08:02 23/12/2019
Không chỉ tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, thương dân, trí tuệ và nhãn quan chính trị nhạy bén, năng lực thực tiễn và dự báo thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là hiện thân của phong cách ứng xử chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc, để lại bài học quý giá trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ của Đảng hôm nay.
Từ những câu chuyện về cách ứng xử của Bác...
Có rất nhiều câu chuyện về phong cách ứng xử của Bác Hồ, chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc, lưu lại cho bao thế hệ người Việt Nam và nhân dân trên thế giới. Dưới đây chỉ là một vài câu chuyện về cách ứng xử của Bác, để lại nhiều bài học quý giá cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ.
Câu chuyện mời Bác cưỡi ngựa: Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới. Anh em cảnh vệ kiếm được con ngựa, mời Bác cưỡi. Bác bảo: Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện. Anh em cố nài Bác: Chúng cháu còn trẻ, Bác đã nhiều tuổi, đường xa, công việc nhiều xin Bác lên ngựa cho. Bác nói: Các chú đều khỏe, còn trẻ cả, để đi đường xem các chú có theo kịp Bác không. Anh em khẩn khoản mãi, không nỡ từ chối, Bác trả lời: Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ balô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi(1).
“Chú ngã có đau không?”: Vào đầu năm 1954, tiết trời đã sang xuân, nhưng ở Việt Bắc vẫn còn rét, Bác vẫn làm việc rất khuya. Một lần, đồng chí bảo vệ Bác bị thụt chân xuống một cái hố tránh máy bay. Đang tìm cách để lên khỏi hố, chợt nghe có tiếng hỏi: Chú nào ngã đấy? Bác tới rồi luồn tay vào hai nách, vừa kéo, vừa hỏi: Chú ngã có đau không? Bác sờ khắp người, nắn chân, nắn tay. Bác nói: Chú ngã thế đau lắm. Chú cứ ngồi xuống đây bóp chân cho đỡ đau. Ngồi xuống! Ngồi xuống! Thưa Bác, cháu không việc gì ạ. Bác cười hiền hậu và căn dặn: “Bất cứ làm việc gì chú cũng phải cẩn thận”(2).
“Bác có phải vua đâu”: Năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành (Yên Thành, Nghệ An), xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi, Bác đứng nói chuyện với nhân dân. Càng gần trưa, nắng càng gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng, ai cũng thấy xót lòng. Đồng chí chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô định giương lên che cho Bác. Bác quay lại hỏi: Thế chú có đủ ô cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi. Bác có phải là vua đâu (3).
Thăm gia đình chị Chín: Tối 30 Tết năm 1962, Bác thăm gia đình chị Chín ở phố Lý Thái Tổ. Chồng chị mất sớm, để lại ba đứa con nhỏ dại. Chị phải đi làm công nhật để lấy tiền nuôi con. Gặp Bác, chị Chín khóc nức nở. Bác an ủi: Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc? Cố nén xúc động, chị nói: Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá thành ra con khóc ạ.
Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và ôn tồn nói: Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai? Rồi Bác đến bên các cháu, âu yếm xoa đầu và trao quà Tết cho các cháu. Bác hỏi thăm và ân cần dặn dò chị về việc làm ăn và học hành cho các cháu. Sau Tết, Bác đã chỉ thị cho Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như chị Chín (4).
Bác đi thăm địa phương: Nhiều lần đi thăm các địa phương, Bác bảo anh em phục vụ chuẩn bị cơm mang theo, lúc nào thuận tiện thì dừng lại ăn cơm. Xuống thăm các địa phương là để nắm tình hình thực tế và góp ý, nhắc nhở về các công việc, chứ không phải xuống dự tiệc tùng, gây tốn kém. Bác còn nói vui: “Để tỉnh chiêu đãi thì họ cho mình ăn một nhưng sẽ hết cả con bò. Nếu Bác đến thăm 4 tỉnh như vậy kinh tế sẽ lạm phát”. Có tỉnh nọ mặc dù đã được báo trước là Bác có mang cơm theo, nhưng vẫn sắm sửa cỗ bàn thịnh soạn. Bác kiên quyết không ăn mà còn phê bình rất nghiêm khắc (5).
“Nước nóng, nước nguội”: Có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng Ngọ nên đồng chí cán bộ vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Trên bàn đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh. Bác chỉ vào cốc nước nóng nói: Chú uống đi.
Đồng chí cán bộ kêu lên: Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được. Bác mỉm cười: À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không? Dạ có ạ. Bác nghiêm nét mặt nói: Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn. Hiểu ý Bác, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa (6).
Đến bài học lãnh đạo, quản lý
Những câu chuyện về cách ứng xử của Bác để lại nhiều bài học quý giá cho đội ngũ cán bộ của Đảng về phong cách lãnh đạo, cách giao tiếp, ứng xử, động viên cấp dưới và quần chúng cũng như sử dụng quyền lực trong lãnh đạo, quản lý.
Một là, cách ứng xử của đội ngũ cán bộ cần dựa trên tình yêu thương, tôn trọng con người, hiểu biết tâm lý và phong cách quần chúng. Biết quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, cũng như những điều quan trọng trong đời sống của quần chúng, đặc biệt là những người có địa vị yếm thế trong xã hội. Như trong câu truyện trên, Bác chọn gia đình chị Chín - một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm.
