Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở Trường Chính trị đáp ứng yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ cần thiết hiện nay

10:13 24/09/2021

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, cùng những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

ThS. Lê Hữu Lợi

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”[1]. Do đó, việc tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, thường xuyên, lâu dài; nhằm tăng cường hơn nữa sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận về chính trị và tinh thần trong nhân dân, nâng cao ý chí đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác này, thời gian qua, các trường chính trị đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của nhà trường, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đặt ra:

Một là, xuất phát từ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về công tác giáo dục lý luận chính trị gắn với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Công tác giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng, trong đó có nhiệm vụ của trường chính trị. Công tác giáo dục lý luận chính trị, từng bước góp phần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp cho học viên. Công tác này có quan hệ trực tiếp đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối cách mạng của Đảng, đến mục tiêu, lý tưởng, bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để khẳng định vai trò đó, Đảng ta đã đề ra nhiều Kết luận, Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị như: Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”; Chỉ thị số 23-CT/TW 9/12/2018 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra”[5]; gắn với Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới... Xuất phát từ quan điểm của Đảng, thực hiện theo Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trường Chính trị có vai trò nòng cốt, quan trọng trong công tác giáo dục lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên.

Hai là, xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa       

Thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ cao cả hàng đầu của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi cần phải có sự chung tay góp sức của toàn dân tộc, cần thiết phải “đi tắt đón đầu”, rút bớt khoảng cách lạc hậu so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, cần phải có những con người có đầy đủ năng lực, phẩm chất, vững vàng về lập trường, đủ sức gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Do đó, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị gắn với việc giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm, đường lối và chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở trường chính trị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói trên. Trong đó, chủ động đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng phát huy năng lực của học viên trong giải quyết những vấn đề đặt ra về lý luận và thực tiễn.

Ba là, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ 4.0

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư (gọi tắt là 4.0) không chỉ làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội mà còn có tác động mạnh mẽ đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở trường chính trị. Dưới ảnh hưởng của các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhiều phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại xuất hiện như hệ thống nghe nhìn, máy chiếu, bảng tương tác điện tử… có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng giờ giảng thêm sinh động. Ngoài ra, với lượng thông tin cực kỳ lớn, mạng xã hội phát triển, giúp mọi người ngày càng gần nhau hơn, điều này đem lại nhiều thuận lợi đáng kể, song, còn ẩn chứa nhiều nguy cơ sai lệch về thông tin, lợi dụng internet để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng... Trước thực trạng đó, đòi hỏi cần phải có nhận thức đúng đắn về sự tác động hai chiều của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đối với quá trình giáo dục để tránh những tác hại tiêu cực xảy ra.

Bốn là, đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của giảng viên trường chính trị. Theo quy định của Đảng, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị nói chung và gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là việc làm bắt buộc đi đôi với nhiệm vụ giảng dạy của mỗi giảng viên, được thực hiện trực tiếp trong từng bài giảng ở mỗi phần học. Đổi mới phương pháp theo hướng tuyên truyền, định hướng chính trị, tăng cường thảo luận, giúp học viên nắm vững kiến thức, góp phần bảo vệ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như việc bảo vệ thành quả cách mạng, quan điểm, đường lối của Đảng.

Năm là, xuất phát từ thực trạng nâng cao chất lượng giảng dạy gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở trường chính trị. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, trong đó có các trường chính trị. Trong thời gian qua, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ chính trị, Đảng ủy, Ban giám hiệu các trường chính trị đã tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, viên chức, học viên chấp hành nghiêm chỉnh, kiên quyết đấu tranh phòng chống những biểu hiện xuyên tạc, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, lồng ghép vào trong bài giảng, sinh hoạt chính trị, họp chi bộ, các buổi thảo luận... bước đầu đạt nhiều thành tựu, song, trong giai đoạn hiện nay cần nâng cao nhận thức và hành động thiết thực hơn nữa để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Sáu là, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn, hình thức ngày càng tinh vi để ra sức xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Điều này, gây trở ngại rất lớn đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta. Do đó, đây được xem là một thách thức lớn đối với toàn Đảng, toàn dân ta, đòi hỏi cần phải có những giải pháp cấp bách để đấu tranh, phòng chống góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có công tác tuyên truyền, giáo dục của trường chính trị.

Từ những vấn đề phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Song, trong thời gian sắp tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện, quán triệt sâu sắc những Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng và Nhà nước, của ngành về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị nói chung và ở trường chính trị nói riêng gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, tăng cường công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện, kiểm tra, giám sát định kỳ có kế hoạch, nâng cao về chất.

Thứ hai, đối với các trường chính trị, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị theo hướng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy tích cực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo lý luận chính trị phù hợp với đối tượng học viên, để khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, chưa bám sát thực tiễn, gắn với việc nâng cao tính hấp dẫn trong dạy và học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua “cổng thông tin điện tử” của các trường chính trị, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên nhiều phương diện lý luận lẫn thực tiễn.

Thứ ba, đối với giảng viên, cần phải xác định rõ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu gắn liền với công tác giáo dục lý luận chính trị

Mỗi giảng viên cần nắm rõ và hiểu rõ sâu sắc những giá trị cốt lõi, bền vững, bản chất khoa học và cách mạng cũng như giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thường xuyên học tập và nghiên cứu kỹ các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, đọc sách, báo, tạp chí cập nhật thông tin trên mạng internet. Cần phải có niềm tin tuyệt đối và kiên định với lý tưởng của Đảng, không để bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, cơ quan, đơn vị nơi công tác. Có sự thận trọng cao độ trong việc tham gia vào không gian mạng, thực hiện tốt những Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng [3, tr.25]... Ngoài ra, cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng tích cực, đa dạng về phương pháp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào trong từng bài giảng của giảng viên, đảm bảo tính định hướng chính trị để cũng cố niềm tin của học viên đối với nền tảng tư tưởng của đảng, hình thành tính đảng và khoa học cho học viên [3, tr.136-137].

Thứ tư, đối với học viên, cần nâng cao nhận thức học tập lý luận chính trị. nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình; khắc phục bệnh “lười học tập lý luận chính trị”, từ đó, chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu để đạt kết quả cao trong học tập và lĩnh vực mà mình công tác. Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong sử dụng mạng xã hội, thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm [4]...

Qua bài viết, có thể khẳng định rằng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có mối quan hệ chặt chẽ với công tác giáo dục lý luận chính trị tại trường chính trị. Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi các trường, giảng viên và học viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dạy và học lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, hàng đầu, có vị trí quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại trường chính trị. Từ đó tạo dựng niềm tin của cán bộ đảng viên, học viên, giảng viên trường chính trị đối với nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần quan trọng cho công tác xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” của Bộ Chính trị khóa XII.

2. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019), Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, Nxb. lý luận chính trị.

3. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Vụ các trường chính trị,  Bản tin thông tin công tác trường chính trị, Số 2/2020, tr. 25.

4. Xuân Ngọc, Trường chính trị Lê Duẫn, Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị - giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng hiện nay, https://tinhuyquangtri.vn/nang-cao-chat-luong-cong-tac-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-giai-phap-quan-trong-gop-phan-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-hien-nay, truy cập ngày 10/8/2020.

5. Đỗ Thị Phương, Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, ​http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nang-cao-chat-luong-cong-tac-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-cho-can-bo-dang-vien---470758.html, truy cập ngày 10/8/2020.

các tin khác