08:52 31/12/2019
Hơn 170 năm kể từ khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời cho đến nay, nhiều giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin mang sức sống trường tồn vẫn tiếp tục tỏa sáng, là những chỉ dẫn khoa học cho con đường xây dựng CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã và đang thực hiện. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới đã tiếp tục khẳng định, điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công CNXH chính là Đảng và Nhà nước phải thực sự phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, đảm bảo quyền lực thuộc về Nhân dân.
1. Quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về nhiệm vụ của Đảng cầm quyền và nhà nước trong thực hiện quyền lực của Nhân dân
C. Mác và Ph. Ăngghen là những nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, đặt nền móng lý luận cho phong trào công nhân và phong trào cộng sản trên toàn thế giới. Thời đại của các ông đã chứng kiến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cùng với sự ra đời và phát triển của phong trào công nhân và phong trào cộng sản trong điều kiện giai cấp vô sản chưa giành được chính quyền. Tuy nhiên, các ông đã phác thảo ra những nét cơ bản trở thành chỉ dẫn quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ của các đảng cộng sản và nhà nước vô sản sau này.
Năm 1848, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, sứ mệnh của Đảng Cộng sản đã được các ông đề cập đến là giai cấp vô sản dựng lên quyền thống trị của mình bằng cách dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản và đặt ra vấn đề nhà nước, tức là giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị bởi lợi ích của giai cấp vô sản thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động: “Những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác. Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”(1).
“Tuyên ngôn” đã khẳng định mục đích trực tiếp của các đảng cộng sản là phải giành lấy chính quyền: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”(2).
Các ông cũng chỉ ra nhiệm vụ của đảng cộng sản không chỉ là đảng của giai cấp công nhân mà đảng còn có tính dân tộc và tính quốc tế. Giai cấp vô sản ở mỗi nước khi tiến hành cuộc đấu tranh để “tự giải phóng” giai cấp mình khỏi sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản, trước hết phải giành lấy chính quyền, tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, tự mình trở thành dân tộc, nghĩa là phải lãnh đạo, trở thành lực lượng lãnh đạo của cả phong trào cách mạng của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, hai ông đã đề cập đến “hình thức tổ chức” mà nhờ đó các cá nhân thống trị về mặt kinh tế được tổ chức thành giai cấp và bảo đảm cho giai cấp này trở thành giai cấp thống trị xã hội. Đó chính là nhà nước. Song tại thời điểm đó, nhà nước vô sản chưa trở thành hiện thực xã hội. Và chỉ đến khi Công xã Pari ra đời và kết thúc trong 72 ngày nhưng đã thôi thúc C.Mác viết tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”.Qua nghiên cứu, tổng kết thực tiễn công xã Pari được thành lập sau cuộc khởi nghĩa của công nhân ở Thủ đô Pari (Pháp) vào ngày 18-3-1871, C. Mác đã khẳng định: Đây là hình thức nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới với những đặc trưng mới mà bất kỳ nhà nước nào từng tồn tại trong lịch sử đều không thể có được: “Công xã đã thực hiện được khẩu hiệu của tất cả các cuộc cách mạng tư sản là thiết lập một chính phủ ít tốn kém, bằng cách hủy bỏ hai món chi tiêu lớn nhất: quân đội thường trực và hệ thống quan lại”(3). Ngay sau khi ra đời, Công xã Pari đã thi hành nhiều chính sách tiến bộ như: bãi bỏ chế độ quân thường trực, thành lập Đội Vệ binh quốc dân để bảo vệ thành phố và chống lại quân đội Phổ; giải tán cảnh sát và hiến binh; tách hoạt động của nhà thờ ra khỏi các công việc của trường học và nhà nước. Nhiều chính sách vì lợi ích của nhân dân được Công xã thi hành như: thực hiện quyền làm chủ xí nghiệp cho công nhân, thành lập các hợp tác xã sản xuất, giải quyết nạn thất nghiệp, quy định mức lương tối thiểu bắt buộc, thi hành những biện pháp bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện nhà ở và cung cấp lương thực cho dân cư; thực hiện cải cách trường học mà cơ sở của nó là nguyên tắc giáo dục phổ cập, không mất tiền, có tính chất bắt buộc... Về nguyên tắc tổ chức, Bộ máy chính quyền Công xã được xây dựng theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và tập trung dân chủ: “Công xã gồm những đại biểu thành phố do đầu phiếu phổ thông ở các khu của Pari bầu lên. Họ là những đại biểu có trách nhiệm và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào…Những đặc quyền đậc lợi và những phụ cấp chức vụ của những kẻ quyền cao chức trọng của nhà nước cũng biến đi cùng với chính ngay những kẻ quyền cao chức trọng đó”(4).Công xã chính là hình thức chính trị của sự giải phóng xã hội mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã tạo ra. C. Mác cũng chỉ ra những nhược điểm, sai lầm và nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thất bại của Công xã Pari, trong đó, để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc, đó là: Sự tất yếu phải có sự lãnh đạo của đảng của giai cấp công nhân với một cương lĩnh chính trị để thực hiện những cải cách mang tính xã hội chủ nghĩa; về tăng cường sự liên minh giai cấp công nhân, nông dân. Giai cấp công nhân không chỉ giành lấy bộ máy nhà nước sẵn có để phục vụ cho lợi ích của mình, mà phải “đập tan bộ máy quan liêu - quân sự”, coi đó là “điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc cách mạng nhân dân thực sự”. Nhưng thay cho bộ máy nhà nước cũ đã bị đập tan, thì phải tổ chức, xây dựng bộ máy nhà nước kiểu mới như thế nào để trong nhà nước đó, bản thân quần chúng nhân dân trở thành chủ thể của quyền lực.
