Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Thiêng liêng cờ Tổ quốc

09:02 31/03/2025

CN. Dương Phước Tường

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

Lá cờ Tổ quốc là biểu tượng quốc gia, kết tinh sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. lá cờ không chỉ là hình ảnh đại diện cho quốc gia mà còn là ngọn lửa tinh thần thôi thúc lòng yêu nước, ý chí chiến đấu và niềm tự hào dân tộc.

Với dân tộc Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn luôn là biểu tượng thiêng liêng, thể hiện ý chí và nguồn động lực vô biên trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Cách đây 80 năm, trong mùa thu cách mạng năm 1945, hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước đã tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ khóa: cờ đỏ sao vàng, biểu tượng, thiêng liêng, Quốc kỳ, Tổ quốc

1.Nguồn gốc, ý nghĩa biểu tượng lá cờ Tổ quốc Việt Nam

Cuối năm 1940, tình hình kháng chiến chống Thực dân Pháp và Phát xít Nhật tại các tỉnh Nam Kỳ đang diễn ra mạnh mẽ. Để tiến tới khởi nghĩa, Xứ ủy Nam Kỳ đã họp mở rộng bàn kế hoạch vào ngày 21-23/9/1940. Trong cuộc họp này, một vấn đề được đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và động viên quần chúng.

Sau nhiều lần phác thảo, cuối cùng một lá cờ đã ra đời với nền đỏ chính giữa có ngôi sao vàng 5 cánh.

“Hỡi những ai máu đỏ da vàng

Hãy chiến đấu với cờ thiêng Tổ quốc

Nền cờ thắm máu đào vì đất nước

Sao vàng tươi da của giống nòi

Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi

Hỡi Sĩ-công-nông-thương-binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.

                 (Tác giả Nguyễn Hữu Tiến)

Lần đầu tiên, lá cờ được sử dụng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và sau đó trở thành biểu tượng của khát vọng độc lập, hòa bình, tự do.

Tháng 5/1941 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 quyết định thành lập Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật, lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ.

Ngày 22/12/1944 tại Tân Trào, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (hình thức ban đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam), được thành lập. Trong ngày ra mắt trọng đại ấy, lá cờ đỏ sao vàng tung bay được xem như biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta.

Ngày 19/8/1945, các đoàn biểu tình của quần chúng với cờ đỏ sao vàng trên tay như thác cuốn. Tất cả đều dẫn về hướng Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi hai ngày trước đó, vào chiều 17/8/1945, lá cờ đỏ sao vàng cùng bài hát “Tiến quân ca” lần đầu tiên xuất hiện công khai và trở thành biểu trưng cho ngày tổng khởi nghĩa 19 tháng 8.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, cả dãy đất hình chữ S của Việt Nam ta, chính quyền đã về tay Nhân dân. Lúc 14 giờ ngày 02/9/1945, trong nắng mùa thu tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” dưới lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Là cờ Tổ quốc Việt Nam với hình ngôi sao vàng 5 cánh trên nền đỏ, có thiết kế đơn giản nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc.

Nền đỏ tượng trưng cho màu máu của những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thể hiện tinh thần cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập.

Ngôi sao vàng năm cánh đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân, bao gồm năm tầng lớp xã hội, đó là trí thức, công nhân, nông dân, thương nhân và quân đội. (sĩ – công – nông – thương – binh)

Màu vàng của ngôi sao là màu da vàng, nó không chỉ tượng trưng cho sự tươi sáng, giàu có mà còn phản ánh hình ảnh của dân tộc Việt Nam, một dân tộc kiên cường, bất khuất nhưng cũng đầy nhân văn và bao dung. Ngôi sao vàng sáng rực ở trung tâm lá cờ tượng trưng cho “ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng”, biểu trưng cho sự soi đường của Đảng Cộng sản Việt Nam.

So với Quốc kỳ năm 1945, Quốc kỳ nền đỏ sao vàng theo mẫu năm 1956 có một chút điều chỉnh: “những cánh sao vàng từ nay không làm theo đường cong như trước mà làm theo đường thẳng”. Mặc dù vậy, hồn cốt của lá cờ và nội dung ý nghĩa không hề thay đổi, và trở thành một biểu tượng đẹp, ấn tượng, mang đậm nét dân tộc Việt.

