Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

V.I. Lênin bàn về giáo dục lý luận chính trị

08:56 16/03/2020

Trong tác phẩm “gối đầu giường” sớm nhất của những người cách mạng Việt Nam – Đường Kách Mệnh, ngay ở trang bìa, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trích dẫn lời dạy của người thầy vĩ đại – V.I. Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”.

Suốt quá trình hoạt động cách mạng sau đó, dưới ánh sáng soi đường của V.I. Lênin, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở những người cách mạng: “không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa, thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị” thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”; “ít nghiên cứu lý luận và nghiên cứu thực tiễn cho nên gặp thắng lợi thì lạc quan tếu, gặp khó khăn thì dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo. Do đó gặp nhiều khó khăn trong công việc, tác dụng lãnh đạo hạn chế”.

V.I. Lênin không chỉ được biết đến như là một trong những nhà tư tưởng – lý luận vĩ đại của nhân loại mà còn được ghi nhận là “bậc thầy” về giáo dục lý luận chính trị. Người không chỉ kế thừa và “sáng tạo” lý luận mà còn trực tiếp giáo dục, phổ biến và hiện thực hóa lý luận ở tầm mức “nghệ thuật”. Sự song hành đó thể hiện nhất quán trong toàn bộ di sản tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của Người.

Rất nhiều lần V.I. Lênin luận chứng tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị từ chính vai trò của lý luận. Với Người, không tiến hành công tác giáo dục lý luận chính trị thì hoạt động chính trị tất nhiên biến thành trò chơi. Hoạt động chính trị mà không tạo ra sự chuyển biến nào trong thực tiễn thì khác gì một trò chơi. Muốn tạo ra sự thay đổi thực tế ấy thì phải làm sao cho quần chúng quan tâm và tích cực tham gia vào các sự kiện. Nhưng quần chúng rất khó có thể đạt được trình độ tự giác như thế nếu không có sự tác động nào từ phía công tác giáo dục lý luận chính trị. Công tác ấy có nhiệm vụ làm cho lý luận thấm sâu vào cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, thúc đẩy họ tự nguyện hăng hái hành động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng do Đảng đề ra. Cũng theo V.I.Lênin, sức mạnh của cách mạng chính là chỗ phải không ngừng phát triển ý thức chính trị của lực lượng cách mạng và phương thức để đạt được điều đó một cách hiệu quả, kịp thời, lâu dài không gì hơn là làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị.

Tầm quan trọng nêu trên đặt ra yêu cầu phải tiến hành thường xuyên công tác giáo dục lý luận chính trị, không được một phút giây lơ là, buông lỏng. V.I. Lênin phê phán “những kẻ cho rằng chỉ có… trong những trường hợp trọng đại mới là lúc hợp thời và có thể đem “chính trị” ra thiết đãi công nhân… là những kẻ nhầm đường”. Người luôn nhắc nhở công tác giáo dục lý luận chính trị phải được tiến hành thường xuyên, cả lúc cách mạng thắng lợi hay gặp khó khăn, thoái trào; cả trong giai đoạn chuẩn bị lẫn khi diễn biến và thụ hưởng, bảo vệ thành quả. Lý luận phải luôn soi đường để chuẩn bị hay tổng kết một phong trào; phải luôn luận giải để sáng tỏ những khó khăn, thất bại hay thời cơ, thuận lợi; phải luôn là tiền đề “sinh” ra phong trào cách mạng. Lơ là công tác giáo dục lý luận chính trị, lúc thắng lợi sẽ làm cho lực lượng cách mạng chủ quan, lơ là, ngủ quên trên chiến thắng, lúc thất bại sẽ bi quan, chán nản, nhụt chí, nguy hiểm nhất là rời bỏ hàng ngũ đi đến đầu hàng. Nhu cầu của thực tiễn cách mạng đối với lý luận là vô tận nên công tác giáo dục lý luận chính trị phải luôn liên tục.

