Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Không thể xuyên tạc chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta

02:54 18/08/2021

Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (nhiệm kỳ 2021-2026), ngày 16/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết được xem như một Cương lĩnh của dân tộc Việt Nam trong tình hình mới, là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện tính khoa học, chặt chẽ và sự luận giải thuyết phục về chủ nghĩa xã hội và con đương đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

ThS. Lê Hữu Lợi

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Sau khi bài viết của Tổng Bí Thư được đăng tải, ngày 23 tháng 05 năm 2021, trên trang “Tiếng Dân News” đăng bài viết xuyên tạc “Về bài viết hoang tưởng và đẫm lệ của Tổng Bí Thư” với hàng loạt những luận điệu xảo trá, ngụy biện, xáo rỗng, thiếu căn cứ, giẫm đạp lên mọi thành quả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã gầy dựng hơn 90 năm qua. Chúng xuyên tạc đây là một bài viết thể hiện sự “đẫm lệ và hoang tưởng”, quy kết hai vấn đề cơ bản: “Nếu cứ dấn thân theo thế giới hư ảo, nghĩa là tiến lên dưới ngọn cờ phướn CNXH…, cả dân tộc Việt Nam lẫn ĐCSVN sẽ rơi vào một cuộc đời-hố đen bất định và hậu quả của nó thật không lường; Nói “đẫm lệ” là vì… như đang nghe những lời ai điếu tiễn đưa chủ nghĩa xã hội (CNXH) về thế giới bên kia”. Luận điệu này mục đích chính là xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ai có lương tri, đọc kỹ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều sẽ nhận thấy bài viết thể hiện một cách khoa học, toàn diện, logic, chặt chẽ về những thành tựu cả lý luận và thực tiễn trong quá trình nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết. Đó là sự thật phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Từ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, toàn thể nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” đem lại nền độc lập cho dân tộc, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc – cũng chính là mục tiêu cao quý của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, hợp quy luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn luôn là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

Với việc xác định đúng đắn mục tiêu đó, chúng ta bắt đầu nhận thức về thời kỳ quá độ trên cơ sở: xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại, cho nên nhất thiết phải trải qua một thời kỳ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Quá trình này được xác định là một sự nghiệp lâu dài, khó khăn, phức tạp, chúng ta không mơ hồ, ảo tưởng, mà nhận thức rõ sự khó khăn, phức tạp của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội để có những phương pháp, cách làm, bước đi thích hợp hơn.

Về lý luận, từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta luôn khẳng định nhất quán: mục tiêu chủ nghĩa xã hội là lý tưởng của Đảng và Nhân dân ta, Đảng và Nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 01/2011), nhìn lại 20 năm thực hiện Cương lĩnh, chúng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021 - 2026). Đánh giá tổng quát qua 35 năm đổi mới đã tiếp tục khẳng định: lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng rõ hơn và từng bước được hiện thực hoá, phát triển mạnh mẽ và toàn diện so với những năm trước đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về thực tiễn, trải qua 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ, nổi bật và khá toàn diện. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng ta được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Và có thể nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại…, chứng minh luận điệu xuyên tạc “sự đẫm lệ…” là không có căn cứ, chủ nghĩa xã hội đang tồn tại trên mảnh đất hình chữ S dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một lần nữa có thể khẳng định bài viết của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phản ánh quy luật khách quan và thực tiễn quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đó là sự thật không thể xuyên tạc. Nội dung lý luận và thực tiễn của bài viết giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam thấm nhuần trong nhận thức, tăng cường niềm tin, lý tưởng, luôn tỉnh táo, không dao động trước các luận điệu xuyên tạc về mục tiêu cao cả của đất nước ta, đồng thời tiếp tục ra sức  vì một nước Việt Nam phát triển, phồn vinh và hạnh phúc./.

các tin khác