04:17 16/05/2017
Ngày 01/01/2017, Bộ luật Dân sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Bộ luật Dân sự là một trong 6 Bộ luật đồ sộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Việc nghiên cứu Bộ luật dân sự vừa góp phần làm rõ những nội dung giảng dạy liên quan đến pháp luật nói chung và những vấn đề cơ bản về Luật dân sự nói riêng, vừa góp phần tuyên truyền nội dung mới của pháp luật đến cán bộ, công chức viên chức và nhân dân theo Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật dân sự của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2016 và Quyết định số 276/QĐ-BTP ngày 25 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Bộ luật Dân sự 2015 có 6 Phần, 27 Chương, 689 Điều (giảm 88 điều so với Bộ luật Dân sự năm 2005) với rất nhiều nội dung mới, tạo lập cơ chế pháp lý đồng bộ, thống nhất về điều chỉnh quan hệ dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong đời sống dân sự; ghi nhận, bảo vệ tốt hơn các quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của người dân.
Trong phạm vi bài viết này, bản thân chỉ giới thiệu một số nội dung mới từ Chương I đến chương III, phần còn lại sẽ giới thiệu tiếp trong các bài viết sau.
1. Về phạm vi điều chỉnh
Bộ luật Dân sự (BLDS) xác định rõ phạm vi chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân; (không có chủ thể khác như BLDS 2005); đồng thời, làm rõ bản chất của quan hệ dân sự, không liệt kê cụ thể các loại quan hệ dân sự như trước đây. (xem Điều 1)
Việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được thực hiện thông qua các thành viên hoặc thông qua người đại diện.
2. Về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
BLDS 2015 quy định bao quát hơn, ngắn gọn hơn với 05 nguyên tắc cơ bản chỉ trong 01 Điều luật (xem Điều 3), thay vì quy định thành 01 chương như BLDS 2015 (Chương II với 09 điều luật như trước đây).
3. Về áp dụng Bộ luật dân sự, tập quán và tương tự pháp luật (BLDS 2005 chỉ quy định về áp dụng tập quán, quy định tương tự, không quy định về áp dụng Bộ luật dân sự )
- Về áp dụng Bộ luật dân sự
Bộ luật dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự; các luật khác điều chỉnh quan hệ trong các lĩnh vực dân sự cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản tại Điều 3 của pháp luật dân sự; trường hợp luật khác có liên quan không có quy định hoặc có quy định nhưng trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 được áp dụng.
Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật dân sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Quy định này đã xác định rõ hơn việc xử lý mối quan hệ giữa Bộ luật dân sự (luật chung) và luật khác có liên quan (luật chuyên ngành)
- Về áp dụng tập quán
Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định thì có thể áp dụng tập quán.
- Về áp dụng tương tự pháp luật
Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định mà cũng không có tập quán để áp dụng thì áp dụng tương tự pháp luật.
Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để giải quyết vụ, việc dân sự.
Các quy định mới nêu trên đã xác định rõ thứ tự áp dụng Bộ luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng.
4. Về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự
Bộ luật dân sự năm 2015 đã thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền dân sự như:
- Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vi phạm quy định về “Thực hiện quyền dân sự” được quy định tại Bộ luật dân sự (xem Điều 9).
- Giới hạn việc thực hiện quyền dân sự
Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm các nghĩa vụ của mình hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật.
- Các phương thức bảo vệ quyền dân sự
+ Cá nhân, pháp nhân có quyền tự bảo vệ quyền dân sự của mình theo quy định của pháp luật. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân với 07 phương thức quy định tại Điều 11.
+ Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài.
+ Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.
+ Điểm mới nổi bật nhất là quy định việc: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết vụ việc. Đây là quy định tiến bộ, đã xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết mọi tranh chấp trong nhân dân, góp phần bảo đảm ổn định trật tự xã hội.
- Quy định mới về Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đưa vào BLDS (xem Điều 15)
5. Về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân
BLDS 2015 quy định cụ thể hơn tại Điều 23: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
6. Về quyền nhân thân
- Về khai sinh, khai tử, BLDS 2015 quy định rõ ràng hơn: Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
- Quyền xác định lại giới tính
Xác định lại giới tính là quyền của cá nhân được quy định tại Điều 36 Bộ luật dân sự 2005 và được hướng dẫn tại Nghị định 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008. Nay vấn đề này đã được BLDS 2015 ghi nhận rõ thêm: Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
- Về Chuyển đổi giới tính
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 thì việc chuyển đổi giới tính bị nghiêm cấm đối với người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Tuy nhiên, BLDS 2015 Cho phép chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật (Điều 37). Như vậy, những người đã chuyển đổi giới tính cho đến thời điểm hiện nay (tháng 01/2017) vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn hoặc chờ Quốc hội thông qua Luật chuyển đổi giới tính. Đây là một quy định mới làm cho những người đã chuyển đổi giới tính vừa vui mừng lại vừa lo ngại (vì phải tiếp tục chờ) hay nói cách khác quyền này của nhiều người vẫn bị “treo” để chờ luật và văn bản hướng dẫn mới có thể thực hiện được.
7. Về giám hộ
- Về người được giám hộ, Bộ luật năm 2015 bổ sung quy định: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ: Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
8. Về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết
- Về tuyên bố mất tích
BLDS 2015 quy định rõ hơn: Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích hoặc Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
- Về tuyên bố chết
Ngoài quy định về thời gian: Sau ba năm, kể từ ngày Tòa án quyết định tuyên bố mất; Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; BLDS 2015 quy định cụ thể hơn: Người bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (trước đây quy định sau 01 năm)
9. Về pháp nhân
- Để bao quát, dự báo được sự phát triển đa dạng của pháp nhân trong thực tiễn, Bộ luật dân sự 2015 quy định khái quát có 02 loại pháp nhân (BLDS 2005 quy định có 6 loại pháp nhân)
+ Pháp nhân thương mại: mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
+ Pháp nhân phi thương mại: không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.
- Quy định mới về Quốc tịch của pháp nhân: Pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam. (xem Điều 80)
10. Về sự tham gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, các cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương trong quan hệ dân sự
Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ hơn: Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương bình đẳng với chủ thể khác là cá nhân, pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
Bộ luật cũng quy định cụ thể về đại diện tham gia quan hệ dân sự (xem Điều 98) và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài. (xem Điều 100)
11. Về sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự
- Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia quan hệ dân sự thông qua cá nhân là người đại diện hoặc là thành viên của mình theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan.
- Chủ thể quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, BLDS 2015 còn quy định cụ thể những nội dung cơ bản về tài sản chung, trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (xem Điều 102, 103)./.
Trên đây là 11 nội dung mới cơ bản trong Bộ Luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. (Chương I đến Chương III)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến pháp 2013;
2. Bộ luật Dân sự 2005;
3. Bộ luật Dân sự 2015;
4. Nghị định 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính;
5. PGS,TS. Nguyễn Minh Hằng- Học viện Tư pháp và ThS. Ngô Tiến Hùng-Phó Chánh án Toàn án cấp cao tại Hà Nội_Bài viết: “Một số điểm mới chủ đạo của Bộ Luật dân sự năm 2015”
6. Ms. Thụy Hân_Thư viện pháp luật, bài: “Điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015”
Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước & pháp luật