2. Văn bản pháp lý quy định về Quốc kỳ Việt Nam

Lá cờ đỏ sao vàng được quy định là Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua các văn bản pháp lý quan trọng sau đây:

(1) Văn kiện Chương trình Việt Minh do Hồ Chí Minh soạn thảo (tháng 5/1941), trong đoạn mở đầu ghi rõ: “sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.3, tr.269]. Đây được coi là văn bản đầu tiên chính thức quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

(2) Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập và tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Hồ Chủ tịch đã gửi thư kêu gọi đồng bào nổi dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền dưới lá cờ Việt Minh.

(3) Ngày 05/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 5-SL ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Sắc lệnh gồm 3 điều và một bản phụ kèm theo. “Điều 1. Cờ quẻ ly nay bãi bỏ. Điều 2. Quốc kỳ Việt Nam ấn định như sau này: a) Hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; b) Nền màu đỏ máu, ở giữa gần sao 5 cánh màu vàng nghệ tươi. Kích thước và cách gắn sao đã ấn định trong bản phụ đính kèm theo Sắc lệnh này”.

(4) Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946). Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua ngày 9/11/1946, tại Điều 3: “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh.” Đây là văn bản pháp lý đầu tiên chính thức xác nhận lá cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập.

(5) Năm 1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ số 974-TTg ngày 21/7/1956 về việc dùng Quốc kỳ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Quốc kỳ hình chữ nhật, nền đỏ thắm, giữa có sao vàng năm cánh màu vàng tươi. Các cánh sao làm theo đường thẳng. Trung tâm của sao đặt đúng trung tâm của cờ. Một cánh sao quay thẳng lên trên.”

(6) Hiến pháp năm 1959, tại Điều 109 quy định: “Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

(7) Tiếp đó, tại Điều 142, Hiến pháp năm 1980; Điều 141, Hiến pháp năm 1992: “Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

(8) Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2242:1977 về Quốc kỳ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cờ may bằng vải được chuyển đổi năm 2008 ban hành bởi Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Tiêu chuẩn này qui định cỡ loại, hình dáng kích thước cơ bản và yêu cầu kỹ thuật của Quốc kỳ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam may bằng vải hoặc bằng các nguyên liệu khác có thuộc tính vải. Đảm bảo quốc kỳ luôn được thể hiện đúng chuẩn mực, tôn vinh giá trị thiêng liêng và trang trọng của biểu tượng quốc gia.

(9) Ngày 2/10/2012, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hướng dẫn này được đưa ra căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong đó có Điều lệ số 974-TTg ngày 21/7/1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc dùng Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(10) Đến Hiến pháp 2013, tại Điều 13, khoản 1: “Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”. Đây là văn bản pháp lý hiện hành, tiếp tục khẳng định lá cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của Việt Nam, biểu tượng của độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

3. Giá trị thiêng liêng lá cờ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam

Lá cờ Tổ quốc gắn liền với các giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, động viên Nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách. Lá cờ đỏ sao vàng không chỉ là biểu tượng của quốc gia mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh lá cờ dẫn đầu các đoàn quân tiến công, được cắm trên những cứ điểm quan trọng sau mỗi trận chiến thắng, càng khẳng định ý chí kiên cường và lòng yêu nước cháy bỏng của dân tộc. Hình ảnh lá cờ tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát trong chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 hay trên Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 là minh chứng hùng hồn cho sự kiên cường, bất khuất ấy.

Mỗi khi lá cờ cắm trên đỉnh chiến thắng, đó là sự khẳng định rằng Việt Nam đã chiến đấu và giành lại chủ quyền bằng chính ý chí và sức mạnh của mình. Trong những thời khắc khó khăn nhất, lá cờ Tổ quốc là biểu tượng của niềm tin và hy vọng. Lá cờ Tổ quốc không chỉ xuất hiện trong các trận chiến mà còn được gìn giữ và tôn vinh qua nhiều thế hệ. Những người lính ra trận luôn mang theo lá cờ, thậm chí có những chiến sĩ đã dùng chính máu của mình để nhuộm đỏ và bảo vệ lá cờ đến hơi thở cuối cùng.

Trong hòa bình và xây dựng đất nước, lá cờ là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển và hội nhập quốc tế. Bất cứ nơi đâu trên thế giới, khi lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện, nó đều khơi dậy niềm tự hào và sự xúc động mạnh mẽ trong lòng mỗi người Việt Nam, đó là lòng tự hào, niềm tin và ý thức trách nhiệm với đất nước, quê hương.

