Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, quá trình hoạt động và những cống hiến đối với Đảng Cộng sản Việt Nam

04:06 16/01/2020

Năm 1920, trở về Sài Gòn, với sự giác ngộ về Cách mạng Tháng Mười Nga và Nhà nước Xô Viết cùng với những kinh nghiệm trong tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng với những người bạn chiến đấu, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn (Công hội đỏ). Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Công hội bí mật được thành lập, đánh đấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức. Trong những năm 1926 - 1927, Công hội Sài Gòn là cơ sở vững chắc cho sự phát triển tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả xứ Nam Kỳ. Khi Kỳ bộ Nam Kỳ thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân. Với chức trách được giao, đồng chí đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sĩ lớp đầu của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Điểm nổi bật trong cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Tôn Đức Thắng là: Người Việt Nam đầu tiên thuộc giai cấp công nhân đi vào cách mạng vô sản; người Việt Nam đầu tiên trực tiếp tham gia đấu tranh để ủng hộ và bảo vệ Nhà nước Nga Xô-Viết ngay sau khi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 Nga bùng nổ thắng lợi; người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời gần một thế kỷ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam. Cuộc đời chiến đấu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về những phẩm chất cách mạng cao quý cho toàn Đảng và toàn dân ta noi theo. Năm nay, nhân kỷ niệm 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta – những người con của An Giang, cần hiểu biết nhiều hơn về cuộc đời và sự nghiệp đặc biệt là những cống hiến của chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Để từ đó ý thức về trách nhiệm xây dựng một tỉnh An Giang giàu mạnh – xứng đáng là quê hương của Bác Tôn.

2. Cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Tôn Đức Thắng

Bác Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 tại Cù lao Ông Hổ, thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, nhân ái và từ thuở niên thiếu, nhưng Bác Tôn Đức Thắng đã phải tận mắt chứng kiến những tội ác dã man của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Các phong trào yêu nước thời đó cũng đã khơi dậy lòng yêu nước, thương dân, nỗi đau của người dân mất nước trong tâm tư, tình cảm của Bác Tôn Đức Thắng. Cho nên, Bác từ nhỏ đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng, để rồi sau đó cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân ta.       

Sau thời gian bôn ba ở nước ngoài, hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn Pháp, Bác Tôn Đức Thắng đã tham gia cuộc nổi dậy của Hải quân Pháp ở Biển Đen, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, góp phần bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Bác trở về nước vào năm 1920, với lòng yêu nước nhiệt thành, Bác đã tập hợp anh em công nhân cùng chí hướng thành lập Công hội bí mật (Công hội đỏ) - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Công hội đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình, bãi công… tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925), đánh dấu bước phát triển mới về tinh thần đoàn kết và tính tổ chức của giai cấp công nhân nước ta.

Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, bắt đầu hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Nam Bộ. Bác Tôn Đức Thắng đã gia nhập tổ chức này và giữ trọng trách Ủy viên Kỳ bộ Nam Bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn. Dưới sự lãnh đạo của Bác, phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ.

Năm 1929, Bác Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và kết án 20 năm tù khổ sai. Gần 17 năm bị giam cầm trong nhà tù thực dân ở Khám Lớn Sài Gòn và Côn Đảo, phải chịu đủ mọi cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, Bác luôn giữ vững khí tiết kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng. Bác cùng với những bạn tù thành lập Hội những người tù đỏ và sáng lập chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, tạo sức mạnh chống chế độ lao tù tàn bạo, đấu tranh bảo vệ Đảng, biến lao tù thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ lao tù trở về, Bác Tôn Đức Thắng đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được phân công tham gia Xứ ủy Nam Bộ và sau đó được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao đảm nhiệm các trọng trách trọng yếu của Đảng và Nhà nước ta. Thế là, trong suốt 35 năm (1945-1980) dù ở bất cứ cương vị nào, Bác Tôn luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, lòng trung thành, tận tụy với đạo đức cách mạng trong sáng.

