Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

“Dân ta phải biết Sử ta”

04:00 23/05/2022

Trong tiến trình phát triển đất nước, cùng với đổi mới hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa thì giáo dục cũng cần phải đổi mới để hội nhập và phát triển đáp ứng yêu cầu đặt ra của thời đại mới.

ThS. Nguyễn Xuân Mỹ

Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Những năm qua, việc đổi mới giáo dục bên cạnh những thành tựu góp phần đào tạo những nhân tài làm rạng danh cho đất nước còn bộc lộ nhiều tồn tại. Gần đây nhất là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin về chương trình năm học 2022-2023 trở đi môn lịch sử trở thành môn học tự chọn trong bậc Trung học phổ thông. Phải chăng điều đó có nghĩa là trong bảy môn học bắt buộc bậc Trung học phổ thông không có môn lịch sử và học sinh sẽ không cần phải học lịch sử nếu các em không muốn!

Căn cứ vào kết quả thi năm 2021 điểm môn Lịch sử của thí sinh được đánh giá thấp nhất so với các môn học khác và so với các năm học 2019, 2020. Học sinh thi môn lịch sử chỉ đạt từ 0 đến 3 điểm. Nhiều trường đại học có trên 98% bài thi môn Lịch sử dưới điểm trung bình, thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm trung bình môn này. Số lượng bài đạt điểm trên trung bình chỉ hơn 25%, còn lại gần 75% là điểm dưới trung bình. Trong đó, số lượng học sinh bị điểm 0 tương đối nhiều. Số học sinh đạt 7, 8 điểm chiếm chưa đến 5%. Trong số 10.000 bài thi môn Lịch sử thì may ra mới có một bài đạt điểm 9. Đó là những con số biết nói. Một thực tế đáng báo động.

Năm 1942, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết bài diễn ca “Lịch sử nước ta” gồm 210 câu về lịch sử hào hùng của dân tộc với hai câu thơ mở đầu: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Bài diễn ca của Người không chỉ khái quát những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc mà chính là một cách dạy lịch sử phù hợp trong điều kiện phần lớn người Việt Nam lúc bấy giờ đều không biết đọc, biết viết. Chính từ những vần thơ ấy, chính hiểu rõ được lịch sử 4000 năm của dân tộc mà lớp lớp người Việt Nam đã đứng lên đi theo tiếng gọi của thiêng liêng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” làm nên những thắng lợi mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Lịch sử Việt Nam khác với lịch sử các nước khác. Lịch sử Việt Nam được dựng nên bởi 4000 năm chống giặc giữ nước để người Việt Nam giữ lấy quốc hồn quốc túy của dân tộc. Đất nước Việt Nam có được “cơ đồ và tiềm lực” hôm nay đã phải trả một cái giá vô cùng lớn, bằng máu và xương của biết bao nhiêu lớp người ngã xuống, bằng sự cô đơn của những người mẹ, người vợ khi mất đi người con, người chồng thân yêu, bằng nổi đau của những người còn sống khi gánh chịu hậu quả của chất độc hóa học mang theo suốt cuộc đời của họ…Trên khắp đất nước Việt Nam, ở địa phương nào cũng có các nghĩa trang liệt sĩ, đài ghi công tưởng niệm các anh hùng cách mạng. Lịch sử chính là cội nguồn của chúng ta, là nhân chứng kể cho thế hệ trẻ sau này biết được quá khứ hào hùng của dân tộc, để thế hệ trẻ nhận thức đúng, từ đó ra sức cống hiến và bảo vệ thành quả mà cha ông đã tạo dựng.

Có một thực tế hiện nay đã, đang và sẽ trở thành một mối lo ngại cho đất nước là một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ của chúng ta ngày càng thờ ơ, vô cảm với lịch sử dân tộc. Lý do là vì các em không có niềm say mê với môn học lịch sử. Đối với các em, việc học lịch sử không cần thiết cho chuyên môn và định hướng nghề nghiệp sau này. Khi được hỏi: “Quang Trung và Nguyễn Huệ là như thế nào?”, những đứa trẻ trả lời rất “ngây thơ” là: “Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em (???)”. Hoặc các em cho rằng Hưng Đạo Vương và Trần Quốc Tuấn là hai người khác biệt (????). Bên cạnh đó, cùng với việc du nhập tràn lan các ấn phẩm văn hóa tuyên truyền về lịch sử nước ngoài, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay am hiểu về lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…sâu sắc hơn là am hiểu về lịch sử nước nhà, đưa đến nhận thức lệch lạc về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Còn nhớ trước khi Liên Xô sụp đổ, hàng loạt các tổ chức xét lại công khai xuyên tạc lịch sử, cùng với việc xem nhẹ giáo dục lịch sử trong các trường học cho thế hệ trẻ dẫn đến hậu quả người dân Liên Xô phỉ báng Lê Nin, Stalin và bôi nhọ quân đội Liên Xô, xem cuộc chiến chống phát xít vĩ đại của Hồng Quân Liên Xô thành cuộc chiến tranh xâm lược, đó là một trong những nguyên nhân đưa đến việc Liên Xô sụp đổ. Khi người trẻ xem nhẹ và không quan tâm đến lịch sử, người trẻ sẽ chẳng còn biết nguồn cội của mình. Không còn biết và không cần phải biết. Đó trở thành một hiểm họa đối với đất nước.

Các thế lực thù địch không ngừng công kích chống phá hòng làm sụp đổ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân đang ra sức xây dựng. Cùng với việc cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc, chống phá đó thì việc bảo vệ những giá trị vĩnh hằng của dân tộc là điều rất cần thiết, trong đó cần phải giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về lịch sử của dân tộc, đừng để lịch sử trở thành môn học xa lạ với thế hệ trẻ của chúng ta./.

 

các tin khác