Phương pháp giáo dục lý luận chính trị thể hiện rõ nét trong tư tưởng và thực tiễn hoạt động cách mạng của V.I. Lênin. Phương châm căn cốt trước hết và bao trùm đó là giáo dục lý luận chính trị phải gắn chặt với thực tiễn. V.I. Lênin chỉ ra: “làm thế nào có thể nói đến “giáo dục chính trị” cho công nhân nếu người ta gạt bỏ khả năng tiến hành cổ động chính trị và đấu tranh chính trị? Liệu có còn cần phải chứng minh cho những người dân chủ - xã hội thấy rằng nếu không có đấu tranh chính trị và không có hoạt động chính trị thì không thể có giáo dục chính trị nào cả không? Có thực là người ta có thể nghĩ rằng cứ dùng những việc lên lớp nào đó hay sách vở… mà không cần đến hoạt động chính trị và đấu tranh chính trị cũng vẫn có thể giáo dục chính trị được cho quần chúng công nhân chăng?”. Giáo dục lý luận chính trị, theo V.I. Lênin, không chỉ đơn thuần là cung cấp tri thức và bó hẹp trong không gian trường lớp mà rộng hơn đó là “rèn luyện” năng lực thực tiễn, từ ghế học nhà trường ra thẳng hiện thực sinh động của phong trào cách mạng. V.I. Lênin sử dụng “thực tiễn” như là “giáo trình” hữu hiệu nhất để đạt được một cách toàn diện các mục tiêu giáo dục lý luận chính trị.

Giáo dục lý luận chính trị phải biến cái trừu tượng trở nên dễ hiểu. Đối với quần chúng nhân dân, yêu cầu này càng phải được chú ý. Tuyệt đối tránh càng làm cho người học mơ hồ thêm lý luận vốn đã có tính trừu tượng. V.I. Lênin yêu cầu làm sao để “chủ nghĩa cộng sản phải là cái dễ hiểu đối với quần chúng công nhân như công việc riêng của họ”. Muốn vậy, phải biết “truyền thụ” lý luận “bằng những lời lẽ dễ hiểu và bằng cách dựa vào những sự việc trong đời sống hàng ngày”; phải biết “lợi dụng những bài học cụ thể của những sự biến cách mạng vĩ đại để dạy… cho quần chúng về những bài học cũ kỹ, giáo điều”; “dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống để giáo dục quần chúng”. Một điểm cần quan tâm đó là V.I. Lênin từng nhấn mạnh đến giáo dục lý luận thông qua giao việc trực tiếp để người học tự giải quyết và từ đó tiếp thu, đúc rút lý luận.

Tôn chỉ của giáo dục lý luận chính trị không chỉ ở chỗ nắm vững tri thức mà hơn nữa là biết vận dụng tri thức để nâng cao hiệu quả công tác và chất lượng sống. V.I. Lênin nói: “Lẽ tự nhiên là mới nhìn, người ta nghĩ ngay rằng học chủ nghĩa cộng sản là nắm vững tổng số những kiến thức đã trình bày trong sách giáo khoa và trước tác về chủ nghĩa cộng sản. Nhưng định nghĩa như trên về việc học chủ nghĩa cộng sản thật là quá thô thiển và thiếu sót. Nếu học chủ nghĩa cộng sản chỉ là nắm được những cái đã trình bày trong tác phẩm và sách vở nói về chủ nghĩa cộng sản thì chúng ta rất dễ tạo nên những con mọt sách hay những kẻ khoác lác về chủ nghĩa cộng sản và như thế thì thường là nguy hại cho chúng ta; vì rằng những người đó, tuy học nhiều và đọc nhiều những điều đã trình bày trong sách vở về chủ nghĩa cộng sản nhưng lại không có khả năng kết hợp tất cả những kiến thức đó lại và không có khả năng hành động đúng như chủ nghĩa cộng sản mong muốn”; phải “biến chủ nghĩa cộng sản từ những công thức, lời dạy, những phương pháp, những chỉ thị, những cương lĩnh có sẵn và học thuộc thành cái thực tế sinh động, là cái kết hợp với công tác trực tiếp của các đồng chí”.

Những chỉ dẫn của V.I. Lênin về công tác giáo dục lý luận chính trị là toàn diện, sâu sắc. Trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, ngày 28 tháng 3 năm 2014, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 94-KL/TW “về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân” đề cập đến đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị một cách toàn diện, từ nội dung đến phương pháp, người dạy đến người học, hoạt động dạy học đến công tác quản lý. Mục tiêu và yêu cầu đặt ra sẽ sớm đạt được nếu biết đào sâu, nhớ kỹ, vận dụng đúng, thực hành tốt những chỉ dẫn của V.I. Lênin về giáo dục lý luận chính trị.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật,  Hà Nội , 2011, t.2, tr. 279.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.8, tr. 280.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.14, tr. 29-30.

4. V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, t.31, tr.446-459.

5. V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, t.31, tr.341-363.

TS. Nguyễn Phương An - Học viện Chính trị khu vực II

các tin khác