08:58 29/08/2018
Sáng ngày 28/8/2018, đồng chí Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đến tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang và khai giảng năm học 2018-2019 và có bài phát biểu tại buổi lễ. Ban Biên tập xin trích toàn văn bài phát biểu này.
Kính thưa: - Đồng chí Nguyễn Trần Vinh – PGĐ Học viện Chính trị khu vực II
- Đồng chí Nguyễn Thành Hưng – PGĐ Học viện chính trị khu vực IV
- Các đồng chí đại biểu,
- Các đồng chí nguyên là cản bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng qua các thời kỳ,
- Thưa các vị khách quý
- Các đồng chí học viên,
Trong không khí phấn khởi cùng với cả nước thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người Cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nồi tiếng của cách mạng Việt Nam, chúng ta rất vui mừng về đây tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập và khai giảng năm học mới 2018 - 2019 của Trường Chính trị mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trước hết, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu, các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên nhà trường qua các thời kỳ, cùng toàn thể học viên; xin chúc các đồng chí vui khỏe, hạnh phúc và thành công.
Kính thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!
Trải qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hơn 30 năm đổi mới đất nước, Trường đã 08 lần thay đổi tên gọi khác nhau, mặc dù có những giai đoạn vô cùng khó khăn, thử thách và thiếu thốn về cơ sở vật chất (nhất là trong thời kỳ kháng chiến và sau đó là sự sụp đổ của các nước xã hôi chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu), nhưng tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường luôn giữ vững lập trường, nỗ lực phấn đấu, bám sát nhiệm vụ chính trị của Tỉnh, tập trung đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mở lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, trong đó, có nhiều cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tại Trường đã giữ nhiều trọng trách quan trọng của các cơ quan Trung ương và của Tỉnh nhà; các đồng chí luôn nêu cao bản lĩnh chính trị và khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong các thời kỳ cách mạng và công cuộc đổi mới quê hương, đất nước.
Với những thành tích rất to lớn và đáng tự hào trong chặng đường 70 năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên của nhà trường được Đảng, Nhà nước và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, nhất là thời gian gần đây, Trường là 01 trong 10 trường chính trị tỉnh, thành phố được nhận cờ thi đua cấp bộ. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà trường trong thời gian qua.
Kính thưa quỷ vị đại biểu và các đồng chí!
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của nhà trường trong 70 năm qua và trước bối cảnh toàn Đảng, toàn Dân đang ra sức thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu còn lại trong nửa cuối nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh. Với ý nghĩa đó, tôi cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp của nhà trường trong thời gian tới do đồng chí Hiệu trưởng trình bày. Tại buổi Lễ kỷ niệm và khai giảng năm học mới của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng hôm nay, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung để tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường quan tâm thực hiện tốt trong thời gian tới, như sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của nhà trường qua 70 năm hình thành và phát triển; giữ vững đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí và hành động của đội ngũ cán bộ, giảng viên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong tình hình mới.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với Đề án số 04-ĐA/TƯ, ngày 24/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng Trường xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của Tỉnh.
Thứ ba, tăng cường xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy vững mạnh, nhất là quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn cao và vốn sống thực tế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của các nhà giáo có uy tín, kinh nghiệm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập; đổi mới công tác tuyển sinh, quản lý học viên và đánh giá chất lượng học tập... để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về phẩm chất chính trị, nhận thức lý luận và kỹ năng lãnh đạo, quản lý... nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
- Phát huy tính tự giác, tích cực, sáng tạo của người học; tăng cường trao đổi, thảo luận, tranh luận giữa học viên với học viên và học viên với giảng viên. Chú trọng trau dồi, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho học viên thông qua nội dung các bài giảng và công tác quản lý học viên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Đa dạng hóa các hình thức, phương thức đào tạo; tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chức danh (như: Chuyên viên chính, bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã...); chủ động liên kết đào tạo sau đại học, để đáp ứng nhu cầu của người học từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Thứ năm, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiên, góp phần thiết thực vào phục vụ yêu cầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở địa phương. Chú trọng mở rộng hợp tác với các sở, ban, ngành đẩy mạnh nghiên cứu khoa học chính trị (nhất là các đề tài khoa học cấp tỉnh) gắn với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương; định kỳ báo cáo kết quả nghiên cứu với cơ quan có thẩm quyền.
Thứ sáu, tranh thủ các nguồn lực được phân bổ để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và chăm lo đời sống, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức, người lao động và học viên, nhằm phục vụ tốt công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu trong tình hình mới. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Kính thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!
Là Trường Đảng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hơn ai hết, các đồng chí phải hết sức chú trọng chăm lo công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng bộ Trường thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, là một hình mẫu để học viên tham khảo, vận dụng sau khi ra trường về địa phương, đơn vị công tác. Thực tế cho thấy, nhân cách của người Thầy giáo, Cô giáo có sức ảnh hưởng to lớn đối với người học. Chính vì thế, đội ngũ nhà giáo ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng; phải là tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức lối sống, phương pháp làm việc để học viên noi theo.
Đối với các đồng chí học viên từ các địa phương, cơ quan, đơn vị được về học tập tại Trường Đảng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thăng là một vinh dự lớn. Các đồng chí cần tranh thủ thời gian, tận dụng mọi điều kiện, nêu cao ý thức học tập, nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; nắm vững nguyên lý và phương pháp khoa học, để vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn, xử lí phù hợp những tình huống đặt ra, nhất là làm tốt vai trò nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên tại địa phương, cơ quan, đơn vị và tạo sức lan toả trong toàn xã hội.
Kính thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!
Trong không khí hân hoan, ấm áp của buổi Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Chính trị Tôn Đức Thắng và khai giảng năm học mới hôm nay, tôi tin tưởng rằng, với kinh nghiệm được hình thành trong 70 năm qua và thúc đẩy bởi những quyết định quan trọng của tỉnh, của tập thể lãnh đạo Trường, cùng các thầy giáo, cô giáo có trình độ chuyên môn và bản lĩnh vững vàng, tâm huyết, nhất định Trường Chính trị Tôn Đức Thắng sẽ gặt hái nhiều thành quả quan trọng và viết tiếp những trang sử mới của Trường
Với trách nhiệm, tình cảm và niềm tin sâu sắc của mình, tôi chúc quý đại biểu, các thế hệ cán bộ, giảng viên, các thầy giáo, cô giáo và học viên của Trường có nhiều sáng tạo và thu được những thành tựu mới.
Chúc các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí mạnh khoẻ, thành công trong công tác và hạnh phúc trong cuộc sống.
Xin trân trọng kính chào!