Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu thực tế của giảng viên Khoa Lý luận cơ sở - Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

05:31 11/09/2024

NCS. Dương Xuân Dũng

ThS. Lê Châu Mỹ Hoa

Khoa Lý luận cơ sở

Tóm tắt: Nghiên cứu thực tế là một hoạt động chuyên môn thường xuyên có vai trò quan trọng, bổ sung kiến thức thực tiễn cho bài giảng của giảng viên. Thực hiện nghiên cứu thực tế hiệu quả sẽ đảm bảo nguyên tắc trong dạy và học lý luận gắn liền với thực tiễn. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của nghiên cứu thực tế, hằng năm giảng viên (kể cả giảng viên kiêm nhiệm) đều xây dựng kế hoạch, thực hiện tốt mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, địa điểm nghiên cứu như trong kế hoạch cũng như đa dạng hóa các phương pháp nghiên cứu thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu thực tế của giảng viên khoa Lý luận cơ sở trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khó khăn về thời gian tổ chức đối với giảng viên kiêm nhiệm, về công tác phối hợp với địa phương,… Trên cơ sở đó, bài viết nhằm đề xuất một số giải giáp để nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu thực tế của giảng viên khoa Lý luận cơ sở trong thời gian tới.  

Từ khóa: Nghiên cứu thực tế, thực tiễn, phương pháp nghiên cứu thực tế.

1. Khái quát đặc điểm tình hình khoa Lý luận cơ sở

Thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư  về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Để làm tốt chức năng của mình, cũng như  duy trì Trường Chính trị chuẩn mức 1 và rà soát tiêu chí chuẩn mức 2 theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư đòi hỏi Trường phải có một đội ngũ giảng viên có trình độ, kiến thức, kỹ năng; có khả năng truyền đạt thông tin đến người học đặc biệt là phải thường xuyên chú trọng đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Trong đó yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng giảng dạy của giảng viên. Để làm được điều đó, việc đi nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ quan trọng của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.

Khoa Lý luận cơ sở là đơn vị trực thuộc, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Giám hiệu Trường Chính trị Tôn Đức Thắng. Là đơn vị thực hiện chức năng nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo Quyết định số 09 của Ban Bí thư. Số lượng viên chức của Khoa đến nay là 08 người, trong đó có 02 giảng viên chính, 06 giảng viên. Bên cạnh đó, việc giảng dạy ở Khoa hiện nay còn có các giảng viên kiệm nhiệm và giảng viên thỉnh giảng đang công tác ở các phòng chức năng của Trường và các đồng chí đã nghỉ hưu nhưng có kiến thức chuyên môn phù hợp với các phần học do Khoa phụ trách. Đa số giảng viên của Khoa đều còn trẻ, có kiến thức chuyên môn được đào tạo tại các Học viện và các trường có uy tín trong nước như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học kinh tế Hồ Chí Minh.

2. Tình hình nghiên cứu thực tế của khoa Lý luận cơ sở

Thực hiện các Quy chế của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hàng năm Khoa Lý luận cơ sở xây dựng kế hoạch đưa giảng viên đi thực tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang. Về nhận thức, Khoa xác định, nghiên cứu thực tế vừa là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng là quyền lợi của mỗi giảng viên. Việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế hằng năm của đội ngũ giảng viên đã đạt được những kết quả tích cực sau:

Thứ nhất, đầu năm học, giảng viên các khoa, phòng xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế của mình và đăng ký thực hiện trong năm học để Khoa gửi về Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tổng hợp, trình Ban Giám hiệu phê duyệt. Sau đó, Khoa sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế đã được phê duyệt.

Thứ hai, công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, dần trở thành nền nếp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhà trường. Nội dung nghiên cứu thực tế thường tập trung về: tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; công tác xóa đói giảm nghèo; chương trình xây dựng nông thôn mới; vấn đề dân tộc - tôn giáo; lịch sử đảng bộ địa phương; công tác văn phòng cấp ủy; công tác dân vận; công tác cải cách hành chính; công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực địa chính, giáo dục, y tế, tư pháp;…

Thứ ba, việc đánh giá, phê duyệt chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên được Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tính khách quan. Kết quả các chuyến đi nghiên cứu thực tế đều được đánh giá thông qua bài thu hoạch báo cáo nghiên cứu thực tế được thẩm định, đánh giá một cách khách quan. Về cơ bản, các bài thu hoạch nghiên cứu thực tế đều đạt yêu cầu phản ánh  được tình hình, vấn đề thực tế của địa phương, cơ sở; đánh giá được những mặt mạnh cũng như những điểm hạn chế còn tồn tại của vấn đề nghiên cứu thực tế, từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân; bài thu hoạch báo cáo thực tế của giảng viên được gởi về Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học lưu trữ theo quy định.

