Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quan điểm về nhà nước pháp quyền XHCN trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

09:15 27/01/2023

Từ bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021, với sức ảnh hưởng to lớn và tầm quan trọng đặc biệt về mặt lý luận, bài viết sau đó được gọi là tác phẩm.

ThS. Phan Thị Hoàng Mai

Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Đến tháng 2/2022, cuốn sách mang tên “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” gồm tập hợp 29 bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật được chính thức phát hành. Bài viết đầu tiên trong cuốn sách cũng chính là Tác phẩm mà cuốn sách mang tên. Cuốn sách đã trở thành một tài liệu “gối đầu giường” cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị và các nhà lãnh đạo, quản lý trong và ngoài nước nghiên cứu, học tập. Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự là tài liệu quý giá, một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng có của Đảng Cộng sản Việt Nam về mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Trong cuốn sách - Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” có nhiều nội dung lý luận và thực tiễn về quá trình xây dựng, phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được phân tích, đánh giá, tổng hợp và rút ra các chỉ đạo quý giá. Trong đó, quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế, quản lý văn hóa, xã hội… được nêu xuyên suốt tác phẩm và đặc biệt nổi bật thông qua nội dung so sánh về bản chất giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa. Đây là nội dung tác giả rất tâm đắc vì nó thể hiện rõ trí tuệ và tầm khái quát lý luận đỉnh cao của người đứng đầu Đảng ta hiện nay.

Tổng Bí thư đã phân tích rõ: “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”[1]. Điểm khác biệt được chỉ ra ở đây chính là pháp quyền của tư bản chủ nghĩa thì bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn giá trị pháp quyền của xã hội chủ nghĩa thì bảo vệ cho lợi ích của đại đa số nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Nội dung này đặc biệt cần được bổ sung, cập nhật vào các chuyên đề giảng dạy lý luận chính trị, cụ thể nhất là bài “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và các bài giảng khác của chương trình Trung cấp lý luận chính trị.

Nội dung trên tuy chỉ là một đoạn ngắn nhưng thể hiện được bản chất dân chủ ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa so với chế độ tư bản chủ nghĩa. Chữ “Nhân dân” được nêu ở đây là thể hiện tính chất dân chủ - một yêu cầu không thể thiếu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bảo đảm được “tính Nhân dân” thì mới bảo đảm được “tính dân chủ” thực sự trong đời sống xã hội. Dân chủ được xác định là gốc của nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền và cũng là bản chất của chế độ chính trị, là mục tiêu, là động lực trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Một đặc trưng tiêu biểu khác được nêu trong tác phẩm đó là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều chỉnh tối cao của pháp luật (một cách gọi khác của tinh thần thượng tôn pháp luật). Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bảo đảm cho mọi quyền và lợi ích chính đáng của người dân được thực hiện một cách công khai, minh bạch, hiệu quả, bình đẳng. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa điều hành, quản lý một xã hội “hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm[2]. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu; trong đó, vị trí làm chủ thuộc về Nhân dân[3]. Do vậy, Tổng Bí thư yêu cầu phải kiên trì đường lối lấy Nhân dân làm trung tâm, là động lực, là nguồn sức mạnh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để cơ chế này thực sự có hiệu quả đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải phát huy tốt vai trò của các chủ thể trong hệ thống này, đặc biệt vai trò của Nhân dân. Cho nên, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thật sự là nhà nước dân chủ như Tổng Bí thư đã chỉ rõ, “Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”[4].

Tóm lại, những phân tích của Tổng Bí thư về bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm sáng tỏ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây được xem là cẩm nang quý báu cho thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, HN – 2022, trang 29.

[2] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, HN – 2022, trang 28.

[3] ThS. Vũ Văn Phong, Quan điểm về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tạp chí điện tử Lý Luận Chính trị (ngày 15/11/2022).

[4] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, HN – 2022, trang 28.

các tin khác