Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu ở khía cạnh một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng

09:25 11/05/2017

Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời và phát triển từ cuộc sống lao động, sản xuất, đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc đã phản ánh những điều kiện tự nhiên, xã hội và đặc biệt là tính tâm linh của người Việt xưa và nay. Đồng thời nó cũng tiếp thu nội dung của các tôn giáo: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo,… vào trong nội dung và nghi lễ của nó, và các tín ngưỡng thờ thần tự nhiên khác mà người Việt đang có. Tuy nhiên, nó không giống các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở chỗ hướng về đời sống thực tại, trần tục, gần gũi, như GS. Ngô Đức Thịnh nhận định: “Thờ Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người vào thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần có sức khỏe, tiền tài, quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm hiện sinh của con người trong thế giới hiện đại. Lúc này, niềm tin vào siêu nhiên mà thánh Mẫu là đại diện trở nên thứ yếu, mang tính phương tiện, còn mục đích sống của con người mới là quan trọng. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính thực tế, thực dụng của con người Việt Nam[3]

 

     Tín ngưỡng thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng dân gian được hình thành trên nền chung là thờ nữ thần, một đặc trưng cơ bản của tín ngưỡng cư dân nông nghiệp, được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam tòa - Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của “Mẫu” bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành của tự nhiên, xã hội và con người.

 

     Thờ Nữ thần là lớp thờ nằm trong tín ngưỡng thờ Mẫu, xuất hiện rất sớm từ buổi “hồng hoang” mở cõi. Trước những tác động của tự nhiên như thiên tai, lũ lụt, hạn hán làm cho con người không thể ứng phó và trở nên bất lực. Vì thế, người Việt xưa tìm đến chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống của mình, chính là lực lượng siêu nhiên đầy quyền năng, họ tôn thờ các vị thần thiên nhiên, trong đó có hình tượng các nữ thần: Mây, Mưa, Sấm, Chớp, Mẹ lúa, Mẹ đất,…  đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp trồng lúa nước.

 

     Thờ Mẫu thần là lớp thờ thứ hai nằm trong tín ngưỡng thờ Mẫu, xuất hiện muộn hơn lớp thờ Nữ thần. Sau khi xã hội chuyển sang giai đoạn xã hội phụ hệ thì vai trò của người phụ nữ vẫn cón rất to lớn trong lịch sử dân tộc, khi sống họ là những người tài giỏi, có công đánh giặc giữ nước, dạy nghề cho dân làng như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, nữ tướng Bùi Thị Xuân,…  đến khi mất đi họ được nhân dân tôn thờ thành các thánh Mẫu, được triều đình sắc phong, là hiện thân của dân tộc. Như vậy, đối tượng thờ cúng của Mẫu thần là những vị thần có tính nữ nhưng được dân gian tôn xưng là Mẫu thần. Thờ Mẫu thần là sự phát triển từ thờ Nữ thần.

 

     Tín ngưỡng thờ Tam tòa - Tứ phủ là bước phát triển cao hơn và thể hiện sự hoàn thiện hơn trong tín ngưỡng thờ Mẫu, được ra đời vào khoảng thế kỷ XVI, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành.  Người Việt cho rằng, tự nhiên có thể chia ra thành bốn vùng – tứ phủ. “Phủ” theo dân gian chính là lâu đài, điện, nơi ở của Chúa, theo Từ điển Tiếng Việt thì “phủ” là một đơn vị hành chính như một vùng, miền hay một không gian địa lý. Như vậy, Tứ phủ được người Việt chia ra đó là: phủ Thượng Thiên (vùng trời), phủ Thượng Ngàn (vùng rừng), phủ Thủy (vùng nước), Địa phủ (vùng đất). Đứng đầu và có quyền năng cai quản bốn vùng này là bốn vị thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa. Tuy nhiên, trong điện thờ chỉ có Tam tòa thánh Mẫu gồm ba vị là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải còn Mẫu Địa rất ít gặp trong điện thờ. Bên cạnh đó, còn có cách lý giải khác về Tam tòa – Tứ phủ là những phủ Thượng Thiên, phủ Thượng Ngàn, phủ Thủy và một phủ thuộc về con người chính là sự hiện diện của Mẫu Liễu Hạnh. Một số trường hợp cho rằng Mẫu Liễu Hạnh hóa thân vào Mẫu Thượng Thiên nên trong điện chỉ có Tam tòa nhưng thực chất lại có sự hiện diện của Tứ phủ.  

 

     Cùng với sự phát triển của loại hình tín ngưỡng này thì các hình thức nghi lễ, lễ hội và sinh hoạt văn hóa trong chính bản thân tín ngưỡng cũng được phục hồi và phát triển góp phần vào việc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung và nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng. Trong đó, một trong những nghi thức điển hình không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu đó là nghi lễ Chầu văn, hay còn gọi là lên đồng – hầu đồng. Nó ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật rất độc đáo, là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh. Đó còn là các hình thức diễn xướng dân gian mang tính nghệ thuật với âm nhạc, ca hát, nhảy múa; các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt.

