08:03 27/04/2020
Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ (1954-1956). Nghị quyết số 07/NQ-TW của Trung ương Đảng, ngày 10-4-1956 khẳng định: “Muốn thực hiện đầy đủ chính sách đối ngoại của Đảng, cần phải chú ý hoạt động trên hai mặt: Một mặt, Chính phủ ta với chính phủ các nước, một mặt nhân dân ta với nhân dân các nước”(1). Vì vậy, Đảng chủ trương thành lập Ban Hoạt động quốc tế - một cơ quan chuyên trách giúp Trung ương theo dõi và quản lý hoạt động đối ngoại nhân dân của các đoàn thể nhân dân, nhằm “tăng cường chỉ đạo và phối hợp các hoạt động quốc tế của các đoàn thể nhân dân nhằm củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân các nước đối với cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân ta, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới”(2).
Quán triệt chủ trương của Đảng, thời kỳ này, nội dung, phương pháp và hình thức vận động quốc tế cũng như đấu tranh ngoại giao rất đa dạng: ngoài việc ra bản tin, sách báo, phát thanh, phim ảnh, chú trọng vận động cá nhân, gặp mặt, hội nghị hội thảo trong và ngoài nước, tố cáo tội ác của Mỹ - nguỵ bằng người thật việc thật, còn vận động thông qua các diễn đàn nhân dân quốc tế và ở một số nước cũng như quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, hội hữu nghị, tổ chức nhân đạo và quan hệ kết nghĩa địa phương giữa nước ta và một số nước. Các hoạt động đối ngoại nhân dân trong giai đoạn này tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là: góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất đất nước.
Theo chủ trương của Đảng, ngày 19-10-1956, Ủy ban đoàn kết của Việt Nam được thành lập (đến năm 1958 đổi tên thành Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á - Phi; tháng 8-1984 đổi thành Ủy ban đoàn kết, hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh) và đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, dự các hội nghị quốc tế do Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi và các Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á - Phi các nước, đồng thời lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giành và bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Để tăng cường đoàn kết với nhân dân một số nước, một số ủy ban đoàn kết song phương của Việt Nam cũng được thành lập: Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Palestine, với nhân dân El Sanvadore, với nhân dân Chile, với nhân dân Lybia, Uỷ ban Việt Nam ủng hộ hòa bình thống nhất Triều Tiên...(3)
Hoạt động hữu nghị nhân dân tập trung vào việc góp phần tăng cường quan hệ với nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, nhân dân các nước XHCN Đông Âu và nhân dân các nước độc lập dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ để khắc phục hậu quả chiến tranh ở miền Bắc, vận động quốc tế ủng hộ nhân dân ta đấu tranh đòi Pháp và Mỹ thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ.
Từ năm 1960, cuộc kháng chiến ở miền Nam bước vào giai đoạn mới, ngày càng phát triển lớn mạnh và quyết liệt. Phong trào hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước cũng phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên chiến trường và sau này cho cả cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán với Mỹ. Tháng 2-1963, Ban công tác quốc tế nhân dân được thành lập (tháng 8-1974 đổi thành Ban Quốc tế nhân dân). Mục đích của việc thành lập tổ chức này là nhằm tăng cường chỉ đạo và phối hợp hoạt động quốc tế của các đoàn thể nhân dân; củng cố và phát triển tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Bên cạnh đó, mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước đã từng bước hình thành trên thực tế và bắt đầu phát triển sâu rộng khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ thất bại (1963-1964).
Có thể nói, trong lịch sử thế giới, thật hiếm có một cuộc đấu tranh của một dân tộc nào nhận được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ của nhân dân thế giới như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và trong nhiều năm, vận mệnh của dân tộc ta lại gắn liền với vận mệnh của các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý như vậy. Nhiều lực lượng khác nhau ở nhiều nước trên khắp năm châu từ người dân bình thường đến các nhà hoạt động chính trị, nghị sĩ, trí thức, nhà báo, từ các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội đến các đảng phái chính trị và cả một số chính phủ đã lên án Mỹ xâm lược và ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam với một tinh thần bền bỉ, lòng mong mỏi và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam. Hình thức ủng hộ và đoàn kết phong phú đa dạng như: mít tinh, biểu tình, bản tin, sách báo, phát thanh, nói chuyện, hội thảo, quyên góp ủng hộ về vật chất; lập các ủy ban đoàn kết với Việt Nam ở nhiều nước; tự nguyện làm công tác thông tin, vận động ủng hộ Việt Nam; thậm chí gửi thư tình nguyện đến Việt Nam để chiến đấu chống Mỹ. “Có ít nhất 10 vụ tự thiêu để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ. Phong trào nhân dân thế giới ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ là một phong trào quốc tế rộng lớn và hiếm có trong lịch sử thế giới. Từ phong trào này, một “thế hệ Việt Nam” đã ra đời ở nhiều nước” (4).
Như vậy, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, có nhiều bất lợi cho ta, nhất là mâu thuẫn Xô - Trung sâu sắc và bất đồng nghiêm trọng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, công tác đối ngoại nhân dân đã cùng với công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đã khắc phục khó khăn, phát huy tự lực tự cường và đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ về chính trị và giúp đỡ về vật chất của nhân loại tiến bộ, góp phần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đưa công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi.
Tài liệu tham khảo
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3.
(2)(3)(4). Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.
ThS. Đỗ Ngọc Qui - Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học