02:46 24/12/2019
Tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng vào đổi mới, hội nhập, phát triển đem lại cho Đảng ta những chỉ dẫn vô cùng quý giá, là chân lý bền vững của muôn đời. Những chỉ dẫn đó không chỉ là lý luận mà còn là phương pháp, trước hết là phương pháp luận duy vật biện chứng...
ĐỔI MỚI, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN TRONG SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG HỒ CHÍ MINH
Toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn đổi mới, hội nhập và phát triển. Với chí đuổi thực dân Pháp và khát vọng giải phóng, ngay từ buổi thiếu niên, hoài nghi về những khái niệm đẹp đẽ về “Tự do - bình đẳng - bác ái”, không đi con đường “Đông du” của Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh tự thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Đó là con đường “Tây du”, hoàn toàn xa lạ với suy nghĩ “xin giặc rủ lòng thương”, “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau” hoặc “nặng cốt cách phong kiến”. Con đường của Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc là con đường mang cốt cách đổi mới, hội nhập và phát triển, muốn khám phá, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau các từ ngữ đẹp đẽ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” và sứ mệnh “khai hóa” mà người Pháp không thực hiện cho đồng bào họ trước khi “khai hóa” chúng ta. Con đường đó ngay từ những ngày đầu đã đem lại cho Nguyễn Tất Thành những nhận thức mới mẻ về người nghèo - kẻ giàu; kẻ áp bức và người bị áp bức; người thiện - người ác; rằng “ở Pháp cũng có người nghèo khổ như bên ta”, “người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương”.
Xoay quanh trục đổi mới, hội nhập và phát triển, tư duy, tầm nhìn và cách nhìn của Hồ Chí Minh từ tuổi trẻ đến phút cuối cùng cho thấy sự hòa quyện giữa dân tộc và nhân loại; lý luận và thực tiễn, nhận thức và hành động, cả trong tư tưởng, đạo đức, phương pháp và phong cách. Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc tính biện chứng, phép biện chứng của phát triển, thông qua các mối quan hệ. Theo Người, đời sống có bốn mặt ngang nhau, không được xem nhẹ một mặt nào, đó là kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội.
Triết lý của Người về phát triển Việt Nam là độc lập - tự do - hạnh phúc. Nước thuộc địa thì trước hết phải giành cho kỳ được độc lập dân tộc, không giành được độc lập thì không có gì hết. Nhưng nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của độc lập, của tự do khi họ được ăn no, mặc đủ.
Người chỉ rõ trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng “thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa”(1). Nhân hòa là quan trọng hơn hết. Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí; là sự thống nhất cao độ về tư tưởng, đạo đức và bổn phận với nước với dân.
Khi luận bàn về Dân - Đảng - Chính phủ, Hồ Chí Minh cũng cho thấy mối quan hệ biện chứng của các nhân tố đó liên quan đến đổi mới, hội nhập và phát triển. Theo Người, kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết rằng có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Do đó, để đổi mới, hội nhập, phát triển thành công phải dựa vào dân, phải thuận theo ý dân, không làm điều gì trái ý dân. Không có dân thì Đảng và Chính phủ không đủ lực lượng, nhưng không có Đảng và Chính phủ thì nhân dân không có ai dẫn đường. Cách mạng trước hết phải có Đảng. Sứ mệnh của Đảng là lãnh đạo nhân dân, nhưng “lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt”(2). Về mối quan hệ Đảng và Nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin”.
Sự nghiệp đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, thực sự là một quá trình cải biến cách mạng toàn diện, sâu sắc, triệt để hướng tới phát triển, thông qua hội nhập càng phải dựa vào sức mạnh nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(3). Một sự tường minh về quan hệ Đảng - Nhân dân không chỉ là đổi mới về nhận thức mà thực chất là phát triển, từ phát triển tư duy lý luận đến phát triển đất nước nằm trong tiến trình cách mạng Việt Nam cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại.
