Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số vấn đề về đoàn kết lương - giáo trong đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

04:48 27/10/2017

     Xuất phát từ truyền thống đoàn kết trong lịch sử dân tộc Việt Nam, tiếp thu quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê Nin về vai trò quần chúng trong lịch sử, vấn đề đoàn kết đã được chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện nước ta và mang đến thắng lợi cho cách mạng việt nam; trong đó, đoàn kết lương - giáo là một bộ phận quan trọng trong đoàn kết dân tộc.
 

     Bài viết này chỉ đề cập một số vấn đề cơ bản nhất về đoàn kết lương – giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh
 

     1. Đoàn kết lương - giáo là một bộ phận của đoàn kết dân tộc
 

     Về đoàn kết lương - giáo, trong phiên họp đầu tiên của chính phủ, ngày 03/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ra tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết” (1). Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24/NQ-TW, về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”, đã khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đoàn kết Lương Giáo, đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh và của Đảng ta, lương hay giáo cũng là đồng bào, cùng trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam anh em, dù ở trong nước ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, tất cả đang hướng về Việt Nam, mong muốn chung góp bàn tay, khối óc xây dựng Tổ quốc.
 

     Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết lương - giáo tức là đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; và đoàn kết giữa đồng bào trong cùng tôn giáo…, trong khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Vậy, đoàn kết lương - giáo cũng chính là đoàn kết dân tộc, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu  cách mạng Việt Nam, dưới ánh sáng soi đường của Đảng.
 

     Người cũng chỉ ra khi nào nhân dân tự đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, không bị nước ngoài xâm lấn. Lịch sử ngàn năm Bắc thuộc đã chứng minh bài học quý giá đó. Trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, để đảm bảo cho cách mạng Việt Nam thắng lợi, Đảng ta phải có chủ trương về đoàn kết lương - giáo vào trong một Mặt trận dân tộc thống nhất. Bởi, không thể nói đoàn kết dân tộc mà không thực hiện đoàn kết tôn giáo; và chỉ có đại đoàn kết dân tộc mới có đủ sức mạnh đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay đi đến thắng lợi.
 

     2. Mục tiêu của đoàn kết lương - giáo, đoàn kết dân tộc
 

     Mục tiêu đoàn kết lương - giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng là đoàn kết dân tộc, nhằm thực hiện ước vọng cháy bỏng mà Người đã dành cả cuộc đời hy sinh phấn đấu để thực hiện - đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người thoát khỏi ách nô dịch, áp bức, bất công; chống lại mưu đồ chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch. Đây chính là mục tiêu của cách mạng, là điểm tương đồng của toàn dân, cả lương lẫn giáo. Chính vì vậy, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 03-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết” (2).
 

     Người kêu gọi toàn dân, lương và giáo xóa bỏ mặc cảm, thực hiện tư tưởng: “Lương giáo đoàn kết để kháng chiến kiến quốc thắng lợi”. Trong “Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam” (8-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ" (3).
 

     Đoàn kết lương - giáo, đoàn kết dân tộc là nhằm mục đích xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người từng nói: “Nếu nước nhà độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" (4). Do đó, Người đã chỉ ra là giành được độc lập rồi, phải tiến lên chủ nghĩa xã hội, vì chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh, “là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”.
 

    3. Điều kiện để đoàn kết lương - giáo
 

    Có 2 điều kiện cơ bản để thực hiện tốt đoàn kết lương - giáo.
 

    Thứ nhất, phải có sự lãnh đạo của Đảng: Hồ Chí Minh quan tâm nhất đến việc xây dựng Đảng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ cách mạng; vì theo Người: “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công” (5). Từ đó, công tác tôn giáo (nói chung) muốn thực hiện tốt, phải chú trọng công tác xây dựng Đảng. Đảng phải có năng lực đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp và có lực lượng đảng viên đủ sức để đưa đường lối của Đảng đi vào cuộc sống; trong đó, có chủ trương về đoàn kết lương - giáo mà đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện.
 

     Thứ hai, phải có hình thức thích hợp để đoàn kết người có đạo và người không có đạo. Theo Hồ chí Minh, để tập hợp đoàn kết dân chúng, cần phải có nhiều hình thức tập hợp, và Người đã giao cho Mặt trận dân tộc thống nhất vai trò đặc biệt quan trọng - tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo (giáo) và đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo (lương) cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm thực hiện mục tiêu cách mạng. Tuỳ theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của cách mạng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, quần chúng nhân dân được tập hợp vào các tổ chức mặt trận rộng rãi với những tên gọi, như : Mặt trận dân chủ (1936), Mặt trận nhân dân phản đế (1939), Mặt trận Việt minh (1941)… và ngày nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy có nhiều tên gọi khác nhau, song về thực chất, các tổ chức đó chỉ là một. Đó là tổ chức liên minh chính trị rộng rãi, tập hợp đông đảo các giai cấp, các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái… phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
 

    4. Đối tượng và nội dung đoàn kết lương - giáo
 

     Đối tượng của đoàn kết ở Mác, Ăng ghen, Lê Nin cơ bản là công - nông, còn ở Hồ Chí Minh là mọi người Việt Nam yêu nước; trong đó, đương nhiên có đồng bào giáo và đồng bào lương. Người nói: “phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo; cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc” (6).
 

