Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Thầy tôi - Anh bộ đội cụ hồ

02:52 04/01/2018

Lịch sử đấu tranh giành độc lập cho dân tộc ta đã qua, nhưng hình ảnh về những năm tháng của cuộc chiến, những mất mát đau thương do chiến tranh để lại vẫn còn đấy trong mỗi con người Việt Nam và nhất là hình ảnh khí tiết, can trường của các anh bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân, hy sinh xương máu của mình vì nền độc lập dân tộc luôn hiện hữu mãi cho đến ngày nay.  

Cách mạng tháng Tám thành công, dân tộc ta được sống trong niềm vui bất tuyệt chưa lâu thì thực dân Pháp quay trở lại nổ súng xâm lược. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" mọi người dân Việt Nam yêu nước đã đứng lên cầm vũ khí đánh giặc, bảo vệ độc lập, bảo vệ nền cộng hoà non trẻ.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người lính Cụ Hồ được gọi là anh Vệ quốc quân. Các anh là những người nông dân từ những miền quê nghèo khó:

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi, đôi người xa lạ,

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ.

                (Đồng chí - Chính Hữu)

          Nhưng họ có điểm chung là sục sôi tinh thần yêu nước, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Núi cao, vực sâu không ngăn được bước chân hành quân của các anh. Đói khát, bệnh tật không làm các anh nhụt chí. Vũ khí hiện đại của kẻ thù không làm các anh hoang mang:

                   Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

                   Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

        (Tây Tiến - Quang Dũng)

Thực dân Pháp chưa kịp về nước thì đế quốc Mỹ đã kéo quân vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai, nhằm chia cắt lâu dài nước ta. Người lính chiến chưa kịp nghỉ ngơi đã phải tiếp tục khoác bô lô ra trận. Cùng một lúc nhiều thế hệ người Việt Nam trở thành người lính. Thời kỳ này người lính Cụ Hồ được gọi là anh giải phóng quân. Hình ảnh anh giải phóng quân với chiếc mũ tai bèo giản dị, thân thương trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Và chính lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu quên mình của các anh đã tạo nên “Dáng đứng Việt Nam, tạc vào thế kỷ”:

                   Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất

                   Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân

                   (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)

          Qua một vài dẫn chứng từ thơ ca, đã cho ta thấy được hình ảnh tuy bình dị, chất phác nhưng lại toát lên sự lãng mạn và mang một nét đẹp tài hoa của người lính đã đi vào lòng người. Những anh bộ đội Cụ Hồ được khắc họa trong thơ ca ngày xưa ấy nay ra sao? Hôm nay, tôi muốn viết về những cụ chiến binh trở thành nhà giáo, nhà sư phạm bằng những cảm nhận sâu sắc nhất về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ.

          Trải qua quá trình học tập ở nhiều mái trường khác nhau và ngày hôm nay đây, trên con đường phấn đấu để trở thành một cô giáo dưới mái trường chính trị vinh dự mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu tôi đã nhận được rất nhiều tình yêu thương và sự quan tâm, giúp đỡ từ các anh chị, những thầy cô đi trước; trong đó có những người thầy đã từng là người lính, là những anh giải phóng quân. Nếu như ngày xưa, các thầy dũng cảm trên chiến trường, là những người chiến sĩ trên mặt trận thì giờ đây các thầy là những nhà giáo, nhà mô phạm - là người chiến sĩ trên bục giảng. Thế hệ của tôi có thể nói là thuộc hàng thế hệ thứ ba, chính vì vậy, được tiếp xúc với những người lính năm xưa đã cho tôi hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Nhớ lần được nghe thầy kể về năm tháng hào hùng, oanh liệt, sát cánh cùng đồng đội trên những mặt trận để giải phóng từng tất đất, từng ngôi làng, giành lấy hòa bình cho chúng tôi hôm nay, có những người lính đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xưa. Mỗi lần như thế tôi đều bắt gặp đôi mắt ấy lại nhòe đi và đượm nét buồn. Cái buồn cho sự mất mát của chiến tranh, bởi đôi mắt ấy đã bao lần chứng kiến cảnh chia ly cho những người đồng đội hôm qua bên nhau nhưng hôm nay không còn, những năm tháng ấy là tuổi trẻ của thầy, quá đỗi hào hùng, quá trong sáng, thủy chung và nghĩa tình đồng đội:

                   Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
                   Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào
                   Bạn nằm lại nơi này nơi nao?
                   …..

          Để một phút lắng lòng nghe bạn gọi
                   Bạn nằm lại nơi nào bạn ơi?
                   Bạn nằm lại nơi đồng đất quê người

          ( Tấc đất Thành Cổ - Nguyễn Đình Lân)

Và người ở lại sẽ tiếp tục gánh vác trọng trách cho người nằm xuống. Trở lại cuộc sống hòa bình, những người lính năm ấy giờ đã là những cựu chiến binh giàu nghị lực, vượt lên hoàn cảnh, có người đã trở thành nông dân giỏi, nhà doanh nghiệp giỏi, nhà lãnh đạo quản lý, hoặc trở thành những nhà khoa học có học vị, những chuyên gia nghiên cứu về nhiều lĩnh vực và nếu không họ cũng là những người anh hùng trong cuộc sống đời thường. Thầy tôi cũng vậy, tuổi trẻ của thầy đã làm tròn sứ mệnh đấu tranh cho nền hòa bình độc lập dân tộc và ngày hôm nay, người lính ấy vẫn và đang tiếp tục hoàn thành một sứ mệnh khác, sứ mệnh bảo vệ và phát triển trí tuệ, nhân cách cho thế hệ sau. Rời chiến trường, thầy tiếp tục con đường học vấn sau khi phải tạm gác lại, vượt qua những khó khăn người lính năm nào đã trở thành một anh giáo mang đến con chữ cho các em học sinh. Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục đã tôi luyện cho người chiến sĩ trên chiến trường máu lửa trở thành người chiến sĩ trên bục giảng dày dạn kinh nghiệm, là một nhà khoa học có học vị dẫn dắt bao thế hệ học trò qua từng bài giảng chứa đựng nước mắt và tâm huyết.

Từng được đào tạo trong môi trường quân đội, hơn ai hết, các thầy hiểu rõ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đòi hỏi mỗi người cần nêu cao ý thức và tinh thần tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm; phải có tâm huyết với nghề, có hứng thú, say mê, chăm chút cho từng bài giảng, từng phần việc được giao. Với tôi người thầy ấy không chỉ là tấm gương cho niềm tin, nghị lực, vượt qua những gian khó để tin tưởng vào khả năng của mình, mà còn là tấm gương về ý thức và tinh thần kỷ luật. Dù ở cương vị người thầy hay người lính Cụ Hồ, các thầy vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, luôn là tấm gương đạo đức sáng ngời để tuổi trẻ của chúng tôi hôm nay noi gương học tập.

          Nhân dịp Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2017) xin kính chúc các chú, các anh mạnh khỏe, tiếp tục là tấm gương sáng tô thắm mãi truyền thống bộ đội Cụ Hồ và gửi lời tri ân sâu sắc đến thầy tôi -  những người thầy đã từng mang quân phục màu xanh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.

Lê Châu Mỹ Hoa - Khoa Lý luận Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Responsive image
 

 

các tin khác