03:27 06/03/2020
Về Đảng cầm quyền ở Âu - Mỹ và các nước theo chủ nghĩa tư bản
Ở các nước ấy, các đảng chính trị tranh giành quyền lực và trở thành đảng cầm quyền thông qua con đường tuyển cử và đấu tranh ở Quốc hội. Đây là con đường chính để đưa một đảng chính trị thành đảng cầm quyền.
Muốn vậy, mỗi đảng chính trị phải có một chương trình hành động để đạt tới mục tiêu mà đảng ấy và giai cấp của họ mong mỏi, phải có những chính sách nhất định, phải dùng nhiều biện pháp để giành cho được chính quyền.
Sau cuộc bầu cử ở Quốc hội, hay là tổng tuyển cử, Đảng cầm quyền cử người đứng đầu Đảng của mình làm Tổng thống hoặc Thủ tướng đứng ra thành lập Chính phủ, các thành viên hoạt động tích cực trong chiến dịch bầu cử của Đảng được bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính quyền. Mọi hoạt động của Chính phủ phải thể hiện đường lối, chính sách của Đảng cầm quyền.
Ở nhiều nước, rất ít có đảng chính trị nào giành được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân. Tùy theo số lượng đảng chính trị trong một nước mà thành ra các loại: một đảng, hai đảng hay đa đảng.
Các đảng chính trị phải liên kết, phối hợp với nhau, hoặc chống đối nhau để giành chính quyền. Một điều nữa là những đảng chiếm ít số phiếu hoặc pheđối lập, còn phải tập hợp với nhau để bảo vệ quyền lợi của mình, hoặc để cản trở, chống đối với phe đa số.
Đảng cầm quyền ở Việt Nam
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là do bản chất cách mạng và khoa học của Đảng quyết định. Bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, các chủ thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí Hồ Chí Minh đã nói từ nhiều năm trước cách mạng Tháng Tám - 1945 rằng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”. Đồng chí nói: “Thế giới quan, phương pháp luận là tinh thần phê phán, đổi mới và sáng tạo của chân lý; là nguyên lý thực tiễn, là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý; chủ thể của lịch sử là quần chúng nhân dân. Chính sách cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là: phản đối sự tha hóa của con người, biến con người thành nô lệ và thành những kẻ bóc lột, ức hiếp, những kẻ làm giàu không chính đáng. Chính sách ấy chủ trương phát triển con người một cách toàn diện.”
Ở Việt Nam, bằng những hành động thực tế, đồng chí Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách có phê phán, đổi mới và sáng tạo trước những biến đổi của thời gian, có cống hiến to lớn vào sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ông đã suy luận rằng: dù cho chủ nghĩa tư bản có phát triển đến đâu nữa, thì trước sau, tất cả các dân tộc trên thế giới cũng phải độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội sẽ đến ở khắp nơi.
Mấy năm gần đây, một số người, trong đó có người Việt Nam cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp trước những biến đổi trên thế giới và ở Việt Nam. Đó là cách nhìn nhận không xuất phát từ tính khoa học, tính sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin. Học thuyết và các chính sách của Mác - Lênin không phải là một loại tôn giáo, mà chính là phương pháp, phương pháp luận.
Năm 2016, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XII của Đảng đã nói rõ: Thời kỳ mới đã diễn ra ở nước ta, như mọi người đã thấy, đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn xã hội, phải tiếp tục đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, phải theo sát tình hình thực tế ở trong nước và thế giới; tổng kết thực tiễn một cách chính xác và tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, từ đó mà đổi mới, bổ sung đường lối, chính sách, các biện pháp về phương thức lãnh đạo cho sát, đúng.
Báo cáo chính trị, với ý thức tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đã nói rõ tình hình của đất nước, của Đảng hiện nay, cả những thành tựu và tiến bộ. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày càng cao. Nhân dân ta ở khắp nơi đã thấy, các bạn ở ngoài nước đã thấy. Đó là những sự thật rõ ràng.
Nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tích cực tham gia các hiệp định thương mại, tích cực hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn. Thực tế là thời cơ, vận hội phát triển đã mở ra rộng lớn.
Báo cáo cũng đã chỉ rõ: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra từ lâu đến nay vẫn tồn tại, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được,…
Đó cũng là những sự thật. Đảng đã chỉ ra những định hướng, những cách làm, những biện pháp để khắc phục theo từng yêu cầu của các tiêu chí ấy. Tôi thấy đó là những quyết tâm của Đảng để khắc phục các khuyết điểm trong thời kỳ mới.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm ở phần cuối của Báo cáo chính trị là những việc phải tập trung lãnh đạo thực hiện cho được. Đó là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín. Phải xây dựng bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Phải đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, chính điều đó phản ánh đúng sự đổi mới tư duy, sự đổi mới của Đảng cầm quyền.
