Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Những quan niệm cơ bản về chính sách công

09:33 29/11/2018

     Có thể nói rằng, từ khi xã hội loài người được tổ chức thành nhà nước, việc lựa chọn mục tiêu và sử dụng các con đường, hình thức, biện pháp để đạt được cac mục tiêu phát triển xã hội, trước hết thuộc về trách nhiệm của các nhân tố chính trị (trong đó nhà nước đóng vai trò trụ cột). Chính sách công là khâu quan trọng trong hoạt động chính trị của nhà nước, là yếu tố quyết định tính chính đáng của quyền lực chính trị - quyền lực nhà nước; vì vậy, nó luôn nhận được sự quan tâm của các chủ thể chính trị cũng như các nhà khoa học chính trị. Mặt khác, xuất phát từ vai trò và chức năng xã hội của nhà nước ngày càng cao, để nâng cao hiêu quả hoạt động của nhà nước thì cần phải nghiên cứu về chính sách công một cách nghiêm túc, khoa học. Khoa học chính sách nghiên cứu các chính sách nói chung, nhưng tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu các Chính sách công nhằm mục tiêu nâng cao hiêu lực và hiệu quả quản lý của nhà nước.
 

    Cho đến nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về chính sách công; bởi vì, các nhà nghiên cứu có cách tiếp cận, cách hiểu về chính sách công không giống nhau. Trên thế giới, cuộc tranh luận về định nghĩa chính sách công vẫn là một chủ đề sôi động và khó đạt được sự nhất trí rộng rãi. Dưới đây, một số định nghĩa chính sách công khá tiêu biểu của các học giả nước ngoài và trong nước được dẫn chứng để tham khảo, trước khi đi đến một định nghĩa khá dĩ thích hợp:
 

     Một số quan niệm của các nhà nghiên cứu trên thế giới:
 

+ “Chính sách công là một tập hợp các quyết định có liên quan lẫn nhau của một nhà chính trị hay một nhóm nhà chính trị gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và các giải pháp để đạt được các mục tiêu đó” (Wiliam Jenkin); “ Chính sách công là những hoạt động mà chính quyền chọn làm và không làm” (Thomas R. Dye); “Chính sách công là một quá trình hành động hoặc không hành động của chính quyền để đáp lại một vấn đề công cộng” (Kraft, Furlong); “Chính sách công mà một tập hợp các yếu tố gồm: dự định, mục tiêu; đề xuất các quyết định hay các lựa chọn ; hiệu lực” (Charles O. Jones); “Chính sách công là toàn bộ các hoạt động của chính quyền, dù thực hiện trực tiếp hay gián tiếp qua các đại lý, tác động đến cuộc sống cua mọi người” (B. Guy Peters); “Chính sách công là sản phẩm của một tiến trình tương tác giữa các cá nhân theo các nhóm làm việc nhỏ trong một khuôn khổ do các tổ chức đặt ra - các tổ chức này hoạt động trong một hệ thống thể chế chính trị, luật pháp và chịu ảnh hưởng của các yếu tố văn hoá xã hội”, “chính sách công có thể coi như là một khái niệm có thể dùng thay thế các khái niệm hành chính công và quản lý công hoặc có thể hiểu là một bộ công cụ phân tích dùng trong hai lĩnh vực trên” (Doctor. Eric).
 

     Ngoài ra, còn có một số quan niệm khác tiếp cận dưới góc độ các bước của chu trình chính sách công: Jonh Dewey phân tích quá trình hoạch định chính sách công thành năm giai đoạn: cảm nhận tình huống có vấn đề; xác định vấn đề; hình thành các giải pháp; xem xét các khía cạnh của các giải pháp và lựa chọn một giải pháp rồi thực hiện. Harold Lasswell mô tả quá trình chính sách như một quá trình ra quyết định có tính sáng tạo bao gồm các bước: tranh luận, đưa ra các giải pháp, xem xét các khía cạnh của các giải pháp và lựa chọn; áp dụng – thực thi và kết thúc. Quan niệm của các nhà quản trị học Singapore cho rằng, chu trình của chính sách công gồm các bước: xác định mục tiêu (Goal setting); ra quyết định (Decision Making); lập (xây dựng) các chiến lược chính trị (Formulation of political strategies) - tất nhiên là không đi ngược với các định hướng chính trị của đảng cầm quyền; giám sát lập kế hoạch (hoạch định) chính sách (Supervision of policy planning); phân bổ nguồn lực (Resource allocation) để thực hiện chính sách công; vấn đề quản lý vận hành, hoạt động (Operations Management), ... để đạt được mục tiêu hiệu suất, hiệu quả, tính kinh tế; đánh giá chương trình (Programme Evaluation); truyền thông (Communication) - đây cũng là khâu quan trọng để thực hiện những hoạt động phản biện chính sách và giúp mọi người biết lý do, mục đích hình thành chính sách.
 

