Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

04:10 10/01/2022

Tóm tắt: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta lựa chọn và khẳng định trong các Văn kiện của Đảng từ mùa Xuân năm 1930, được bổ sung, phát triển qua 13 kỳ Đại hội và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán, trong hành trình đi tới mục tiêu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

ThS. Đỗ Ngọc Qui

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Từ khóa: độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội…

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn là một trong những chủ đề nóng bỏng mà các thế lực thù địch luôn công kích với những luận điệu xuyên tạc, giả tạo. Họ luôn cho rằng, sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu chứng minh một điều rằng chủ nghĩa xã hội sẽ không thể tồn tại hiện thực được và cho rằng thế giới hiện đại là thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đi theo con đường tư bản chủ nghĩa nên Việt Nam không thể giữ mãi định hướng xã hội chủ nghĩa. Những luận điệu đó không phải không có những tác động nhất định đối với một số người nhẹ dạ, cả tin. Chính vì thế, rất cần những luận cứ sắc bén để chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và hợp với quy luật phát triển.

Trong nhiều văn kiện của Đảng ta, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”. Văn kiện Đại hội XI của Đảng lại một lần nữa nhấn mạnh: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”. Nhất quán với các đại hội trước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong các quan điểm chỉ đạo định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới đã xác định: “Kiên định vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”

Nhìn ra bên ngoài và nhìn lại lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI, chúng ta càng thấy rằng sự lựa chọn của Đảng ta, của nhân dân ta là hoàn toàn chính xác. Chính vì thế, chúng ta có đầy đủ luận cứ để khẳng định độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cao đẹp, bất di bất dịch của nước ta. 

Thứ nhất, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn khách quan của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Các phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo lập trường phong kiến hay dân chủ tư sản, tiểu tư sản đều có mục tiêu giành độc lập cho dân tộc nhưng lại sai lầm trong xác định đường lối, con đường phát triển và phương pháp đấu tranh, qua khảo nghiệm của lịch sử đều lần lượt thất bại. Chỉ có xu hướng yêu nước theo lập trường của giai cấp vô sản, gắn giải phóng dân tộc với chủ nghĩa xã hội được khẳng định cả về phương diện khoa học và thực tiễn, được phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam chấp nhận và thực hiện. Chính lịch sử đã khách quan lựa chọn con đường cách mạng vô sản là con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sự phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, nhân dân ta đã giành lại và củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc, là cơ sở vững chắc để phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Khi đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc khảo nghiệm thực tiễn tại nhiều nước tư bản chủ nghĩa, nghiên cứu về cách mạng tư sản; song Người không lựa chọn con đường cách mạng tư sản vì cho rằng con đường đó không mang lại quyền lợi thực sự cho quần chúng lao động và không mở đường cho độc lập của các dân tộc thuộc địa. Khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở lý luận cách mạng đó con đường cứu nước đúng đắn: “gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người, tức là phải đi tới chủ nghĩa xã hội”. Sự gặp gỡ giữa Nguyễn Ái Quốc với chủ nghĩa Mác – Lênin là sự gặp gỡ tất yếu giữa chủ nghĩa yêu nước với hệ tư tưởng khoa học và cách mạng của thời đại. Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, gieo hạt giống chủ nghĩa xã hội vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Từ nghiên cứu lý luận và khảo nghiệm thực tiễn của các nước, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể thực hiện được ở Châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng, trong đó có Việt Nam”. Con đường cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua đã chứng minh tính đúng đắn của nhận định trên.

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam. Từ đây, dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn để tự giải phóng mình, xóa bỏ ách nô lệ, tiến tới độc lập tự do; sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với sự nghiệp giải phóng những người lao động bị bóc lột, áp bức, giải phóng toàn xã hội; cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân ta gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới. Nhờ được dẫn dắt bởi lý tưởng, mục tiêu của giai cấp công nhân, phong trào yêu nước và đấu tranh cứu nước của dân tộc ta đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng triền miên về đường lối, đã nhìn thấy triển vọng lịch sử, đã đi trên con đường lớn của lịch sử: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930) nêu rõ mục tiêu đấu tranh của cách mạng và dân tộc Việt Nam là làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Lần đầu tiên, ở Việt Nam có một đảng chính trị đề ra cương lĩnh cách mạng và khoa học, bao quát được nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc với những giá trị đích thực của độc lập dân tộc và phương hướng tiến lên của dân tộc, giải quyết được cả yêu cầu phát triển của dân tộc và của xã hội Việt Nam. Bởi vậy, ngay khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam lập tức tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, nắm vững ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam liên tiếp giành thắng lợi trong đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước.

Thứ hai, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nguồn gốc sức mạnh của cách mạng Việt Nam.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không chỉ là lý tưởng, mục tiêu mà còn trở thành động lực mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam. Khát vọng độc lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân có ý nghĩa to lớn trong việc tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp và thành phần trong dân tộc, tạo nên lực lượng cách mạng rộng lớn và sức mạnh to lớn. Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, yêu chế độ xã hội tốt đẹp của mọi người Việt Nam. Gắn với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, tinh thần độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy với quy mô và chất lượng mới.

Vượt qua những hạn chế của lập trường phong kiến, lập trường tư sản, chủ nghĩa xã hội đã đưa đến những nội dung mới và triệt để trong việc giải quyết vấn đề độc lập dân tộc. Đó là: Độc lập dân tộc trên cơ sở độc lập thực sự về kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao; độc lập dân tộc phải bảo đảm xóa bỏ tình trạng áp bức, bóc lột và nô dịch của dân tộc này với dân tộc khác cả về kinh tế, chính trị và tinh thần; quan hệ giữa các nước dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền dân tộc, cùng đóng góp vào lợi ích chung của các dân tộc, vì hòa bình thế giới, vì sự tiến bộ của loài người. Những giá trị đó chỉ có thể đạt được ở chủ nghĩa xã hội. Chỉ với chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc mới đạt được chân giá trị của nó, đưa dân tộc tới sự phồn vinh về kinh tế, phong phú về tinh thần, dân chủ được bảo đảm. Chỉ với chủ nghĩa xã hội, dân tộc mới phát huy cao độ sức mạnh của mình, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, trong xây dựng đất nước, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, củng cố vững chắc độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là yếu tố quan trọng khơi dậy sức mạnh của dân tộc, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi to lớn của dân tộc ta.

Tóm lại, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chỉ đạo toàn bộ tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, nhân dân ta đã từ chối lập trường cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản, với xu hướng đưa đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa - con đường không đem lại độc lập thực sự cho Tổ quốc, cuộc sống ấm no, tự do cho người dân lao động. Gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, Đảng đã huy động được lực lượng to lớn nhất trong dân tộc là các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Giành được độc lập dân tộc mà không tiếp tục định hướng xã hội chủ nghĩa là phản bội lại các lớp người đã chiến đấu hi sinh vì lý tưởng này ngay từ trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời độc lập dân tộc cũng không được bảo đảm vững chắc./.

Tài liệu tham khảo

(1). Nguyễn Bá Dương, Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2014.

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Ban chỉ đạo tổng kết lý luận: Báo cáo tổng kết Một số lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

(3). Đào Duy Tùng: Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (lưu hành nội bộ), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1994.

(4). Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007

(5). Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996

(6). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998

(7). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, Phần 1, tr. 25

(8). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.

các tin khác