Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tăng cường công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên tại Chi đoàn Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

04:02 29/12/2024

ThS. Văn Huỳnh Thuý Vy

 Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tóm tắt: Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm sức vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam thành lớp chiến sĩ cách mạng kiên cường, anh dũng. Xuất phát từ sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, khách quan vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Người đặc biệt quan tâm vấn đề giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên, “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên" [1]. Đây chính là sự tổng kết lý luận và thực tiễn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc và cũng là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên.

Từ khoá: thanh niên; đạo đức cách mạng; Chi đoàn Trường chính trị Tôn Đức Thắng,…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá thanh niên với tất cả những ưu điểm vốn có: là “bộ phận quan trọng của dân tộc”, là “lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới”. Người cho rằng, thanh niên chính là lực lượng xung kích trong mọi công việc “việc gì khó có thanh niên, ở đâu khó có thanh niên” [2]. Để kế thừa được truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, kế thừa sự nghiệp cách mạng, nhất thiết thanh niên phải có đạo đức cách mạng.

Trong bài “Đạo đức cách mạng” năm 1958, Hồ Chí Minh khái quát: “Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ” [3]. Theo Người, đạo đức cách mạng được thể hiện ở các phẩm chất: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đó có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng, Nhân dân và cách mạng giao phó.

Chi đoàn Trường Chính trị Tôn Đức Thắng hiện nay có 12 đoàn viên trong đó 12/12 đồng chí đều là đảng viên; 12/12 đoàn viên có bằng trung cấp lý luận chính trị; 10/12 đoàn viên có trình độ thạc sĩ; 05/12 đoàn viên là giảng viên. Thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, truyền thống cách mạng nói chung, giáo dục đạo đức cách mạng nói riêng đã luôn được Ban Chấp hành Chi đoàn chú trọng, coi đây là một trong những nội dung quan trọng nhất trong hoạt động Đoàn. Ban Chấp hành Chi đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đoàn viên; có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng như:

Thứ nhất, lồng ghép trong nội dung các buổi sinh hoạt đoàn tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị học tập quán triệt và triển khai bám sát chủ đề công tác năm 2024 “Năm Thanh niên tình nguyện”. Tập trung phổ biến, học tập các nội dung cơ bản của Hội nghị Trung ương 9, khóa XIII của Đảng; Đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên về vai trò của tuổi trẻ trong giai đoạn mới.

Thứ hai, Chi đoàn tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào do Đoàn Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phát động. Với chủ đề Năm Thanh niên tình nguyện”, Chi đoàn cơ sở Trường Chính trị đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động tình nguyện “Tình nguyện mùa Đông 2023 và Xuân tình nguyện 2024”, nổi bật là các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tại huyện Châu Phú, huyện Chi Tôn, huyện Chợ Mới,… Các chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo Đoàn viên Chi đoàn; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn, các vùng biên giới; vùng ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, xóa đói, giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, đặc biệt là thực hiện nội dung “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Mỗi cán bộ, đoàn viên trong Chi đoàn đều thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đặt lợi ích của cơ quan đơn vị lên trên lợi ích của cá nhân, hết lòng phục vụ cho nhân dân (học viên). Hầu hết đoàn viên thực hiện nghiệm túc các quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ, luôn chi tiêu hợp lý, sử dụng các tài sản công phù hợp, không lãng phí, cầu kì nhằm mục đích tiết kiệm nguồn ngân sách của đơn vị. Luôn thực hiện phương châm “Trách nhiệm, thân thiện, chuẩn mực, đổi mới, chất lượng” do Ban Giám hiệu đã đề ra với mục tiêu rõ ràng, cụ thể để phấn đấu cho việc cải cách hành chính tại đơn vị, nhất là luôn đề cao tinh thần, thái độ phục vụ và nâng cao chất lượng công việc được giao.

 Trong công việc và trong công tác phục vụ, giảng dạy mỗi cán bộ, đoàn viên đều thấm nhuần lời dạy của Bác, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Từng cán bộ, đoàn viên đều rèn luyện tính chuyên cần, mỗi bộ phận đều tìm tòi, đổi mới phong cách làm việc theo phương pháp mới, khoa học sáng tạo từng bước nâng cao hiệu quả công tác để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của nhà Trường. Năm 2024, Chi đoàn có 02 đoàn viên là giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi lý luận chính trị cấp trường”; 05 đoàn viên thực hiện nghiệm thu đề tài cấp cơ sở và 02 đoàn viên tiếp tục thực hiện đề tài sẽ nghiệm thu vào năm 2025; 05 đoàn viên có sáng kiến được Hội đồng Thi đua Trường công nhận; 06 đoàn viên và tập thể Chi đoàn được Ban giám hiệu khen thưởng vì có đóng góp tích cực trong lễ đón bằng công nhận Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức 1.

Thứ tư, trong lãnh đạo, điều hành, trách nhiệm của từng thành viên của Ban Chấp hành Chi đoàn luôn được đề cao; luôn chú trọng công tác bồi dưỡng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp (trong năm 2024 Chi đoàn đã giới thiệu chuyển Đảng chính thức cho 03 đoàn viên); thường xuyên, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, chấn chỉnh, uốn nắn tác phong của người đoàn viên khi cần thiết thiết, nghiêm túc thực hiện tốt việc tự phê bình và phê trong họp lệ chi đoàn theo lời dạy của Bác: “Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người” [4] để nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận lực trong công việc, hết lòng phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Chi đoàn đã tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị trong đoàn viên gắn với các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước bằng nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, khu lưu niệm các anh hùng, liệt sỹ, thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà cho gia đình chính sách, hiến máu nhân đạo... Từ đó, giúp đoàn viên được rèn luyện, trưởng thành, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đoàn viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giáo dục đôi lúc còn mang tính truyền thống, có một số nội dung chưa có sự linh hoạt, đa dạng; tính phê và tự phê chưa cao, nên đã chưa thúc đẩy được các gương điển hình tiên tiến trong Chi đoàn phát triển; chưa chủ động tham mưu triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, chính sách đối với thanh niên. Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nói chung và giáo dục đạo đức cách mạngnói riêng, Ban Chấp hành Chi đoàn cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường và đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức cách mạng cho đoàn viên bằng các hoạt động thiết thực và hiệu quả.

Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2025-2030”. Tiếp tục triển khai sâu rộng và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, trong đó chú trọng đề cao sự nêu gương của người cán bộ Đoàn, định hướng cho cán bộ, đoàn viên rèn luyện theo tiêu chí Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”.

Gắn nội dung công tác giáo dục chính trị tư tưởng với hoạt động chuyên môn của Nhà trường nhằm tạo môi trường, điều kiện cho đoàn viên nâng cao kiến thức, kỹ năng mềm và phương pháp sư phạm; phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, các khoa, phòng của nhà Trường, Đoàn Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức các buổi tọa đàm, các diễn đàn, các buổi tham quan học tập kinh nghiệm, các hoạt động nghiên cứu thực tế để giúp cán bộ, đoàn viên có thêm kiến thức thực tiễn phục vụ tốt cho công tác phục vụ, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, cần tham mưu tổ chức hoạt động “về nguồn” tới các địa chỉ đỏ, các di tích lịch sử, văn hóa gắn với tên tuổi của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng và các chiến công hiển hách của quân đội và nhân dân ta để từ đó đoàn viên nhận thức và hiểu rõ hơn về truyền thống dân tộc. Trên cơ sở đó, các đoàn viên là giảng viên có thêm tư liệu, kiến thức vận dụng, lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống vào các tiết giảng, bài giảng đảm bảo đúng mục đích, định hướng của Đảng, của Đoàn.

Nội dung hoạt động giáo dục, Chi đoàn cần gắn vào các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể như: Giáo dục phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là lòng yêu nước; giáo dục các tấm gương thanh niên trong lịch sử và hiện tại; tuyên truyền, giáo dục các Nghị quyết mới của Đảng gắn với thanh niên; các quy định của cơ quan, địa phương; các kỹ năng sống của thanh niên; đặc biệt là phẩm chất đạo đức, lối sống, nhận thức của thanh niên trước tác động của những luận điệu xuyên tạc, âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

  Hình thức, biện pháp giáo dục cần có sự mềm dẻo, linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa hình thức truyền thống (tọa đàm, diễn thuyết) với hình thức hiện đại (tổ chức các cuộc thi, chiếu phim, hoạt động thực tiễn); giữa tổ chức đoàn với các tổ chức khác trong nhà trường; xây dựng điển hình tiên tiến, thông qua biểu dương, khen thưởng những đoàn viên có nhiều cố gắng, nỗ lực trong rèn luyện, đóng góp vào sự phát triển của nhà Trường.

Hai là, phát huy tính tích cực, chủ động của đoàn viên trong tự bồi dưỡng về lý tưởng, năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, lối sống.

Mỗi đoàn viên phải luôn ý thức rõ nghĩa vụ trước Đảng, Nhà nước và cơ quan về quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của bản thân. Phải gương mẫu về đạo đức, lối sống, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, luôn nêu cao tinh thần “mình vì mọi người”, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với công việc của mình; lời nói luôn đi đôi với việc làm; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, luôn gần gũi mọi người, tôn trọng đồng nghiệp, thương yêu và tôn trọng nhân dân. Phải vừa có ý thức học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức để tham gia vào hoạt động thực tiễn theo chức trách và nhiệm vụ được giao.

Ba là, tăng cường công tác tham mưu, định hướng công tác tư tưởng đoàn viên, làm cơ sở để thực hiện tốt chức năng giáo dục thanh niên.

Ban Chấp hành Chi đoàn cần chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu về cơ chế, nội dung trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, trong chỉ đạo các hoạt động phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể để thực hiện tốt công tác thanh niên; đặc biệt, phải chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, đề xuất của từng đoàn viên để thông qua các cuộc họp, Ban Chấp hành Chi đoàn báo cáo về tình hình tư tưởng của đoàn viên cũng như báo cáo về tình hình hoạt động, các kiến nghị khó khăn, vướng mắc của chi đoàn, của đoàn viên để từ đó được Đảng ủy, Ban Giám hiệu định hướng, chỉ đạo và tạo các điều kiện thuận lợi nhất để chi đoàn hoạt động ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Chi đoàn cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nêu gương người tốt việc tốt, nhất là với những đoàn viên có công trong phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên về vai trò, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình để tự giác, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện trong sinh hoạt chi đoàn; kiên quyết lên án và tham mưu cấp uỷ Đảng xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với những cán bộ, đoàn viên vi phạm kỷ luật, hoặc có biểu hiện sa đọa về đạo đức, lối sống, tham nhũng.

Tóm lại, để Chi đoàn ngày càng lớn mạnh và phát triển, mỗi đoàn niên cần ra sức học tập, lao động, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, có lý tưởng sống cao đẹp, nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, Tổ quốc và nhân dân, lắng nghe nhân dân và đặt lợi ích của cách mạng, của đất nước, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thanh niên là rường cột của nước nhà” và “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Tài liệu tham khảo

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 612;

[2] Sđd, tập 12, tr.18;

[3] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr.285;

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 272;

[5] Báo cáo kết quả hoạt động Chi đoàn Trường Chính trị Tôn Đức Thắng năm 2024.

[6] Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030.

 

các tin khác