09:42 05/04/2023
Dân tộc ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng do hoàn cảnh lịch sử buộc phải nhiều lần cầm gươm, cầm súng! Trong 2 thiên niên kỷ vừa qua đã phải kinh qua hơn một ngàn năm đánh giặc giữ nước; nhiều đế quốc hung bạo bậc nhất đã thảm bại. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc ngày 30/4/1975, đế quốc Mỹ - kẻ cầm cờ của chủ nghĩa đế quốc đã nếm mùi nhục nhã!
Trong cuốn “Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ”, Giáo sư John Carlos Rowe và GS. Rick Berg (Đại học Iowa) đã chứng minh: “… Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố… Mỹ khẳng định là đã được mời đến, nhưng như tờ London Economist đã nhận định chính xác, “một kẻ xâm lăng là một kẻ xâm lăng trừ phi được mời bởi một chính phủ hợp pháp”. Mỹ chưa bao giờ coi những chính phủ tay sai mình dựng lên là có quyền hợp pháp như vậy, và thật ra Mỹ thường thay đổi những chính phủ này khi họ không có đủ thích thú… Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương”.
Tuy vậy, trong những dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị lại tung ra những luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc sự kiện trọng đại đó. Sai lầm lớn nhất của bọn họ là phủ nhận bản chất xâm lược của Đế quốc Mỹ và cho đó là “cuộc nội chiến do Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam”… Giáo sư Trần Chung Ngọc - một người làm việc cho chế độ cũ từ thời Pháp thuộc đã viết rất khách quan: “Tôi tự cưỡng bách di tản khỏi Sài Gòn vào mấy ngày cuối tháng 4/1975… sắp đến ngày 30/4, ở hải ngoại chúng ta lại được rót vào tai những cụm từ như “Ngày quốc hận” hay “Ngày mất nước”, và “Tháng Tư đen”. “Chúng ta hãy thử phân tích những cụm từ như “Ngày quốc hận” hay “Ngày mất nước” xem chúng có khớp không. Trước hết, điều rõ ràng là, “quốc hận” chỉ là mối hận của một thiểu số tiếp tục nuôi dưỡng hoặc đi buôn thù hận, “mất nước” chỉ là sự mất mát của một thiểu số tiếc nuối một chế độ không đáng tiếc nuối, và “Tháng Tư đen” chỉ đen đối với một thiểu số mà đa số thuộc thế lực đen…”. Và ông cho đó “toàn là những lời mê sảng ngu đần của những kẻ thiếu oxy trong óc. Họ có quyền ngu, nhưng nếu đã là ngu thì vĩnh viễn vẫn là ngu. Họ có quyền nói láo, nhưng điều nói láo vĩnh viễn vẫn chỉ là điều nói láo”…
Riêng các phương tiện truyền thông thân phương Tây cũng bình luận sự kiện đó khá khách quan: Ngay trong ngày 30/4/1975, hãng UPI nhanh chóng đưa tin: “… Ba lá cờ trắng được kéo lên Sở Chỉ huy cảnh sát, một lúc sau khi ông Minh nói trên đài. Nhiều cờ trắng cũng đã treo lên ở ngoại ô Bắc Sài Gòn. Dân chúng đi lại bình thường trên các tuyến phố. Cờ của Việt Cộng đã xuất hiện trên các khối nhà. Lính Việt Cộng đi trên các tuyến phố chính. Nhân dân địa phương tươi cười vây quanh họ, bắt tay họ”. Ngày 01/5/1975, tờ Thời báo Los Angeles viết: “Người Mỹ ra đi, người Nam Việt Nam (ngụy quân, ngụy quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã trả lại cho người Việt”… Tom Polgar, nhân viên cao cấp tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, một trong những người Mỹ cuối cùng di tản, đã nhận xét: “Đó là một cuộc chiến tranh lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua... Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử”. Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara cũng thừa nhận đó là cuộc chiến tranh xâm lược do Hoa Kỳ gây ra bởi những sai lầm về chính trị của nhiều đời Tổng thống. Tạp chí “Châu Âu” (Pháp), tháng 10/1975 viết: “Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được với một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Phải hàng năm, hàng chục năm nữa mới có thể lường hết được tầm quan trọng của thắng lợi này”…
Nhưng cũng do mang nặng định kiến, các phần tử phản động còn xuyên tạc rằng: 30/4 là hệ quả của “cuộc chiến huynh đệ tương tàn”, “là một bước lùi của lịch sử”; “sau 30/4 đất nước rơi vào thảm họa”... Họ còn kêu gào “lật đổ”, “giành lại…”; họ đòi “chuyển lửa về…”…
Ai cũng biết, cuộc chiến chống Mỹ lâu dài và ác liệt, hậu quả để lại rất nặng nề… Vừa bước ra khỏi cuộc chiến đó, dân tộc ta lại gặp phải những cuộc chiến tranh xâm lược mới. Nhân dân ta phải “gồng mình” vừa thực hiện nhiệm vụ dân tộc, vừa phải làm tròn nghĩa vụ quốc tế; phải đương đầu với sự “trả đũa” bằng chính sách bao vây, cấm vận làm cho “Việt Nam chảy máu một lần nữa” như Kít-xinh-giơ đã nói. Cùng lúc đó, sự giúp đỡ của khối xã hội chủ nghĩa đã sụt giảm rất nhanh. Càng nan giải hơn nữa là chúng ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trong vận hành cơ chế quản lý. Khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề, tưởng chừng không thể vượt qua!
Nhận thức đúng tình hình, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta đã bắt tay vào sự nghiệp đổi mới. Đến nay, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.110 USD. Từ nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã được UNDP xếp vào “Nhóm Phát triển con người cao”. Mới đây, Báo cáo Hạnh phúc thế giới (The World Happiness Report) năm 2023 xác định chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65/150 quốc gia… Năm 2017, ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống đã thốt lên rằng “Việt Nam đã trở thành một điều kỳ diệu của thế giới”. Tháng 10/2022 khi sang thăm nước ta, Tổng Thư ký LHQ António Guterres khẳng định: Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong cuộc chiến chống bất bình đẳng xã hội, đạt được những thành tựu to lớn trong bảo đảm quyền con người. Việt Nam luôn luôn là một tiếng nói của hòa bình, của công lý, của lẽ phải, là một tiếng nói đấu tranh vì sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế…
Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như bây giờ! Phát huy tinh thần Chiến thắng 30/4, chúng ta càng quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa chỉ dạy của Bác Hồ “… Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”./.
Trung Thành