09:52 16/10/2023
Trên mảnh đất hiền hòa hình chữ S mang tên Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ đã xuất hiện ngay từ những buổi sơ khai trong vị thế của một người mẹ đẻ ra trăm trứng, nở ra trăm người con đất Việt; đến hình ảnh những vị nữ anh hùng oanh liệt trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; hay hiện nay là hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất sắc trong hệ thống chính trị. Ngoài 8 chữ Vàng mà Bác Hồ trao tặng cho phụ nữ: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, thì họ là những người phụ nữ “Trí tuệ - Bao dung - Nhân ái” trong xã hội hiện tại và họ là những cán bộ, viên chức và người lao động luôn say mê và nỗ lực hết mình với công việc. Giá trị của phụ nữ ngày càng được tôn vinh, cán bộ nữ cũng đã ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong quá trình tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.
CN. Văn Huỳnh Thuý Vy
ThS. Trần Kim Hoàng
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật
Phụ nữ Việt Nam đã vượt qua mọi nghịch cảnh, rào cản, định kiến, khó khăn, trở ngại, để có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc Việt Nam và giữ một vai trò, vị trí quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong việc tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước. Có thể hiểu, người lãnh đạo nữ ở những vị trí lãnh đạo chính thức trong hệ thống chính trị là người đại diện cho nữ giới vì họ mang nhiều đặc điểm về sinh học - xã hội, có những nhu cầu, lợi ích, kinh nghiệm tương đồng với những người phụ nữ khác và sẽ thay mặt những người phụ nữ trong xã hội nói lên nhu cầu, lợi ích chính đáng của nữ giới trong quá trình quản lý nhà nước. Những mối quan tâm và quyền lợi đa dạng nhưng đặc thù của phụ nữ (như thai sản, chăm sóc con cái, tình trạng dễ bị lạm dụng tại gia đình và công sở, bạo lực, bình đẳng giới,...) mà không được những người đại diện nam giới phản ánh đầy đủ trong quá trình ban hành chính sách. Vì thế, nâng cao vai trò của cán bộ nữ trong quá trình tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước sẽ tạo cơ hội để những quyền lợi thật sự của phụ nữ được nêu ra trong những chương trình nghị sự quốc gia và được bàn luận công khai, góp phần bảo đảm tính toàn diện và tính bao trùm của chính sách công, nâng cao chất lượng của chính sách công khi được ban hành. Khắc phục sự bất công trong việc loại trừ hoặc hạn chế phụ nữ ra khỏi vị trí quyền lực khi người lãnh đạo được bầu có nhiều điểm giống với những người được đại diện vì nữ giới chiếm ít nhất 50% dân số.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất hành động trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là vai trò tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp và Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, công tác cán bộ nữ nói chung và sự tham gia của phụ nữ vào cấp ủy, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong hệ thống chính trị các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ, công chức nữ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới; nhiều cán bộ nữ được giao trọng trách, giữ những cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như các cương vị lãnh đạo, quản lý các cấp. Dấu ấn rõ nét đó là kết quả bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV tỷ lệ đại biểu là nữ đạt 30,26% và đây cũng là lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước). Việc bố trí lãnh đạo nữ trong Quốc hội kỳ này chiếm gần 40%. Đây là minh chứng cho thấy sự ưu việt trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người của Đảng, Nhà nước ta và cũng cho thấy sự vươn lên của phụ nữ Việt Nam, đưa vị thế phụ nữ Việt Nam tham gia Quốc hội đứng thứ hai khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 6 ở châu Á. Tại Đại hội XIII, trong số Ủy viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ, tăng 01 đại biểu so với nhiệm kỳ khóa XII. Trong 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 có tới 9 người là nữ thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi và An Giang. Đây là số lượng nữ bí thư tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong nhiệm kỳ này, ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước.(1) Trong bộ máy hành chính nhà nước cấp Trung ương và địa phương tính đến hết tháng 7-2020, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo nữ đạt 36,6%.(2)
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, có một số rào cản khi cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước:
Thứ nhất, các công cụ về thể chế, chính sách ở Việt Nam chưa đủ cụ thể và mạnh mẽ trong thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Chính phủ thúc đẩy quyền tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước của phụ nữ. Các chỉ tiêu về giới trong lãnh đạo chính trị ở nước ta mới chủ yếu dừng ở mức độ mục tiêu chung, có ý nghĩa khuyến khích sự phấn đấu của các tổ chức chính trị chứ chưa phải là những quy định cứng, với những ràng buộc cụ thể hoặc những biện pháp xử lý đối với các trường hợp không đạt chỉ tiêu. Công tác tổ chức bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm,… của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương hầu như chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo đảm cho sự xuất hiện của phụ nữ một cách công bằng trong các danh sách bầu cử, ứng cử.
Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác lãnh đạo, quản lý và bước đầu được ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hệ thống chính trị các cấp thì tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ vẫn còn thấp so với tiềm năng và nguồn lực giới nữ, đặc biệt là cấp cán bộ chiến lược. Định kiến giới đối với phụ nữ trong tham gia hoạt động lãnh đạo, quản lý vẫn còn khắt khe. Mặc dù sự định kiến giới theo quan niệm truyền thống đã giảm bớt, chuyển biến theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn. Tuy nhiên, trong nhận thức của nhiều nhóm xã hội về vai trò, vị thế chính trị của phụ nữ vẫn còn có định kiến và khắt khe hơn nhiều so với nam giới. Quan niệm “nam trưởng, nữ phó” vẫn còn tồn tại trong nhiều tổ chức, là rào cản đối với phụ nữ trong bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm, đặc biệt là trong bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp uỷ. Chính điều này là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội.
Thứ ba, trình độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước nên vẫn chưa có bình đẳng thực sự trong thụ hưởng giáo dục; một bộ phận phụ nữ sống ở nông thôn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thiệt thòi do thiếu các điều kiện để tiếp cận các chính sách và thụ hưởng thành quả do sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại. Vì vậy, rất cần có những chính sách để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từ đó bảo đảm những điều kiện thuận lợi hơn để người phụ nữ gia tăng cơ hội tham gia các hoạt động chính tri - xã hội.
Thứ tư, pháp luật hiện hành có những quy định về bảo vệ phụ nữ vì sức khoẻ và chức năng sinh sản của họ. Tuy nhiên, những quy định này nhiều khi lại làm nảy sinh những hạn chế cho sự phát triển của phụ nữ có nguyện vọng và tiềm năng phát triển. Tại Điều 169 Khoản 2, Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ”. Như vậy, có sự khác biệt tuổi về hưu của nam và nữ, nữ về hưu trước nam 5 năm. Sự khác biệt này gây bất lợi đối với nữ giới: nó rút ngắn thời gian làm việc và như vậy, rút ngắn khoảng thời gian tăng lương cho phụ nữ và rút ngắn thời gian để phụ nữ phấn đấu, thăng tiến trên con đường sự nghiệp, hạn chế khả năng đóng góp cho xã hội do họ phải nghỉ hưu khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Ngoài vấn đề tuổi hưu sớm làm cho thời gian công tác đối với phụ nữ bị hạn chế; thì vai trò sinh đẻ, nuôi con cũng hạn chế phụ nữ thăng tiến. Đến khi phụ nữ tập trung lo cho sự nghiệp thì vấp phải quy định độ tuổi trong quy hoạch đào tạo, đề bạt và luân chuyển...
Thứ năm, một trong những lý do chính của tình trạng này là Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo và văn hóa phương Đông. Khi cho rằng phụ nữ chỉ nên thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, là người nội trợ cho gia đình, chỉ nên là “cái bóng” phía sau thành công của người đàn ông. Định kiến này rất lớn khiến cho phụ nữ phải toàn tâm, toàn ý với gia đình và hầu như không được chia sẻ khi phải gánh vác công việc xã hội và gia đình. Với vai trò kép của mình, người phụ nữ phải cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc, nên không ít phụ nữ vẫn còn tư tưởng an phận, chưa nỗ lực phấn đấu tham gia vào các cương vị lãnh đạo, quản lý… chấp nhận nhường bước cho chồng, lui về sau chăm sóc gia đình để giữ tròn hạnh phúc.
Do đó, với mong muốn tập hợp, phát huy tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam quá trình tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước; đồng thời khắc phục dần những bất cập liên quan đến công tác nữ và bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Thực hiện thành công chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII: "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế"(3), góp phần nâng cao vị thế, vai trò của cán bộ nữ trong trong quá trình tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước thì cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để nữ giới và nam giới bình đẳng trong tham gia, thụ hưởng thành quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt là, phải có chính sách cụ thể mang tính pháp lý về tuổi nghỉ hưu của phụ nữ. Quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay vẫn hiện hữu sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ gây lãng phí rất lớn nguồn lực chất xám của đất nước. Do vậy, kéo dài thời gian đóng góp trí tuệ của các nhà lãnh đạo, quản lý nữ là rất hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay của đất nước. Chủ trương này cần được pháp lý hóa trên cơ sở nâng tuổi về hưu của nữ ngang bằng với nam để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực nữ giới trong xã hội.