V.I.Lênin không những đã khôi phục được quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về nhà nước mà còn phát triển một bước học thuyết của chủ nghĩa Mác về nhà nước và chuyên chính vô sản phù hợp với thời đại, trong đó V.I.Lênin đã đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể về nhiệm vụ của đảng cầm quyền và nhà nước khi đã có nhà nước vô sản.
Trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng”, V.I.Lênin chỉ rõ rằng: Trong cuộc đấu tranh cho chuyên chính vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phải làm cho đảng “đủ sức nắm chính quyền và dẫn dắt toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy, làm người dẫn đường, làm lãnh tụ của tất cả những người lao động và những người bị bóc lột”(5). Nếu không có đảng lãnh đạo, thì giai cấp vô sản và tất cả nhân dân lao động không thể lật đổ giai cấp tư sản, không thể giành được thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin cũng đã trình bày về các nhiệm vụ cơ bản của chuyên chính vô sản. Những nhiệm vụ cơ bản đó là: Trấn áp sự phản kháng của bọn bóc lột đã bị đánh đổ và củng cố những thắng lợi của mình. Xây dựng khối liên minh công - nông, giai cấp tư sản và giai cấp nửa vô sản dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Sử dụng chính quyền vô sản để tổ chức chế độ xã hội chủ nghĩa, dẫn dắt toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới.
Mối quan hệ giữa chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ với thực hành dân chủ được V.I.Lênin nhấn mạnh “không thể giản đơn đóng khung trong việc mở rộng dân chủ được” mà phải “biến thành chế độ dân chủ cho người nghèo, chế độ dân chủ cho nhân dân”(6).
Vấn đề tổ chức quản lý và xây dựng nhà nước đã được đặt ra ngay sau khi giai cấp công nhân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích (Nga) giành chính quyền. Trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết”, V.I. Lênin vạch rõ một nhiệm vụ đặc biệt cấp thiết, đó là những cốt cán lãnh đạo ưu tú nhất và đáng tin cậy nhất của giai cấp vô sản cách mạng và của bộ phận nông dân không bóc lột phải trở thành những cán bộ quản lý và xây dựng nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ trọng đại này thật sự không dễ dàng, bởi tình trạng yếu kém của đội ngũ cán bộ khi đó là một thực tế không thể phủ nhận. Những khó khăn thường trực và nhiệm vụ của đảng cầm quyền và nhà nước phải giải quyết như: thiếu vắng trầm trọng số cán bộ, nhất là những cán bộ lãnh đạo chính trị có học thức, có văn hóa và có khả năng quản lý đất nước; không ít cán bộ lãnh đạo đã bị tiêm nhiễm bởi căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản hay bởi “những tập quán, quan hệ, thói quen, tâm lý… mang tính chất tiểu tư sản”, tham ô, nhận hối lộ, bè phái, đặc quyền đặc lợi, thiếu trách nhiệm đối với công việc. Đặc biệt, V.I.Lênin đã phê phán và nêu cao tinh thần cảnh giác với hiện tượng một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý mắc căn bệnh quan liêu. Những cán bộ này đã “thiếu nghiên cứu kinh nghiệm thực tế, thiếu trao đổi kinh nghiệm, thiếu kiểm tra lẫn nhau”(7), không biết dựa vào kinh nghiệm địa phương để kiểm tra tính đúng đắn của nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và lấy sự lãnh đạo của Trung ương để kiểm tra thực tiễn địa phương. Ông cũng chỉ ra đây là nguy cơ thường trực và hàng đầu với sự tồn tại của đảng và chính quyền. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ của nhà nước phải gắn liền với cuộc đấu tranh chống sự lệch lạc quan liêu chủ nghĩa để đảm bảo mối quan hệ vững chắc giữa nhà nước và nhân dân. Trách nhiệm của Đảng là phải xác định được động lực, mục tiêu chính xác cho mỗi thời kỳ, “tìm cho ra cái mắt xích đặc biệt mà người ta phải đem toàn lực ra nắm lấy để giữ vững được toàn bộ cái xích và chuẩn bị để chuyển vững chắc sang mắt xích kế bên; hơn nữa trình tự nối tiếp, hình thức, mối liên hệ của các mắt xích và những đặc điểm của khác nhau của mắt xích này với mắt xích khác trong cái xích những sự biến lịch sử, đều không đơn giản, và cũng không phải sơ sài như trong cái xích thường do bàn tay người thợ rèn làm ra”(8).