Trong lý luận về dân chủ, Người nhấn mạnh dân chủ là của quý báu nhất. Thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để thực hiện mọi nhiệm vụ, để vượt qua mọi khó khăn. Tầm nhìn và trù tính đó nằm sâu trong triết lý đổi mới, hội nhập, phát triển của Hồ Chí Minh mà giá trị cốt yếu, nổi bật là triết lý nhân sinh và hành động. Người thấm nhuần sâu sắc tính nhân dân và dân chủ, gắn liền khoa học với đạo đức, chính trị và văn hóa. Chất nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo cao cả của Hồ Chí Minh thể hiện trong sự lựa chọn hệ giá trị của phát triển mà Người nỗ lực thực hiện suốt đời là Tổ quốc và Nhân dân: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh; đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Những nội dung nằm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập, phát triển; là những chỉ dẫn không chỉ là lý luận mà còn là phương pháp, trước hết là phương pháp luận. Đó là phương pháp luận duy vật biện chứng mang đặc trưng thực hành của nhà biện chứng thực hành Hồ Chí Minh, là cơ sở giúp chúng ta trả lời câu hỏi về sự tác động lẫn nhau giữa đổi mới, hội nhập và phát triển, về tính thống nhất biện chứng giữa đổi mới, hội nhập và phát triển.
NHẬN THỨC MỚI VỀ ĐỔI MỚI, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Sự tác động lẫn nhau giữa đổi mới, hội nhập và phát triển bắt đầu từ đổi mới, do tình hình mới, nhiệm vụ mới đặt ra, cả những vấn đề cụ thể, bức xúc trước mắt lẫn những vấn đề sâu xa, chiến lược lâu dài. Sự thống nhất biện chứng, tác động qua lại của đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh có thể được nhìn nhận qua các biểu hiện sau:
Thứ nhất, đổi mới là tất yếu của phát triển. Đổi mới có nội dung toàn diện gắn liền với dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống, có lực đẩy quan trọng là tư tưởng giải phóng để khai thông, khai thác và phát huy mọi tiềm năng, mọi nguồn trữ năng, từ vật chất đến tinh thần của xã hội, hướng tới phát triển, phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước. Đổi mới là nhân tố nổi bật tác động tới hội nhập và phát triển. Đổi mới không chỉ là tiền đề mà còn là điều kiện và động lực của hội nhập, của phát triển.
Trong bối cảnh của tình hình thế giới và đất nước hiện nay và những năm sắp tới, vấn đề không chỉ đổi mới mà phải đổi mới toàn diện, đồng bộ với khâu đột phá là đổi mới tư duy. Chúng ta đã đổi mới tư duy từ hơn 30 năm trước nhưng phải hiểu rằng thế giới, đất nước ngày một phát triển, tư duy phải luôn luôn đổi mới. Hồ Chí Minh chỉ dẫn rằng “nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”(4).
Thành công của sự nghiệp đổi mới từ hơn ba mươi năm trước bắt đầu bằng đổi mới tư duy về tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Bước vào đổi mới, thái độ của Đảng ta là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Đó là bản lĩnh, dũng khí của một Đảng chân chính cách mạng vì nước, vì dân. Đó cũng chính là những viên ngọc trong kho tàng đầy của báu của Hồ Chí Minh khi Người khẳng định: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng đắn, hôm sau đã không hợp thời nữa, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(5).
Cũng như trước đây, vấn đề đặt ra hiện nay không phải chỉ có nhiệt tình, quyết tâm đổi mới là đủ; có tầm nhìn và khát vọng là cần thiết. Nhưng đổi mới phải tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, từ những bài học tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, hướng vào giải quyết những vấn đề do thực tiễn dặt ra, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới. Đổi mới dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh là tuyệt đối không phiến diện, cực đoan, chủ quan, duy ý chí.
Thứ hai, hội nhập - từ hội nhập kinh tế đến hội nhập quốc tế - là điều kiện, là phương thức tất yếu để đổi mới gắn liền với mở cửa, hướng ra bên ngoài, tìm kiếm các ngoại lực nhằm tăng cường nội lực cho phát triển bền vững ở nước ta. Hội nhập tác động tới tiến trình đổi mới, đặt ra yêu cầu thúc đẩy đổi mới toàn diện, đồng bộ, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
Mỗi bước đi của hội nhập quốc tế đều phải chứa đựng tinh thần đổi mới và phát triển. Tức là hội nhập phải luôn luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết theo đúng tinh thần “dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết” trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải kiên định độc lập, tự chủ với chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, “dựa vào sức mình là chính”, “muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”, “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(6); kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Muốn đổi mới và phát triển thì phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để thêm bạn bớt thù; mở rộng, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và anh ninh của đất nước; đồng thời nhằm khẳng định trách nhiệm của chúng ta đối với cộng đồng quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng nhận thức của chúng ta về quan hệ giữa độc lập, tự chủ và quan hệ quốc tế: không chấp nhận một chủ nghĩa quốc gia cực đoan, thủ cựu, hẹp hòi, vị kỷ và không bao giờ có một chủ nghĩa quốc tế không tưởng.