3. Những cống hiến của chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với Đảng Công sản Việt Nam

Năm 1906, vì không có điều kiện học tiếp bậc trung học nên Bác Tôn Đức Thắng quyết định rời quê hương mang trong lòng truyền thống yêu nước và nỗi đau của người dân nô lệ bị mất nước, đến với Sài Gòn – một trong hai trung tâm kinh tế - chính trị của nước ta. Chính những năm tháng tuổi trẻ ấy Bác đã đến với giai cấp công nhân Việt Nam, lúc đó đang trong quá trình hình thành. Kể từ đó, Bác đã hòa vào phong trào đấu tranh chống bọn thực dân Pháp, kẻ đang gieo rắc bao đau khổ cho dân tộc mình. Tuy chỉ là một người thợ học việc, Bác đã tham gia vận động anh em học sinh lính thủy bỏ học (1909), anh chị em công nhân Sở kiến trúc cầu đường chống lại bọn chủ và đòi tăng lương (1910). Sau đó Bác vào học  ở Trường của những người thợ máy Châu Á ở Sài Gòn (Escole Dé Mescaniciens asiatiques de Sài Gòn), đây là trung tâm duy nhất đào tạo thợ máy tàu thủy chủ Pháp ở Đông Dương.

Sau khi tốt nghiệp Trường của những người thợ máy Châu Á ở Sài Gòn và vào làm việc một thời gian ở xưởng Ba Son, Bác Tôn Đức Thắng bị động viên phục vụ nước Pháp trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bác được đưa sang Pháp, làm công nhân trong hãng Arsenal de Toulon. Năm 1919, trong cuộc can thiệp của 14 nước đế quốc và nước Nga Xô Viết, nhằm bóp chết nhà nước vô sản non trẻ đầu tiên trên thế giới, hạm đội mà Bác làm thợ máy được điều động đi Hắc Hải tiến đánh Xêvaxtôpôn. Bác đã cùng với thủy thủ Pháp đứng lên phản chiến. Bác được Ủy ban cách mạng trên chiến hạm, mà đại diện là Giăng – một người thủy thủ Pháp giao trọng trách kéo cờ đỏ trên chiến hạm để báo cho Hồng quân biết  họ “là bạn chứ không phải kẻ thù”. Có lẽ trong giấy phút quyết liệt ấy Bác đã rất xúc động và không vì hơn ngoài việc bày tỏ lòng mình với cách mạng vô sản bằng một hành động thiết thực! Quả đúng như vậy, lịch sử đã chọn không nhầm đối tượng để trao nhiệm vụ, chính hành động dũng cảm, táo bạo ấy của Bác đã làm nên một việc có ý nghĩa to lớn cho cách mạng nước ta. Cũng sau sự kiện đó những thủy thủ phản chiến Pháp bị phạt tù còn Bác Tôn Đức Thắng buộc phải rời khỏi nước Pháp, trở về quê hương.

Trở lại Sài Gòn, Bác Tôn Đức Thắng làm công nhân cho hãng Kroff – một hãng tư của người Đức. Vì có tay nghề cao nên Bác thường được cử đi sữa chữa ở nhiều nơi, có khi vào cả trong xưởng Ba Son và trường Bá nghệ. Điều đó, đã tạo điều kiện cho Bác gặp gỡ nhiều anh em đã từng học hoặc làm việc chung lúc trước. Bác đã đem những kinh nghiệm đã học được ở những người công nhân Pháp, ở cuộc phản chiến Bắc Hải để trao đổi bàn bạc với anh em cùng chí hướng. Bác đã luôn suy nghĩa đến việc phải tổ chức công nhân thành đoàn thể, qua đó giác ngộ cho họ thấy được vai trò và sức mạnh của giai cấp. Tuy không trực tiếp chứng kiến, nhưng cuộc đấu tranh đòi các quyền lợi kinh tế của 226 thủy thủ tàu buôn Pháp vào tháng 3 năm 1920 được sự hỗ trợ của nhân dân Sài Gòn giành thắng lợi, đã giúp cho Bác Tôn Đức Thắng thêm sức mạnh và niềm tin vào một giai cấp có tổ chức.

Trong hoàn cảnh đó, Bác Tôn Đức Thắng và các đồng chí của mình quyết định tổ chức ra Công Hội bí mật và thành lập nhóm trung kiên lãnh đạo gồm có:

Hội trưởng: Tôn Đức Thắng (thợ máy hãng Kroff)

Phó hội trưởng: Nguyễn Văn Cân (thợ nguội Faci)

Thư ký: Mạnh (Thợ vẽ nhà đèn)

Thủ quỹ: Đặng Văn Sâm (thợ tiện nhà đèn)

Kiểm soát viên: … …

Ra đời trong hoàn cảnh chưa có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo nên Công hội bí mật chưa có đường lối và điều lệ rõ ràng. Nhiệm vụ chủ yếu của Công hội chỉ là đoàn kết giai cấp công nhân, đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân và nhân dân lao động chống áp bức, bóc lột và bất công. Mọi người cùng quy ước với nhau là chỉ kết nạp vào hội những người thợ yêu nước, có tinh thần hăng hái đấu tranh, biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn, bệnh tật. Hội không có trụ sở hoạt động nên luân phiên họp ở nhà hội viên một tháng một lần dưới hình thức tiệc tùng, cúng kiến. Hội phí đóng từng tháng tùy theo khả năng của mỗi người, thường là một ngày lương trở xuống. Đối với phong trào cách mạng Việt Nam, sự ra đời của Công hội bí mật vào những năm 1920-1921 có một ý nghĩa chính trị quan trọng. Dù chưa thật sự là một tổ chức cách mạng quy mô nhưng nó đã đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ mà giai cấp công nhân Việt Nam có ý thức về sứ mệnh của mình đối với quốc gia, dân tộc.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy lý thú trong lịch sử cách mạng Việt Nam là cùng khoảng thời gian đó Nguyễn Ái Quốc (Bác Hồ) đã thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Quảng Châu (Trung Quốc) và vạch ra kế hoạch truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và xây dựng tổ chức cách mạng ở trong nước. Nói cách khác, Nguyễn Ái Quốc đang cần một lực lượng có tinh thần cách mạng để thực hiện sứ mệnh “gieo mầm cộng sản” trong quần chúng nhân dân lao động. Vì thế mà, một trong những công việc quan trọng đầu tiên trong bản kế hoạch đó là huấn luyện cho những chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, rồi tung về nước tổ chức nhiều chi bộ. Theo nguyên tắc mỗi hội viên mới được kết nạp vào Hội phải trở thành một phần tử mới của một Chi bộ mới.

Sẵn có tình cảm tốt đẹp đối với phong trào công nhân Sài Gòn nên sau khi kết thúc đợt huấn luyện đầu tiên cho thanh niên yêu nước từ trong nước sang học, Nguyễn Ái Quốc đã cử Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi về Sài Gòn hoạt động vào cuối năm 1926. Với sự hoạt động tích cực của mình, hai đồng chí đã nhanh chóng bắt mối được với những người có tâm huyết thông qua quan hệ bạn bè. Đầu năm 1927, qua nhóm Nguyễn An Ninh và những người từ Pháp trở về như Mai Bạch Ngọc, Bình và Lợi đã bắt liên lạc được với Tôn Đức Thắng. Điều đó có nghĩa là tổ chức cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc sáng lập đang cần lực lượng đã gắn được với tổ chức Công hội Sài Gòn. Từ đó, một lớp hội viên của Công hội bí mật đã được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và được cử sang Quảng Châu học các lớp chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Chuyến thứ hai của Nam bộ sang Quảng Châu học có 9 người thì hội viên Công hội bí mật của Bác Tôn Đức Thắng đã chiếm 5 đồng chí (gồm: Trần Ngọc Giải, Trần Trương, Đặng Văn Sâm, Bùi Văn Thêm, Trần văn Hoa). Sau khi học xong tất cả số đó đều trở về Nam bộ hoạt động. Có thể thấy, vào thời kỳ đầu hình thành tổ chức cách mạng theo khuynh hướng vô sản tại Sài Gòn, những người học trò của Nguyễn Ái Quốc đã dựa vào Công hội của Bác Tôn Đức Thắng để phát triển tổ chức của mình. Nói cách khác, vào thời kỳ 1926 – 1927 Công hội là cơ sở cho sự phát triển của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Sài Gòn và cả Nam bộ. Đến giữa năm 1927, số lượng hội viên tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội tương đối đông mới lập ra kỳ Bộ do đồng chí Phan Trọng Bình làm Bí thư. Sau đó mới tiến hành thành lập các Tỉnh, Thành bộ như Thành bộ Sài Gòn – Chợ Lớn (1928) do Tôn Đức Thắng làm Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trong đó có sự góp phần to lớn của Bác Tôn Đức Thắng, phong trào công nhân Nam kỳ phát triển mạnh mẽ. Công hội đỏ được tổ chức ở nhiều nơi, từ Sài Gòn lan ra các đồn điền cao su, nơi mà công nhân bị bóc lột tàn tệ nhất. Vì vậy, mà công nhân đấu tranh, bãi công diễn ra liên tục, nổi tiếng là cuộc bãi công ở đồn điền cao su Cam Tiên ngày 20/9/1928. Không chịu nổi áp bức bóc lột, công nhân Cam Tiên đã bãi công và giết chết tên quản lý người Pháp, lập đội tự vệ vũ trang quản lý đồn điền. Thực dân Pháp lúc bấy giờ đã điều động thêm nhiều binh lính đến để đàn áp, nhiều công nhân bị thương và hàng trăm người phải trốn vào rừng. Cuộc đấu tranh đó đã tạo nên tiếng vang đến tận Pari, Tổng liên đoàn lao động Pháp và báo chí tiến bộ đều lên tiếng ủng hộ công nhân Việt Nam, chống lại bọn thực dân khủng bố…

