Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tìm hiểu nội dung cốt lõi trong cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

04:10 28/11/2023

ThS. Lê Hữu Lợi

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”[1] của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2023 ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2023), góp phần phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

Tác phẩm là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn phong phú, thể hiện quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, cụ thể, đầy sức thuyết phục của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với phong cách báo chí, hiện đại, vừa sinh động, chặt chẽ và logic, vừa gần gũi và dễ hiểu, cuốn sách đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài nước, đã lý giải hàng loạt những vấn đề cốt lõi về những bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 Nội dung cuốn sách bao gồm 623 trang, gần 111 hình ảnh minh họa, được chia thành 3 phần chính: Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”; Phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”; Phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” (từ trang 11 đến 206), bao gồm 01 bài viết tổng quan của Tổng Bí thư đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) với nhan đề: “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!”; 04 phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (năm 2014, 2018, 2020, 2022) và các kết luận tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo. Cụ thể, nội dung tập trung làm rõ những vấn đề sau:

Một là, làm rõ một số vấn đề lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam xoay quanh việc trả lời cho câu hỏi: “Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại của nó? Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực[2].

Hai là, tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong 10 năm (từ năm 2013 đến 2022), khẳng định những bước tiến quan trọng của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, để lại những dấu ấn tốt đẹp và sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, với quan điểm chỉ đạo: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”[3]. Qua đó, đã đạt một số kết quả nổi bật như: Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng; Đồng bộ giữa thi hành kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, rất nghiêm minh nhưng rất nhân văn; Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai để “không dám” tham nhũng, tiêu cực (số liệu minh chứng cụ thể từ trang 26-30); Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để“không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực; Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Ba là, qua tổng kết thực tiễn đã rút ra 08 bài học kinh nghiệm quý báu[4]: (1) Phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”; (3) Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”; (4) Phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; (5) Phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước; (6) Phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng; (7) Gắn phòng, chống tham nhung với xây dựng Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; (8) Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở Việt Nam.

Bốn là, chỉ ra 05 nhiệm vụ, giải pháp căn bản nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực thời gian tới[5]: (1) Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; (2) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; (3) Đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; (4) Hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham những; (5) Xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sạch, vững mạnh; mở rộng hợp tác quốc tế; triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Ngoài ra, còn chỉ ra 05 vấn đề cấn lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực[6]: (1) Ban Chỉ đạo và từng thành viên phải đúng vai, thuộc bài; (2) Hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực; (3) Thi hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; (4) Tập trung xử lý những khâu yếu, việc khó; (5) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” (từ trang 207 đến 522). Tuyển chọn 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên - căn nguyên, cái gốc, cái cơ bản cần phải phòng ngừa. Xuyên suốt các bài viết cho thấy sự trăn trở, quan tâm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng, với công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Tổng Bí thư luôn nhất quán phương châm: “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” với thông điệp: “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”[7].

Phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” (từ trang 523 đến 619). Tập hợp, chọn lọc những ý kiến, đánh giá thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc của các tầng lớp nhân dân (62 ý kiến), của đại biểu Quốc hội (10 ý kiến) và sự ghi nhận, ủng hộ của các chính khách, bạn bè quốc tế (24 ý kiến) đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các ý kiến tập trung vào các nội dung: (1) Khẳng định vai trò to lớn và uy tín rất cao của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) Bày tỏ sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư; (3) Mong muốn, đòi hỏi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không dừng, không nghỉ mà phải kiên quyết, kiên trì chống “giặc nội xâm” đến cùng. Các ý kiến tiếp tục khẳng định: “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung, hành động chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”[8].

Có thể nói, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng nói chung, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng; gợi mở, định hướng và đưa ra nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Từ đó, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội, truyền cảm hứng đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin, hành động của mỗi tổ chức đảng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức, nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, đặt một dấu mốc quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lên tầm cao mới, trở thành “một việc làm cần thiết; một xu thế không thể đảo ngược!”; là “thanh gươm sắc bén” góp phần đấu tranh, phòng, chống lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc về giá trị của cuốn sách đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, nhân dân ta thời gian qua./.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. CTQG sự thật, Hà Nội.


[1] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. CTQG sự thật, Hà Nội.

[2] Nguyễn Phú Trọng (2023), Sđd, tr.13-19.

[3] Nguyễn Phú Trọng (2023), Sđd, tr.143.

[4] Nguyễn Phú Trọng (2023), Sđd, tr.36-41.

[5] Nguyễn Phú Trọng (2023), Sđd, tr.43-50.

[6] Nguyễn Phú Trọng (2023), Sđd, tr.144-206.

[7] Nguyễn Phú Trọng (2023), Sđd, tr. 207.

[8] Nguyễn Phú Trọng (2023), Sđd, tr.523.

các tin khác