 

     Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những hình thức tín ngưỡng nguyên thủy còn tồn tại và ngày một phát triển rộng khắp trong xã hội Việt Nam ngày nay vì những giá trị nhân văn cao đẹp mà nó hướng đến chính là sự giải phóng con người, nhất là người phụ nữ Việt ra khỏi định kiến, khỏi sự ràng buộc của Nho giáo phong kiến thời bấy giờ. Và ở nét đẹp độc đáo nêu cao tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn từ việc tôn vinh những người có công với đất nước, các anh hùng đã anh dũng hy sinh chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

 

     Trong bài viết này, tín ngưỡng thờ Mẫu được xét ở khía cạnh đời sống, là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng – văn hóa mang tính cộng đồng. Bởi vì, thờ Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng, tôn giáo mà đó còn là một văn hóa, thông qua nghi lễ lên đồng, qua lễ hội, phong tục,… Ở đó, chúng ta nhận ra một lối sống, quan niệm, cách thức sinh hoạt, những ước vọng không chỉ của người Việt xưa mà cho đến ngày nay đều mong muốn có được sự thanh thản, niềm vui trong tâm hồn, trong cuộc sống thực tại. Đồng thời nó cũng xóa nhòa đi ranh giới của sự phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, để hướng tới giá trị chung của Đạo Mẫu chính là: “Tâm – Đẹp – Vui”.

 

     Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta phát triển khá rộng, tập trung chính ở ba vùng: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với ba dạng thức thờ Mẫu với những điểm tương đồng và khác biệt. Nhìn chung, cả nước có khoảng 7.000 cơ sở thờ tự liên quan đến thờ Mẫu như đình, chùa, đền, phủ, điện Mẫu như: phủ Dầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), điện Hòn Chén (Huế), Chùa Bà Chúa Xứ (An Giang),… Số thanh đồng lên đến hàng vạn người và số con nhang đệ tử lên đến cả triệu người. Điều đó khẳng định ảnh hưởng to lớn của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tâm linh của người Việt. Hằng năm, vào ngày mùng một và rằm người dân thường đến những nơi này để khấn cầu và để mở hội. Vào các dịp lễ, Tết tổ chức cúng lễ, lên đồng, hầu bóng,… Đây chính là dịp tập hợp các con nhang, đệ tử ở phạm vi to nhỏ khác nhau. Vào những dịp này, người dâng các lễ vật cúng sẽ trực tiếp xin thần thánh che chở, trợ giúp vượt qua rủi ro và đạt được thành công trong cuộc sống. Đó là những sinh hoạt tín ngưỡng – văn hóa cộng đồng, đã đi sâu và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh, văn hóa của người Việt.

 

     Trong những năm gần đây, có thể thấy hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu được Nhà nước quan tâm bảo tồn, chẳng hạn: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam cho các thanh đồng trong lĩnh vực thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng như các nhà khoa học, các thanh đồng,… đã nghiên cứu để đưa giá trị văn hóa tín ngưỡng hát chầu văn có vị trí nhất định, được cơ quan quản lý Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và đang trình hồ sơ đến UNESCO. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với những người thực hành đạo Mẫu và người dân là cần phải có sự nhìn nhận và hiểu đúng về tín ngưỡng mà mình thực hành, tránh tình trạng bùng phát, loạn chuẩn của tín ngưỡng thờ Mẫu và các hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi trong các ông đồng, bà đồng.

 

     Điều này đặt ra trách nhiệm không chỉ của các cấp quản lý mà ngay cả những tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa của tín ngưỡng để làm sau nó vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân, vừa phù hợp với pháp luật, nằm trong khuôn khổ quản lý của Nhà nước đồng thời vẫn phát huy được giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này. Do đó, cần phải:

 

     -  Có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị với quần chúng nhân dân nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giữ vững sự ổn định về nhiều mặt kinh tế, chính trị và xã hội.

 

     - Củng cố niềm tin của nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng, điều này góp phần làm hạn chế sự gia tăng của các đối tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xuyên tạc, truyền bá những tư tưởng chống phá ảnh hưởng đến đời sống nhân nhân và tình hình chính trị, xã hội của đất nước.

 

     - Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý của Nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời, phổ biến kiến thức pháp luật và chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để nhân dân tuân theo và chấp hành đúng.

 

     - Tăng cường công tác kiểm tra, vạch trần và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng lòng tin của nhân dân để lôi kéo xúi giục.

 

     - Cần phải loại bỏ những yếu tố tiêu cực làm nảy sinh tình trạng mê tín, dị đoan trong chính bản thân của nghi thức hầu đồng thì nó sẽ là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

 

     Nhìn chung, chúng ta cần phải có chính sách và biện pháp quản lý tốt việc thực hành tín ngưỡng, nâng cao dân trí, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu, lên đồng…thì sẽ có điều kiện bảo tồn và phát triển tính nhân văn, sức mạnh tinh thần mà tín ngưỡng và những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đem lại cho cộng đồng.    


     Danh mục tài liệu tham khảo

1.    Đặng Văn Lung (2004), Văn hóa thánh Mẫu, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nôi.

2.    Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

3.    Ngô Đức Thịnh (2011), “Giá trị của đạo Mẫu Việt Nam”, Thế giới và Việt Nam ( http://www.tgvn.com.vn/printContent.aspx?ID=22588)

4.    Đặng Nghiêm Vạn (2003), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5.    http://www.tienphong.vn/van-nghe/tin-nguong-tho-mau-bao-gio-ve-chuan-796621.tpo


Lê Châu Mỹ Hoa - Khoa LL MLN - TTHCM

Responsive image
 

 

các tin khác