     Về nội dung đoàn kết lương - giáo, theo Hồ Chí Minh, khi dân tộc còn bị nô lệ dưới ách thực dân thì đoàn kết để giành độc lập dân tộc là yêu cầu trực tiếp và trước hết của cách mạng Việt Nam. Ở Hồ Chí Minh, dù có thế giới quan khác nhau, nhưng mọi người Việt Nam yêu nước đều có chung một mục tiêu là mong muốn mình được tự do, hạnh phúc, đều muốn nước nhà được độc lập. Từ đó, Hồ Chí Minh đã dồn mọi nỗ lực của Người vào việc tập trung sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện mục tiêu ấy, không phân biệt giáo hay lương, vô sản hay nông dân..., đã là con Lạc cháu Hồng thì phải cùng nhau làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân.
 

    5. Một số giải pháp có tính nguyên tắc để đoàn kết lương - giáo là gì
 

    Muốn thực hiện đoàn kết lương – giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc có hiệu quả, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra cần thực hiện một số giải pháp có tính nguyên tắc dưới đây:
 

    Một là, phải thực sự tôn trọng niềm tin tôn giáo của nhân dân, thực sự tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
 

    Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “những người cộng sản chưa bao giờ có ý định phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội và cũng chưa bao giờ có chủ trương chống tôn giáo mà chỉ chống những kẻ lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị phản động”(7). Trong buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam (03/3/1951), Người khẳng định: “Chúng tôi xin nói thêm 2 điểm, nói rõ để tránh có sự hiểu lầm: Một là, vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Hai là, đối với các đảng phái, các đoàn thể trong Mặt trận dân tộc, thì Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: Đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài, cùng nhau tiến bộ"(8).
 

    Tín ngưỡng tôn giáo có sức sống lâu bền trong đồng bào. Muốn vận động đoàn kết lương - giáo, hòa hợp dân tộc, cần thiết phải tôn trọng niềm tin, miễn sao niềm tin đó không dẫn đến dị đoan, cuồng tín có thể phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
 

    Hai là, chấp nhận sự khác biệt, khai thác điểm tương đồng theo phương ngôn “cầu đồng tôn dị”.
 

    Có thể nói: “cầu đồng, tôn dị” nhằm đạt đến mục đích độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho con người là nguyên tắc ứng xử của Hồ Chí Minh. Chữ “đồng” ở đây được hiểu là nỗi khao khát độc lập dân tộc, hạnh phúc cho mọi người của cả đồng bào lương lẫn giáo. Còn “dị” được hiểu là sự khác nhau về nhận thức, tôn giáo, niềm tin, thị hiếu, sở thích…, nhưng có chung lòng yêu nước.  Trong thư gửi đồng bào Nam bộ, ngày 31/5/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay, trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng cả thảy đều là dòng dõi tổ tiên ta”.
 

     Trong điều kiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, với tư tưởng “cầu đồng, tôn dị”, Hồ Chí Minh thật sự trở thành trung tâm đoàn kết và tạo nên sức thu hút mãnh liệt. Nhân dân Nam bộ “thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước…” đã đi theo Người; các tu sĩ, sư sãi nhà chùa “cởi áo cà sa khoát chiến bào” hăng hái đi kháng chiến…, tất cả toàn dân đi theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh tạo nên sức mạnh vô địch, làm nên Cách mạng Tháng Tám chấn động địa cầu.
 

    Ba là, phải biết khai thác các giá trị nhân bản của tôn giáo.
 

    Được trang bị phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lê nin và am hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sự tương đồng giữa giá trị đạo đức tôn giáo với tư tưởng cộng sản. Người viết: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả, Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng, Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn hạnh phúc cho loài người, cho xã hội. Nếu nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau, hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy" (9). Hồ Chí Minh xứng đáng là vĩ nhân bởi những tư tưởng của Người vượt lên trên tất cả những gì tầm thường; Người là hiện thân của sự kết hợp hài hòa những điều tốt đẹp nhất của các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta; những gì tốt đẹp nhất của “lương” với những giá trị về chân, thiện, mỹ của “giáo”. Một nhà báo phương Tây nhận xét về Người như sau: “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên” (10).
 