Bây giờ cũng như những năm trước đây, tôi nhận thức rằng nhân dân và Nhà nước ta phải có một Đảng cầm quyền mạnh và một Nhà nước mạnh, cũng như không thể có một Nhà nước mạnh mà Đảng yếu. Đó là quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước do Đảng lãnh đạo.
Nhà nước Việt Nam, phải là một Nhà nước dân chủ đích thực. Nhân dân Việt Nam tạo ra mọi của cải vật chất và các giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của xã hội. Bây giờ cũng vậy và sau này cũng vậy. Nguồn gốc trí tuệ của Đảng và của Nhà nước cũng từ Dân mà ra.
Mọi quyền lực của Nhà nước, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, Đảng và Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ và các thành viên Chính phủ đều do dân giao cho. Các cơ quan Nhà nước không có quyền lực từ chính bản thân mình. Quyền lực của Nhà nước là có giới hạn và điều chỉnh, tùy theo phạm vi ủy quyền của dân, trong từng thời điểm nhất định.
Bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam được thể hiện trong cuộc sống thực tế.
Ngày nay, nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ,… những nước chủ nghĩa tư bản nhiều đảng chính trị, các Nhà nước đều tự nhận mình là đấu tranh vì dân chủ, đều tuyên truyền đề cao chế độ dân chủ, chính sách dân chủ của mình. Nhưng thực tế đã cho thấy, không ít nhà nước nói dân chủ thì nhiều, dân chủ trên giấy tờ, trên văn bản thì tốt, nhưng hành động thực tế, việc làm thì trái với tinh thần dân chủ.
Nhà nước Việt Nam của chúng ta không thể làm như vậy. Chúng ta quyết nói đúng sự thật và làm cũng đúng như sự thật. Đó chính là học tập “nói và làm đúng sự thật” như Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đồng chí Nguyễn Văn Linh… đã dặn.
Đảng và Nhà nước phải xem xét kỹ nội dung thực chất của luật pháp, từ Hiến pháp đến các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước; cách thức Nhà nước xây dựng, ban hành, thi hành luật pháp, mức độ tham gia của dân chúng vào việc xây dựng luật pháp; ý thức thực hành dân chủ của những cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước trong việc thi hành luật pháp.
Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn xã hội nhưng Đảng không phải là chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam được người dân làm chủ tín nhiệm, tôn vinh, giao cho trách nhiệm lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Nhà nước để thực hiện quyền làm chủ của dân, để xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ đích thực ở Việt nam nhưng sự tôn vinh ấy, phải được hiến pháp giao cho.
Mức độ dân chủ và trình độ dân chủ còn biểu hiện ở ngay từ người dân, qua lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm của công dân, trong việc tham gia xây dựng biện pháp, giám sát việc xây dựng và thi hành luật pháp.
Trình độ dân chủ, văn minh biểu hiện rõ trong sự kết hợp gắn bó giữa thực hành dân chủ và việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của Nhà nước, của quốc gia, được sự lãnh đạo của Đảng.
Nền dân chủ được thực hiện trong cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực thông qua hoạt động của Nhà nước do dân cử ra và bằng các hình thức gián tiếp và dân chủ, dân chủ trực tiếp. trong các hoạt động tự do trong phạm vi toàn quốc. Hãy nhớ lại cuộc tổng tuyển cứ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và tự do do Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản lãnh đạo đã diễn ra với sự náo nức chưa từng có của mỗi người dân. Những cuộc tổng tuyển cứ về sau, khi các điều kiện về an ninh, kinh tế, dân trí ngày càng tốt hơn, đã không được như vậy.
Đảng phải tự trang bị thêm cho mình rất nhiều về trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, phải ráo riết xây dựng và chính đốn Đảng ở các cơ quan Trung ương, ở các ngành và các cấp, phải tiếp tục đổi mới, đổi mới mạnh hơn về công tác tư tưởng, tuyên truyền và giáo dục, công tác cán bộ, thái độ tư phê bình, tự chỉ trích trong toàn xã hội Việt Nam. Tức là phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam.
Đảng ta lãnh đạo thực hiện đường lối xây dựng xã hội Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng nâng cao nhận thức, ý thức của dân về quyền làm chủ. Đảng và Nhà nước khuyến khích nhân dân đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, giám sát hoạt động của Nhà nước, hoạt động của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Tư tưởng, chủ trương và cách làm như vậy đã được nêu trong nhiều chỉ thị, nghị quyết nhưng thực hiện như thế nào cho đúng là dân chủ, văn minh làm thế nào cho đúng với luật lệ của Nhà nước là một thách thức đối với cơ quan lãnh đạo và quản lý. Phát huy dân chủ như thế nào để đó liền với bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, để dân chủ mà không theo đuổi sự lôi kéo của những người xấu, không để cho kẻ địch gây rối.