Thứ tư, việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế đều đảm bảo chu đáo và khá toàn diện về hình thức, phương tiện, chế độ hỗ trợ tài chính - hậu cần và những vấn đề khác có liên quan (địa điểm tiếp đón, báo cáo viên,…). Nghiên cứu thực tế của giảng viên thực hiện theo hình thức đi thành đoàn hoặc cá nhân tự liên hệ với nơi đến nghiên cứu. Trước khi tiến hành chuyến đi nghiên cứu thực tế, bộ phận chức năng của nhà trường đều gởi công văn liên hệ với cơ sở về thời gian, thành phần và nội dung nghiên cứu,... để cơ sở chủ động đón tiếp.

Thứ năm, sau khi nghe báo cáo thực tế, giảng viên có trao đổi và tìm hiểu thêm về các vấn đề mình quan tâm, được cán bộ ở cơ sở đưa đi tham quan một số mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu, điển hình ở địa phương. Nhờ đó, những ví dụ, dẫn chứng thực tiễn để làm rõ nội dung lý luận của giảng viên ở những bài giảng có thêm độ tin cậy, hấp dẫn và mang tính thuyết phục cao. Thêm vào đó, những chia sẻ của các điển hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả chính là nguồn tài liệu quý báu, xác thực để minh chứng cho những vấn đề lý luận.

Có thể thấy, thông qua việc nghiên cứu thực tế, giảng viên có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với những gì đang diễn ra hết sức sinh động của hệ thống chính trị và trong đời sống nhân dân ở địa phương mà không thể có tài liệu, sách vỡ nào mô tả hết được. Từ đó mỗi giảng viên chắc lọc những thông tin phù hợp vận dụng vào bài giảng, làm cho bài giảng trở nên phong phú hơn và do đó tạo sự thu hút, hấp dẫn đối với người học, điều này góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa. Ngoài ra, thực tiễn qua nhiều năm tổ chức đi thực tế cho đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm của Khoa cho thấy, ngoài việc tiếp thu kiến thức từ thực tiễn vận dụng vào bài giảng theo phương châm “Gắn lý luận với thực tiễn” thì trong thời gian đi thực tế, nhất là đi tập trung, các giảng viên có điều kiện chia sẻ nhiều tâm tư, tình cảm, điều này đã làm cho sự gắn bó giữa cá nhân với cá nhân ngày càng được thắt chặt hơn, hiểu nhau hơn góp phần vào xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ.

Song song với việc đi nghiên cứu thực tế, một nội dung không kém phần quan trọng có sức lan tỏa ở các địa phương nơi nghiên cứu chính là các hoạt động thiện nguyện, hướng đến xã hội của đội ngũ giảng viên của Khoa. Điển hình như trong đợt nghiên cứu năm 2020, được sự phê duyệt của Ban Giám hiệu, Khoa Lý luận cơ sở tổ chức đi nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các xã thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn. Là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vào thời điểm đoàn đến nghiên cứu cũng là thời điểm tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến khá phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân trên địa bàn, trước tình hình đó, để góp phần tham gia cùng với địa phương công tác phòng chống dịch, một số giảng viên trong đoàn đã đóng góp 500 khẩu trang cho bà con ở xã Lương Phi. Năm 2021, trong chuyến đi nghiên cứu thực tế tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện An Phú, được sự hướng của chính quyền địa phương, đoàn nghiên cứu khoa Lý luận cơ sở đã đến thăm chốt biên phòng số 1, thuộc địa bàn xã Nhơn Hội đang thực hiện nhiệm vụ canh giữ biên giới không để người dân qua lại trái phép nhằm phòng, chống dịch Covid – 19, đến đây Đoàn đã động viên, thăm hỏi và tặng cho chốt một phần quà góp do các thành viên trong đoàn đóng góp.

Có thể khẳng định rằng, việc tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế theo quy định hàng năm là vô cần thiết, nó không chỉ có ý nghĩa về mặt nhận thức, về hoạt động nghiên cứu giảng dạy mà còn có ý nghĩa xã hội. Nếu như các đoàn nghiên cứu thực tế ấy phối kết hợp với các địa phương nơi đến tham gia vào các hoạt động thiện nguyện thì giá trị của các chuyến đi thực tế được nâng lên rất cao, góp phần tạo nên uy tín, hình ảnh tốt đẹp của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đối với chính quyền và nhân dân các địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình tổ chức đi nghiên cứu thực tế của khoa Lý luận cơ sở còn một số vấn đề đặt ra như sau:

Một là, hiện nay chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu cho phép các khoa, trong đó có khoa Lý luận cơ sở đa dạng hóa các hình thức đi nghiên cứu thực tế, các khoa có thể tổ chức đi theo đoàn hoặc đi cá nhân, đi liên tục hoặc đi theo đợt. Điều này đã tạo được thuận lợi trong tổ chức đi nghiên cứu thực tế, giúp các giảng viên chỉ động hơn trong tổ chức đi nghiên cứu. Song song đó vấn đề bất cập là một số giảng viên, nhất là giảng viên kiêm nhiệm không sắp xếp được thời gian đi theo kế hoạch chung của Khoa (thường Khoa tổ chức đi tập trung vào những khoảng thời gian thích hợp), nên trong kế hoạch đoàn đi có nghe báo cáo của lãnh đạo địa phương về tình hình chung hoặc chuyên đề thì các giảng viên này không nghe được. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của chuyến đi thực tế.