Cán bộ phải luôn sâu sát, gần gũi, biết hòa mình vào cuộc sống của người lao động, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giúp họ vươn lên. Tuyên truyền, vận động, giáo dục cho quần chúng sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, đồng thời chăm lo cho quần chúng có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, như ý nguyện của Bác: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(7).
Học Bác lối sống giản dị, thanh tao, tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm cho mình, cho người khác, cho cơ quan, đơn vị, cho Nhân dân và đất nước. Khi đi thăm hoặc kiểm tra cơ sở hay địa phương cần biểu thị thái độ không hài lòng, hoặc phê bình ngay việc tổ chức đón tiếp gây tốn kém cho dân, cho cơ sở. Sử dụng phương tiện, ăn mặc, đi đứng, cách nói chuyện phải gần gũi, tránh xa cách quần chúng (đi xe sang trọng, ăn mặc chải chuốt, thái độ quan cách...).
Hai là, khi tiếp xúc với mọi người cần thể hiện sự khiêm tốn, chân thành, tôn trọng, quan tâm và chia sẻ. Luôn hòa nhã, điềm đạm, niềm nở, cử chỉ thân thiện, xóa bỏ sự cách biệt về chức vụ, địa vị, cấp trên với cấp dưới, cán bộ với quần chúng. Không nên sử dụng “nghệ thuật xã giao” mà phải thực sự xuất phát từ tâm hồn, đạo đức và nhân cách.
Bác thường dùng từ ngữ rất bình dị, thân mật, với giọng nói ôn tồn và thái độ trìu mến khiến mọi người cảm thấy gần gũi như những người thân thuộc, như xưng bằng Bác, gọi người khác là chú, thím: “Chú ngã có đau không?”; “Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?”; Bác nhìn các cháu trìu mến và ôn tồn...
Trong lãnh đạo, việc phê bình, nhắc nhở là cần thiết, nhưng thái độ và cách phê bình phải hết sức tế nhị và khéo léo. Khi người khác có khuyết điểm, không nên phê bình trực tiếp, trước mặt mọi người với những lời lẽ quá mạnh mẽ hoặc xúc phạm. Nên gặp gỡ riêng, phê bình nghiêm khắc nhưng tế nhị, giúp họ hiểu ra lỗi của mình mà không cảm thấy bị xúc phạm.
Ba là, lãnh đạo, quản lý con người là lĩnh vực khó khăn, phức tạp nhất, đòi hỏi những hiểu biết về tâm lý và tầm nhìn sâu rộng. Muốn vậy, cán bộ cần có kiến thức nhất định về tâm lý học nhân cách, tâm lý học lãnh đạo để có thể nắm bắt được những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cấp dưới và quần chúng, từ đó có những cách thức tác động phù hợp.
Người cán bộ phải có nghệ thuật động viên cấp dưới và quần chúng có thành tích trong lao động, sản xuất và công tác, nhằm kích thích sự hăng hái, nhiệt tình, tin tưởng ở họ. Tuy nhiên, động viên, khen ngợi phải được tiến hành một cách công khai, kịp thời, đúng lúc, đúng mức độ, với ngôn ngữ phù hợp và thái độ chân thành mới có tác dụng thực sự.
Bốn là, cán bộ phải biết sử dụng quyền lực của mình một cách hợp lý, tuyệt đối không lạm dụng quyền lực. Biết lắng nghe, tranh thủ ý kiến của cấp dưới và quần chúng, có nghệ thuật đưa họ tham gia vào việc ra quyết định và thực hiện quyết định của lãnh đạo; có cách thức làm việc khoa học, tác phong sâu sát, cụ thể, tỷ mỷ. Đồng thời, giữ vững nguyên tắc, có tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, không dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể.
Cần phê phán những quan điểm lạm dụng quyền lực như: chỉ biết ra mệnh lệnh, luôn nhắc đến chức vụ, cố tình tạo lối sống “độc đáo” để thể hiện mình thay cho tạo dựng uy tín bằng phẩm chất, năng lực và cách đối nhân xử thế của mình. Học Bác, cán bộ luôn nhớ rằng, 24 năm làm Chủ tịch nước, Bác không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ Nhân dân.
Năm là, mỗi cán bộ cần quan tâm rèn luyện để có được tính khí hoạt bát, hòa nhã, vui vẻ. Luôn giữ sự bình tĩnh, làm chủ và kiểm soát cảm xúc, hành vi, tuyệt đối không được để rơi vào trạng thái nóng nảy, giận dữ “cả giận mất khôn”, làm tổn thương đến những người xung quanh, lưu lại trong ký ức của họ một hình ảnh không tốt đẹp. Vì vậy, trong mọi mối quan hệ, mọi trường hợp cần thật bình tĩnh, xử lý khéo léo tình huống để có được kết quả tốt nhất./.
* Tài liệu tham khảo
1.https://bqllang.gov.vn: Những ngày tháng ở bên bác Hồ (phần 11). 12/6/2015
2.http://tuoitredhdn.udn.vn: Những mẩu chuyện về tình yêu thương bao la của Bác. 23/2/2017
3.http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn: “Bác có phải là vua đâu?”. 9/11/2016
4.https://tuoitre.vn: “Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!”. 6/2/2008
5.http://www.baclieu.gov.vn: Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 11/3/2011
6.http://khcncaobang.gov.vn: Học tập lối sống giản dị, khiêm tốn và tiết kiệm của Bác Hồ
7.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, trang 161
Nguyễn Nhâm - HCM.VN