Lá cờ Tổ quốc khi được treo trong các hoạt động chính trị - xã hội mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện lòng tự hào dân tộc và tạo nên không khí trang nghiêm. Trong các sự kiện quan trọng như đại hội đảng, bầu cử, mít tinh, kỷ niệm các ngày lễ lớn như Quốc Khánh 2/9, Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch), chiến thắng 30/4, hay Tết Nguyên đán,…khắp đường phố, cơ quan, nhà dân đều rực rỡ sắc đỏ của lá cờ, tạo nên không khí trang trọng và thiêng liêng. Hành động này không chỉ bày tỏ lòng biết ơn đối với cha ông đã hy sinh vì độc lập, tự do, mà còn nhắc nhở thế hệ hôm nay về trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc.

Bên cạnh đó, việc treo cờ vẫn thể hiện sự tôn trọng đối với lịch sử, nâng cao ý thức công dân trong công việc thực hiện nghĩa vụ quốc gia. Hình ảnh lá cờ tung bay trong gió còn góp phần tô điểm không gian, tạo nên cảm giác phấn khởi, cổ vũ tinh thần làm việc, học tập và cống hiến. Khi mỗi gia đình, mỗi con đường, mỗi khu phố cùng đồng lòng thực hiện, sắc đẹp này trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng, góp phần củng cố lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Khi đi đến những vùng rừng núi xa xôi, vùng biên cương hiểm trở, chỉ cần bắt gặp lá cờ đỏ sao vàng tung bay là lòng ta cảm thấy an yên, tinh thần thêm phấn chấn, như tiếp thêm ý chí.

Lá cờ Tổ quốc không chỉ là biểu tượng thiêng liêng trong nước mà còn thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Khi xuất hiện tại các sự kiện ngoại giao, hội nghị quốc tế, các giải đấu thể thao quốc tế hay các hoạt động đối ngoại, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng chính là đại diện cho đất nước, con người và bản sắc dân tộc Việt Nam. Lá cờ tung bay trên các diễn đàn thể hiện sự chủ động, sẵn sàng hội nhập, đồng thời khẳng định uy tín, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong các sự kiện thể thao như SEA Games, ASIAD, Olympic,... mỗi lần lá cờ được kéo lên khi quốc ca vang lên là khoảnh khắc chiến thắng đầy tự hào. Không chỉ như vậy, khi kiều bào ta ở nước ngoài tổ chức hoạt động cộng đồng, lá cờ Tổ quốc cũng là sợi dây kết nối những người con xa quê, có thể tạo nên sự gắn kết với quê hương.

Chính vì thế, lá cờ Việt Nam không chỉ mang lại giá trị lịch sử mà còn là biểu tượng của một đất nước độc lập, tự cường, sẵn sàng hợp tác, phát triển và khẳng định bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngoài những hành vi, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cực đoan nhằm bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử, ý nghĩa của lá cờ Tổ quốc, thì đâu đó, chúng ta cũng còn bắt gặp những hành vi không tôn trọng lá cờ Tổ quốc hay việc sử dụng cờ không đúng mục đích, không đúng quy định của Nhà nước, ví dụ như:

Sử dụng cờ để quảng cáo, tiếp thị, phục vụ cho mục đích kinh doanh, thương mại, giải trí mà chưa xin phép hoặc không có giấy phép kinh doanh.

Treo cờ bị rách, phai màu, hư hỏng hoặc để cờ trên mặt đất hoặc sử dụng cờ Tổ quốc để che chắn, làm vật trang trí cho các vật dụng khác; đặt ở nơi thấp hơn các biểu tượng khác hay trong các không gian thiếu trang nghiêm.

Cờ không đúng quy cách, thay đổi hình dạng, màu sắc hoặc in, vẽ thêm các hình ảnh, biểu tượng không phù hợp lên lá cờ và treo cờ ngược.

4. Phát huy giá trị biểu tượng của lá cờ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay

          Nhằm để hạn chế những hành vi vi phạm, những sai sót trong quá trình sử dụng hình ảnh lá cờ và việc treo cờ Tổ quốc, góp phần phát huy giá trị truyền thống, ý nghĩa thiêng liêng của lá cờ đỏ sao vàng, cần thực hiện những giải pháp sau:

Trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là bậc phổ thông và đại học, cần đẩy mạnh công tác giảng dạy lịch sử dân tộc, nhấn mạnh ý nghĩa của lá cờ như một biểu tượng thiêng liêng, gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phát triển đất nước. Các hoạt động như chào cờ, sinh hoạt dưới cờ, hội thi tìm hiểu lịch sử, giao lưu với nhân chứng lịch sử không chỉ giúp học sinh, sinh viên hiểu sâu sắc hơn về truyền thống hào hùng của dân tộc mà còn khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị đó. Đồng thời, giáo dục về lá cờ Tổ quốc cần được lồng ghép với việc nâng cao nhận thức chính trị, củng cố bản lĩnh, ý chí tự cường và khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.