Hai là, việc đi nghiên cứu thực tế thường phải có hướng dẫn của địa phương, nếu nhiều cá nhân đi riêng lẻ đến nhờ địa phương hướng dẫn cũng gây phiền hà cho địa phương. Như chúng ta đều biết, hiện nay công việc ở cơ sở rất nhiều.

Ba là, liên quan đến kinh phí cho các báo cáo viên, theo kế hoạch đoàn nghiên cứu thực tế phải nghe các báo cáo của địa phương. Tuy nhiên trong thời gian qua, chi phí cho các buổi báo cáo của địa phương không được thanh toán.

3. Một số giải pháp

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế hàng năm của giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng ủy, Ban Giám hiệu về công tác đi nghiên cứu thực tế hàng năm đối với giảng viên, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị cần được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường.

Hai là, đi nghiên cứu thực tế hàng năm là trách nhiệm của các khoa, tuy nhiên để tổ chức thành công nhất định phải có sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa khoa với các phòng chức năng. Trong đó, về phía Khoa hằng năm phải chủ động xây dựng kế hoạch, phải dự trù được khoảng thời gian mà giảng viên có thể tham gia đi cùng đoàn nhiều nhất. Tuy nhiên, để làm được điều này thì ngay từ đầu năm Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học phải xây dựng được tiến độ của năm học để làm căn cứ cho Khoa xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế và các hoạt động khác.

Thứ ba, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đi nghiên cứu thực tế của giảng viên, ngoài việc giảng viên phải nghiên cứu thực tiễn các chủ đề nghiên cứu thì nên chăng trong kế hoạch trình Ban Giám hiệu phê duyệt cần thiết phải lồng ghép kế hoạch tham gia cùng với địa phương ít nhất một hoạt động phong trào. Điều này vừa giúp giảng viên thâm nhập sâu hơn vào quần chúng nhân dân vừa tạo được hình ảnh đẹp của người giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đối với cán bộ và nhân dân nơi nghiên cứu.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng bài viết thu hoạch thực tế của giảng viên. Có thể khẳng định rằng, kết quả của chuyến đi thực tế của giảng viên được thể hiện tập trung vào bài thu hoạch. Bài thu hoạch thường được bố cục thành các phần chính: thực trạng tình hình nghiên cứu, kiến nghị với địa phương và phần vận dụng lý luận vào thực tiễn. Với mục tiêu yêu, yêu cầu của chuyến đi thực tế cho thấy, nội dung cốt lõi nhất chính là phần vận dụng vào bài giảng. Đây là phần nội dung yêu cầu giảng viên đi nghiên cứu trên cơ sở thu thập các thông tin, dữ liệu hết sức đa dạng ở địa phương phải chọn lọc lại những vấn đề có liên quan để gắn kết với từng nội dung bài giảng, hết sức tránh trường hợp vận dụng, gắn kết nội dung lý luận và thực tiễn không khớp với nhau.

Thứ năm, cần có sự phối hợp với Phòng Tổ chức - Hành chính - Thông tin, Tư liệu thực hiện tốt chế độ tài chính theo đúng quy định hiện hành.

Thay lời kết, trong nhiều năm qua, Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã tổ chức thành công nhiều chuyến đi nghiên cứu thực tế cho đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm nhiệm. Kết quả chuyển đi giảng viên đã thu được nhiều kiến thức thực tiễn bổ ích, nhất là những mô hình trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương từ đó chọn lọc, vận dụng vào bài giảng, làm tăng tính thực tiễn, tính thuyết phục và sức hấp dẫn từ các bài giảng. Phần lớn các bài thu hoạch đều được đánh giá ở mức khá và giỏi. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần được giải quyết như vấn đề về tổ chức nghiên cứu, vấn đề về kinh phí, vấn đề viết thu hoạch thực tế… giải quyết những vấn đề trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc đi nghiên cứu thực tế và từ đó sẽ góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo, bồi đưỡng của Trường./.

Tài liệu tham khảo

1. Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Quyết định số: 2252-QĐ/HVCTQG về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

các tin khác