Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số lưu ý trong quá trình tiếp xúc cử tri của Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã

01:51 11/12/2023

ThS. Trần Kim Hoàng

Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật

Tiếp xúc cử tri là một trong những hình thức giữ mối hiên hệ của đại biểu với cử tri thông qua các hoạt động gặp gỡ giữa đại biểu với cử tri để trao đổi thông tin, giúp đại biểu thu thập và phản ánh ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để trao đổi thông tin, giúp đại biểu thu thập và phản ánh ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với Hội đồng nhân dân (HĐND) và các cơ quan nhà nước ở địa phương; báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động Nhân dân thực hiện nghị quyết đó; báo cáo với cử tri về kết quả hoạt động của đại biểu. Khi tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Đối với công tác chuẩn bị

Một là, xác định địa điểm tiếp xúc cử tri

Địa điểm tiếp xúc cử tri cần bố trí ở nơi thuận tiện cho việc đi lại, phù hợp với địa bàn địa phương nhưng cần lưu ý địa điểm tiếp xúc có thể sử dụng được nhiều loại phương tiện khác nhau để bố trí thời gian đi phù hợp, lựa chọn các phương tiện đi lại cho thuận tiện.

Tiếp đến đại biểu nên nghiên cứu rõ đối tượng cử tri mà mình tiếp xúc trên địa bàn, thông thường đối tượng cử tri rất đa dạng, với nhiều thành phần khác nhau, trình độ học vấn, tuổi tác, giới tính... Việc nghiên cứu, tìm hiểu rõ cử tri sẽ giúp đại biểu HĐND chuẩn bị nội dung, tâm lý, cách ứng xử phù hợp khi tiếp xúc với cử tri.

Hai là, phân công công việc rõ ràng trong tổ đại biểu

Một buổi tiếp xúc cử tri không chỉ có một đại biểu tiếp xúc mà thường có một số đại biểu cùng tham gia. Vì vậy, nên có sự phân công trong các đại biểu dự tiếp xúc cử tri, trong đó có phương án dự phòng trường hợp đại biểu nào đó vì lý do công tác đột xuất không thể dự cuộc tiếp xúc cử tri thì có đại biểu khác thay thế đảm nhiệm công việc, tránh trường hợp không có người đảm nhiệm thay hoặc đảm nhiệm thay được nhưng không nắm bắt được công việc.

Ba là, đại biểu nghiên cứu trước kế hoạch để xác định được nội dung kế hoạch tiếp xúc cử tri, thậm chí có kịch bản cho buổi tiếp xúc cử tri để trong trường hợp có những vấn đề không muốn xảy ra, đại biểu có thể xử lý tốt.

Bốn là, nắm bắt tình hình chung của địa phương nơi mình tiếp xúc

Đây là nội dung quan trọng, đại biểu nên có sự chuẩn bị trước, nghiên cứu tình hình thực tế địa phương nơi mình tiếp xúc, hiểu rõ được thực tế về mọi mặt của đời sống xã hội nơi đại biểu tiếp xúc có thể nói buổi tiếp xúc đã thành công 50%. Đại biểu HĐND cấp xã lưu ý tới tình hình cấp xã nơi tiếp xúc và tình hình cụ thể tại khóm, ấp, tổ dân phố nơi tiếp xúc, nhất là các vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận.

Năm là, thu thập tài liệu phục vụ cho tiếp xúc cử tri

Việc chuẩn bị tài liệu phải căn cứ vào mục đích của buổi tiếp xúc cử tri, đối tượng cử tri và địa bàn tiếp xúc. Nếu tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, đại biểu cần chuẩn bị chương trình kỳ họp, các nội dung kỳ họp HĐND sẽ bàn tới, sẽ thông qua; thông tin về tình hình kinh tế - xã hội... Nếu tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu chuẩn bị báo cáo kết quả kỳ họp, nội dung các nghị quyết đã được HĐND thông qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri đã giải quyết đến đâu, nội dung nào, vấn đề nào đã giải quyết được, vấn đề nào chưa giải quyết được và lý do vấn đề chưa giải quyết…

2. Hoạt động trong tiếp xúc cử tri

Trong buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu dành nhiều thời gian để cử tri được thể hiện tâm tư nguyện vọng, đề xuất ý kiến, kiến nghị; có cách thức huy động sự tham gia ý kiến của nhiều cử tri, tránh tình trạng có cử tri nói quá nhiều, lần tiếp xúc nào cũng nói, trở thành cử tri “chuyên nghiệp” nói, còn các cử tri khác không có thời gian để trình bày ý kiến của mình. Quá trình tiếp xúc cử tri tại các địa phương nơi dự báo có nhiều vấn đề bức xúc thì mời đại diện lãnh các cơ quan chuyên môn cùng tham dự để nắm bắt, trả lời và làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

Tại buổi tiếp xúc cử tri nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương để giải đáp, giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh tình trạng đại biểu HĐND chuyển giao toàn bộ ý kiến cử tri đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết mà không có một sự giải thích nào trong buổi tiếp xúc, buổi tiếp xúc chỉ nghe và tiếp thu ý kiến trình cấp có thẩm quyền không thôi thì không thuyết phục được người dân.

3. Hoạt động sau khi tiếp xúc cử tri

Sau khi tiếp xúc cử tri, đại biểu cần thực hiện một số các hoạt động tiếp theo như sau:

Một là, tổng hợp kiến nghị của cử tri

Ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương phần lớn mang tính đơn lẻ, hoặc vụ việc, vì vậy, khi tiếp xúc ở nhiều điểm trên địa bàn thì phải tổng hợp các ý kiến đơn lẻ để đi tới cái tổng thể, khái quát. Tuy nhiên, cũng có thể có trường hợp chỉ có một ý kiến đơn lẻ nhưng lại quan trọng thì nắm bắt và phản ánh kịp thời tới cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết.

Hai là, đại biểu phải đưa được tiếng nói của cử tri tới diễn đàn HĐND, đưa được ý kiến cử tri vào trong nghị quyết của HÐND

Nếu đại biểu chỉ dừng ở việc tiếp xúc với cử tri thì chưa thực sự hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu mà qua cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu phải đưa được tiếng nói của cử tri tới diễn đàn HĐND, đưa được ý kiến cử tri vào trong nghị quyết của HĐND. Đại biểu phải thực sự quan tâm tới đời sống Nhân dân, tới mong muốn của cử tri, phải trăn trở với đời sống của Nhân dân, từ đó tìm ra biện pháp, giải pháp giúp đỡ cử tri. Đại biểu phải theo đuổi kiến nghị của mình đến cùng để các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phải giải quyết.

Tóm lại, để thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp xã thì giữa đại biểu và Nhân dân phải tìm được tiếng nói chung, sự đồng cảm lắng nghe và thấu hiểu thông qua nhiều hoạt động khác nhau mà trước hết là hoạt động tiếp xúc cử tri.

 

các tin khác