08:06 24/05/2021
Khoản 1 và 2 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”. Với vị trí, vai trò trên trong bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phải thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
CN. Trần Vũ Minh -
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Một là, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phải phối hợp cùng với cơ quan nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp.
Hai là, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Ba là, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri đối với ứng cử viên.
Bốn là, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử.
Năm là, tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử của công dân theo luật định
Sáu là, Cùng với Hội đồng nhân dân hoặc tự mình tổ chức các đoàn giám sát thực hiện các công việc bầu cử theo luật định.
Với các nhiệm vụ trên Mặt trận Tổ quốc tiến hành giám sát việc bầu cử ; việc thực hiện quyền giám sát bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo các nội dung sau:
Giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử phải bảo đảm đúng pháp luật; như: về cơ cấu, thành phần, số lượng thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử, bảo đảm có đại diện các tổ chức chính trị - xã hội tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử.
Giám sát việc giới thiệu người ra ứng cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân giám sát thủ tục, hồ sơ ứng cử; giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử.
Giám sát việc lập danh sách cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử; việc xóa tên người trong danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.
Giám sát việc vận động bầu cử, việc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử vận động bầu cử. Cụ thể là: giám sát thành phần, số lượng cử tri, giám sát cách bố trí, sắp xếp nơi diễn ra hội nghị tiếp xúc cử tri, giám sát việc người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động.
Giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử; như: giám sát việc lập thẻ cử tri có đúng mẫu quy định không, việc bố trí khu vực bỏ phiếu ra sao. Đặc biệt là giám sát các công việc trong ngày bầu cử như; việc bỏ phiếu của cử tri có đúng pháp luật không (không bầu thay, bầu hộ,...); việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu, việc ghi biên bản kiểm phiếu và kết quả bầu cử v.v...
Về hình thức giám sát; Mặt trận Tổ quốc cấp xã thông qua các hình thức giám sát trực tiếp như: qua việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri nơi cư trú, hội nghị gặp gỡ tiếp xúc giữa ứng cử viên với cử tri để vận động bầu cử; hay qua các hình thức gián tiếp như: tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại của công dân, phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử, và các hình thức phù hợp khác.
Như vậy có thể nói rằng: giám sát bầu cử là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc góp phần to lớn vào thành công của công tác bầu cử. Do đó để thực hiện tốt việc giám sát bầu cử, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, phát huy thế mạnh của tai, mắt nhân dân, của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và phối hợp với các tổ chức thành viên của mặt trận trong việc xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh theo chức năng, quyền hạn của mình.
Muốn làm tốt vai trò giám sát, Mặt trận Tổ quốc cấp xã cần quan tâm thực hiện tốt một số công việc chủ yếu sau:
Một là, Mặt trận Tổ quốc phải bám sát nhiệm vụ của mình được pháp luật quy định và nhất là quy chế phối hợp giữa với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phải chủ động, tích cực tham gia ý kiến vào chỉ đạo bầu cử. Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đoàn thể tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, để các nội dung thực hiện phải đúng luật, tránh sai sót dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Hai là, trong quá trình giám sát bầu cử, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với chủ động, trách nhiệm của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ban bầu cử, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã.
Ba là, chuẩn bị chu đáo, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật các bước trong quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; bảo đảm về tiêu chuẩn đồng thời đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân. Phối hợp với, Ban bầu cử cấp xã, các đoàn thể làm tốt việc tuyên truyền, giải quyết những vướng mắc, thắc mắc của người ứng cử, của cử tri; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định
Bốn là, cần phát huy vai trò của các đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hôi Cựu chiến binh, thủ trưởng cơ quan đơn vị trên địa bàn trong tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nơi làm việc và trong hội nghị cử tri nơi cư trú để giới thiệu, nhận xét, tín nhiệm người ứng cử trước khi hiệp thương lần thứ ba giới thiệu danh sách người ứng cử. Làm tốt công tác tuyên truyền trong tổ chức các hội nghị để người ứng cử đại biểu vận động tranh cử theo đúng quy định của pháp luật.
Năm là, xây dựng kế hoạch tổng kết, báo cáo tổng kết công tác bầu cử. Theo dõi, tổng hợp số liệu trong quá trình thực hiện các bước hiệp thương và xây dựng báo cáo tổng kết công tác bầu cử. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời. Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành bảo đảm phục vụ tốt công tác bầu cử. Từ nhiệm vụ trên để Mặt trận Tổ quốc hoàn thành vai trò giám sát của mình cần phải đảm bảo các điều kiện như:
Đảng phải luôn chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong công tác bầu cử.
Trình độ dân trí, trình độ dân chủ, phải ngày được nâng cao, tạo môi trường thuận lợi để phát huy cơ chế giám sát của Mặt trận góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước trong các tầng lớp nhân dân.
Tạo điều kiện về phương tiện, kinh phí và các chế độ chính sách cho cán bộ Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở cũng cần được để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình.
Hệ thống pháp luật về bầu cử, các quy định pháp luật liên quan đến cơ chế kiểm tra, giám sát luôn được quan tâm, củng cố. Các văn bản luật hiện hành, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thanh tra, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tiếp cận thông tin,… bước đầu tạo ra những bảo đảm pháp lý cần thiết để xây dựng và kiến tạo mô hình tổ chức và cơ chế kiểm tra, giám sát.
Làm tốt công tác lựa chọn, bảo đảm thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử có tâm huyết, trách nhiệm, nắm vững luật pháp về bầu cử, thành thạo công việc, giữ vững nguyên tắc trong việc bỏ phiếu, việc kiểm phiếu.
Thành công của mỗi cuộc bầu cử có sự đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhất là cấp xã, qua đó cử tri và nhân dân lựa chọn được những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Cùng với thành công của Đại hội Đảng các cấp, việc tổ chức tốt cuộc bầu cử là dịp tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Kết quả cuộc bầu cử thể hiện sự đồng thuận, sự đoàn kết giữa các tầng lớp, các giai cấp và do vậy phát huy được sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân. Chính vì vậy, phát huy được tối đa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử là một việc làm có ý nghĩa góp phần to lớn vào sự thắng lợi của công tác bầu cử./.