Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Dân chủ cơ quan - Những vấn đề ảnh hưởng đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

03:37 12/04/2023

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời gian qua được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, diễn ra trên nhiều mặt trận, từ chính trị, văn hóa đến kinh tế, xã hội, đối ngoại, trong đó phải kể đến vấn đề thực hành dân chủ ở cơ sở hiện nay.

CN. Dương Phước Tường

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Hiện nay, dân chủ cơ sở thực hiện ở 3 hình thức: Dân chủ ở xã, phường, thị trấn (theo Pháp lệnh số 34/PL của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI); Dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định số: 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ); Dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (theo Nghị định số: 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ) và một số quy định khác có liên quan.

Để tăng cường thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, bên cạnh việc nhận diện chính xác những nhóm đối tượng đang ra sức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, chúng ta cần phải phân tích, nhận diện một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn những yếu tố, những hình thức, hành vi ảnh hưởng, tác động đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Đối với chúng ta, vấn đề thực hiện dân chủ trong Đảng, trong cơ quan, trong Nhân dân vẫn còn nhiều bất cập; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, vẫn còn đó trong thực tế dân chủ hình thức, dân chủ một chiều, dân chủ quá trớn.

- Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương lạm quyền, áp đặt dân chủ, không phát huy quyền dân chủ thực sự hoặc không công bằng, bè phái, “lợi ích nhóm” trong kinh tế dẫn tới “lợi ích nhóm” về chính trị,…trong quá trình điều hành, lãnh đạo của mình sẽ làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên trước thì im lặng, không đấu tranh, không phấn đấu, không cống hiến, sau thì ngày càng có thái độ chống đối, đôi khi dẫn đến cực đoan, nói xấu, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ.

- Vấn đề nhũng nhiễu của cán bộ, lãnh đạo vẫn tồn tại làm cho người dân quy chụp toàn hệ thống chính trị, xem Nhà nước này, chính quyền này là không liêm chính; niềm tin và mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân không được thắt chặt hơn; Vấn đề “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”,…còn diễn ra cũng làm mất đi lòng tin, sức cống hiến, rèn luyện, phấn đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Như chúng ta đã biết, chính sách, pháp luật của Nhà nước xây dựng căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng; đường lối, chủ trương của Đảng căn cứ vào Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng; Một khi cán bộ, đảng viên và Nhân dân không tin tưởng vào sự điều hành, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tại địa phương, đơn vị thì khi đó đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, đơn vị sẽ không được thực thi một cách hiệu quả, vấn đề này sẽ tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nghị quyết 35-NQ/TW nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân;… của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Nhằm khắc phục những ảnh hưởng nêu trên về dân chủ trong cơ quan để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, để đấu tranh với các thế lực thù địch, bọn phản động, trước hết ta phải đấu tranh với chính nội bộ của chúng ta; xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phải làm thật tốt công tác này để hạn chế tối đa những hạn chế, khuyết điểm cho bọn chúng khai thác và tự nâng cao sức chiến đấu cho từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là người tiên phong, gương mẫu trong công tác thực thi nhiệm vụ theo đúng đường lối, quan điểm, nguyên tắc của Đảng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy đúng bản chất của nó.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thật sự có trình độ, năng lực cao, thật sự mẫu mực, dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, không bè phái, “lợi ích nhóm”, không làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên cấp dưới và Nhân dân góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên.

Ba là, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân góp phần đảm bảo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả nhất.

Bốn là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định số: 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ).

Năm là, xây dựng môi trường văn hóa nơi công sở. Hoàn thiện hệ thống quy chế dân chủ tại cơ sở, cơ quan, đơn vị.

Sáu là, nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ý thức thực hiện quyền dân chủ của mình theo các quy định, quy chế hiện hành.

Bảy là, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát một cách thực chất, hiệu quả, khắc phục tình trạng hình thức, nể nang. Nhất là phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của công đoàn cơ sở.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Sự khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng mà còn thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh, khắc phục những tồn tại, hạn chế  trong  việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII)./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, tháng 2/2021: Sổ tay tuyên truyền Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lưu hành nội bộ.

2. Bộ Chính trị: Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

3. GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 07-04-2021, Tạp chí Cộng sản, Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đường dẫn: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/- /asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tang-cuong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang

các tin khác