Tự do và dân chủ đi liền với sự nâng cao dân trí. Ngày nay, khi trình độ dân trí đã được nâng lên khá cao, báo chí và thông tin trên mạng xã hội theo từng tỉnh, thành phố, huyện, từng ngành, từng lĩnh vực, tin trong nước và nước ngoài, đưa đến với người dân rất nhiều và sắp tới còn nhiều hơn và nhanh hơn. Trong công tác tuyên truyền, vận động, Đảng và Nhà nước phải có cách làm thật tốt để tạo điều kiện cho người dân có tri thức và có ý kiến, phân biệt được những thông tin tốt và những thông tin xấu. Trong lúc này, cần phải đưa vào các nhà khoa học, các nhà chuyên môn kỹ thuật và hệ thống thông tin truyền thông của Chính phủ.
Trong khi cả nước, cả xã hội đang phấn đấu thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế đang trên con đường tiến tới nền kinh tế tri thức, xã hội đang dần dần đi đến xã hội thông tin, Đảng ta phải áp dụng có hiệu quả các công cụ, công nghệ quản lý hiện đại vào hoạt động vào bộ máy của Đảng, của Nhà nước, gắn kết chặt chẽ với các hình thức, phương pháp công tác có tính “truyền thống” của Đảng.
Từ lâu nay, các diễn đàn toàn cầu về cải cách hành chính hoặc tái tạo chính phủ do Liên hợp quốc tổ chức hàng năm đều khuyến nghị các nhà nước rằng: một quốc gia muốn đứng vững trước và ngày càng thịnh vượng trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu hiện nay, phải tái tạo Chính phủ, xây dựng một Chính phủ có chất lượng cao, một Chính phủ điện từ, một Chính phủ có hiệu năng cao và tiết kiệm. Họ cho rằng để xây dựng, hoàn thiện nền công vụ với chất lượng cao thì phải có những nhà quản lý, những công chức có trình độ chuyên môn cao về hành chính, quản trị, cả hành chính, quản trị của Nhà nước và hành chính quản trị của các doanh nghiệp, các đoàn thể quần chúng trên nhiều lĩnh vực.
Bộ máy quản lý hành chính nhà nước ở trình độ hiện nay phải được tổ chức và vận hành một cách tinh gọn, chức trách rành mạnh, các bộ phận hoạt động ăn khớp như trong một tổ máy, một công xưởng. Trách nhiệm, thẩm quyền của từng đơn vị, từng người và của cá nhân, kể cả người đứng đầu thật rõ ràng, minh bạch, mọi người đều thấy và hiểu. Không được phép lẫn lộn, chồng chéo về chức năng, trách nhiệm, ở một đơn vị sản xuất cũng vậy, trong một công xưởng cũng vậy và trong cả bộ máy nhà nước cũng vậy.
Những công việc lớn và nhỏ ấy đụng chạm, tác động đến rất nhiều tổ chức và cá nhân, đến những lợi ích thiết thực của họ. Vì vậy, để xây dựng một bộ máy quản lý nhà nước đến trình độ hiện đại, phải điều tra và nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm từng bước phải học tập, trao đổi kinh nghiệm ở trong nước và với nhiều nước. Tuy vậy, không được do dự và chậm trễ, không được để cho những yếu kém, trì trệ làm kéo dài về mặt tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước.
Chức năng và trách nhiệm quản lý của Đảng cầm quyền và của Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đang chuyển động nhanh, đưa xã hội hội Việt Nam trở nên giàu cả về vật chất và tinh thần, dân chủ và văn minh. Nhà nước ta phải gấp rút vươn lên trình độ hiện đại, để tiến cùng thời đại về mặt tổ chức và phương pháp quản lý. Trong thế giới hiện nay, đây là một cuộc đấu tranh quyết liệt về mưu lược và trí tuệ. Nếu không có một nhà nước gửi vai trò tổng chỉ huy, quản lý các mặt của đời sống trong toàn thể xã hội thì khó có thể đạt được các mục tiêu rất cao của một Đảng cầm quyền.
Tóm lại, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền phải lãnh đạo sát sao việc hiện đại hóa các tổ chức đảng và bộ máy nhà nước. Từng tổ chức và con người phải tự đổi mới mình, phải tự hiện đại hóa mình trước những phát triển, tiến bộ rất cao của khoa học và công nghệ. Phải nhanh chóng vứt bỏ những thói quen xấu đã trở thành “truyền thống” để chuyển sang phong cách công nghiệp trong lãnh đạo và quản lý./.
Nguyễn Khánh- Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguồn: Trang thông tin hội đồng lý luận Trung ương