Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quyền con người, quyền công dân từ Hiến pháp 1992 đến Hiến pháp 2013

04:18 16/05/2017

Chính sách về quyền con người, quyền công dân là một chính sách nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nó đã được ghi nhận và đảm bảo thực hiện trong thực tiễn qua các giai đoạn phát triển của đất nước.

       

     Việc nhận thức và thực thi quyền con người, quyền công dân do điều kiện kinh tế - xã hội chi phối. Nó không thể vượt trước điều kiện kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn phát triển của đất nước. Do đó, ở mỗi giai đọan phát triển, việc ghi nhận  quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp có cấp độ khác nhau theo xu hướng ngày càng mở rộng với những điều kiện cụ thể ràng buộc nhằm đảm bảo tính khả thi và tránh được hiện tượng từ chối hoặc hạn chế tùy tiện của cơ quan công quyền đối với quyền con người và quyền công dân.

       

     Theo xu thế trên, từ Hiến pháp 1992 đến Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân đã có một bước phát triển, một bước tiến dài trong việc ghi nhận và đảm bảo thực hiện trong thực tiễn. Có thể thấy rõ qua các góc độ sau đây:

       

     Thứ nhất, từ “tôn trọng” đến “công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” thực hiện quyền con người, quyền công dân.

        

     Nếu Hiến pháp 1992 chỉ đề cập đến quyền con người ở mức độ “tôn trọng” và thể hiện qua quyền công dân (Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật – Điều 50 HP/1992) thì Hiến pháp 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhân, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. (Điều 14 HP/2013)

        

     Ghi nhận trên đây của Hiến pháp 2013 cho thấy rằng quyền con người, quyền công dân là quyền tự nhiên của con người và của công dân, không phải do Nhà nước ban phát mà được Nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” thực hiện. Vấn đề này đặt ra trách nhiệm lớn lao, nặng nề cho các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc đảm bảo thực thi quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

        

     Việc“công nhận, tôn trọng” quyền con người, quyền công dân của Nhà nước được thể hiện qua việc ghi nhận các quyền này ở vị trí thứ hai (Chương II) trong các chương điều của Hiến pháp 2013. Trước đây, trong Hiến pháp 1992, quyền công dân được ghi ở vị trí thứ năm (Chương V của Hiến pháp).

        

     Thứ hai, từ quy định quyền con người được thể hiện qua các quyền công dân (trong Hiến pháp 1992) đến khẳng định cụ thể các quyền con người trong Hiến pháp 2013.

        

     Tại Chương II Hiến pháp 2013, có 14 quyền con người được khẳng định cụ thể, thí dụ như các quyền: “ Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”-Điều 16; “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”-Điều 19; “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình…”- Điều 21; “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”- Điều 32…Ghi nhận này thể hiện một bước tiến rất lớn trong nhận thức của Nhà nước về quyền con người trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, khi có hơn ba trăm ngàn người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam cần có sự đảm bảo tính mạng và của cải được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

      

     Thứ ba, khẳng định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong những trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”- Đ14 HP 2013.

       

     Quy định trên đây thể hiện sự công nhận, tôn trọng, đề cao quyền con người, quyền công dân của Nhà nước và tránh được hiện tượng từ chối và hạn chế một cách tùy tiện quyền con người, quyền công dân của các cơ quan công quyền. Trong quá trình tạo những điều kiện để đảm bảo thực thi quyền con người, quyền công dân, các cơ quan công quyền không được tự mình đặt ra những quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân. Quy định này cho thấy quyền con người, quyền công dân do Hiến pháp quy định và chỉ có thể bị hạn chế khi thực thi nếu nằm trong những trường hợp cần thiết, nhất định do luật định - văn bản quy phạm pháp luật chỉ do Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhà nước ban hành.

        

     Thứ tư, các quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp 2013 được mở rộng hơn so với Hiến pháp 1992.

         

     Việc mở rộng quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 2013 được thể hiện qua hai mặt sau:

          

     Một là mở rộng số lượng các quyền. Nếu ở Hiến pháp 1992 công dân có 20 quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế-xã hội thì đến Hiến pháp 2013 có trên 30 quyền con người, quyền công dân được khẳng định, trong đó có những quyền mới như: “Mọi người có quyền sống”; “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác’’; “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư”; “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành”; “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”…Việc mở rộng số lượng các quyền trên các lĩnh vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người thực hiện được quyền trong xu thế phát triển dân chủ, nhân quyền hiện nay ở các quốc gia tiến bộ.

          

     Hai là mở rộng nội hàm của một số quyền. Trước hết là mở rộng chủ thể quyền. Theo đó, có có 14 quyền được mở rộng chủ thể từ “công dân” sang “mọi người”, thí dụ như: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể…”-Điều 20; “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…”; “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp…”-Điều 32… Ghi nhận này phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay, khi có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Việc mở rộng nội hàm của quyền còn được thể hiện qua phạm vi quyền. Điều này phù hợp với xu thế phát triển. Thí dụ như trước đây, Điều 57 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Quy định này được hiểu là những ngành nghề nào pháp luật quy định thì công dân mới được kinh doanh. Đến Hiến pháp 2013 quyền kinh doanh của mọi người được mở rộng hơn theo hướng: việc gì mà pháp luật không cầm thì mọi người có quyền kinh doanh. Quan điểm này đã được khẳng định tài Điều 32 Hiến pháp 2013: “ Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Quy định này của Hiến pháp đã có sức tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay.

      

     Trên đây là những điểm phát triển về quyền con người, quyền công dân được ghi nhận từ Hiến pháp 1992 đến Hiến pháp 2013. Nó đánh dấu bản chất dân chủ tốt đẹp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn hướng đến việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ, nhân quyền phù hợp với những giá trị chung của nhân loại và điều kiện kinh tế- xã hội của Việt Nam./.

Ths.Nguyễn Hồng Hoai - Khoa NN-PL

Responsive image
 

 

các tin khác