Hai là, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới, về vị trí, vai trò của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tham gia quản lý nhà nước. Trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến đối tượng là nam giới, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. Biện pháp tuyên truyền cần phải đa dạng, phong phú như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là truyền hình), qua các câu lạc bộ, các hội thảo, toạ đàm, các khóa học, tập huấn... Nội dung tuyên truyền cần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của nam giới, nữ giới trong gia đình cũng như trong sự nghiệp, phải khẳng định rằng thực hiện bình đẳng giới đang trở thành mục tiêu thiên niên kỷ và là động lực để phát triển xã hội theo hướng công bằng, dân chủ, văn minh.
Ba là, cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý. Cần xác định, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý là trách nhiệm và công việc quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành, các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở để tránh sự thiếu hụt về số lượng cán bộ nữ.
Bốn là, công tác phụ nữ phải phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ vào sự phát triển của đất nước. Đồng thời, phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt nhất vai trò người công dân, người lao động, người vợ, người mẹ,…
Năm là, các cơ quan, tổ chức cần phân công cán bộ, bộ phận đầu mối theo dõi công tác cán bộ nữ. Hàng năm, tiến hành rà soát tình hình cán bộ, có thống kê số liệu tách biệt giới; xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước.
Sáu là, cần có những chính sách riêng về vấn đề tham chính của phụ nữ. Thời gian qua, tỷ lệ phụ nữ tham chính ở nước ta đã tăng lên so với những năm trước, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Do đó, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, công chức nữ trước và sau các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bảy là, đưa chính sách bình đẳng giới vào trong gia đình và xã hội bằng cách khuyến khích nam giới chia sẻ việc nhà với phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị. Xây dựng và phát triển tốt hệ thống an sinh xã hội, các vấn đề về y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường để giảm gánh nặng chăm sóc gia đình, tạo điều kiện tốt hơn cho cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý. Xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi ngược đãi, xâm phạm nhân phẩm và tính mạng phụ nữ và trẻ em như: bạo lực, hành hạ, ngược đãi, xâm hại tình dục… trong gia đình và xã hội.
Tám là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ nữ. Thực tế cho thấy công tác này chưa sát sao, chưa kịp thời, chưa đề ra được những biện pháp mạnh có tính ràng buộc để các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả. Các cơ quan có trách nhiệm về bình đẳng giới cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng kết việc thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến công tác cán bộ nữ, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Kinh nghiệm cho thấy ở các cơ quan làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì hiệu quả công tác cán bộ nữ và tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo có xu hướng cao hơn.
Chín là, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tiếp tục chủ động tham mưu giới thiệu với cấp uỷ, chính quyền nguồn cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn, năng lực, trình độ để cân nhắc đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí, chức danh phù hợp, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ mọi mặt của phụ nữ.
Cuối cùng, bản thân phụ nữ phải tự nỗ lực học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ, cần khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, vượt qua những rào cản truyền thống, đảm nhận những chức vụ khó khăn, phức tạp. Phải nắm lấy cơ hội, cân đối hài hòa giữa việc thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nêu cao tinh thần tự chủ khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nâng cao vị thế của cán bộ nữ trong quá trình tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước. Mà quan trọng hơn là vì sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau. Vào ngày hôm nay, tôi muốn khích lệ phụ nữ Việt Nam từ mọi tầng lớp trong xã hội hãy phá vỡ các khuôn mẫu định kiến giới, vượt lên các thành kiến xã hội. Hãy tin tưởng vào khả năng và tiềm lực của mình, từ đó có thêm nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước, khẳng định hình ảnh, phẩm chất đạo đức cao quý của bản thân “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”./.
Chú thích:
(1) https://baoquankhu1.vn/trang-in-255256.html.
(2) http://www.xaydungdang.org.vn/home/nhan_quyen/2021/15278/thuc-day-binh-dang-gioi-trong-lanh-dao-quan-ly.aspx.
(3) Bộ luật Lao động năm 2019.
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 169.