Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Phê phán quan điểm đối lập, tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

02:20 10/02/2022

Trong những năm gần đây, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, các thế lực thù địch thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước ta với những hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm. Một trong những biểu hiện chủ yếu là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ nhận vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi thay vào đó bằng một hệ tư tưởng tư sản, xóa bỏ địa vị thống trị của hệ tư tưởng XHCN trong Đảng và xã hội ta. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh nên các thế lực thù địch cố tình bôi nhọ với ý đồ xóa bỏ ảnh hưởng đã bám rễ sâu trong xã hội, đã kích vào sự lãnh đạo của Đảng, đây cũng chính là mục tiêu quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chúng về mặt tư tưởng từ trước đến nay. Với ý nghĩa đó, việc đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái nêu trên là một việc làm cần thiết để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh tình hình “diễn biến hòa bình” diễn ra ngày càng phức tạp.

ThS. Lê Hữu Lợi

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Những quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch đã tung ra, nhìn chung có sự thống nhất căn bản về bản chất và mục đích, nhưng hình thức thể hiện khá đa dạng (1). Có quan điểm công khai trắng trợn, thể hiện rõ sự thù địch, hằn học với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; lại có quan điểm thừa nhận giá trị lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin, không thừa nhận giá trị thời sự của chủ nghĩa Mác – Lênin; ở Việt Nam chỉ cần có tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác – Lênin, bởi lẽ, tư tưởng Hồ Chí Minh đã bao hàm trong đó chủ nghĩa Mác – Lênin, thậm chí còn cao hơn chủ nghĩa Mác – Lênin. Tất cả những luận điệu sai trái trên, thể hiện sự tách rời mối quan hệ biện chứng giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó đề cao một cách giả tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, biểu hiện tính chiết trung, ngụy biện, khiến cho nhiều người dễ ngộ nhận tin theo và điều này cần có sự đấu tranh, phê phán mạnh mẽ.

Thực tế đã và đang khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời những năm 40 của thế kỷ XIX là phù hợp với thực tế khách quan của lịch sử, thời đại, cho đến nay vẫn thể hiện rõ bản chất khoa học, cách mạng, thể hiện giá trị và sức sống mãnh liệt. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học do C. Mác, Ăngghen sáng lập dựa trên cơ sở những điều kiện kinh tế - xã hội, những tiền đề khoa học tự nhiên và tiền đề lý luận cùng với quá trình bổ sung, phát triển và hoàn thiện của V.I.Lênin. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, trong những công trình nghiên cứu của mình cũng đã khẳng định giá trị to lớn của học thuyết Mác đối với thời đại, thậm chí, cả những học giả tư sản vẫn phải thừa nhận rằng, phải dựa vào Mác để phân tích đúng chủ nghĩa tư bản đương đại và sự ra đời tất yếu của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin trong quá trình cách mạng Việt Nam, điều này được thể hiện trong các văn kiện Đại hội của Đảng qua các thời kỳ.

Mặt khác, từ quá trình Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước cách đây gần 100 năm đến khi bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin và lựa chọn con đường cứu nước đi theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu một cách sáng tạo học thuyết Mác – Lênin vào thực tế cách mạng Việt Nam, trải qua hai cuộc kháng chiến chống lại hai cường quốc lớn nhất thế giới lúc bấy giờ là Pháp và Mỹ, và chúng ta đã dành thắng lợi toàn vẹn, điều này chứng minh một điều rằng, sự lựa chọn ấy của chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, không có sự tiếp thu một cách mù quáng như các thế lực thù địch đã bịa ra. Hoàn toàn không có sự “đối lập” gì ở đây như những ai tự cho mình là “môn đệ” của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân danh tư tưởng Hồ Chí Minh hay chủ nghĩa Mác - Lênin  để “chụp mũ” một cách tinh vi, xảo quyệt (2).Thực chất, chúng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh một cách đúng đắn, khách quan, phù hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam trong mọi thời kỳ cách mạng và tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa sáng tạo tư tưởng vĩ đại ấy của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I.Lênin.

Để khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, trong tác phẩm Đường Cách mệnh 1927, Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh...Đảng có vững mạnh mới thành công. Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt...Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin” (3). Theo Người, chủ nghĩa Mác – Lênin chính là cẩm nang vô giá, là kim chỉ nam đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi vẻ vang. Người không bao giờ tách mình ra khỏi C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I.Lênin để đưa ra các quan điểm riêng và như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển đó “nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam”. Điều này cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh không “giáo điều”, “mù quáng” như các thế lực thù địch đã bôi nhọ. Ngày 15/07/1969, trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên L’Humanité (Pháp), Sác lơ Phuốcniô, Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng... chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác – Lênin” (4). Nếu không có chủ nghĩa Mác – Lênin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới thực sự được xác lập và phát triển.

