Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vận động trí thức tham gia xây dựng đất nước

08:32 02/10/2017

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Trí thức là những người có sức sáng tạo, có đầu óc khái quát và phát triển tư duy trừu tượng. Những vấn đề trí thức quan tâm thường có giá trị chung đối với sự phát triển của cộng đồng xã hội, của đất nước, thậm chí của cả nhân loại. Đội ngũ trí thức  luôn quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng, của khoa học với tinh thần tâm trạng yêu nghề.

Bản chất của người trí thức là sáng tạo tri thức mới, cũng chính vì vậy mà họ luôn có thói quen phản hiện. Qua vai trò phản biện, giới trí thức đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển của đất nước.

Đội ngũ trí thức luôn có sự tự ý thức, phê bình thực trạng của xã hội; qua đó đã góp phần giúp xã hội đổi mới và tiến bộ hơn, và như vậy trí thức đẫ trở thành một lực lượng nòng cốt của xã hội, kiến tạo nên một sức sống trên bước đường phát triển của quốc gia, dân tộc mà ông cha ta đã từng đánh giá rất cao về vai trò của lực lượng trí thức: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia ", quốc gia thịnh suy là do việc sử dụng hiền tài có đúng mức hay không.

Việt Nam, đội ngũ trí thức chủ yếu xuất thân là con em nông dân, công nhân, hoặc được hình thành trong quá trình trí thức hoá giai cấp công nhân và nông dân, chỉ có một số rất ít trong số trí thức được thừa hưởng truyền thống của các gia đình trí thức lâu đời. Đây là một đặc điểm riêng của đội ngũ trí thức Việt Nam so với giới trí thức của nhiều nước trên thế giới. Nhìn chung. Đặc điểm đó đã tạo cho giới trí thức nước ta có ý thức gắn bó sâu sắc với nhân dân lao động, cảm thông, chia sẻ với người lao động và với hoàn cảnh khó khăn của đất nước. Từ đó họ luôn thiết tha mong muốn góp phần xây dựng nước ta thành một quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có thể sánh vai với các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Đội ngũ trí thức của Việt Nam hiện nay khá lớn. Theo số liệu thống kê, nước ta có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm 4,5% lực lượng lao động, trong đó có 18.000 thạc sỹ, 16.000 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học, hơn 6.000 giáo sư và phó giáo sư. Với số lượng hùng hậu trên, nhưng đội ngũ trí thức nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của ta về phương pháp tư duy sáng tạo, năng lực tổ chức, điều hành công việc, trình độ ngoại ngữ, mối quan hệ hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài chưa cao. Đây chính là những hạn chế sẽ cản trở quá trình hội nhập của trí thức nói riêng và của đất nước nói chung.

Hiện cả nước có khoảng 400.000 trí thức được tập hợp trong tổ chức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có trên 200 trí thức tiêu biểu của Hội đồng Trung ương Hội gồm những nhà khoa học ưu tú đầy nhiệt huyết. Trong thời gian qua đã có những ý kiến, chuyên đề, dự án quan trọng đề xuất với Đảng và nhà nước. Nhiều chuyên đề, dự án đã trở thành hiện thực góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bên cạnh lực lượng trí thức trong nước, chúng ta cũng có trên 300.000 trí thức Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài với không ít các chuyên gia cao cấp thuộc nhiều ngành khoa học mũi nhọn khác nhau. Họ là nguồn lực quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, đặc biệt khi đất nước ta tham gia hội nhập quốc tế.

Nhìn chung, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt từ khi đổi mới đến nay, đội ngũ trí thức trẻ đã phát triển từ các nguồn đào tạo phong phú hơn, tiếp nhận được những tri thức, kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển ở các khu vực trên thế giới. Đây là bộ phận trí thức năng động, có khả năng cập nhật các vấn đề hiện đại về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, có khả năng lớn trong việc phát triển các mối quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Phát huy vai trò của trí thức vào công cuộc CNH,HĐH đất nứơc hiện nay; nhất là để chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng khoa học, công nghệ 4.0, thì công tác tập hợp, vận động trí trức là nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để cuộc vận động nhân sĩ trí thức đạt hiệu quả cao theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức, thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cần quan tâm thực hiện các vấn đề sau:

1. Tham mưu với các cấp uỷ Đảng trong việc đề ra chủ trương, nghị quyết về nâng cao chất lượng công tác vận đông trí thức.

Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí của trí thức cũng như của công tác vận động trí thức có ý nghĩa quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Do đó Đảng phải có chủ trương, nghị quyết để cho toàn xã hội mà trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu đúng về vai trò của trí thức; mặt khác, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với đất nước, với chế độ. Cán bộ, đảng viên, các cơ quan, tổ chức của Đảng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá, uốn nắn kịp thời những sai sót, hạn chế trong việc đề ra và thực hiện các chính sách, chế độ đối với trí thức, đồng thời xây dựng và thực hiện cơ chế bảo đảm quyền và trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong góp ý kiến xây dựng, phản biện các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội.

2. Phối hợp với Chính quyền, các Đoàn thể nhân dân và các tổ chức Hội xây dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức.

Xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo, các chế độ đãi ngộ thích đáng đối với trí thức, để đội ngũ này được thuận lợi tham gia hoạt động cống hiến. Việc xây dựng môi trường cần tập trung quan tâm đến môi trường chính sách, cơ chế thuận lợi để phát huy năng lực chuyên môn, khoa học của các chuyên gia, các nhà khoa học và công nghệ trình độ cao, những tài năng lớn trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Mặt trận Tổ quốc phải tích cực phản biện xã hội với Nhà nước về việc đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng những khu công nghệ, các trường đại học trọng điểm, các cơ sở phục vụ nghiên cứu và thực nghiệm, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế, mở ra nhiều khả năng cho đội ngũ trí thức học tập, nâng cao trình độ và cống hiến.

3. Kêu gọi trí thức trong và ngoài nước tích cực đầu tư kiến tạo đất nước.

Thông qua các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Có chương trình kế hoạch hoạt động, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút nhân tài. Kiến nghị chính quyền địa phương ban hành hành chính sách thu hút trí thức trên cơ sở Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách khác của Đảng, nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, về quyền lợi vật chất và tinh thần, đáp ứng những yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ để họ có thể phát huy tài năng, nghiệp vụ đóng góp cho quê hương.

4. Phản biện xã hội đối với lãnh vực đào tạo, bồi dưỡng, cải cách giáo dục.

Qua vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc giúp các cơ sở đào tạo, giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo; nhất là đào tạo đại học và sau đại học. Giám sát việc đổi mới cơ chế quản lý, vận hành các trường đại học, các viện nghiên cứu; thực hiện tốt việc đưa sinh viên có triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài; bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ theo hướng xã hội hoá. Tổ chức các cuộc vận động lớn để huy động các nguồn lực xã hội tham gia bồi dưỡng, đào tạo lại để đội ngũ trí thức đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

5. Củng cố và phát triển các hội trí thức, nâng cao vai trò của các tổ chức này.

Với vai trò là tổ chức “liên hiệp tự nguyện các tổ chức thành viên” Mặt trận Tổ quốc cần củng cố thắt chặt khối liên minh trong việc tập hợp, đoàn kết các Hội trí thức, góp phần phát huy năng lực chuyên môn, khoa học, nâng cao và cập nhật tri thức, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức. Tạo điều kiện và cơ chế để các hội trí thức thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đội ngũ trí thức là lực lượng quyết định trong sáng tạo, truyền bá tri thức, có vai trò vô cùng to lớn trong việc sáng tạo ra những giá trị tinh thần cũng như vật chất của nhân loại. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết và đông thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong công tác vận động trí thức hiện nay nhăm khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức càng trở nên to lớn và quan trọng hơn. Đó cũng là một trong những điều kiện bảo đảm cho sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế của chúng ta./.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 27 - NQ/T.Ư "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"  do Hội nghị BCH Trung ương Ðảng lần thứ 7 

2. Kết luận số 90-KL/TW  của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"

3. Nghị quyết số 36-NQ/TRUNG ƯƠNG của Bộ Chính trị, khoa IX về công tác đối với người Việt nam ở nước ngoài.

4. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII.

5.Tổng quan về đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay của  Tiến sĩ Lê Công Lương - Chánh VP Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam

Trần Vũ Minh

Khoa Dân Vận

Responsive image
 

 

các tin khác