Thứ ba, phát triển là mục tiêu, là định hướng cho đổi mới và hội nhập. Từ mục tiêu và định hướng của phát triển mà phát triển tác động tới đổi mới, tới hội nhập. Mục tiêu ấy là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Định hướng ấy là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam. Gắn tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển với chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới, Phạm Văn Đồng chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam là sự kết thúc thắng lợi hành trình lịch sử của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã vạch ra từ đầu thế kỷ, là sự thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người, là đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng ba cuộc giải phóng của Việt Nam, từ đó chân trời càng mở rộng cho đà tiến cao xa hơn nữa, trên con đường phát triển vô hạn của dân tộc, xã hội và con người”(7).
Phát triển xét đến cùng gắn với con người với tư cách là chủ thể các quan hệ xã hội, đồng thời còn có mặt trong các quan hệ sản xuất, gắn liền và tạo ra lực lượng sản xuất và là một loại lực lượng sản xuất đặc biệt tạo ra phương thức sản xuất. Xét theo phương diện chính trị - xã hội trong sự phát triển xã hội, một điều quan trọng là tạo ra chất người, có tư cách làm người mà hạt nhân là nhân tính, đồng thời phải giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của con người để phát triển con người. Như vậy, một chiều kích của sự phát triển xã hội là sự phát triển nhân cách theo hướng hoàn chỉnh và hoàn thiện; phát triển theo giá trị bất hủ của văn hóa loài người, hướng con người tới cái chân, cái thiện, cái mỹ, sự lành mạnh về thể chất và tâm hồn.
“Phát triển là trạng thái cho phép chúng ta thỏa mãn những nhu cầu tốt đẹp của con người. Phát triển, suy cho cùng, chính là sự phát triển những giá trị của con người chứ không phải là tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển chân chính là những khả năng, năng lực và những thành tựu do con người tạo ra”(8). Vì vậy, phải lấy sự hài lòng và niềm tin của người dân làm thước đo cho sự phát triển.
Theo cách tiếp cận của Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thì “xét đến cùng, sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của sự phát triển”. Như vậy, sự phát triển xã hội không chỉ là sự kết hợp hài hòa giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất với sự phát triển của quan hệ sản xuất, mà chính là sự phát triển con người, sự phát triển nhân cách và sáng tạo của con người. Luận điểm của C.Mác về “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” và luận điểm của Hồ Chí Minh “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” hàm chứa trong đó ý nghĩa căn bản là sự giải phóng con người thoát khỏi mọi sự tha hóa, tạo khả năng nâng cao năng lực, phẩm giá trong sự phát triển toàn diện con người. Mục đích và ý nghĩa căn bản của sự phát triển xã hội thể hiện ở sự giải phóng con người không chỉ là nhu cầu và lợi ích con người mà còn giải quyết sự hài hòa giữa con người và tự nhiên trong sự thống nhất các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người. Điều này phản ánh đúng cái tất yếu của lịch sử và đáp ứng yêu cầu của tiến bộ xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng vào đổi mới, hội nhập, phát triển đem lại cho Đảng ta những chỉ dẫn vô cùng quý giá, là chân lý bền vững của muôn đời. Những chỉ dẫn đó không chỉ là lý luận mà còn là phương pháp, trước hết là phương pháp luận duy vật biện chứng mang đặc trưng thực hành của nhà biện chứng thực hành Hồ Chí Minh, là cơ sở giúp chúng ta trả lời câu hỏi về sự tác động lẫn nhau giữa đổi mới, hội nhập và phát triển, về tính thống nhất biện chứng giữa đổi mới, hội nhập và phát triển./.
* Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 5, tr. 594.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 292.
3, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 270, 445.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 55.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 28.
7. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2012, tr. 220
8. Nguyễn Trần Bạt: Cải cách và sự phát triển (tiểu luận), Nxb. Hội Nhà văn, H, 2005, tr. 36-37.
PGS. TS. Bùi Đình Phong - Tạp chí Tuyên giáo trung ương