Xét góc độ lịch sử, chính chủ nghĩa Mác – Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp nhất quyết định sự ra đời tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, có sự thống nhất về mặt cơ sở phương pháp luận với chủ nghĩa chủ nghĩa Mác – Lênin. Điều này, chính thức bác bỏ những quan điểm “điên rồ” cho rằng giữa hai học thuyết, tư tưởng này có sự đối lập và tách rời nhau. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã cung cấp cho tư tưởng Hồ Chí Minh một thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử đã có trong tư tưởng Hồ Chí Minh... Ngoài ra, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã tiếp thu những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những tinh hoa văn hóa của nhân loại... Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn còn nguyên giá trị ở Việt Nam khi được chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào cách mạng Việt Nam, trở thành nền tảng lý luận xuyên suốt của Đảng ta, thấm sâu vào đời sống tinh thần của dân tộc, cội nguồn hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện mối quan hệ: “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vì thế, không thể tách rời mối quan hệ vốn có giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin, không bên nào cao hơn bên nào, không thể thay thế nhau được. Và những luận điệu xuyên tạc trên đều là sai lầm, mục đích chính cũng là phủ nhận, tách rời nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ nhận cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm suy yếu và đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng qua các kỳ đại hội cũng đã chỉ ra rằng: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta(5). Minh chứng cho thấy, việc xác lập nền tảng tư tưởng của Đảng của Đảng ta đều dựa trên những căn cứ xác thực, dựa trên những cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn đất nước, với lợi ích dân tộc, tình hình thế giới, đặc biệt nhận thức rõ sức mạnh trường tồn về giá trị lý luận lẫn thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với nước ta(6). Chính vì lẽ đó, những gì chúng ta đang lựa chọn phù hợp với xu thế của thời đại, không có chỗ cho sự vu khống thiếu căn cứ.

Xem xét dưới góc độ phương pháp luận, việc tách rời chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh là sự nhận thức phiến diện, phi lôgic và lịch sử, không khoa học. Bởi, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin ở bản chất khoa học và cách mạng, ở lý tưởng và mục tiêu nhân văn vì con người, vì giải phóng giai cấp, dân tộc và nhân loại. Chủ nghĩa Mác – Lênin là khoa học về những quy luật phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống mọi sự áp bức, bất công; về xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời trên mảnh đất hiện thực là thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân - lực lượng xã hội đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất của lịch sử phát triển nền sản xuất vật chất của nhân loại. Đồng thời, là sự tổng hòa từ nhiều nguồn tri thức của loài người, thu nhận tinh túy từ các tư tưởng tiến bộ và không ngừng được bổ sung, hoàn bị bằng những kinh nghiệm từ thực tiễn lịch sử được khái quát lên tầm lý luận (7).

Nhân tiện, qua đây, xin hỏi với những ai đang vu cáo nói rằng giữa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có “sự đối lập, tách rời”, như vậy, đối lập, tách rời ở đâu? Đối lập ở nội dung gì? Phải chăng do quá run sợ trước sức sống, tính chiến đấu của chủ nghĩa Mác – Lênin và quá trình hiểu biết về tư tưởng Hồ Chí Minh mà nêu lên luận điểm sai trái trên? Sự thuyết phục của mỗi luận điểm nào đó, trước hết phải có luận cứ thực tiễn chứ không thể chỉ là thái độ xảo trá, hằn học được? Thực chất đó là sai lầm, hồ đồ, bất chấp sự thật, nhằm phủ nhận, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng ta, gây ra sự hoang mang dư luận xã hội, làm lung lay niềm tin của nhân ta đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa. Và rồi, những luận điệu tiếp theo đã bị dập tắt ngay lập tức qua quá trình kiên quyết đấu tranh quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân ta trong công tác phòng chống “diễn biến hòa bình”, qua những thành quả thần kỳ mà chúng ta đã gặt hái được qua 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với những thành quả đã đạt được, Đảng ta luôn khẳng định rằng: “trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng” (8). Những quan điểm, biểu hiện tư tưởng cố tình tách rời, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin bằng cách “ra vẻ” đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng ta. Như vậy, xét về bản chất, lịch sử và lôgic, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin, chứ không hề có sự khác biệt, đối trọng nhau như các thế lực thù địch vẫn rêu rao. Do vậy, trước tình hình hiện nay, chúng ta cần tiếp tục cảnh giác và đấu tranh chống các quan điểm sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình mới với nhiều diễn biến phức tạp khó lường; tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho hệ tư tưởng của Đảng luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cho cán bộ, đảng viên nắm chắc lập trường, quan điểm, phương pháp để xử trí đúng với mọi việc, với mọi người và với bản thân mỗi người; biết vận dụng sáng tạo vào công tác; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Cần tạo ra sự chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII); khắc phục các biểu hiện hình thức, giản đơn và thái độ thờ ơ, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên.

Tóm lại, với những phân tích trên, chúng ta thấy rõ không có chuyện “đối lập, tách rời giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” như những lời vu khống, tráo trở của những kẻ cơ hội, phản động, thù địch cố tình bịa đặt. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là ngọn cờ lý luận soi đường, dẫn lối cho công cuộc đổi mới đất nước ta tiếp tục vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Tài liệu tham khảo

(1), (3), (4), (8) Học viện chính trị (2010), Giữ vững nền tảng tư tưởng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.151, 152, 153, 158, 159.

(2) Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019), Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trsi, thù địch, Nxb lý luận chính trị, Hà Nội, tr.96.

 (5) Ban tuyên giáo Trung ương (2004), Phê phán bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bải vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam (Tài liệu tham khảo nội bộ), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.104.

(6) Hội đồng lý luận Trung ương (2011), Đảng Cộng sản Việt Nam trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử (lưu hành nội bộ), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.52-55.

(7) Lê Quý Trịnh, Phê phán luận điệu đòi tách rời chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh,

http://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/phe-phan-luan-dieu-doi-tach-roi-chu-nghia-mac--lenin-voi-tu-tuong-ho-chi-minh-537933.html, truy cập ngày 09/01/2021.

các tin khác