V. I. Lênin chỉ ra nhiệm vụ của đảng cầm quyền trong công tác tư tưởng “thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”(9). Nhiệm vụ này không chỉ đặt ra trước khi đảng cầm quyền mà phải coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Nhiệm vụ thứ hai của đảng là “giành lấy chính quyền, đập tan sự phản kháng của bọn bóc lột”(10). Đây cũng trách nhiệm không thể lơi là của đảng bởi kể cả khi có chính quyền trong tay rồi, các thể lực phản động vẫn luôn luôn có âm mưu chống phá, lật đổ chính quyền ấy.
Trách nhiệm quan trọng được coi là “chủ yếu, trung tâm” của đảng là lãnh đạo nhà nước tổ chức và quản lý xã hội. Trách nhiệm, nhiệm vụ chủ yếu của đảng chuyển từ “thuyết phục nhân dân và dùng lực lượng quân sự trấn áp bọn bóc lột sang nhiệm vụ chủ yếu là quản lý”(11). Trách nhiệm và cũng là yêu cầu đối với đảng trong điều kiện đã có được chính quyền trong tay là phải nâng cao năng lực “tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn”. V.I.Lênin cũng khẳng định, đây là “nhiệm vụ khó khăn nhất vì vấn đề là phải tổ chức theo phương thức mới những cơ sở sâu xa nhất, những cơ sở kinh tế của đời sống của hàng chục và hàng chục triệu con người. Đó cũng là nhiệm vụ cao cả nhất vì chỉ sau khi đã thực hiện được nhiệm vụ ấy (trên những nét chủ yếu và cơ bản của nó) thì mới có thể nói rằng nước Nga không những đã trở thành một nước cộng hòa Xô - viết, mà còn là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa nữa”(12) .
2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của Đảng cầm quyền và Nhà nước trong thực hiện quyền lực của Nhân dân và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Trên cơ sở kế thừa những tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của Đảng cầm quyền cũng như nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, cùng với tư tưởng “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, Hồ Chí Minh đã coi tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Do đó, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước là phục vụ nhân dân vì "trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nguyên tắc tổ chức cao nhất của Đảng và Nhà nước là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực người dân trao là để bảo đảm thực thi quyền lợi của nhân dân, nhằm xây dựng Đảng liêm chính, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chính vì vậy, Người yêu cầu đối với chính quyền mới ngay sau 1 tháng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa: “bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Ủy ban nhân dân bây giờ”(13)và Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(14). Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp dân chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã xác lập những nguyên tắc căn bản đầu tiên cho việc thực hiện một chính quyền “mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”, biểu hiện cụ thể trong mối quan hệ giữa Đảng - Chính phủ với nhân dân, giữa người dân - chủ thể quyền lực với đội ngũ cán bộ, đảng viên - đối tượng được người dân ủy thác quyền lực để mưu cầu lợi ích cho quốc dân đồng bào. Kế thừa tư tưởng tiến bộ của Người, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục đề cao quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm của Nhà nước là tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Trong đó, đề cao chủ quyền Nhân dân của Đảng và Nhà nước ta; khẳng định bản chất của “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Quyền lực tối cao của Nhân dân được thể hiện trước hết: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này” và đối với tổ chức quyền lực nhà nước, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đảm bảo: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước là lãnh đạo, tổ chức, quản lý sao cho Nhân dân thực sự thể hiện quyền làm chủ của mình. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Đảng và Nhà nước phải chú ý đến việc kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Theo Người: “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội… không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng. Nhưng không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa”(15). Như vậy, đối với Người, nhận diện đúng những biểu hiện tha hóa quyền lực và nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó là một bước quan trọng để tìm ra những phương cách hữu hiệu trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tha hóa quyền lực. Những căn dặn, nhắc nhở của Người sau này đã được Đảng ta quán triệt trong toàn hệ thống chính trị thông qua Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Nghị quyết đã xác định, nhận diện nhiều biểu hiện suy thoái, tha hóa quyền lực, phẩm chất, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trong cuộc đấu tranh để kiểm soát quyền lực, để quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, đòi hỏi phải có dũng khí và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân và của bản thân cán bộ, đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị.
* Tài liệu tham khảo
(1), (2) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.614, 615.
(3), (4) C.Mác và Ph. Ănghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.17, tr.453, 449.
(5), (6) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t. 33, tr.33, 109.
(7) V.I. Lênin: Toàn tập, sđd, t. 43, tr. 327.
(8), (9), (10), (11), (12) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 36, tr.252, 208, 209, 209, 210.
(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t 4, tr. 22, 64- 65.
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t 5, tr. 301- 302.
ThS Nguyễn Vương Long - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng