Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Việt Nam – Tự hào dân tộc

03:35 23/04/2025

CN. Trần Thị Kim Ngọc

Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu

Tóm tắt: Bài viết nhằm ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thông qua việc khắc họa một số trận đánh tiêu biểu, những mưu lược tài tình của Đảng, Quân đội và Nhân dân ta, cùng với những tấm gương anh hùng kiên cường; khẳng định tinh thần bất khuất, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của người Việt Nam. Từ đó, đề cao trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang của ông cha ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ khóa: Dân tộc, lịch sử, tự hào, Việt Nam.

Đặt vấn đề

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam – Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Chiến thắng này không chỉ khẳng định ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta mà còn là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua bao cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để giành lấy độc lập, thống nhất Tổ quốc. Những chiến thắng lẫy lừng, những con người anh hùng đã trở thành biểu tượng bất diệt của lòng tự hào dân tộc.

Nội dung

1. Những chiến thắng lịch sử – biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng hòa bình

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là bản trường ca bi tráng của một dân tộc nhỏ bé về địa lý nhưng lớn lao về ý chí, nghị lực và khát vọng hòa bình. Trong thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã tiến hành hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để lại những dấu ấn rực rỡ không chỉ trong lịch sử dân tộc mà còn trong lịch sử giải phóng dân tộc của toàn nhân loại.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 chính là bản hùng ca khép lại hơn 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc. Với tốc độ thần tốc, táo bạo, quyết đoán, chiến dịch đã đánh thẳng vào trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn. Chỉ trong vòng 5 ngày, các cánh quân chủ lực Bắc – Nam – Đông – Tây như vết dầu loang tràn vào Sài Gòn. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975 đã trở thành biểu tượng bất tử, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tiến lên tầng thượng, cắm cờ khẳng định chủ quyền – thời khắc đó không chỉ kết thúc một chế độ, mà mở ra một kỷ nguyên: kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà. Đó không chỉ là một chiến thắng quân sự, mà là sự hội tụ của ý chí toàn dân tộc, khát vọng độc lập hòa bình đã được tôi luyện suốt thế kỷ đầy biến động.

Trước đó, Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã trở thành một biểu tượng cho bản lĩnh kiên cường, trí tuệ Việt Nam. Trong 12 ngày đêm khói lửa, Thủ đô Hà Nội kiêu hùng đã đứng vững trước trận tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của không lực Hoa Kỳ – lực lượng được xem là “vô đối” lúc bấy giờ. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bộ đội phòng không – không quân Việt Nam đã lập nên kỳ tích bắn rơi hàng chục “pháo đài bay”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam. Chiến thắng ấy một lần nữa khẳng định chân lý: sức mạnh của chính nghĩa, lòng dân và trí tuệ sẽ vượt qua mọi loại vũ khí tối tân nhất.

Không chỉ chống lại hai cường quốc lớn là Pháp và Mỹ, Việt Nam còn anh dũng bảo vệ biên cương phía Bắc trước cuộc tấn công bất ngờ của Trung Quốc năm 1979. Trong hoàn cảnh đất nước vừa thống nhất, còn nhiều khó khăn chồng chất, quân dân các tỉnh biên giới đã anh dũng cầm súng, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc năm ấy không chỉ là một cuộc phòng vệ chính nghĩa, mà còn là sự khẳng định với thế giới rằng: Dân tộc Việt Nam yêu hòa bình nhưng không bao giờ khuất phục.

Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, đội quân đánh thuê Hàn Quốc do Mỹ chi viện đã gây nhiều tội ác đối với nhân dân miền Nam. Song chính trong khói lửa bom đạn, sự bất khuất của quân dân ta càng được khẳng định. Những làng quê miền Trung, miền Nam vẫn kiên cường trụ vững, không để một tấc đất rơi vào tay địch, không để nhân dân bị khuất phục trước bạo lực và tội ác. Từ đó, thế giới hiểu rõ hơn rằng sức mạnh của Việt Nam không chỉ nằm ở vũ khí, mà nằm trong ý chí sắt đá và khát vọng sống hòa bình, độc lập của cả một dân tộc.

2. Những con người anh hùng – hiện thân của chủ nghĩa yêu nước và lòng quả cảm

Lịch sử Việt Nam không chỉ được viết bằng những chiến thắng lẫy lừng, mà còn bằng máu, nước mắt và sự hi sinh thầm lặng của biết bao người con ưu tú. Những người anh hùng ấy không phải lúc nào cũng là những người đứng đầu quân đội hay chính quyền, mà chính là những con người bình dị – nhưng phi thường – đã sống và chết cho lý tưởng tự do, độc lập của dân tộc.

Võ Thị Sáu là một biểu tượng sống động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong lần bị bắt cuối cùng, dù biết rõ án tử hình đang chờ đợi, cô gái nhỏ bé ấy đã hiên ngang bước ra pháp trường khi tuổi đời còn chưa tròn hai mươi, ánh mắt kiên cường, miệng hát bài “Tiến quân ca” bất chấp họng súng của kẻ thù. Sự ngẩng cao đầu và ánh mắt bình thản ấy đã khiến nhiều lính xử bắn phải quay mặt đi. Dư luận Pháp sau đó không khỏi rúng động, còn nhân dân miền Nam thì truyền nhau câu thơ:

“Chị Sáu ơi! Chị sống mãi trong lòng đất nước

Mỗi ngọn đồi, tấc đất cũng mang tên!”

Nguyễn Văn Trỗi, người chiến sĩ biệt động Sài Gòn, bị bắt khi chuẩn bị ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – McNamara. Trên đường ra pháp trường, tay a bị trói, miệng bị nhét giẻ, nhưng vẫn cố hét vang: “Đả đảo đế quốc Mỹ!”. Tại giây phút bị xử bắn, anh không cho bịt mắt, vẫn ngẩng đầu nhìn về hướng quê hương. Báo chí quốc tế gọi đó là “sự hiên ngang của một chiến sĩ giải phóng trẻ tuổi làm chấn động cả lương tri thế giới”.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương trở thành biểu tượng sống động của tinh thần bất khuất. Trong thời gian bị địch bắt và tra tấn dã man, ông phải chịu tới sáu lần bị cưa chân mà không dùng thuốc mê, vẫn tuyệt đối giữ vững khí tiết cách mạng, không hé lộ bất kỳ thông tin nào. Thân thể bị tàn phá nặng nề nhưng ý chí của ông không bao giờ khuất phục – đó là hình ảnh người chiến sĩ an ninh mang tinh thần “thà chết chứ không phản bội Tổ quốc”.

Tấm gương Anh hùng La Văn Cầu trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 cũng khắc sâu vào tâm trí bao thế hệ người Việt Nam. Trong lúc xung phong tiêu diệt lô cốt địch, ông bị thương nặng, gần đứt lìa cánh tay phải. Không chùn bước, ông đã tự cắn đứt phần tay còn dính da để tiếp tục ôm bộc phá lao vào kẻ thù, mở đường cho đồng đội tiến công. Sự hy sinh quên mình ấy là hiện thân sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Không chỉ trên mặt đất, mà cả trên không trung, lòng quả cảm và trí tuệ Việt Nam cũng được thể hiện một cách rực rỡ. Phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy – người bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trở thành một trong số ít phi công chiến đấu đạt đẳng cấp quốc tế – đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng dân tộc. Câu nói nổi tiếng của ông: “Nó có tên lửa nhưng chưa chắc bắn được. Mà nó có bắn mình chưa chắc gì trúng. Mà có trúng chưa chắc gì rơi. Mà có rơi thì chưa chắc chết” – không chỉ thể hiện bản lĩnh thép của người lính Việt Nam, mà còn phản ánh một cách sâu sắc tinh thần tự tin, quyết thắng và tâm thế làm chủ bầu trời Tổ quốc của không quân Việt Nam trong điều kiện chiến đấu hết sức chênh lệch về trang bị, kỹ thuật.

Cùng với đó, nhận định chiến lược đầy tính khoa học và thực tiễn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về máy bay B52 – biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ – cũng trở thành minh chứng cho trí tuệ quân sự Việt Nam. Đại tướng phân tích “Nếu số lượng B52 bị rơi từ 1 - 2% thì Mỹ vẫn chịu được. Nếu số lượng B52 bị rơi từ 6 - 7% thì Nhà Trắng sẽ rung chuyển. Còn nếu B52 rơi trên 10% thì Mỹ phải chính thức đầu hàng.” Thực tế Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã chứng minh tầm nhìn và tính toán của Đại tướng là hoàn toàn chính xác. Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 34 chiếc B52, buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom, ký kết Hiệp định Paris và rút quân về nước.

Song song với họ có biết bao người mẹ Việt Nam anh hùng, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến – những con người không tên tuổi nhưng góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại. Có người hy sinh nơi rừng sâu núi thẳm, người vĩnh viễn nằm lại bên đường mòn Trường Sơn, không bia đá ghi danh, nhưng họ là nhân chứng sống cho tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

 Bà mẹ Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) – người mẹ Việt Nam anh hùng có đến 9 người con và cháu là liệt sĩ. Suốt những năm chiến tranh, mẹ Thứ sống trong túp lều tranh, đi bán rau, nuôi quân. Khi được hỏi có tiếc con không, mẹ chỉ nói: “Miễn là nước nhà được độc lập, các con tôi chết cũng xứng đáng”. Tấm lòng ấy đã trở thành một phần cốt cách thiêng liêng trong tâm hồn Việt Nam.

Những nữ thanh niên xung phong ở Truông Bồn (Nghệ An), trong một đêm mưa bom bão đạn, đã kiên quyết không rút khỏi điểm giao thông xung yếu để giữ đường cho đoàn xe qua. 13 cô gái ấy mãi mãi nằm lại lòng đất, tuổi đời chưa quá đôi mươi. Người ta tìm thấy thi thể các cô vẫn còn nắm chặt tay nhau, tóc vướng đầy đất đá. Họ đã hóa thân thành bất tử, thành khúc tráng ca của tuổi trẻ Việt Nam.

Trong khi đất nước đã bước vào thời kỳ hòa bình, thống nhất, phát triển, thì đâu đó, những vết thương chiến tranh vẫn còn hiện hữu, day dứt và lặng lẽ tồn tại trong hình hài của những người lính năm xưa. Tại các trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần – nơi được Nhà nước chăm sóc, nuôi dưỡng những chiến sĩ từng bị tổn thương sâu sắc cả thể chất lẫn tinh thần – vẫn vang vọng những hồi ức chiến tranh không thể xóa nhòa. Có người nửa tỉnh, nửa mê, nhưng cứ mỗi dịp lễ 30/4, họ lại khoác lên mình bộ quân phục bạc màu, tay cầm lá cờ đỏ sao vàng và hát vang ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” với ánh mắt rực sáng niềm tự hào. Có người vẫn hô to “xung phong!” như đang ở chiến trường xưa, có người bật khóc hay giật mình giữa đêm vì nhớ mẹ, nhớ đồng đội, nhớ một thời trận mạc.

Họ không thể diễn tả bằng lời, nhưng trong từng hành động vô thức ấy là cả một trời ký ức hào hùng, là chứng tích sống động về sự hy sinh không thể đong đếm của một thế hệ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những con người ấy – dù đã lùi xa khỏi chiến trường – vẫn mang trong mình những vết tích không thể lành, là hiện thân của sự dâng hiến trọn vẹn vì hòa bình hôm nay. Chính vì vậy, các trung tâm điều dưỡng thương binh không chỉ là nơi chăm sóc y tế, mà còn là không gian thiêng liêng để tri ân, tưởng nhớ và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đây là một trong những nơi mà mỗi người dân Việt Nam – nhất là thế hệ trẻ – nên một lần đặt chân đến, để cúi đầu biết ơn và học cách sống xứng đáng với những hy sinh lớn lao mà họ đã từng gánh vác.

Những tấm gương anh hùng, những câu nói lịch sử ấy không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nước, sự quả cảm và trí tuệ, mà còn là cội nguồn sức mạnh tinh thần để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi thử thách, viết nên những trang sử vàng chói lọi. Đó chính là niềm tự hào to lớn, là di sản tinh thần vô giá cần được gìn giữ và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

3. Lòng tự hào dân tộc – ngọn nguồn sức mạnh trường tồn

Tự hào dân tộc không chỉ là cảm xúc nhất thời trước những chiến thắng hào hùng, mà còn là nền tảng tinh thần vững chắc cho sự trường tồn và phát triển của quốc gia. Chính lòng tự hào dân tộc đã nuôi dưỡng bản lĩnh kiên cường, khơi dậy sức mạnh đoàn kết, tạo nên sức bật vượt qua mọi thử thách trong lịch sử.

Từ thời Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc đến Quang Trung thần tốc đại phá quân Thanh, rồi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân đứng lên đánh đuổi thực dân, đế quốc – tất cả đều là những biểu hiện rực rỡ của tinh thần yêu nước. Đó là ngọn lửa truyền thống không bao giờ tắt, luôn được tiếp nối và bùng cháy trong mỗi thời kỳ lịch sử.

Ngày nay, lòng tự hào dân tộc cần được chuyển hóa thành hành động thiết thực – đó là ý chí vươn lên trong học tập, lao động sáng tạo, đấu tranh với cái xấu, gìn giữ chủ quyền quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế với tâm thế tự tin, bình đẳng. Tự hào dân tộc chính là chiếc cầu nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai, để mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau đều thấy mình là một phần của lịch sử, mang sứ mệnh tiếp nối truyền thống và viết tiếp những trang sử mới cho đất nước.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là bản trường ca bất tận về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất và khát vọng độc lập, tự do. Từ những chiến thắng vang dội như Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên mùa xuân đại thắng năm 1975, từ những cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống quân Trung Quốc xâm lược đến từng tấc đất được bảo vệ nơi biên giới phía Bắc, tất cả đã tạo nên một Việt Nam kiên cường, bản lĩnh, đầy tự hào. Những tấm gương anh hùng – Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn On… cùng hàng triệu người con vô danh đã ngã xuống vì Tổ quốc – là minh chứng bất tử cho chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ngày nay, khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, tinh thần ấy không hề phai nhạt mà trở thành động lực để mỗi người Việt Nam sống trách nhiệm hơn, cống hiến nhiều hơn. Tự hào dân tộc không chỉ nằm trong ký ức, mà còn phải được thắp sáng trong hiện tại và tương lai – bằng hành động cụ thể, bằng khát vọng vươn lên, bằng ý chí xây dựng một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Tưởng nhớ quá khứ để sống tốt cho hiện tại, gìn giữ hòa bình để phát triển tương lai – chính là cách thiết thực nhất để mỗi thế hệ người Việt hôm nay thể hiện lòng biết ơn và niềm tự hào thiêng liêng đối với dân tộc mình./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2020), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

2. Võ Nguyên Giáp (2004), Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội nhân dân.

3. Nguyễn Trọng Phúc (chủ biên) (2015), Lịch sử Việt Nam hiện đại (1945 – 1975), NXB Giáo dục.

4. Bộ Quốc phòng (2010), Lịch sử các cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân.

5. Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Báo điện tử Chính phủ, các bài viết chuyên đề về chiến thắng 30/4 và các anh hùng dân tộc.

các tin khác