Trong khi phong trào cách mạng ở Nam kỳ đang phát triển sôi nổi thì cuối năm 1928 tại Sài Gòn xảy ra một sự kiện làm cho Kỳ bộ Nam kỳ bị phân rã. Phần lớn ban lãnh đạo của Kỳ bộ và Thành bộ Sài Gòn là tầng lớp trí thức tiểu tư sản từ nhiều nơi họp lại, trong đó có một số phần từ cơ hội. Vì vậy, trong Kỳ bộ đã xuất hiện tư tưởng tranh giành quyền lãnh đạo, để rồi dẫn đến việc xử tử một đồng chí trong Kỳ bộ. Trong cuộc họp chung của Kỳ bộ và Thành bộ, Bác Tôn Đức Thắng phản đối bản án tử hình và yêu cầu phải xin ý kiến Tổng bộ. Nhiều ý kiến ủng hộ bác nhưng cũng có nhiều ý kiến tán thành xử tử, hoặc đứng giữa không rõ ràng. Cuối cùng trước sức ép của một số người lành đạo Kỳ bộ hội nghị đi đến quyết định xử tử đồng chí mình. Vụ giết người bị phát giác nhưng chính quyền thực dân cho đó là một vụ án hình sự nên không đi sâu tìm hiểu.

Đầu năm 1929, Tổng bộ biết rõ sự việc nên kịch liệt phê phán Kỳ bộ và quyết định giải tán Ban chấp hành cũ lập Kỳ bộ mới do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Bí thư. Các đồng chí trong Kỳ bộ cũ né tránh khắp nơi, Bác Tôn Đức Thắng vẫn ở lại Sài Gòn, ngày ngày đi làm ở hãng Kroff và tiếp tục liên lạc, chỉ đạo các tổ Công hội đỏ hoạt động bình thường.

Giữa năm 1929, trong lúc Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội bị phân liệt vì xu hướng thành lập Đảng cộng sản phát triển mạnh mẽ, đánh dấu bằng sự ra đời của Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc kỳ (6-1929), thì vụ án đường Bác-bi-ê bị thực dân Pháp phát giác do những tên phản bội chỉ điểm. Một vài đồng chí trong tổ chức bị bắt. Biết mình có thể bị bắt, Bác Tôn Đức Thắng thu xếp cho Bác Tôn gái về Mỹ Tho sinh đứa con thứ ba. Bác trở lại Long Xuyên giã từ người thầy cũ của mình là ông năm Khách. Bên kia sông – là nhà cửa, quê hương thế nhưng Bác Tôn Đức Thắng vì không muốn cho gia đình liên lụy nên đã trở lại Sài Gòn. Về Sài Gòn Bác tìm những người đồng chí cũ dặn dò cố giữ vững tổ chức trước những cuộc khủng bố của địch. Bởi Bác Tôn có ý định qua Xiêm lánh nạn, nên những ngày còn lại đó Bác cố gắng lo thu xếp công việc của tổ chức.

