02:13 07/09/2017
Để Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ, công chức cấp xã hiện nay cần phải tăng cường công tác phòng chống tham nhũng từ cơ sở (cấp xã). Vì cấp xã là nơi gần dân nhất; là nơi tạo dựng và giữ gìn niềm tin của dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Thực tế thời gian qua công tác quản lý kê khai tài sản của cán bộ, công chức cấp xã còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân do cán bộ, công chức cấp xã không ổn định (vị trí, việc làm, địa phương). Khi cán bộ, công chức thuyên chuyển, luân chuyển thì việc chuyển giao hồ sơ cán bộ, công chức đến địa phương, đơn vị mới chưa quan tâm đến hồ sơ kê khai tài sản trước đó của cán bộ, công chức. Hằng năm cán bộ, công chức giữ chức vụ có kê khai tài sản, nhưng việc đối chiếu tài sản trước đó chưa được thực hiện. Cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý chỉ kê khai tài sản cá nhân do mình sở hữu hoặc sử dụng, nhưng không phải kê khai những tài sản có liên quan khi người khác đứng sở hữu hoặc sử dụng (vợ, chồng, con, cháu,…) đã dẫn đến việc quản lý tài sản kê khai của cán bộ, công chức không sát tài sản thực tế mà cán bộ, công chức đang có (mượn người khác đứng tên). Nhất là đến nay chưa có vụ án nào xét xử việc kê khai tài sản không đúng (trừ trường hợp cán bộ, công chức đã vi phạm pháp luật bị kê biên tài sản).
Để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả; thiết nghĩ đã đến lúc phải thực hiện và quản lý tốt công tác kê khai tài sản của cán bộ, công chức và đồng thời phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Thực tế những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp luôn chủ động thực hiện vai trò giám sát, phản biện thông qua việc tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND giám sát việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tham gia việc tuyển chọn bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và nhất là giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức.
Điều 35A Nghị định 68/2011/NĐ-CP, ngày 08/8/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 37/2007/NĐ- CP về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định: “Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức…; tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu bất minh về tài sản, thu nhập thì Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Vậy để thực hiện được việc giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức cấp xã, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên cần phải thực hiện các bước sau:
Phối hợp với Hội đồng Nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch giám sát kê khai tài sản của cán bộ công chức
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên ở cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ công chức ở cơ sở. Trên cơ sở Qui chế dân chủ cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên phối hợp với HĐND tham mưu với cấp uỷ cơ sở về kế hoạch giám sát kê khai tài sản của cán bộ, công chức hàng năm.
Trong kế hoạch giám sát cần chú trọng các yếu tố như:
- Nắm số lượng cán bộ, công chức giữ các chức trách quan trọng (có điều kiện lợi dụng chức vụ, uy tín để tạo thu nhập không hợp pháp).
- Mức sống hiện tại của cán bộ, công chức thuộc đối tượng giám sát.
- Tài sản được kê khai thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ, công chức.
- “Tài sản chung” của cán bộ, công chức mà người khác đang đứng tên quyền sở hữu, quyền sử dụng (nếu có).
- Tài sản phát sinh của cán bộ, công chức và người thân trong thời gian cán bộ, công chức giữ chức vụ (nguồn gốc phát sinh).
Việc giám tài sản của cán bộ, công chức phải được đối chiếu, cập nhật hàng năm và lưu trữ theo hồ sơ cá nhân của cán bộ, công chức.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về việc giám sát kê khai tài sản đến cán bộ, công chức và nhân dân biết để phối hợp thực hiện
Thông qua lãnh đạo của cấp uỷ HĐND cùng cấp Mặt trận Tổ quốc cấp xã tổ chức các buổi tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kê khai tài sản để cho cán bộ, công chức và nhân dân hiểu, thực hiện. Đồng thời kêu gọi sự hợp tác của các cá nhân, tổ chức về việc thực hiện kế hoạch trên. Động viện cán bộ, công chức và nhân dân mạnh dạn tố cáo những cán bộ, công chức kê khai tài sản sai vì mục đích cá nhân, hoặc giấu không kê khai trung thực những tài phát sinh của bản thân, người thân (người có chung tài sản với cán bộ, công chức)
Phối hợp với các Đoàn thể nhân dân thực hiện nhiệm vụ giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức:
Qua kết quả kê khai tài sản của cán bộ, công chức được cơ quan chủ quản phê duyệt Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể nhân dân lập hồ sơ tài sản được kê khai của cán bộ, công chức lưu trữ làm cơ sở pháp lý để giám sát tài sản phát sinh của cán bộ, công chức trong thời gian đương chức. Trong đó có ý kiến cụ thể về những tài sản có rõ nguồn gốc và tài sản không rõ nguồn gốc.
Công khai kết quả giám sát kê khai tài sản của cán bộ, công chức
Hàng năm Mặt trận Tổ quốc cùng với các đoàn thể nhân dân thông qua phối hợp với HĐND cùng cấp công khai tài sản phát sinh của cán bộ, công chức. Trừ những tài sản phát sinh lớn, có nguồn gốc rõ ràng (ví dụ như trúng số) được sự đồng ý của cấp uỷ và người sở hữu tài sản để bảo đảm an toàn cho cán bộ, công chức thì có thể không công khai.
Phản ảnh đến Đảng, Hội đông nhân,cơ quan đơn vị liên quan kết quả giám sát.
Khi giám sát nếu phát hiện những nghi vấn về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, thì Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm kiến nghị đến Cấp uỷ đảng, Hội đồng nhân dân và cơ quan đơn vị của cán bộ, công chức có nghi vấn để cơ quan đơn vị có kế hoạch kiểm tra làm rõ.
“Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đối với cá nhân cư trú ở cấp xã, khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ xã, phường, thị trấn có quyền phát hiện, kiến nghị xử lý hành vi không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, có dấu hiệu bất minh về tài sản, thu nhập” .
Để đẩy lùi tề tham nhũng hiện nay nhất là đối với cán bộ, công chức cấp xã thì việc phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn htể nhân dân là không thể thiếu được, nhất là việc giám sát kê khai tài sản của cán bộ, công chức ở cơ sở hiện nay. Muốn vậy ngoài Nghị quyết của đảng, Nghị định của Chính phủ thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải sớm ban hành hướng dẫn thực hiện công tác giám sát kê khai tài sản của cán bộ, công chức để công tác này được thuận lợi hơn góp phần thực hiện tốt Nghị quyết trung ương 4 (khoa XII) của Đảng. Nhất là phải có cơ chế thưởng, phạt đối cán bộ Mặt trận Tổ quốc làm tốt hoặc chưa tốt nhiệm vụ này ./.
Trần Vũ Minh
Khoa Dân vận