Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

V.I.Lênin - nhà tư tưởng vĩ đại, người có công lao to lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

04:09 21/04/2022

Lãnh tụ V.I.Lênin (1870 – 1924) – Nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Ông là người đã tiếp thu chủ nghĩa Mác và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh nước Nga, lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Mười thành công, trở thành một lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Nga và của nhân dân lao động thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của V.I.Lênin mãi là tấm gương sáng ngời về cuộc sống giản dị, yêu lao động, đạo đức cao cả, là ngôi sao sáng chỉ đường dẫn lối cho sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

ThS. Lê Hữu Lợi

Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

V.I.Lênin (Vladimir Ilych Lenin) sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk). Từ nhỏ V.I.Lênin đã bộc lộ là người có trí tuệ uyên bác, có nghị lực tự học rất cao, là người sớm đón nhận học thuyết chủ nghĩa xã hội, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác [1]. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã thắng lợi trọn vẹn. Sự kiện này đã đặt ra nhiệm vụ mới đối với V.I.Lênin – nhiệm vụ lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, nhân dân Nga bảo vệ chính quyền công – nông, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Nga và lãnh đạo cách mạng vô sản đang hình thành và phát triển ở nhiều nước trên thế giới.

Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người:

Thứ nhất, V.I.Lênin - người kế tục, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa MácTháng 02 năm 1848 với sự ra đời của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản - đánh dấu sự xuất hiện chủ nghĩa Mác, tác phẩm được xem là “cẩm nang gối đầu giường” của những người cộng sản, tác phẩm đã chỉ ra con đường, cách thức tiến hành cách mạng, phương pháp cách mạng và các biện pháp xây dựng xã hội tương lai, kể từ đó phong trào công nhân đã có một học thuyết dẫn đường trong cuộc đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản để giải phóng mình và giải phóng nhân loại. Là thanh niên có tư tưởng cấp tiến, V.I.Lênin đã sớm tham gia các hoạt động cách mạng chống lại sự tàn bạo, thối nát của chế độ Nga Sa Hoàng đương thời, V.I.Lênin nhận thấy bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác, vượt qua nhiều khó khăn thử thách trở thành một người mácxít và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự thành công của chủ nghĩa Mác, ông đã đấu tranh không khoan nhượng trước sự xuyên tạc của phái dân túy, của những người theo chủ nghĩa Makhơ, theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại và luận điệu phản cách mạng của nhiều nhà tư tưởng tư sản khác, góp phần  bảo vệ, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác trên cả ba bộ phận hợp thành: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học[2].

Về triết học, bổ sung nhiều nội dung về thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật, đưa ra định nghĩa kinh điển về vật chất, nội dung về lý luận nhận thức, về giai cấp và vai trò của đấu tranh tranh giai cấp trong xã hội có đối kháng giai cấp, về nhân tố chủ quan trong cách mạng xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử, về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về nhà nước, nhà nước chuyên chính vô sản…

Về kinh tế chính trị học, V.I.Lênin là người đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội ở quốc gia mà giai cấp vô sản đã giành được chính quyền nhưng tiền đề về kinh tế và văn hóa của chủ nghĩa xã hội chưa đầy đủ. Đó là Chính sách kinh tế mới (NEP) thay cho “chính sách cộng sản thời chiến” với nhiều thành phần kinh tế mà mục tiêu của nó là phát triển sản xuất để giải phóng người lao động trên cơ sở kỹ thuật tiên tiến, quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự quản lý của nhà nước chuyên chính vô sản. Đồng thời, xác định nhiệm vụ kinh tế - xã hội cơ bản có ý nghĩa quyết định trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thực hiện xã hội hóa sản xuất trong thực tế với những nhiệm vụ cơ bản là công nghiệp hóa, từng bước đưa nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn thông qua con đường hợp tác hóa đồng thời phải tiến hành cách mạng về văn hóa, không ngừng nâng cao ý thức chính trị, trình độ học vấn, khoa học - kỹ thuật cho nhân dân, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tư tưởng, tập quán cũ, làm cho nhiệt tình cách mạng, tinh thần sáng tạo của nhân dân được phát huy mạnh mẽ v.v.

Về chủ nghĩa xã hội khoa học, V.I.Lênin đã làm giàu thêm chủ nghĩa xã hội khoa học bằng lý luận về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản trước tiên ở một số nước, thậm chí ở một nước; về đặc điểm của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ với các hình thức quá độ, các “bước quá độ”, các mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ; đặc điểm, thực chất của thời kỳ quá độ…

Những đóng góp trên đây của V.I.Lênin đưa chủ nghĩa Mác trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin - thể hiện trọn vẹn sự thống nhất giữa tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn của những người đã sáng lập, bảo vệ và phát triển nó.