    Bốn là, đối với hàng ngũ chức sắc tôn giáo.
 

     Nhớ những ngày đầu tiên cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, trong lúc chúng ta phải lo đối phó với đủ thứ thù trong, giặc ngoài, chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đồng ý để Giám mục Nguyễn Bá Tòng, Giám mục Lê hữu Từ gửi điện sang Tòa thánh Vatican xin phong sắc. Qua đó, tranh thủ với Công giáo Pháp, Anh, Mỹ đề nghị ủng hộ nền độc lập của Việt nam. Người cũng đã ký sắc lệnh 32/SL, ngày 24/5/1949 thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho linh mục Nguyễn Bá Luận vì thành tích “Vận động và hướng dẫn đồng bào Công giáo tích cực tham gia kháng chiến”. Người cũng thường xuyên quan tâm đến đời sống, sức khỏe các chức sắc như thăm hỏi, động viên họ lúc ốm đau, gửi thư, điện chia buồn kịp thời khi có chức sắc tôn giáo qua đời. Thông qua hàng ngũ chức sắc, tuyên truyền giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới quần chúng tín đồ, thường xuyên động viên, khen thưởng kịp thời các chức sắc tôn giáo có công với nước, có những việc làm ích nước lợi dân.
 

     Chức sắc tôn giáo, đặc biệt là người đứng đầu các tôn giáo là lãnh tụ tinh thần, có khả năng tập hợp được tín đồ. Với Hồ Chí Minh, việc tranh thủ, gần gũi, tôn trọng họ không chỉ là vấn đề sách lược chính trị để vận động, tập hợp lực lượng mà cao hơn đó là sự ứng xử văn hóa đối với đời sống tâm linh của con người.
 

    Năm là, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào có đạo
 

     Để đoàn kết lương - giáo, Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ phải thường xuyên chăm lo đời sống mọi mặt cho đồng bào, đặc biệt là đồng bào có đạo. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Phải nhớ rằng, đại đa số đồng bào Công giáo là nông dân nghèo khó, cũng bị bóc lột tàn tệ, cũng muốn có cơm ăn, ruộng cày. Nếu ta kiên nhẫn thật sự ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với họ, khéo giác ngộ và tổ chức họ, thì nhất định làm được” (11). Người mong muốn chăm lo lợi ích cho đồng bào có đạo sao cho “phần xác ấm no, phần hồn thong dong” thì nhất định đồng bào có đạo sẽ đồng tình, phấn khởi và suốt đời đi theo Đảng, như lời nói chân tình của một giáo dân: “sống theo Đảng, chết theo Chúa”.
 

     Phát triển và cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương - giáo, Đảng và Nhà nước ta khẳng định quan điểm nhất quán về tôn giáo như sau: 1/ Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 2/ Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Các tôn giáo hoạt động theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. 3/ Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động nhân dân. 4/ Đấu tranh và xử lý nghiêm những hành động vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
 

     Trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ta về đoàn kết tôn giáo, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (12).
Đặc biệt, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2016 đã khẳng định: “Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; và nghiêm cấm “Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo” (13) .

 

     Có thể khẳng định tính nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều là hướng tới mục tiêu đoàn kết đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc.
 

     Đoàn kết lương - giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh rất có giá trị cả lý luận và thực tiễn; đặc biệt có ý nghĩa đối với công cuộc đổi mới hiện nay; là cơ sở để Đảng ta tiếp tục có những chủ trương, đường lối đúng đắn về tôn giáo nhằm thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, khó lường. Các quốc gia, dân tộc vừa trong tiến trình hội nhập, vừa phải quan tâm đến lợi ích dân tộc mình. Trong điều kiện Việt Nam, biết chấp nhận khác biệt, khai thác tốt điểm tương đồng trong mối quan hệ lương giáo là một trong những nguyên tắc rất có ý nghĩa để Đảng ta hoạch định chủ trương, đường lối đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm quyết tâm xây dựng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
…………………………………………………………………………
           
          CHÚ THÍCH:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, t4, tr 9.
(2) Sđd, t.4, tr.9.
(3) Sđd, t.5, tr.197.
(4) Sđd, t4, tr.56.
(5) Sđd, t2, tr.268.
(6) Sđd, t10, tr.606.
(7) Tạp chí cộng sản: Tôn giáo cùng tồn tại trong quá trình xây dựng CNXH, PGS.TS Nguyễn Đức Lữ, TC số 15,tháng 8/2006, tr.34.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t6, tr.184.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 6, tr.225.
(10) Phạm Văn Đồng: “HCM…một sự nghiệp”, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1990, tr.27.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t3, tr.77.
(12) Quốc hội khóa XIII, Hiến pháp năm 2013.
(13) Quốc hội khóa XIV, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016.

Lê Thành Dững - Khoa Dân vận

Responsive image
 

 

các tin khác