Thế nhưng, 5 giờ chiều ngày 23/7/1929, Bác Tôn Đức Thắng bị bắt tại chân cầu Kiệu khi cùng đồng chí Trần Trương trên đường về nhà. Cũng trong ngày hôm đó địch bao vây trụ sở kỳ bộ tại hẻm đường La Ca-dơ và một số cơ sở ở đường Fre-rơ Lu-i. Ngày 29/7/1929, chúng chặn bắt đồng chí Phạm Văn Đồng tại ga xe lửa Sài Gòn. Làn sóng khủng bố lan rộng ra các tỉnh Nam kỳ, nhiều đồng chí lãnh đạo khác cũng bị bắt. Bị giam cùng nhiều đồng chí khác tại khám lớn Sài Gòn, bị tra tấn, hăm dọa, mua chuột… mỗi ngày. Thế nhưng, Bác Tôn Đức Thắng chẳng hé một lời về tổ chức cách mạng. Trong ngục tù ấy bác vẫn giữ khí tiết của người cộng sản và động viên, an ủi đồng chí của mình.

Lúc này, phong trào cách mạng Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Xu thế thành lập Đảng công sản dần dần thắng thế trong nội bộ tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Tháng 6/1926 Đông Dương cộng sản Đảng ra đời ở Bắc kỳ. Mùa thu năm 1929, An Nam cộng sản Đảng được thành lập ở Sài Gòn và tháng 1/1930 Đông Dương cộng sản liên đoàn ra đời ở Trung kỳ… Đến ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đánh dấu một thời kỳ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Với những phẩm chất cao quý của người cộng sản, dù bị giam trong khám lớn, Bác Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và các đồng chí khác được An Nam cộng sản Đảng kết nạp vào Đảng. Sau những ngày tra tấn và xét xử các đồng chí trong Kỳ bộ nam kỳ bị bắt năm 1929 bị toàn án thực dân Pháp tuyên án với ba án tử hình, một số còn lại bị tuyên án từ 3 năm đến 20 năm. Đêm 02/7/1930 chiếc tàu Ác-măng Rút-xô lặng lẽ nhổ neo rời cảng Sài Gòn, trong đó có một người tù với bản án 20 năm khổ sai. Người đó là Bác Tôn Đức thắng – người lãnh tụ đầu tiên của giai cấp công nhân Nam kỳ, người đảng viên công sản luôn giương cao ngọn cờ yêu nước và quốc tế trong sáng… Đó chưa phải là kết thúc, phía trước là một cuộc chiến đấu mới…

4. Thay lời kết

Như vậy, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt nam năm 1930, đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam đã  khẳng định một lần nữa hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc và những học trò của Người trong việc kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân. Tại Sài Gòn để quá trình kết hợp đó đã diễn ra một cách thuận lợi không thể phủ nhận hoạt động tích cực của Bác Tôn Đức Thắng và Công hội bí mật. Như vậy trên một ý nghĩa nào đó Công hội bí mật do Bác Tôn Đức Thắng sáng lập tại Sài Gòn đã bắt nhịp cầu để Chủ nghĩa Mác – Lênin đến với công nhân. Nhân nhân kỷ niệm 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cùng ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc Bác Tôn Đức Thắng - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là dịp để chúng ta học tập, làm theo đồng chí Tôn Đức Thắng - một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.

* Tài liệu tham khảo

1.  Bác Tôn, nhà lãnh đạo lỗi lạc, người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ, Nguyễn Minh Triết,  Tạp chí Cộng sản, 2008, Số 790, tr. 8-13.

2. Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Lãnh tụ của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam, Nxb Lao động, 2010

3. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cuộc đời và sự nghiệp: 122 năm kỷ niệm ngày sinh (20/8/1888 - 20/8/2010), Nxb Văn hóa – Thông tin, 2009

4. Những cống hiến của chủ tịch Tôn Đức Thắng với cách mạng Việt Nam và thế giới, Tạp chí Thông tin Đối ngoại, 2008, Số 8, tr. 17-20.

Tôn Đức Thắng: Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2013, tr. 211.

Cao Thị Thu Hồng - Học viên lớp TCLLCT-HC B140

các tin khác