     Ở Việt Nam, do đặc điểm của hệ thống chính trị và hệ tư tưởng cho nên vấn đề nghiên cứu về chính sách công mới chỉ được đề cập trong khoảng gần 20 năm trở lại đây – đặc biệt từ khi chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiện nay, ở nước ta cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau về chính sách công:
 

     + Trong bài Chính sách kinh tế - xã hội của Lê Chi Mai - tác giả đồng nhất chính sách công với chính sách kinh tế - xã hội và đưa ra định nghĩa: “Chính sách kinh tế - xã hội là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các đối tượng và khách thể quản lý nhằm giải quyết vấn đề về chính sách, thực hiện những mục tiêu nhất định theo định hướng mục tiêu tổng thể của xã hội”. Định nghĩa này tuy cố gắng nêu lên một cách đầy đủ các yếu tố cấu thành chính sách kinh tế - xã hội ở nước ta, song lại có những sự trùng lặp như: quan điểm - tư tưởng, giải pháp - công cụ, đối tượng - khách thể quản lý.
 

     + Từ điển giải thích thuật ngữ hành chính quan niệm: “Chính sách công là chiến lược sử dụng các nguồn lực để làm dịu bớt những vấn đề của quốc gia hay những mối quan tâm của Nhà nước. Chính sách công cho phép Chính phủ đảm nhiệm vai trò của người cha đối với cuộc sống của nhân dân. Nó tạo thời cơ, giữ gìn hạnh phúc và an toàn cho mọi người; tạo ra an toàn tài chính và bảo vệ an toàn Tổ quốc”.
 

    + TS. Lê Vinh Danh trong một công trình nghiên cứu của mình, quan niệm rằng: “Chính sách công là những gì mà chính quyền thi hành đến dân”.
 

     + Các nhà khoa học của Viện Chính trị học, Học viện Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, chính sách công là: “chương trình hành động của nhà nước nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể”; “chương trình hành động hướng đích của chủ thể nắm hoặc chi phối quyền lực công cộng”; “chính sách công là một thuật ngữ dùng để chỉ một chuỗi các quyết định hoạt động của nhà nước nhằm giải quyết một vấn đề chung đang đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội theo mục đích xác định”; “chính sách công là định hướng hành động do nhà nước lựa chọn để giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng, phù hợp với thái độ chính trị và điều kiện kinh tế - xã hội trong mỗi thời kỳ”; “chính sách công nói một cách khái quát là tổng thể chương trình hành động của Nhà nước tác động có ý thức đến đời sống của nhân dân theo phương thức nhất định nhằm đạt được các mục tiêu đề ra”.
 

     Thực ra, tùy theo cách tiếp cận của mỗi tác giả mà các định nghĩa đưa ra có thể nhấn mạnh vào đặc trưng này hay đặc trưng khác của chính sách công. Những đặc trưng này phản ánh chính sách công từ các góc độ khác nhau, song chúng đều hàm chứa những nét đặc thù thể hiện bản chất của chính sách công.
 

     Tóm lại, mặc dù các quan niệm trên còn có nhiều điểm khác nhau nhưng tất cả các ý kiến đều xem xét chính sách công với tư cách là sản phẩm có mục đích của nhà nước, chính quyền nhằm tác động đến đời sống của nhân dân.
 

     Từ những phân tích trên, thuật ngữ chính sách công có thể hiểu như sau: Chính sách công là tổng thể chương trình hành động của nhà nước, nhằm giải quyết những vấn đề có tính cộng đồng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội theo phương thức nhất định nhằm đạt được các mục tiêu đề ra./.

Trần Kim Hoàng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác