Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Hiệu quả Chương trình 135 - hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 tại xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang

02:47 10/05/2019

Nhơn Hội là xã biên giới của huyện An Phú, có đường biên giới dài 7,5 km nằm dọc theo sông Châu Đốc và sông Bình Di, phía Bắc giáp với Vương quốc Campuchia; xã có cửa khẩu phụ Bắc Đai và có tuyến tỉnh lộ 957 dài 6,8 km. Xã có 02 dân tộc sinh sống là Kinh và Chăm, dân số toàn xã có 3.241 hộ với 13.402 nhân khẩu (người Chăm có 480 hộ = 2.143 nhân khẩu). Về đặc điểm tự nhiên, diện tích toàn xã là 1.296 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 1.097 ha (vùng trong đê bao là 743 ha). Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với cây trồng hàng năm là lúa và chăn nuôi.

Trước khi có Chương trình 135, xã còn gặp rất nhiều khó khăn trong hạ tầng cơ sở; tập quán canh tác chủ yếu là canh tác và sản xuất lúa, rau màu, làm thuê và mua bán, chăn nuôi bò và không có canh tác trang trại chỉ chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình và chi phí cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Do đó, mức sống và thu nhập của người dân còn thấp cùng với chất lượng lao động của đồng bào dân tộc Chăm và người Kinh trong xã nói chung vẫn còn thấp kém so với khu vực khác nên tình trạng thiếu việc làm, công việc bấp bênh, không ổn định dẫn đến tệ nạn xã hội là một trong những vấn đề bức xúc, tác động trực tiếp đến đời sống, sự phát triển kinh tế-xã hội của xã. Tuy là xã biên giới và có cửa khẩu Bắc Đai, nhưng kinh tế biên giới phát triển còn chậm. Những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chưa nhiều, mặc dù được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp, kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất vụ Thu đông để tăng vòng quay sản xuất diện tích đất nông nghiệp, tăng sản lượng lương thực, nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng kinh tế - xã hội phát triển còn chậm.

Nhìn chung, so với mặt bằng chung của huyện, nền kinh tế của xã còn ở điểm xuất phát thấp, cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Từ khi có Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 năm 2016. Theo đó, toàn tỉnh An Giang có 16 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, thị xã Tân Châu. Trong đó, xã Nhơn Hội huyện An Phú được đưa vào phạm vi của Chương trình 135.

Mục tiêu của Chương trình

a) Mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020;

- Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần);

- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo;

- Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

Kết quả thực hiện Chương trình 135

Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, xã Nhơn Hội được Nhà nước hỗ trợ với tổng mức đầu tư là 12 tỷ 802 triệu đồng để thực hiện các dự án như:

Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 tập trung thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như: hỗ trợ con giống. Cụ thể, hỗ trợ chăn nuôi bò giống lấy từ Campuchia, có chất lượng, giá thấp, nuôi mau lớn, rủi ro thấp, lợi nhuận cao, thuận lợi mua bán tại nhà và gà giống theo mô hình nuôi gà sinh học. Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức 19 cuộc hội thảo hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả có hơn 560 nông dân tham dự; Tổ chức trình diễn các mô hình trồng nấm rơm campost trong nhà ở ấp Bắc Đai (diện tích 75 m­­­2), trồng bắp nếp ADI.600 (DT 0,2 ha), mô hình nuôi vịt xiêm siêu thịt ấp Tắc Trúc; thành lập Tổ hợp tác trồng đậu nành rau ở ấp Bắc Đai có hơn 9 thành viên với diện tích là 10,7 ha. Mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật; dự án phát triển cơ sở hạ tầng: xây dựng trung tâm cụm xã, đảm bảo hệ thống điện, đường, trường, trạm cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân. Có thể thấy, kết quả đầu tư từ Chương trình 135 đã tác động to lớn làm cho bộ mặt xã Nhơn Hội có nhiều thay đổi, nhất là về cơ sở hạ tầng như được thực hiện đầu tư cơ bản và khang trang, phần lớn đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, đời sống người dân ngày càng ổn định và phát triển, hộ nghèo năm sau giảm so năm trước và có hướng thoát nghèo bền vững. Cụ thể: theo nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, năm 2016 hộ nghèo có 626 hộ đến đầu năm 2019 số hộ nghèo đã giảm đáng kể xuống còn 237 hộ. Đối với đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn xã Nhơn Hội có sự thay đổi rõ nét. Hiện tại, các hộ đồng bào Chăm trong xã được sử dụng điện thắp sáng và nước sinh hoạt, xóa nhà tạm bợ và dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đạt được kết quả như trên là cả quá trình tập huấn, dạy nghề và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đồng thời nhờ có các chính sách an sinh xã hội được quan tâm và hỗ trợ kịp thời đã hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho bà con làm ăn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được nông dân áp dụng theo hướng công nghệ cao, có khoa học, kỹ thuật. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 29.195.000 đồng/năm cao hơn so với các năm trước. Các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại ngày càng được duy trì, ổn định và phát triển. Song song với kết quả đạt được từ Chương trình 135 thì địa phương vẫn còn những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện, cụ thể:

- Việc sản xuất và áp dụng khoa học, công nghệ cao của người dân xã Nhơn Hội nói chung còn yếu kém, chưa có sự bứt phá và thiếu tính tự chủ;

- Về vấn đề nhận thức của một số hộ dân thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách còn hạn chế, do có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước như: nhà ở và các chế độ chính sách khác dẫn đến tình trạng thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, tái nghèo.

- Việc huy động các nguồn lực cho chương trình còn hạn chế nên đầu tư chưa được đồng bộ;

- Nhận thức của một số cán bộ và nhân dân về chương trình chưa thật sự đầy đủ nên chưa phát huy được nội lực của địa phương...

Đánh giá tổng thể, Chương trình 135 là một chủ trương đúng đắn, ý nghĩa của Đảng và Nhà nước tập trung chương trình giảm nghèo mục tiêu vào các khu vực nghèo nhất, các xã nghèo nhất với những gói hỗ trợ theo nhu cầu phù hợp với đặc thù, hạn chế và cơ hội ở từng địa phương để các xã nỗ lực thoát nghèo. Với phương châm Đảng và nhân dân cùng làm cùng quyết tâm cao đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các ấp đặc biệt khó khăn, giải quyết các yêu cầu bức xúc của nhân dân về sản xuất, đi lại, điện, nước, học hành, chăm sóc sức khoẻ... nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Các dự án chính sách đã đầu tư đúng đối tượng, không thất thoát; từ đó từng bước phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đời sống nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được nâng cao, góp phần giảm nghèo, thể hiện mối quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Điểm nổi bật mà Chương trình 135 đem đến chính là hướng người dân nghèo chủ động tự vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong những năm qua, có không ít những hộ nghèo đã rất cố gắng, nỗ lực tự thân xóa đói giảm nghèo bằng cách: bên cạnh một phần vốn hỗ trợ của Chương trình 135, các hộ này đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, tự chủ động tiếp cận với các phương thức làm ăn mới và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống đã dần khấm khá. Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị tập trung cho việc giảm nghèo nhanh và bền vững như việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất được chính quyền địa phương chú trọng đầu tư trên cơ sở xác định những nhu cầu thiết yếu gắn với tình hình sản xuất của các hộ dân trên địa bàn xã. Do đó, tỷ hộ nghèo của xã Nhơn Hội đã giảm rất đáng kể trong 3 năm. Có thể thấy, cái được lớn nhất trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở đây là không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho người nghèo mà còn làm thay đổi nhận thức của họ. Qua những tấm gương tự vươn lên thoát nghèo đã trở thành động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên.

Bên cạnh đó, thông qua Chương trình 135 đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo sau khi được tập huấn các kiến thức cần thiết, bổ ích, nắm bắt được nội dung các chuyên đề như chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và xóa đói, giảm nghèo để tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt. Đặc biệt, sau khi được hướng dẫn việc triển khai thực hiện các hợp phần thuộc Chương trình 135 của giai đoạn 2016 – 2020 đã giúp cho cán bộ địa phương hiểu rõ thêm nhiều vấn đề cần thiết để làm tốt nhiệm vụ tại cơ sở.

 

Lê Châu Mỹ Hoa Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Responsive image
 

 

các tin khác