          Ban Tuyên giáo và Dân vận các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về việc sử dụng Quốc kỳ đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường hay sử dụng hình ảnh lá cờ Việt Nam; các dịch vụ quảng cáo, cơ sở sản xuất cờ (may cờ) và tổ chức, cá nhân đảm trách nhiệm vụ quản lý cờ, treo cờ,… bằng nhiều hình thức như gặp gỡ trực tiếp, tập huấn, hội thi, các phong trào thi đua, báo, đài, truyền hình, trên không gian mạng, trên các nền tảng số, nhân rộng những mô hình hay, những hành động đẹp về sự tôn trọng lá cờ Tổ quốc; bên cạnh đó, cũng tiếp tục chia sẻ những hành vi vi phạm trong việc sử dụng Quốc kỳ đã bị xử lý theo luật pháp.

Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”. Trong đó có Điều 30 quy định mức xử phạt đối với tàu cá khi vi phạm quy định về treo cờ quốc tịch và Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[1]. (Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi treo cờ không đúng quy định hoặc không treo cờ quốc tịch, Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên tàu cá khi hoạt động. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần.)

Điều 351, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hành vi xúc phạm Quốc kỳ được quy định như sau: Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm đối với những hành vi: (1) Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi cố ý xúc phạm Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động như: Viết, vẽ những nội dung không lành mạnh liên quan đến Quốc kỳ, hành vi có tính chất nhạo báng, sỉ nhục hoặc có những hành động khác làm biến dạng, phá hỏng Quốc kỳ. (2) Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

Mỗi công dân chúng ta không được dùng cờ Tổ quốc để làm khăn trải bàn, vải phủ đồ vật. Cờ phải được giữ trong tình trạng sạch sẽ, không được vấy bẩn, bị rách hoặc bị in thêm các hình ảnh, thông điệp, slogan không liên quan đến ý nghĩa quốc gia; không được để trên mặt đất hay những nơi không sạch sẽ.

          Triển khai Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 2/10/2012, của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Văn bản này vẫn được xem là văn bản hướng dẫn sử dụng hiện hành. Những quy định cần phải nắm rõ như:

- Về tạo hình Quốc kỳ: “…Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh…”

   + “…Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ; Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ; Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ.

   + Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu; Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau. Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi...”

- Về cách treo: “…Khi treo Quốc kỳ chú ý đừng để ngược ngôi sao; Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với Quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn Quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao…”

- Về việc treo Quốc kỳ trong khu vực lễ hội: Quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 12, Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội: “...Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo; chỉ treo cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức lễ hội...”

Lá cờ Tổ quốc không chỉ là biểu tượng thiêng liêng của đất nước mà còn thể hiện lòng tự hào, ý chí và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Việc hiểu rõ nguồn gốc, giá trị, từ đó bảo vệ, tôn vinh và quảng bá hình ảnh lá cờ trong các hoạt động chính trị, văn hóa, thể thao không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam mà còn góp phần giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sự tôn nghiêm của Quốc kỳ, đồng thời tích cực lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đất nước ra thế giới. Chính từ những hành động nhỏ nhưng thiết thực ấy, chúng ta cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh, hội nhập và phát triển bền vững, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Tài liệu tham khảo

1. Báo điện tử Chính phủ: Những hành vi được coi là xúc phạm Quốc kỳ (https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-hanh-vi-duoc-coi-la-xuc-pham-quoc-ky-119241218125046871.htm)

2. Báo Nhân dân điện tử: Cờ đỏ sao vàng – biểu tượng thiêng liêng đặc biệt của dân tộc Việt Nam (https://nhandan.vn/co-do-sao-vang-bieu-tuong-thieng-lieng-dac-biet-cua-dan-toc-viet-nam-post712980.html)

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn số 3420 /HD-BVHTTDL ngày 2/10/2012 về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2021

5. TS. Nguyễn Hữu Mạnh: Câu chuyện lá cờ đỏ sao vàng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Báo Điện tử Lao động (https://laodong.vn/thoi-su/cau-chuyen-la-co-do-sao-vang-trong-cach-mang-thang-tam-nam-1945-1230158.ldo)

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011.

7. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2015.

8. Thanh Tuấn, - Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam: BỘ NỘI VỤ https://moha.gov.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=22D48E3E00E317DB107E3706F225B1CE22F006B7C704FC8B6894F6ABCA85660A&ItemID=45235&webP=portal

 

các tin khác
Càng học lý luận, càng tin yêu Đảng hơn

EMC Đã kết nối EMC