Thứ hai, V.I.Lênin là người sáng lập học thuyết Đảng kiểu mới, Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân [1]

V.I.Lênin cho rằng “Đảng tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân”, là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp công nhân, là một bộ phận ưu tú nhất, giác ngộ cách mạng nhất, mang bản chất của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho mục tiêu, lý tưởng, lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng là cách mạng vô sản, lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản. Hình thức và tính chất đấu tranh của Đảng không chỉ đơn thuần là đấu tranh kinh tế, mà cơ bản hơn là đấu tranh chính trị.

V.I.Lênin nêu ra những nguyên tắc cơ bản về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân gồm: lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân; là “trí tuệ, danh dự và lương tâm đối với quần chúng; tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, đoàn kết thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng; tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng và phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng; chủ nghĩa Quốc tế Vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng.

Đồng thời, để bảo đảm vai trò lãnh đạo và giữ vững bản chất công nhân của Đảng, V.I.Lênin cho rằng, Đảng phải quan tâm đến công tác thanh đảng. Theo Người, mục đích thanh đảng là loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn khiêu khích, thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; công khai đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn. Thanh đảng nhằm vào đối tượng bè phái chống Đảng; những phần tử tuyên truyền quan điểm chống Đảng; những đảng viên gian giảo, quan liêu, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt; bọn tham ô, ăn cắp;.... V.I.Lênin cho rằng, việc thanh đảng cần được thực hiện dưới nhiều hình thức như: đăng ký lại đảng viên, động viên ra khỏi Đảng...

Những luận điểm của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới là sự khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết Mác-Ăngghen về Đảng Cộng sản, đặt cơ sở cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Bôsêvích Nga và hàng loạt các Đảng Cộng sản sau này, đồng thời là tiêu chuẩn khoa học để phân biệt chính Đảng Mác xít của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.

Thứ ba, V.I.Lênin là người lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, đồng thời đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực

Với tư cách là Lãnh tụ của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917, V.I.Lênin là người mácxít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết [3]. Dưới ngọn cờ của V.I.Lênin, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã... Như vậy, chính V.I.Lênin là người đã làm cho chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực; mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại – thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, chủ nghĩa V.I.Lênin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân tộc đã thôi thúc  Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (05/06/1911). Trải qua gần 10 năm bôn ba khắp các châu lục trên thế giới. Người đã bắt gặp Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Khi đọc Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin, Người cảm động: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[7, tr.562]. Tiếp nhận những tư tưởng, luận điểm sâu sắc từ Luận cương của V.I.Lênin; bằng trí tuệ và kinh nghiệm sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến khẳng định:“con đường duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[5, tr.128] và “Đối với các dân tộc châu Á, cũng như đối với các dân tộc khác trên toàn thế giới đang đấu tranh cho hoà bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, học thuyết Lênin khác nào mặt trời đưa lại nguồn sống tươi vui”[4, tr.410].

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những tư tưởng của V.I.Lênin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga là cái “cẩm nang thần kỳ”, mà Người tiếp thu cái tinh thần và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kỷ niệm 152 năm ngày sinh lãnh tụ V.I.Lênin (22/04/1870-22/04/2022), trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen; Đảng và nhân dân ta luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.  Với ý nghĩa đó, có thể khẳng định rằng, những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại là vô cùng to lớn, vì thế, việc vận dụng sáng tạo những tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin nói riêng, của Chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung sao cho phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam là việc làm có ý nghĩa trọng đại đối với cách mạng Việt Nam trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lê-nin, thương nhớ đồng chí Lê-nin thì càng phải học tập và thực hành Chủ nghĩa Mác-Lênin, là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”[6, tr.611]./.

Tài liệu tham khảo

1. Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020).

2. V.I. Lênin – Nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/v-i-lenin-nha-tu-tuong-vi-dai-lanh-tu-thien-tai-cua-giai-cap-cong-nhan-nhan-dan-lao-dong-va-cac-dan-toc-127662, đăng ngày 22/04/2020.

3. V.I.Lênin - người đưa chủ nghĩa xã hội từ khoa học thành hiện thực, http://tuoitrehaihau.vn/ky-niem-152-ngay-sinh-lenin-22-4-1870-22-4-2022-v-i-lenin-nguoi-dua-chu-nghia-xa-hoi-tu-khoa-hoc-thanh-hien-thuc-a31657.html, đăng ngày 14/03/2022.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.410.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.128.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.611.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.562.

các tin khác