04:16 16/05/2017
Quyền con người, quyền công dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyền con người, quyền công dân được Nhà nước thừa nhận như một quyền tự nhiên của cá nhân, công dân. Do đó, Nhà nước luôn tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trong thực tiễn. Vấn đề này đã được khẳng định mạnh mẽ tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “ Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Quyền con người là thiêng liêng, được ghi nhận trong Chương 2 của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, con người có nhiều quyền, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước tôn trọng và bảo hộ. Điều 24 Hiến pháp 2013 khẳng định: “ Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đây chính là sự tuyên ngôn của Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người. Tuyên ngôn này chỉ có thể được thể hiện trong thực tiễn khi Nhà nước đảm bảo điều kiện: cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người bằng một luật thực định. Việc này xuất phát từ vai trò truyền thống của luật là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và hơn nữa là từ sự tôn trọng, đề cao quyền con người của Nhà nước ta, bởi tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp 2013, Nhà nước khẳng định: quyền con người – trong đó có quyền tự do tin ngưỡng, tôn giáo – chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời sẽ đáp ứng được các yêu cầu trên đây. Do đó, Ngày 18/11/2016, Quốc hội đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 01/01/2018. Luật có 9 chương, 68 điều.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã làm rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức tôn giáo, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới, quan trọng thiết nghĩ cần được nghiên cứu, làm rõ.
* Trước hết là các khái niệm có liên quan. (Điều 2)
Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Hoạt động tín ngưỡng bao gồm các hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Tôn giáo được hiểu là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Theo đó, tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tôn giáo đó thừa nhận.
Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo.
Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức. Chức việc là người được tổ chức tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức.
* Trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người được Luật quy định như thế nào?
Tại Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trách nhiệm của Nhà nước được ghi rõ: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ các gia trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cở sở tín ngưỡng, tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Quy định này đã cụ thể hóa chính sách nhất quán của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam : tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và nó đã tạo được điều kiện để niềm tin và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tồn tại và phát triển.
* Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được Luật cụ thể hóa như thế nào?
Tại Điều 6 của Luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người đã được ghi nhận cụ thể: mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, thực hành lễ nghi, tham gia lễ hội, học tập và thực hành giáo lý, giáo luật; có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tập tại cơ sở tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. Người đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo ghi nhận trên đây của Luật, mọi người không phân biệt thành phần, địa vị trong xã hội đều có quyền bày tỏ và thực hành niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo thông qua thực hành lễ nghi, tham gia lễ hội, thực hành giáo lý, tu tập tại cơ sở tôn giáo (không cần phải xin phép). Đặc biệt những người vi phạm pháp luật đang chấp hành hình phạt tù, ở trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cở sở cai nghiện bắt buộc cũng được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Chính phủ.
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được thể hiện trong thực tiễn và thực hiện phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng xã hội, Luật nghiêm các các hành vi sau: (Đ 5)
Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản, xúc phạm danh dự, nhân phẩm con người, chia rẽ dân tôc, chia rẽ tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi. Những quy định cấm này của Luật là cần thiết để đảm bảo thực thi một quyền thiêng liêng, Hiến định của con người: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
* Đăng ký hoạt động tín ngưỡng, thông báo lễ hội tín ngưỡng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo; công nhận tổ chức tôn giáo.
Để đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được diễn ra trong trật tự chung, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã dành 3 chương, 21 điều quy định về các vấn đề này.
Đăng ký hoạt động tín ngưỡng. (Đ 12)
Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký với chính quyền địa phương (trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ họ). Theo đó, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải gởi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động (trừ trường hợp tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu phải gởi văn bản đăng ký đến UBND cấp tỉnh nơi tổ chức lễ hội tín ngưỡng). Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ, UBND cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Nếu từ chối đăng ký thì phải nêu rõ lý do.
Tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ. (Đ 13)
Theo quy định của Luật, việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng chỉ phải thông báo bằng văn bản về việc tổ chức lễ hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức lễ hội đến UBND cấp xã nếu lễ hội có quy mô tổ chức trong một xã, đến UBND huyện nếu tổ chức trong nhiều xã, đến UBND tỉnh nếu tổ chức lễ hội có quy mô nhiều huyện trong một tỉnh. UBND cấp có thẩm quyền phải tiếp nhận thông báo và bảo đảm việc tổ chức lễ hội theo nội dung thông báo.
Lưu ý: Việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ tại cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng thực hiện theo pháp luật về di sản văn hóa. Đối với việc tổ chức lễ hội lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ có thay đổi về quy mô, nội dung, thời gian, địa điểm, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gởi văn bản đăng ký đến UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ. Trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.
Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Để đảm bảo quyền tự do tôn giáo trong đó có quyền sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, Luật tín ngưỡng, tôn giáo ghi nhận các tín đồ tôn giáo có quyền đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo những điều kiện được quy định tại Điều 16 của Luật. Theo đó, có ba chủ thể được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Một là tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt cho tín đồ ở những nơi chưa có điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc. Hai là tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho những người thuộc tổ chức. Ba là những người theo tôn giáo tự cử người đại diện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung ở một địa điểm cụ thể. Các chủ thể này gởi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung đến UBND cấp xã nơi có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, UBND cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Nếu từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.
Đăng ký hoạt động tôn giáo. (Đ 18,19)
Theo quy định của Luật, một tổ chức có đủ điều kiện có thể đăng ký hoạt động tôn giáo. Tổ chức gởi hồ sơ đăng ký hoạt động tôn giáo đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nếu đăng ký hoạt động tôn giáo trong một tỉnh, gởi đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương nếu đăng ký hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho tổ chức.
Công nhận tổ chức tôn giáo. (Đ 21,22)
Theo Luật, một tổ chức sẽ được công nhận là tổ chức tôn giáo khi tổ chức đó đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, hoạt động ổn định 5 năm liên tục trở lên kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, có hiến chương theo quy định của Luật, có người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có cơ cấu tổ chức theo hiến chương, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác, nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Tổ chức có đủ điều kiện nêu trên có thể gởi hồ sơ đến cơ quan nhà nước, đề nghị công nhận tổ chức tôn giáo. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp tỉnh quyết định công nhận tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động trong một tỉnh; cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương quyết định công nhận tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh. Trường hợp không công nhận, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nêu rõ lí do. Tổ chức tôn giáo trở thành một pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Trên đây là những nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể nói Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời thể hiện một bước tiến rất lớn trong tiến trình thực hiện chính sách nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: luôn công nhận, tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người./.
Ths.Nguyễn Hồng Hoai - Khoa NN - PL