng vào nhân dân, dấn mình vào nguồn sáng tạo sinh động của nhân dân, mới là người chiến thắng và giữ được chính quyền". Nhân dân không chỉ là lực lượng đông đảo nhất và hùng mạnh nhất, mà còn là lực lượng sáng tạo nhất quyết định sự thành công của cách mạng. Lênin xác định: "Tính sáng tạo năng động của quần chúng, đó là nhân tố cơ bản của xã hội mới". Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể giành được thắng lợi nếu không có sự tham gia sáng tạo quần chúng nhân dân. Khi nói đến nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nói đến chính quyền thuộc về tay nhân dân, nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước của dân, do nhân dân làm chủ nhà nước thông qua các đại biểu của mình, Người khẳng định: "Chủ nghĩa xã hội thắng lợi nhất thiết phải thực hiện chế độ dân chủ hoàn toàn".
Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước đã nhìn thấy: "Chỉ cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật". Kế thừa và phát triển những tư tưởng về dân chủ của Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm rất đặc sắc, dân chủ là: "Dân là chủ", "Dân làm chủ", "Dân là gốc", "Nước ta là nước dân chủ", "Dân chủ là cái chìa khóa vạn năng".
Khẳng định mạnh mẽ vai trò làm chủ xã hội của Nhân dân, Hồ Chí Minh nói: "Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" và quan trọng hơn, Người còn chỉ ra yêu cầu làm cho dân được hưởng quyền làm chủ trên thực tế. Từ "dân là chủ" tiến lên thành "dân làm chủ". Nghĩa là phải làm sao cho người dân có điều kiện làm chủ, biết hưởng quyền làm chủ, đồng thời biết dùng quyền làm chủ. Muốn vậy Nhân dân phải có năng lực làm chủ. Đảng, Nhà nước phải có chủ trương, chính sách, pháp luật…; mặt khác, người dân phải phấn đấu, rèn luyện, phải học dân chủ, phải nâng cao trình độ hiểu biết về dân chủ, phương pháp thực hành dân chủ và bản lĩnh thực hành dân chủ.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta khẳng định: Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của Nhân dân./.
Trung Thành